Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Tim Mật - LINH HƯƠNG

Trầm đứng dưới cây khuynh diệp lá dài dài, nhọn nhọn, mấy chú ong cứ xập xòe đáp trên những đóa hoa sứ vàng nhụy bên cạnh rồi bay lên cao, từng đôi, ồn ào dễ thương. Một vài cánh hoa úa bị động mạnh lả tả rơi xuống đất. Trời thu xám buổi sáng. Trầm thoang thoáng nhớ chiếc mền đắp ấm và quyển truyện thật dầy. Tuyệt quá chứ! Nhưng xấp bài còn nặng trên tay, để khi cây kim dài dừng ở số 12, Trầm đã nghiêm trang ngồi trước trang giấy trắng tinh và đề thi được phát dần đến. Bóng Nga thấp thoáng ở “ngã tư”, khuất một chút sau phòng Học Vụ rồi lại ló ra, thấy Trầm, đôi má nhỏ căng ra rồi liến láu:

- Học xong chưa, bài ít mà khó ghê.

Cái giọng Trầm hay lưng chừng làm sao ấy:

- Ừ xong, mà Trầm chẳng biết sao…

Vừa nói 2 đứa vừa tiến đến trước phòng thi, gió lay lắt những tàn cây trứng cá thấp trước cửa Câu Lạc Bộ. Một bên vẫn còn thấy được thùng kem với đường viền đỏ đỏ. Trầm thích ăn đậu xanh, có mấy hạt đậu lấm tấm trên đầu cây và những sợi khói lạnh tỏa lên ngon lắm kia. Ngọc khác, Ngọc khoái ăn kem sữa có phủ một lớp chocolat mà có khi Ngọc than lạnh bụng chả chịu ăn nữa cơ. Trầm phải năn nỉ mãi, đòi vứt cây đậu xanh trở lại, Ngọc mới hoảng hốt cầm đại. Nghĩ Trầm cũng độc tài ghê hở, người ta chưa ăn lót lòng, Trầm bắt thế mà Ngọc cũng nghe và Trầm hứa thầm sẽ bắt đền Ngọc mấy cái bánh nhân dừa thật ngon. Trầm cũng nhớ cái cười cúi xuống ngường ngượng khi Trầm chạy ào vào lớp Ngọc, vẫn còn đông người vì mới hết giờ, trao cho cái gói giấy vuông vức. Trầm nao nức đứng chờ, Ngọc chỉ ngẩng lên một chút rồi tiếp tục xếp tập:

- Bánh hả?

Cái giọng nói “phũ phàng” làm sao. Trầm tức ghê quá, vừa tức vừa tủi thân. Trầm ôm cặp đi ra một nước ; nước mắt lăn ra và để lại một đường lành lạnh khi có gió thổi qua. Có tiếng chân vội vàng sau lưng, Trầm chẳng thèm nhìn lại. Bàn tay ai níu vai Trầm:

- Cho Ngọc xin lỗi mà. Trầm hay khóc quá.

Trầm ngừng lại nhưng vẫn bướng bỉnh nhìn ra trước. Ngọc tiếp:

- Nầy nha, bánh có nước mắt Trầm làm sao Ngọc ăn vô.

Trầm vẫn không nói. Ngọc đứng yên một lúc lâu ; Trầm phải mở miệng:

- Ai biểu Ngọc hỏi gì kỳ chi.

Ngọc cười rất dễ thương:

- Vậy là hết giận hén, cái bánh nầy của Ngọc phải không?

Trầm gật đầu rồi tiếp:

- Tại hồi nãy Ngọc la lạnh bụng đó.

Hai cái răng quá đỗi xinh lại hé ra trên chiếc miệng tươi.

Cái cười vẫn còn đó, phảng phất trên những vòm cây, lướt thướt trên vùng trời xám, mà Ngọc ơi, xa mãi ở nơi nào.

Tiếng Nga dòn dã:

- Còn năm phút nữa, thôi mình vào phòng nhe Trầm, làm bài giỏi nghe bạn.

Trầm cười nhẹ, nhìn đôi mắt rực rỡ của cô bé:

- Nga, may mắn nhe.

Chợt Nga quay lại, bờ môi tuôn ra một tràng xuýt xoa:

- Trời ơi, suýt nữa Nga quên, hồi nãy đến trường, Nga gặp Ngọc giữa đường, Ngọc nhờ Nga nói với Trầm: Thi ra chờ Ngọc trước phòng Sinh Động, nhé.

Một cái gì siết chặt tim và dâng lên ngào ngạt trong lòng, làm Trầm sững người. Phải Ngọc của Trầm đó không. Hay ai khác, hay ai giả vờ với Trầm, ai đùa Trầm. Một năm rồi mà, mất tăm, mất bóng, Ngọc biến đi như làn khói, hững hờ như một cánh chim. Trầm vẫn ở đây, vẫn thấp thỏm chờ tiếng cánh vỗ, phập phồng mong gió đưa khói qua.

Có tiếng bước dồn dập trên hành lang và giọng nói anh Vĩnh vang nhẹ sau lưng Trầm, chờ gọi tên vào phòng:

- Ngọc chờ Trầm sau giờ thi đó, biết không.

Biết, Trầm biết rồi. Một cái gì vỡ bờ hàn kín đôi môi, ngập tràn trong mắt. Trầm không nói nổi chỉ đưa mắt cám ơn anh Vĩnh. Đôi mắt anh Vĩnh trong vắt, như đọc được ý nghĩ của Trầm. Anh Vĩnh biết Trầm, biết Ngọc. Anh Vĩnh thương mình nhiều lắm. Anh vẫn mong Trầm được sung sướng, được an ủi và anh cũng thương Ngọc, như rất thương Trầm. Ngọc có nói gì với anh khi Ngọc đi, và anh giấu Trầm. Anh mong rằng trong nỗi băn khoăn Trầm sẽ ít buồn hơn nếu biết đích xác một điều gì đó. Anh Vĩnh muốn Trầm mãi mãi vui thỏa. Còn Ngọc, Ngọc có muốn Trầm được như thế không?

*

Cầm tờ giấy bài thi Trầm nộp, anh Nguyên cười cười:

- Cô Trầm ra sớm thế.

Trầm nhìn đồng hồ:

- Có mười lăm phút mà anh.

Anh Nguyên chơm chớp mắt như: Biết Trầm rồi, giấu mãi. Trầm đâm ra bẽn lẽn, lấy tập, chào anh rồi bước nhanh ra cửa. Mưa dịu dàng, rơi êm trên tóc, trên vở. Trầm vừa đi vừa hát nho nhỏ, và vuốt đầu những khóm hoa bên đường. Trầm đang vui, quý vị biết không? Có tiếng “biết” ranh mãnh trả lời thoáng qua tai, Trầm giật mình đứng lại. Hôm nay cây cỏ cũng biết nói sao cơ. Không, không gì cả, tường vôi im phăng phắc, hàng cây đứng nghiêm chỉnh. Tiếng biết vừa vang trong gió như vọng lại từ một cõi mông mênh đầm ấm nào.

Khung kiếng trước phòng Trầm đi ngang chi chít những tờ Thông Cáo và nhớ sao nhớ lần Ngọc và Trầm đứng cãi nhau ỏm tỏi, ừ, mà chỉ có Trầm cãi nhiều thôi, lần mình xem kết quả, Trầm cố thắng Ngọc là nhờ học chung với Trầm nên chứng chỉ nầy Ngọc đứng hạng cao còn cái kia không học chung nên Ngọc hạng thấp, Ngọc chống chế một hồi rồi mủm mỉm cười hoài làm Trầm tức:

- Sao Ngọc cười?

Ngọc luống cuống, hay như thế mỗi khi mặt Trầm bừng đỏ:

- Ừ, thì Trầm đúng quá, Ngọc nghĩ, sao Trầm để ý quá.

Ngọc cười. Lần đó anh Vĩnh đứng sau mà hai đứa không hay, và suýt bị cú đầu nếu không ngừng cãi kịp.

Trầm cũng nhớ lần đi TP bắt gặp Ngọc làm hộ bộ xương Bọ cho Tú Anh, Trầm buồn mất mấy bữa. Ừ, Tú Anh là em anh Vĩnh, anh Vĩnh là anh họ của Ngọc, Ngọc làm thế phải rồi. Nhớ viền mi nhung đen rạng rỡ, đôi môi mọng Tú Anh lúc cầm chiếc hộp, Trầm khổ quá đi mất. Trầm bỏ ăn mấy bữa và Trầm ốm, không, Trầm không bệnh, Trầm chỉ nằm đó, trong chiếc giường sắt, và không biết gì cả, không muốn nghĩ gì cả.

Một tuần lễ trôi qua, nhỏ Nga lon ton đến, hắn xin phép Má Trầm vào thăm. Sau một hồi thăm hỏi, nhỏ để lên gối Trầm mảnh giấy xếp tư rồi lẳng lặng ra về. Trầm để tờ giấy yên đó, ngắm nghía hồi lâu, nó định bay xuống đất, Trầm mới chộp lấy:

“Trầm ơi, Ngọc nhớ Trầm, Trầm trẻ con quá.”

Mỗi chữ T tên Trầm, khuỷu chữ T co cao, kiêu hãnh mà bụng chữ T đầy những vòng tròn tòn teng lên nhau bối rối sao chứ.

Một chút, lòng Trầm lắng xuống, con bé bắt đầu vẩn vơ. Ai nói với Ngọc, làm sao Ngọc biết Trầm. Ngọc giả dối lắm.

Rồi Trầm đi học, lòng Trầm vẫn man mác. Buổi TP thứ năm Trầm thay chỗ với Nghi Xuân. Trầm sẽ đi thứ ba, mãi mãi.

Giờ cours vẫn phải đi học, một tuần sau cái thư, khung kính lớp học đầy người là người. Trầm lại đi trễ. Một bóng người chạy ra, Ngọc, Ngọc nói khẽ:

- Trầm vào đi.

Trầm nhíu mày, khó khăn:

- Cám ơn, Trầm đứng đây được.

Ngọc lặng người, từ từ Trầm rút khỏi đám đông và quay lưng lủi thủi đi. Không có tiếng chân bước theo, chỉ có lá rơi lác đác, buồn bã. Thứ ba, đi TP Trầm mặc lại chiếc áo tím. Trầm nhớ như in ngày rằm Xá Tội Vong Nhân, Ngọc đứng bên Trầm trong chánh điện uy nghi của ngôi chùa nhỏ. Không lạy Phật được, chờ Trầm lạy xong và cúng tiền cho người ta – làm lễ cho Ba, Ngọc đến sát bên Trầm, trong mùi hương thoang thoảng và đám đông người cúng kiến, hàm răng Ngọc lóng lánh dưới ánh nến vàng rực, hai cái răng dễ thương.

- Đúng là Trầm, hương Trầm.

Hôm đó Trầm khoác áo tím. Ngọc nói Ngọc thương màu tím. Bây giờ Ngọc thích Tú Anh, rồi Ngọc sẽ thích màu vàng rực. Tú Anh ưa màu sặc sỡ. Màu tím của Trầm, một đời ngát hương bay.

Cuối giờ TP, Ngọc xuất hiện, lại con nhỏ Nghi Xuân phá rối. Trầm thấy rồi nhưng vẫn vờ mắc nói chuyện với anh Nguyên, nhờ anh chỉ lại bộ giáp trên mu rùa.

Đứng chờ thật lâu, phòng TP vắng cả, Ngọc đến gần chỗ Trầm. Anh Nguyên nhìn ra và hiểu được, cười nhẹ với cả hai:

- Xong rồi, anh về trước nhé.

Trầm bối rối thật, chậm chạp, Trầm đặt mu rùa trên bàn rồi đi theo bước chân Ngọc.

Bước xuống lầu, lưng chừng, tầng thứ hai, Ngọc dừng lại:

- Trầm khó lòng… Trầm cứng đầu.

- Cái gì… tự nhiên kêu Trầm ra, bảo Trầm cứng đầu hả?

Hai đứa sắp sửa gấu ó với nhau. Ngọc đã cố lấy giọng người lớn, thật lớn:

- Cho Ngọc giải thích con Bọ hôm nọ, con đó của chị Hà, chị còn dư một bộ. Còn cái nầy Ngọc làm cho Trầm.

Ngọc lấy chiếc hộp rút trong túi xách ra. Sau làn thủy tinh trong suốt, một bộ xương Bọ đẹp tuyệt đầy đủ, khít khao với 4 chân xếp dưới bụng, cái đầu ngẩng lên và vòng xương sống cong cong.

Bao nhiêu nỗi uất ức tuôn ra, tất cả, xương Bọ, Ngọc, nhòe nhoẹt trước mắt Trầm:

- Trầm ghét Ngọc.

Ngọc lại có cái cười dễ thương:

- Ừ, Ngọc không sợ bị ghét, chỉ sợ bị không thèm chơi thôi.

Ngọc ơi, Trầm hay giận Ngọc. Ngọc phải tìm đến Trầm. Lần đầu trong đời Trầm tìm đến Ngọc, vui vẻ tìm đến là lần nầy đây.

Qua nhiều dãy lầu, dãy lớp, dãy xe, Trầm đến trước phòng Sinh Động, không, không có Ngọc, người ta biết Trầm chờ, người ta dối Trầm, một năm biền biệt. Trầm muốn ứa nước mắt giữa sân. Bóng anh Vĩnh chạy xuống vội vã.

- Trầm có thể chờ anh một chút không? Ngọc bị mệt, về trước rồi, anh đưa Trầm đến sau.

Mắt anh Vĩnh bối rối khi bắt gặp cái nhìn xoáy tim của Trầm. Như Trầm đang hỏi:

“Anh sẽ nói thật cho Trầm nghe? Anh trốn Trầm cả năm nay, lần nầy anh nói chắc?”

Anh lặp lại:

- Trầm chờ đây nghe.

Trầm đứng thui thủi dưới tàn trứng cá, tàn điệp chen bóng. Ngọc sắp sửa trở lại, tham dự vào đời sống của Trầm. Sẽ như ngày xưa, sẽ hồn nhiên vui vẻ, sẽ thắm thiết mến yêu. Không như một lần nào đó, Ngọc biến đi, xóa mất dấu. Trầm chỉ biết hỏi anh Vĩnh. Anh Vĩnh hứa sẽ nói cho Trầm nghe biết bao lần. Và chưa có lần nào cả. Một lần nầy đây, vì anh không giấu được Trầm nữa. Không mờ dấu một lần cuối, đầu tiên Ngọc đến nhà Trầm. Chỗ ghế ngồi còn nguyên nếp người xưa. Trầm hớn hở như Bụp hồng, như Ngâu trắng, như An Điền nồng, như Ngọc Lan thơm. Gió đùa mấy nhánh trầu bà rung rung, nắng thật ấm và in những chiếc bóng nhảy múa trên đất. Trầm rộn ràng:

- Ngọc vào chơi, chà… khách quý của Trầm.

Quanh Ngọc như có một bức tường đá cứng ; cái ấm áp, cái hồn nhiên của Trầm không xuyên nổi bờ vách kiên cố ấy. Bàn tay Ngọc lạnh khi chạm phải tay Trầm để trên lưng ghế, làm Trầm cuống quýt:

- Sao thế Ngọc, Ngọc bệnh rồi à?

Ngọc trả lời, chậm chạp:

- Không… đâu có. Ngọc đến chơi, đến thăm Trầm.

- Tại sao không… rồi lại đâu có, Ngọc giấu Trầm phải không?

Trầm vẫn còn nhớ rõ ánh nhìn vắng xa, bờ môi kém hồng của Ngọc lúc đó, duy chỉ có 2 chiếc răng và nụ cười là nguyên vẹn của Trầm và trấn an được sự lo lắng xâm chiếm lòng Trầm:

- Ô, không phải vậy đâu… hình như Trầm rảnh vì chờ kết quả viết phải không…

- Phải nói là hơi rảnh mới đúng, Trầm vẫn phải học “cầm hơi” đây, hôm thi viết, Ngọc biết không…

Thế là câu nói xoay hướng thật nhanh. Trầm líu lo kể, Ngọc có vẻ như đến để nghe Trầm nói, nhưng không chú ý đến lời Trầm kể, cái nhìn đôi khi có vẻ quan sát, một cách buồn bã lạ lùng, như để ghi nhớ. Trầm phải cấu nhẹ tay Ngọc:

- Ngọc, Ngọc hôm nay là lạ đó nghe.

Nhưng Ngọc đã dịu dàng pha trò:

- Tại trò Ngọc không chăm chú nghe thầy Trầm “kể” bài chứ gì.

Hai đứa cùng cười. Nhớ 3 trái ô mai đem đến hôm đó không, nhất định Ngọc bắt Trầm phải ăn một mình. Làm Trầm phải nài nỉ một hồi, nhưng vẫn phải làm theo ý Ngọc. Tại sao 3, không là 4, không là 2 trái? Trầm định hỏi nhưng hương vị nồng nồng, ngọt ngọt tan trong miệng làm Trầm quên mất đi. Mãi khi ngoài bếp có khói cơm sôi bay lên, Ngọc mới vội vàng từ biệt. Tiếc cho Trầm không ngờ vực, để giữ Ngọc lại tí xíu thôi, có nghĩa là giữ được Ngọc mãi mãi. Để bây giờ mất Ngọc, dường như sẽ mất luôn trong đời. Bàn tay Ngọc lạnh từ lúc đầu đến lúc ra về, cái xiết tay thật chặt làm Trầm bật thốt:

- Ngọc, Ngọc lạ lắm nghe.

Từ đó, Ngọc biến đi luôn. Trầm quấn quít hy vọng bên anh Vĩnh vì mỗi một câu: Rồi anh sẽ kể chuyện Ngọc cho Trầm nghe.

Quả đồng vừa rung động và chạm vào thành chuông phải không? Một tiếng ngân bay vút tới đỉnh trời và thức tỉnh phần giao cảm linh thiêng nhất của con người. Anh Vĩnh và Ngọc, thôi không ngăn được sự tìm hiểu của Trầm nữa phải không, thôi để Trầm tan nát trong nỗi hoài nghi nữa phải không?

- Trầm ơi, mình đi thôi.

Có tiếng anh Vĩnh gọi và chiếc xe xinh xắn đỗ lại bên cạnh, Trầm gọn gàng thót lên.

Ra đến đường anh Vĩnh phóng xe thật nhanh, gió tung rối tóc Trầm. Chả sao, sắp gặp Ngọc mà. Trầm chải nhẹ tóc và giữ chúng yên trong tay. Trầm nghe như có tiếng xầm xì xôn xao: Trầm ơi, vui không? Sao má Trầm lạnh, sao tay Trầm run? – Ừ, ừ, Trầm mừng quá đó mà.

Xe rẽ vô một con đường nhỏ rồi dừng trước một biệt thự trang nghiêm, thấp thoáng trong ngôi vườn rộng um tùm cây khi tiếng chuông vang lên “Kính coong” thanh thoát rồi im ngấm. Trầm liếc nhanh tấm bảng đồng trên đầu vuông cột cao, nổi bật hàng chữ đỏ:

Bác sĩ chuyên khoa thần kinh
Đ.C.S

Đối xứng với tấm bảng bên góc cột kia, hàng chữ đỏ to hơn:

Dưỡng đường AN LẠC

Trầm như mê đi khi cùng anh Vĩnh theo lối đi trắng ròn tiếng đá sỏi để vào khu A. Có tiếng nước rì rào tuôn từ miệng con cá xanh màu ngọc thạch rơi êm xuống dưới bồn sứ. Ai sẽ dám nói là nơi đây sẽ bắt đầu cho một cuộc đời hoan lạc, hạnh phúc? Ai sẽ đoan chắc là nơi đây đem lại một nếp sống sinh động, hứng khởi cho tuổi thanh xuân? Bao ý nghĩ vẩn vơ lòng Trầm, mãi khi anh Vĩnh chỉ chỗ cho Trầm ngồi trong phòng đợi và khẽ hỏi:

- Trầm hiểu được phần nào về Ngọc rồi phải không, lúc về anh sẽ kể rõ hơn.

Ngừng một chút anh tiếp:

- Khu A là những người khá nhất, sắp bình phục hoặc sắp xuất viện.

Trầm bật hỏi:

- Anh Vĩnh đến đây thường lắm à?

Mắt anh rợp những bâng khuâng:

- Vâng, từ lúc Ngọc từ khu B trở về khu A. Mấy lúc sau nầy, anh được phép đưa Ngọc ra ngoài chơi. Ngọc cứ muốn đến trường luôn và…

- … Sáng nay anh đành chìu ý Ngọc?

- Phải, Ngọc muốn gặp lại Trầm. Chỉ riêng anh, Ngọc mới nói ý nghĩ đó.

Đó, trái tim Trầm lại thắt lại và một nỗi tê dại đột ngột chạy qua đầu. Ngọc ơi, vậy mà mọi người giấu Trầm. Trầm có ngờ đâu! Trầm có biết đâu!

Có tiếng động nơi hai cánh cửa gỗ vàng bên trong. Cô y tá trong chiếc áo trắng toát vừa đẩy cửa vừa tươi cười:

- A, ông Vĩnh, mời ông vào, phòng 7 khả quan lắm.

Anh Vĩnh nghiêng người, lịch sự:

- Cảm ơn cô nhiều quá, cô thật tận tình với chúng tôi.

Mặc người lớn xã giao, Trầm chạy tuốt vào trong, đếm từng số trên cánh cửa phòng nằm hai bên dãy hành lang ngun ngút. Số 7 hiện ra với nhịp tim vỡ trong lòng Trầm. Không chần chờ, Trầm đẩy mạnh cửa. Người trên giường nằm im như nghỉ mệt, như ngủ.

Ngọc của Trầm ốm quá, gầy gò quá. Trầm đứng lặng nhìn rồi… một giọt… hai giọt nước mắt rơi vô tình trên tay Ngọc.

Đôi mắt Ngọc mở ra, rạng rỡ, bàn tay xương xẩu xiết tay Trầm:

- Tưởng Trầm không thèm đến chứ!

- Ngọc bậy quá, nhất định Trầm phải đến chứ.

Tiếng Ngọc nhẹ như tơ:

- Mà Trầm còn khóc nữa.

Hai bàn tay vừa ấm lại trong hai lòng tay. Trầm nấc lên, không kịp để giấu mặt xuống gối ngọc:

- Ngọc, Trầm sợ Ngọc đi mất, Ngọc bỏ Trầm…

Ngọc cười mềm như gió:

- Ngọc cứ sợ Trầm sợ hãi Ngọc, Trầm “chê” Ngọc.

- Không, không, ai bảo với Ngọc như thế, anh Vĩnh phải không? Trầm sẽ rầy anh Vĩnh…

- Không, không phải.

Vừa vặn hai chiếc răng xinh sáng lên trong nụ cười rạng ngời khung phòng xanh nhạt màu vôi.

Trầm âu yếm áp một bàn tay Ngọc lên má:

- Ngọc hứa nhé!

Ngọc nghiêng đầu:

- Trầm muốn Ngọc hứa gì?

- Hứa là hết bệnh sẽ đi học lại với Trầm, nhe.

Hai cái bóng nhỏ trên vách sáng ôm chầm nhau. Ngọc rung rung:

- Dĩ nhiên, Ngọc chỉ muốn thế.

- Thật nhé.

- Thật…

Còn một cái bóng cao cao, thứ ba chập chờn trên vách rồi bất động cảm xúc sau hai bóng nhỏ kia.

- Suỵt! Anh Vĩnh kìa.

- Đừng, đừng nói gì cho anh Vĩnh biết cả nhe.

Rộn trong những tiếng cười, có tiếng xập xòe hai chú ong vừa rời khỏi một nụ hoa ngoài vườn và bay cao mãi lên…

Linh Hương 
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 233, ra ngày 1-4-1975)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét