5
Ba năm sau. Ba năm trôi qua từ ngày bà Ba nhận bồng bế bé Hạnh và chăm sóc cho nó. Ngã ba ông Tạ, theo thời gian, cũng có nhiều thay đổi.
Huệ, cô con gái lớn của chú Năm nhà in đã được 18 tuổi rồi. Cô vừa ở Đàlạt xuống. Ngót ba năm nay Huệ được chú Năm gửi lên học nghề may với bà cô trên Đàlạt. Hôm nay Huệ mới về nhà, vì chú Năm cho rằng Huệ cũng đã lớn rồi.
Trên xe tắc xi bước xuống, Huệ không khỏi ngơ ngác nhìn ngã ba ông Tạ, với những cửa hiệu, những căn phố lầu mọc lên san sát. Nhiều ngôi nhà quen thuộc khi xưa cũng đã biến dạng đi chỉ còn nhận được có cái mái cũ. Giữa sự thay đổi hỗn tạp ấy, Huệ chợt nhớ đến Bình và tự hỏi : "không biết hắn có còn ở đây nữa không !" Huệ trực nhớ đến Bình, đến Thảo, vì cô vẫn chưa quên được mối hận xưa ! Cô bĩu môi tỏ ý miệt thị, thầm nghĩ : "Xí cái thằng chạy xe ngựa, với con đi giặt mướn ai mà thèm chơi !" Huệ tự cho mình sau thời gian xa cách, đã trở nên một cô gái khác, cách biệt lớp người bạn cũ.
Qua ngôi nhà của cụ Lâm khi xưa, Huệ ngạc nhiên ngừng lại. Mặt trước nhà đã được sửa thành cửa hàng có tủ kính, với tấm bảng hiệu đề rõ :
SẢN XUẤT CÁC THỨ ĐỒ CHƠI
Tò mò Huệ đứng dán mũi nhìn vào tủ kính. Ông Cả tưởng khách nào lạ, bước ra và thấy Huệ :
- Kìa Huệ ! Cháu mới về đấy à ?
Huệ vội sửa lại dáng điệu, đáp :
- Dạ thưa bác Cả, cháu mới về tới.
Ông Cả ngắm Huệ, gật gù :
- Chà, chóng nhớn thật. Mới ngày nào, mà bây giờ cháu đã thành một cô thiếu nữ rồi.
- Dạ.
- Lại mặc áo dài, và uốn tóc ngắn nữa hả !
Huệ cúi nhìn xuống đất e dè đáp :
- Dạ.
Ông Cả như bực mình về lối dạ nhịp của Huệ, nhún vai toan quay vào.
- Thôi, hôm khác rảnh, ghé chơi nghe cháu.
Huệ ngập ngừng hỏi :
- Thưa bác, còn anh Bình, vẫn ở đây chớ ?
- Còn chớ. Hắn là quản lý của bác mà.
Giữa lúc ấy, một bé gái kháu khỉnh khoảng năm tuổi bước ra nắm tay ông Cả :
- Ba vô xơi cơm, Má dọn xong rồi.
Huệ ngạc nhiên và toan cất tiếng thì em bé đã kéo ông Cả lôi vào. Huệ đành bỏ đi, lững thững trở về nhà, thầm nghĩ : Té ra Bình bây giờ đã khá rồi, có góp phần trong công việc làm ăn với ông Cả, đứng trông nom quán xuyến một xưởng sản xuất đồ chơi nữa !
*
* *
Những thắc mắc về Bình làm Huệ chỉ mong đến giờ em gái đi học về để hỏi cho rõ ràng hơn.
Buổi chiều, Hòa ở trường về gặp chị đã ngẩn người ra nhìn. Ba năm xa cách, Hòa đâm ra rụt rè trước vẻ tân thời của chị. Mái tóc cắt ngắn, lượt phấn mỏng trên mặt, và màu thuốc hồng trên ngón tay Huệ đã làm cho Hòa mơ hồ cảm thấy có sự cách biệt giữa hai chị em. Câu chuyện hàn huyên giữa Huệ với em không ngoài sự khoe khoang những hiểu biết về thời trang. Dĩ nhiên Huệ phải rành vì đó là trong phạm vi nghề nghiệp. Huệ học nghề may và có dịp tiếp xúc với nhiều thiếu nữ ưa chưng diện.
Hòa hỏi chị :
- Chị về ở nhà luôn chớ ?
- Thì ba má kêu tao về mà. Nhưng chắc tao không ở nhà lâu đâu.
- Bộ chị tính lên lại Đàlạt ?
- Không. Tao sẽ xin đi học đánh máy và anh văn...
- Để chi vậy ?
- Để làm việc bàn giấy. Biết đâu tao chẳng xin được một chân thư ký ở sở Mỹ nào đó!
Hòa ré lên cười :
- Chị mà làm thư ký ?
Huệ lừ mắt nhìn em :
- Chứ sao !
- Kỳ quá.
- Cái gì mà kỳ ? Bộ tao không làm thư ký được sao ?
Thấy chị gay gắt Hòa không dám nói thẳng ý nghĩ của mình, nhưng rất hồ nghi về học lực của chị. Hồi xưa, Huệ chưa học tới lớp Đệ Thất, thì đã bỏ dở. Hòa nói lảng đi :
- Em nói kỳ là tại ba má cho chị lên Đàlạt với cô để học nghề may chứ có cho chị đi học thư ký đâu.
- Nhưng tao không ưa làm thợ may. Cái nghề đó chán thấy mồ !
- A, cái đó còn tùy nơi ba nữa. Mới hôm qua ba có bàn với má mua cho chị cái máy khâu để làm vốn đó.
Huệ chỉ muốn táng cho em một cái. Nhưng Hòa cũng đã lớn rồi. Nó đã 14 tuổi, không thể vô cớ mà đánh nó được. Hơn nữa câu chuyện giữa hai chị em dù có làm Huệ phật ý, vẫn không phải lỗi tại Hòa. Cô đành dằn lòng hỏi sang chuyện khác :
- Hòa này, hồi sáng tao có đi ngang qua nhà ông Cả, thấy có mở cửa hiệu bán đồ chơi hả mày ?
Hòa vẫn còn nhớ vụ lộn xộn giữa Huệ với Bình nên lửng lơ đáp :
- Ừa.
- Có điều lạ là tao thấy nhà ông Cả có con bé con, không hiểu nó là con ai vậy ?
Hòa ngó lơ, đáp :
- Nhỏ đó của anh Bình...
Huệ đỏ bừng mặt, ấp úng hỏi :
- Hắn có vợ rồi à ?
- Chưa, nhưng ông Cả thì lấy bà Ba.
- Thế chắc con bé đó là con của ông Cả chứ sao mày lại bảo của anh Bình ?
- Hông phải nữa. Nó kìa nó vẫn sang chơi với em đó. Chị cứ hỏi nó thì biết.
Huệ nhìn ra quả thấy em bé bước vào. Nó chào Hòa :
- Chào chị Hòa. Chị mới đi học về.
Hòa cười :
- Chào chị Huệ nữa đi. Chị ấy là chị của chị đấy.
Em bé khoanh tay :
- Chào chị ạ !
Huệ kéo nó lại gần :
- Tên bé là gì ?
- Bé tên Hạnh.
- Hạnh con ai ?
- Con ba.
- Ba tên gì ?
- Tên là ông Cả.
- Chứ không phải tên Bình à ?
Bé Hạnh ngẫm nghĩ :
- Có.
- Nghĩa là bé có hai ba phải không ?
- Dạ.
- Ba Cả và ba Bình.
- Không, anh Bình chứ !
Hòa giải thích :
- Nó là con nuôi của hai người do anh Bình đem về.
Huệ thở dài :
- À !
Bé Hạnh khoe tiếp :
- Hạnh có cả má nữa. Một má thôi, nhưng mà to bằng hai má thường lận.
Hòa lại phải giải thích :
- Nó nói bà Ba đấy !
Huệ cười ròn :
- Má đó thì to con thật, bằng hai người là đúng lắm.
Thấy Huệ cười vui vẻ, bé Hạnh thêm lém lỉnh. Nó nhìn Huệ hỏi :
- Chị xức cái gì mà thơm thế ?
- Nước hoa. Em muốn bôi một xí không ?
- Có, nhưng bé sợ anh Bình không bằng lòng. Rồi đến chủ nhật không cho bé đi chơi sở Thú nữa.
Huệ vuốt ve mái tóc của bé Hạnh :
- Chắc Hạnh thương anh Bình lắm nhỉ ?
Hạnh gật đầu :
- Thương nhiều, thật nhiều...
Đột nhiên nó tuột khỏi vòng tay của Huệ, thản nhiên nói :
- Thôi Hạnh về đây. Chắc anh Bình cũng về rồi.
Nó ù té chạy ra, hấp tấp cũng như lúc mới vào. Huệ nhìn theo bé Hạnh bảo em :
- Con nhỏ dễ thương quá há mày !
Và cô chợt có ý nghĩ : "Giá có sẵn vải, cô sẽ may cho nó một cái áo thật xinh".
6
Tuy đã nhất quyết không gặp Thảo nữa song thỉnh thoảng có dịp Bình lại đạp xe qua tiệm giặt ủi, hy vọng thấy mặt Thảo. Nhưng chẳng những không gặp Thảo mà gần đây anh còn thấy mấy khuôn mặt lạ đứng ở cửa. Rồi một hôm tấm bảng hiệu cũ, có từ thời bà ngoại Thảo còn sống, được thay thế bằng tấm bảng mới. Bình hiểu ngay rằng Thảo và gia đình người chú đã dọn đi nơi khác. Từ đó anh hết còn hy vọng được nhìn lại cặp mắt đen mở rộng, suối tóc huyền của Thảo nữa. Để biết chắc chắn, anh vờ đem chiếc áo sơ-mi đến tiệm giặt mới nhờ ủi. Bà chủ tiệm cho Bình biết là ông chú của Thảo đã bán lại tiệm giặt cho bà để đi nơi khác làm ăn. Còn cô cháu gái thì không biết đi đâu. Bà thêm :
- Tôi có bảo cô em đó ở lại giúp tôi, nhưng cô từ chối, nói không muốn ở Ngã ba ông Tạ này nữa.
Bình thẫn thờ :
- Thế hả bà ! Thôi cảm ơn bà nhé.
Bình bước ra, lòng buồn tê tái, thầm trách : "Chỉ tại mình ! Phải chi hôm ở quê lên mình lại ngay cho Thảo biết thì hai đứa đã không giận nhau. Bây giờ gặp trường hợp này, Thảo đâm ra bơ vơ không nơi nương tựa, mình biết tìm Thảo ở đâu để an ủi bớt nỗi buồn khổ được ?"
Bình đi hỏi thăm lung tung nhưng không ai biết Thảo ở đâu, và cũng không ai gặp nữa.
Anh ra bãi đá bóng tìm Giang, nhưng Giang cũng không hay biết gì hơn. Bình thắc mắc :
- Tao tưởng mày biết, vì có một hôm tao thấy mầy với Thảo cùng chờ xe buýt lên phố.
Giang nhún vai đáp :
- Rồi sao ? Bữa đó hai đứa vô tình gặp cùng chuyến xe. Dọc đường Thảo không ngớt nói chuyện về mày. Nhưng sao mày nhìn tao kỳ cục vậy ?
Bình buồn bã lắc đầu :
- Bậy quá, thế mà tao cứ tưởng...
- Mày tưởng gì ?
- Thì mày cũng biết tính tao vụng về, lỗ mãng; hồi đó tao lại mắc kẹt vào việc của bé Hạnh, phải lo săn sóc cho nó...
- Cũng tại mày rắc rối chớ. Sao mày không đem bé Hạnh lại cho Thảo, có phải là êm thấm hơn không ?
- Tao chưa kịp nói với Thảo, thì con Huệ đã xía vô rồi. Nó làm tụi tao giận nhau và vì thế mà... Nhưng thôi mày có chịu giúp tao tìm Thảo không ?
- Được rồi, tao sẽ giúp mày. Mày đừng có rầu rầu cái mặt như thế nữa. Tao phải cố gắng tìm cho ra cô ta để khỏi mất một thằng bạn như mày.
Bình vỗ mạnh vai Giang :
- Mày cũng thật là một thằng bạn tốt đó Giang ạ.
Từ hôm đó, đôi bạn trước kia thân thiết nay càng thân thiết hơn. Mỗi chủ nhật, cả hai song song hai chiếc xe đạp rảo khắp phố phường, vào tận các hang cùng ngõ hẻm để tìm Thảo.
*
* *
Một buổi chiều gần ngày Tết Trung Thu, ông Cả và Bình đều vắng nhà, chỉ có mình Bé Hạnh ngồi chơi trông nhà thì Thảo tới. Cô dừng chân trước tủ kính ngắm nhìn các mẫu hàng bày bên trong. Thấy có bóng người, bé Hạnh ngửng lên, rồi bước ra chào :
- Chào cô ạ, cô muốn mua gì ?
Thảo lắc đầu :
- Chị đi qua đây, đứng lại xem một chút thôi.
Nàng vuốt má bé Hạnh mỉm cười :
- Em bằng lòng chứ ?
Bé Hạnh gật đầu :
- Dạ.
Giọng Thảo âm thầm như nói với chính mình :
- Trước kia, chị cũng có quen một người ở trong nhà này.
Bé Hạnh ngây thơ hỏi :
- Chị quen ai ?
Đôi gò má Thảo ửng hồng :
- Em biết anh Bình không ?
Bé Hạnh mở to đôi mắt.
- Biết chứ. Ảnh là anh của bé, và cưng bé lắm.
- Anh Bình vẫn ở đây à ?
- Dạ.
- Một mình thôi hay là…
- Với ba Cả và má của bé nữa.
Thảo nhắc bổng bé Hạnh lên hôn vào má nó, và dịu dàng nói :
- Em biết không, ba năm nay chị mới trở lại đây, và đã tưởng mọi sự đều thay đổi hết.
Hạnh không hiểu gì nên thản nhiên nói :
- Nếu chị quen anh Bình lần sau chị lại đây chơi nữa nhé.
- Để coi. Nhưng chắc chị không tới nữa.
Bé Hạnh dẩu môi không bằng lòng :
- Chị phải đến kia, không thôi bé ghét chị à.
Thảo đặt nó xuống :
- Chị quên hỏi tên em là gì nhỉ ?
- Hạnh. Còn chị tên gì ?
- Chị tên Thảo. Thôi chào Hạnh nhé, chị đi đây.
Thảo đẩy bé Hạnh vào trong nhà rồi rảo bước như chạy trốn. Nàng mỉm cười mà lòng buồn thấm thía. Được gặp bé Hạnh và biết Bình còn ở đây, Thảo thấy vui vui, nhưng nước mắt cũng muốn trào ra khi nhớ lại những kỷ niệm xưa, đến cụ Lâm và chiếc xe thổ mộ, đến những buổi rong chơi với Bình, cùng hương vị cây cà rem ngoài bãi đá bóng. Thảo rưng rưng thầm trách :
- Không hiểu sao mình còn lại đây làm gì nữa.
*
* *
Tối hôm ấy gia đình ông Cả dùng bữa cơm chiều một cách uể oải. Bà Ba có cãi vã với một mụ nào đó, còn tức tối ấm ức trong lòng. Ông Cả luôn luôn đặt tay lên mắt, với dáng điệu mệt mỏi, lo lắng. Bình thì sau một ngày vất vả cũng không có hứng để gợi chuyện với ai. Sự im lặng uể oải đó lây sang bé Hạnh, khiến nó ngáp dài buồn ngủ.
Sau khi bưng dọn mâm cơm, bà Ba giục Hạnh đi ngủ. Bình đứng lên bồng nó vào giường, Bé Hạnh lúc ấy như chợt nhớ ra, nói :
- Hồi chiều Hạnh mới làm quen với một cô xinh lắm.
Bình hỏi :
- Ai thế ?
- Một cô có tóc dài tới đây nè – bé Hạnh chỉ tay ra sau lưng làm dấu.
- Thế hả ?
- Dạ. Mà mềm thật là mềm. Bé có sờ vào tóc cô ấy nữa.
Bình cười, vuốt má bé Hạnh :
- Thôi ngủ đi cô, tán xạo hoài !
Bé Hạnh lim dim ngủ, vẫn còn tiếp thêm :
- Cô ấy bảo có quen với anh Bình nữa.
Một ý nghĩ thoáng hiện làm Bình thảng thốt cúi xuống :
- Bé có hỏi tên cô ấy là gì không ?
- Có, mà bé quên mất rồi !
- Phải tên Thảo không ?
- Thảo ? À phải, tên cô ấy là Thảo.
Bà Ba bước vào, thấy bé Hạnh đã ngủ. Bà gạt Bình ra, đưa tay lên môi :
- Xuỵt ! Để cho nó ngủ.
Bình đứng lên. Té ra Thảo có đến ? Anh muốn hỏi lại bé Hạnh cho rõ thực hư nhưng ngại bà Ba cự nự nên bước thẳng ra cửa. Bên ngoài, khí đêm lành lạnh bao trùm lấy Bình. Lòng anh nao nức nỗi vui mừng khôn tả. Thảo đã tới ! Thảo đã thấy cửa tiệm của Bình và chắc Thảo cũng mừng cho Bình hiện đang sống trong hoàn cảnh khả quan. Nhưng nỗi vui của Bình tiêu tan dần khi anh tự hỏi : Liệu Thảo có quay trở lại nữa chăng ? Hay nàng chỉ tò mò qua thăm xóm cũ ? Anh nắm chặt tay lẩm bẩm :
- Nhất định mình phải tìm gặp Thảo cho bằng được !
Trở vào phòng Bình nhìn thật lâu bức hình của Thảo, và thận trọng tẩy sạch vết chì mà trước đây anh đã vạch chéo lên trên.
Lúc anh sắp tắt đèn đi ngủ, thì ông Cả bước vào. Thấy nét mặt phờ phạc của ông, Bình hỏi :
- Bác sao thế ? Đau à ?
- Không, nhưng tao hơi lo.
Bình kéo ông ngồi xuống mép giường :
- Bác lo điều gì ?
- Bác sợ hai mắt của bác sắp bị lòa.
- Trời đất !
Giọng hoảng hốt của Bình làm ông Cả xúc động. Ông nắm lấy tay Bình :
- Ít lâu nay bác thấy mắt bác kém hẳn đi, không phân biệt nổi màu sắc nữa. Đến nỗi bé Hạnh thỉnh thoảng phải nhắc chừng cho bác nữa. Bác có đi thăm bác sĩ và họ bảo mắt bác có màng.
- Màng mộng ở mắt có thể chữa được mà bác. Hình như bây giờ người ta có cách cắt bỏ đi.
- Phải, họ cũng có bảo thế, nhưng phải chờ cho khi mắt lòa đi, mới cắt được.
Hiểu rõ tình trạng, Bình lo lắng nhìn ông Cả. Ông rầu rĩ tiếp :
- Cháu coi, bác bây giờ sắp trở nên vô dụng. Rồi đây, bác làm sao tiếp tục công việc được.
Bình sốt sắng nói :
- Chừng ấy cháu sẽ lo, sẽ cáng đáng thay bác. Bác cứ yên tâm. Lâu nay phụ việc với bác, cháu cũng đã quen công việc rồi.
- Đành thế cháu ạ, nhưng cái khéo léo là do trời ban cho. Cháu giúp bác các việc lặt vặt như sơn phét, cưa đục, ráp nối được thôi, chứ chế tạo ra một món đồ phải do chính tay bác mới được.
Lời ông Cả nói thật hợp lý mà Bình cũng hiểu như vậy, nhưng anh hăng hái nhận lấy trách nhiệm vì lòng kính mến ông Cả, với tất cả sự can trường của tuổi trẻ. Anh cả quyết:
- Cháu sẽ cố gắng. Bác đừng lo chi hết. Cứ yên tâm ngủ đi.
Ông Cả đứng lên, nhếch một nụ cười :
- Ừ, bác đi ngủ đây. Cám ơn cháu nhiều lắm.
Tuy vậy, đêm ấy cả hai bác cháu đều trằn trọc thâu đêm.
________________________________________________________________
tiếp Chương 7 - 8
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét