Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Bạch em can đảm - NGUYỄN THÁI HẢI

“Thỏ Ngọc lo đầy đủ tất cả. Bếp lửa đã được đốt lên để sưởi ấm, đống rơm đã vừa êm để ông lão nghỉ lưng. Thế mà ông lão vẫn còn run. Ông rên hừ hừ thật tội nghiệp. Thỏ Ngọc nói:

- Thưa ông, ông còn cần gì nữa không ạ?

Ông lão nhìn Thỏ Ngọc, giọng yếu ớt đáp:

- Ta đói quá...

Thỏ Ngọc vội thưa:

- Vâng, xin ông đợi con một chút...

Rồi nó băng mình giữa trời mưa tuyết giá lạnh đi tìm thức ăn cho ông lão. Một lúc sau, nó quay về với mấy củ khoai. Thỏ Ngọc cẩn thận lại bên bếp lửa nướng khoai cho chín rồi mới kính cẩn dâng cho ông lão. Ông lão đón lấy ăn ngấu nghiến, chỉ một thoáng là hết sạch. Thỏ Ngọc hỏi:

- Thưa ông, chắc ông đã tạm no lòng?

Nhưng ông lão lắc đầu:

- Ta... ta vẫn còn đói lắm... Con có gì cho ta ăn được nữa không?

Thỏ Ngọc có vẻ bối rối. Vì mấy củ khoai vừa rồi đã là những món lương thực cuối cùng còn sót lại trên vùng đất giá rét này. Biết lấy gì cho ông lão ăn bây giờ?

Chừng như ông lão đoán biết nỗi lo âu của Thỏ Ngọc, ông nói:

- Ta biết nếu không còn gì ăn thêm thì ta sẽ chết mất, nhưng thôi con ạ. Ta cảm ơn con đã lo lắng cho ta nào lửa ấm, nào rơm êm, nào những củ khoai ngọt bùi. Ta hứa với con là khi chết đi, ta sẽ theo phù hộ cho con...

Nghe ông lão nói, Thỏ Ngọc nhỏ lệ đáp:

- Không, thưa ông, xin ông đừng nói như thế. Ông sẽ không chết đâu. Con hứa là sẽ tìm cho ra thức ăn để ông được no lòng...

Thỏ Ngọc nói vậy vì nó vừa nghĩ ra một cách. Nó bước dần đến bên bếp lửa. Ngọc lửa nóng hừng hực khiến nó chùn bước. Nhưng khi quay nhìn ông lão đang rên hừ hừ vì đói, nó quyết định tiến tới. Thỏ Ngọc nói với ông lão:

- Thưa ông, đây, thức ăn của ông đây...

Đoạn, nó nhảy mau vào bếp lửa định đem thân mình làm thức ăn cho ông lão... Nhưng ngay lúc ấy,hào quang lóe sáng cả một khoảng không gian. Thỏ Ngọc thấy đống lửa biến đâu mất và nơi đống rơm ông lão nằm, một ông Tiên râu tóc bạc phơ, tay cầm phất trần đang nhìn nó mỉm cười. Ông Tiên thong thả nói:

- Này Thỏ Ngọc! Ta vâng lệnh Ngọc Hoàng xuống trần gian để thử lòng con xem con có đúng là đứa nhân đức, thương người như lời đồn không. Ta rất hài lòng vì con, cho nên ta sẽ cho con lên Cung Trăng để được sống một đời nhàn hạ, sung sướng...

Đoạn, ông Tiên phe phẩy phất trần. Thỏ Ngọc thấy mình bay bổng. Mặt trăng lơ lửng trên cao mỗi lúc một gần hơn. Gần hơn...” 


*
*     *


Thỏ Bố ngừng kể, nhấp một ngụm “trà” nóng, khà một tiếng thích thú. Bạch anh nằm cạnh bố, mắt lim dim chờ đợi. Mãi, không thấy bố lên tiếng nữa, nó mới hỏi:

- Sao không kể tiếp đi bố?

Thỏ Bố cười, xoa đầu con nói:

- Hết rồi còn đâu mà kể nữa!

Bạch anh bẽn lẽn nói khỏa đi:

- Thỏ Ngọc can đảm và có lòng quá, bố nhỉ.

Thỏ Bố vênh mặt hãnh diện:

- Chứ sao! Dòng Thỏ Ngọc chúng ta là nhất mà! Chả thế sao tổ tiên ta dám trêu cả voi...

Bạch anh tiếp:

- ... và chọc ghẹo cả cọp...

Nãy giờ vẫn nằm im lặng, bây giờ Bạch em mới lên tiếng:

- Nhưng này bố ơi...

Thỏ Bố nhìn con dịu giọng:

- Gì thế con?

Bạch em nhìn Bạch anh rồi nói với bố:

- Bố bảo anh Bạch anh đừng “cốp” đầu con nữa, con mới dám nói...

- Ừ... Này! Bạch anh! Bố cấm mày không được “cốp” đầu em đấy nhé!

Bạch anh vâng một tiếng. Bây giờ Bạch em mới nói:

- Bố bảo dòng Thỏ Ngọc chúng ta can đảm thế, sao hôm nọ theo bố xuống vườn cà rốt của loài người, con nghe thằng bé người bị bố nó mắng là “Nhát như thỏ”. Sao vậy hả bố?

Câu hỏi thật quái ác khiến Thỏ Bố tắc tị chẳng biết phải trả lời sao. Trong lúc ấy, Bạch anh bị va chạm tình yêu nòi giống cực đoan, quên béng lời hứa, chồm tới “cốp” ngay đầu Bạch em một cái.

Thế là Bạch em òa lên khóc.

Thỏ Bố muốn nhân dịp này lảng tránh phải trả lời con, quay sang nạt Bạch anh:

- Đồ hư thân mất nết! Có mặt bố mày ở đây mà mày dám “cốp” em như thế đấy hở? Cút xéo đi chỗ khác chơi không? Tao lại tẩn cho mấy gậy bây giờ...

Bị bố mắng, Bạch anh sợ hãi bỏ chạy mất. Thỏ Bố đợi Bạch anh đi khuất rồi mới nói với Bạch em:

- Nó đánh con có đau lắm không?

Bạch em mếu máo:

- Anh ấy toàn “cốp” đầu con không à... Làm anh gì mà cứ ăn hiếp em hoài. “Cốp” đầu người ta rồi người ta học ngu thì sao... hu hu...

- Thôi nín đi. Bố đền cho củ cà rốt, chịu không?

Bạch em tươi ngay nét mặt nhưng còn vờ nói:

- Chịu... Nhưng con không ăn nhiều đâu bố ạ. Cô giáo bảo ăn nhiều bội thực thì khổ... Bố cho con củ cà rốt nào be bé thôi nghe bố...

- Ấy! Đâu được. Bố sẽ cho con củ cà rốt to nhất chứ...

Bạch em cười híp mắt. Thỏ Bố tiếp:

- Nhưng con phải ăn từ từ đấy. Ăn chậm mới thưởng thức hết hương vị thơm ngon của cà rốt.

Bạch em đáp:

- Vâng ạ.

Rồi lót tót theo bố đi lấy cà rốt, quên béng là bố chưa trả lời câu hỏi của mình. Trong lúc ấy Thỏ Bố vừa đi vừa nghĩ ngợi: “Thằng bé hỏi vậy mà độc địa thật chứ chả chơi. Tại sao người ta lại nói NHÁT NHƯ THỎ nhỉ?”. 


*
*     *


Loài người vẫn cho là họ có lắm bảo vật tinh thần. Nào cả kho tàng đạo lý Đông phương: Khổng, Lão... Nào bao pho kinh điển Phật giáo... Nào Thánh Kinh... Nghe đâu nhờ Thánh Kinh mà người ta đã tìm ra nhiều mỏ dầu và khám phá được nhiều điều hữu ích cho khoa học, cho nhân loại...

Dòng Thỏ Ngọc không có nhiều bảo vật như thế. Bảo vật duy nhất của dòng Thỏ Ngọc - cũng là của loài thỏ - là cuốn Ngọc Thố Thư, một cuốn sách ghi lại những truyện truyền kỳ, cổ tích, lịch sử; đồng thời, cả những lời khuyên răn, dạy bảo, những câu châm ngôn cho loài thỏ. Chính nhờ Ngọc Thố Thư mà loài thỏ đã làm được bao chuyện phi thường qua nhiều thế hệ.

Bạch anh đi học đã được một năm và cũng vừa biết đọc, biết viết. Loài thỏ không có cấp tiểu học, trung học, đại học; cũng không có lớp một, lớp hai... lớp mười một, mười hai. Loài thỏ cũng không có bằng tú tài, cử nhân hay tiến sĩ gì cả. Ngọc Thố Thư dạy rằng bằng cấp chỉ cho ta một xác định rất mơ hồ về kiến thức. Lại nữa, bằng cấp có thể phát sinh những ganh tị, rồi từ ganh tị, người ta thù hằn nhau, oán ghét nhau. Đó chính là một trong muôn ngàn đầu mối của chiến tranh.

Loài thỏ không thích chiến tranh nên loài thỏ không oán ghét nhau; loài thỏ không cần bằng cấp nên loài thỏ chỉ cần biết đọc, biết viết là đủ. Sau đó, muốn hiểu biết thêm thì phải tự tìm hiểu lấy. Tài năng sẽ thẩm định giá trị.

Bạch anh đã qua một năm học. Nó đã được quyền đọc Ngọc Thố Thư để mở mang kiến thức.

Hôm nay, Bạch anh đọc đến trang nói về lòng can đảm của loài thỏ. Ngọc Thố Thư viết:

“Lịch sử đã chứng tỏ loài thỏ có một lòng can đảm vô bờ, nhất là dòng Thỏ Ngọc. Những sưu tầm và nghiên cứu qua nhiều thế hệ thỏ đã chứng minh rằng Can Đảm là một đặc tính di truyền của loài thỏ. Cho nên bây giờ, dòng Thỏ Ngọc vẫn là dòng thỏ can đảm nhất...”

Đọc đến đây, Bạch anh sướng phổng mũi. Ngọc Thố Thư nói đó: Dòng Thỏ Ngọc là dòng thỏ can đảm nhất... Vậy mà Bạch anh lại là chắt đúng 1732 đời của Thỏ Ngọc. Nhất định Bạch anh phải can đảm rồi. Nhất định Bạch anh không phải là phường nhát gan!

Nhưng mà... tại sao Bạch em lại nói: người ta bảo nhát như thỏ nhỉ? Hẳn là loài người chẳng hiểu loài thỏ chút nào. Thỏ mà nhát ư? Bạch anh này mà nhát ư?

Bạch anh quay sang Bạch em và hỏi:

- Có đúng mày nghe họ nói thế không?

Bạch em quyết chắc:

- Em mà nói láo cho thợ săn giết em đi. Lúc ấy, bố thằng bé người bảo nó đi bắt sâu cho cây cam, nó không chịu đi viện cớ sợ sâu, thế là bố nó mắng nó, em nghe rõ ràng: “Đồ nhát như thỏ!”...

Bạch anh nghe đến ba chữ “nhát như thỏ” thì tự nhiên cáu tiết, nắm tay “cốp” vào đầu em tức khắc.

Bạch em vừa khóc vừa bù lu bù loa:

- Hu hu... Nói người ta kể, người ta kể cho nghe. Vậy mà lại “cốp” người ta... Hu hu... Nhỡ trúng huyệt người ta lăn đùng ra chết thì sao... Hu hu...

Bạch anh động lòng, dỗ dành em:

- Tao xin lỗi mày... Tại tao nóng tính quá...

Bạch em sụt sịt:

- Nóng tính? Cứ nóng tính cái điệu đó thì có ngày đầu người ta sưng to bằng quả dưa hấu...

Bạch anh phì cười và trong trí bỗng nảy ra một ý. Ừ! Phải đấy! Bạch em nhắc đến dưa hấu mình mới nhớ. Gần đây có một nông trại dưa hấu, nơi đó, không một ai trong họ hàng nhà thỏ dám bén mảng đến từ sau khi hai vợ chồng thỏ nhà nọ bị bắt nấu sốt vang tại đó. Nếu mình đến nơi đó, lại ra về bình yên với quả dưa hấu làm quà cho bà con thì nhất định từ nay, Bạch em sẽ chẳng bao giờ dám hỏi: “Tại sao người ta lại nói nhát như thỏ” nữa. Và một điều khác nữa, sau kỳ công này, nhất định Bạch anh sẽ nổi tiếng là can đảm!

Bạch anh hỏi em:

- Mày thích ăn dưa hấu không?

Bạch em đang sụt sịt bỗng nín bặt. Nó cười toe mà tưởng tượng ra quả dưa hấu mọng đỏ. Nó liếm mép rồi lẩm nhẩm một mình: “Dưa hấu ngon lắm!”.

Bạch anh nói:

- Tao sẽ đi hái dưa hấu về cho mày ăn, chịu không?

- Hái ở đâu?

- Thì ở nông trại dưa hấu của loài người chứ ở đâu!

- Anh không sợ sao! Ai cũng nói ở đó họ canh chừng kỹ lắm. Đến như bố mà còn không dám tới nữa...

- Nhưng tao dám. Bộ mày quên tao là cháu 1732 đời của Thỏ Ngọc sao? Nhảy vào lửa tao cũng dư sức dám chứ đừng nói là đi hái dưa hấu. Can đảm mà mày!

Bạch em:

- Chưa chắc đã là can đảm đâu!

- Gì mà chưa chắc? Dám xả thân vào chốn nguy hiểm không là can đảm thì là gì?

Bạch anh nói rồi bỏ đi, không cho Bạch em nói thêm gì cả. 


*
*     *


Bạch em lo lắng quá. Bạch anh vừa ra đi xong. Cản ngăn thế nào, Bạch anh cũng nhất quyết ra đi “chứng tỏ rằng tao can đảm” - Lời Bạch anh nói. Bạch em đã được cô giáo giải nghĩa về lòng can đảm. Cô dạy rằng muốn được gọi là can đảm thì sự gan góc, hy sinh phải được đặt đúng chỗ, đúng lúc. Bằng không thì sự gan góc chỉ là sự liều lĩnh, sự hy sinh chỉ là sự mù quáng.

Bạch em có nói cho Bạch anh nghe và kết luận rằng việc đi đến trại dưa của Bạch anh chỉ là một việc liều lĩnh. Nhưng Bạch anh vẫn khăng khăng giữ lập trường: “Xả thân vào chốn hiểm nguy là can đảm”.

Bạch anh đi đã được đúng mười một phút. Bạch em nghe ruột nóng như cồn. Chịu không được nữa, nó phóng mình đuổi theo anh.

Đang đi, nghe tiếng chân chạy phía sau, Bạch anh quay lại nhìn. Thấy Bạch em, nó ngạc nhiên hỏi:

- Mày đi theo tao làm gì. Đã bảo cứ ở nhà mà đợi rồi tao đem dưa hấu về cho mà ăn...

Bạch em rưng rưng nước mắt:

- Nhưng em chẳng yên tâm tí nào hết. Em lo cho anh quá...

Bạch anh có vẻ cảm động. Nó đến bên cạnh em, choàng tay qua vai Bạch em và nói:

- Em ngoan lắm. Nhưng em đừng lo cho anh. Anh tin ở tài sức của mình và nhất là tin ở lòng can đảm vô biên của dòng Thỏ Ngọc. Nhất định anh sẽ trở về bình yên mà. Em hãy về nhà đợi anh nhé. Nhớ đừng cho bố biết. Đợi anh về rồi hãy hay...

Bạch em lắc đầu:

- Em không về đâu. Em đi theo anh luôn...

Bạch anh ngạc nhiên lắm:

- Không được đâu! Em phải về nhà ngay mới được. Bộ em không sợ nguy hiểm à?

- Sợ chứ! Nhưng em không đành để anh đi một mình.

Bạch anh suy nghĩ. Đến nước này thì chỉ còn hai cách chọn lựa: hoặc là trở về nhà, chôn chặt giấc mộng đến vườn dưa vào đáy lòng, hoặc là tiếp tục đi và phải cho Bạch em theo. Trở về nhà? Hừ! Khiếp nhược lắm! Nhưng cho Bạch em đi theo? Nguy hiểm cho nó vô cùng...

Bạch anh nói:

- Anh đề nghị với em điều này nhé. Nếu em bằng lòng thì anh cho em đi theo...

- Gì đó anh?

- Khi đến nơi, em chỉ được đứng xa xa mà xem anh hành động thôi. Khi nào anh cho phép mới được rời chỗ nấp. Chịu không?

Bạch em vui mừng:

- Em chịu.

- Vậy thì mình lên đường.

Hai cái bóng trắng thoăn thoắt nhảy từng bước dài hướng về phía trại dưa. 


*
*     *


Bạch em thu mình bên một gốc cây to hồi hộp theo dõi từng cử động của Bạch anh.

Bạch anh quả là gan dạ! Gã giữ vườn nằm trên ghế dựa trước căn nhà chòi cách đấy có hơn năm thước mà Bạch anh coi như không, cứ bình tĩnh gặm cho đứt cuống một quả dưa to.

Chung quanh vườn dưa không có hàng rào mà chỉ có một rãnh nước bao bọc. Bạch anh chọn quả dưa nằm sát rãnh ý chừng muốn tí nữa dễ dàng lấy đi.

Quả dưa đã bị cắn đứt cuống. Bạch anh thở phào nhẹ nhõm rồi đưa mắt nhìn gã giữ vườn. Gã nằm lim dim đôi mắt mơ màng, chẳng hay biết gì cả. Yên tâm, Bạch anh đẩy quả dưa dần về phía rãnh nước.

Ùm!

Quả dưa rơi xuống rãnh nước, nổi lềnh bềnh. Bạch anh nép mình vào một chỗ rậm rạp đề phòng. Quả nhiên, nghe tiếng động, gã giữ vườn đứng dậy đi rảo quanh quan sát. Một lúc, không thấy gì, gã lại trở về chiếc ghế dựa, nằm nghỉ lưng.

Bạch anh đợi cho gã giữ vườn nằm yên một lúc rồi mới rời khỏi chỗ nấp, đến bờ rãnh ra hiệu cho Bạch em sang giúp mình một tay. Lúc Bạch em đến bên kia rãnh nước, Bạch anh dã dầm mình dưới rãnh, ôm quả dưa, bơi lần về phía Bạch em.

Bạch anh đẩy qua dưa lên bờ rãnh thoai thoải. Bạch em cúi xuống giúp anh kéo quả dưa lên.

Húp! Quả dưa đã lăn hẳn lên bờ rãnh bên này và Bạch em bị mất đà, ngã ngửa ra sau. Nó lồm cồm ngồi dậy nhìn về phía Bạch anh định mỉm cười với anh. Nhưng nó chợt tái mặt khi thấy trước mặt nó, sừng sững gã giữ vườn như một hung thần, một tay xách tai Bạch anh, tay kia đang chuẩn bị chộp nó. Bạch em co giò phóng thật nhanh vào một lùm cây. Gã giữ vườn lục lạo một lúc không thấy, đành quay lại chỗ cũ. Gã nhảy qua bên kia bờ rãnh, giơ cao Bạch anh lên, cười ha hả:

- Có thế chứ! hà hà... Không ngờ chú thỏ lại to gan lớn mật đến thế. Nhưng cũng hay, nhờ thế mà chiều nay ta có một bữa nhắm thịt thỏ nấu sốt vang... Hà hà... Coi bộ cũng mập đó chứ...

Rồi gã quay về phía căn chòi. Bạch anh giãy dụa. Nước rãnh thấm ướt người Bạch anh văng từng giọt, từng giọt...

Đằng này, Bạch em còn đang chìm trong những giây phút hãi hùng khi chứng kiến tận mắt cảnh anh bị bắt giữ mà không biết phải hành động ra sao. Trở về báo tin cho bố biết ư? Ích gì! Cứu anh? Bằng cách nào?

Bạch em suy nghĩ thật nhanh. Việc trước tiên là phải qua bên kia vườn dưa đã!

Vút!

Bạch em phóng mình qua rãnh nước, lẩn nhanh vào vườn dưa. Nó len lỏi giữa những quả dưa to tròn, da xanh láng bóng. Cuối cùng, nó đến gần sát căn chòi, nơi gã giữ vườn đang ngắm nghía Bạch anh trên tay. Gã bỗng nhìn quanh. Bạch em hoảng hốt tưởng gã đã nhận ra mình. Nhưng không, gã lẩm nhẩm:

- Chà! Phải kiếm cái gì nhốt chú chàng rồi mới về nhà gọi bạn bè ra cùng đánh chén được.

Gã trông thấy một cái giỏ gần đó, liền bước lại. Bạch anh đợi đúng lúc gã cúi xuống nhặt cái giỏ, vùng vẫy thật mạnh. Gã giữ vườn bị cú bất ngờ, tuột tay. Bạch anh phóng nhanh. Nhưng... Một chân của gã giữ vườn đã giơ ra, đạp mạnh lên người Bạch anh, đè nó đau điếng. Gã làu bàu mắng:

- Giỏi há! Muốn trốn hả? Ông lại đập cho nát đầu ra bây giờ...

Bạch anh vùng vẫy...

Trong lúc đó, Bạch em nghe tim nhảy thình thịch. Những diễn biến quá bất ngờ khiến nó không giữ được bình tĩnh mà suy nghĩ nữa. Đến lúc Bạch anh bị gã giữ vườn bắt lại, Bạch em mới nghĩ ra... Phải chi đúng lúc Bạch anh vùng chạy, nó nhô ra làm phân tâm gã giữ vườn, biết đâu Bạch anh chả thoát.

Gã giữ vườn ngồi xuống, tay mở nắp cái giỏ, chân đè chặt Bạch anh. Sẵn sàng rồi, gã mới với tay tóm cổ Bạch anh để bỏ vào giỏ. Bạch anh vùng vẫy thật mạnh, gã càng nắm chặt hơn.

Ngay lúc ấy, Bạch em phóng vụt ra, đâm sầm vào cánh tay đang nắm giữ Bạch anh của gã giữ vườn. Gã hoảng hốt buông tay ra. Thế là Bạch anh rơi bịch xuống đất, phóng một cái thật mạnh, lẩn mất dạng trong vườn dưa.

Bạch em, sau hành động đột kích bất ngờ, đầu bị sưng một cục to tướng, cũng đã chạy kịp theo anh. Hai anh em cùng nhảy qua rãnh nước về phía rừng, cùng lúc với giọng tiếc rẻ của gã giữ vườn:

- Hoài của! Thế là vọt mất con mồi...


*
*     *


Chiều xuống, Bạch anh và Bạch em lại lén trở lại vườn dưa. Gã giữ vườn đang nằm trên chiếc ghế dựa, ngửa mặt nhìn trời hát ôm ổm. Có lẽ gã đã quên tuốt câu chuyện vừa rồi.

Bạch anh rút dây ra, buộc quả dưa thật chắc. Sau đó Bạch em cùng anh cắn hai đầu dây, kéo về.

Hai anh em cùng im lặng, không gây ra tiếng động nào để phòng gã giữ vườn phát giác. Đi được một quãng khá xa, cả hai mới dừng lại. Bạch anh vừa đưa tay quệt mồ hôi vừa mỉm cười, nói với Bạch em:

- Quả dưa khá to, Bạch em nhỉ.

Bạch em cười theo anh:

- Nhưng to cách mấy thì to, về nhà thế nào anh em mình cũng bị bố đánh cho sưng mông...

Bạch anh cười:

- Bố đánh ấy hả? Bố chỉ đánh mình anh thôi chứ. Còn em, em có tội gì đâu. Trái lại, em còn có công là khác...

- Công gì?

- Công đã cứu anh thoát chết. Anh sẽ lạy bố xin bố tha cho em. Anh sẽ kể lại cho bố nghe tất cả đầu đuôi câu chuyện. Thế nào bố cũng khen em là can đảm.

Bạch em trố mắt nhìn anh:

- Em can đảm?

Bạch anh dịu giọng:

- Đúng rồi! Em mới thật là can đảm. Vì em đã dám xông vào nguy hiểm để cứu anh. Còn anh, bây giờ anh mới thấy là em nói đúng. Đến vườn dưa chỉ là một việc làm liều lĩnh...

Rồi giọng Bạch anh trở nên mơ màng:

- Cô giáo em dạy rất phải... Sự gan dạ phải được đặt đúng chỗ mới gọi là can đảm...

Nghe anh nói, Bạch em thấy mũi mình phồng to hơn bình thường... Ôi! Mình đã làm một việc can đảm không ngờ! Anh Bạch anh đã công nhận như thế. Vậy mà bấy lâu nay mình cứ tưởng trí óc mình đần độn vì những cái “cốp” của anh ấy chứ! Đần độn thì sao biết nghĩ ra cách cứu anh ấy chứ!

Thôi, từ nay nhất định mình sẽ không bao giờ nhắc đến ba chữ “nhát như thỏ” nữa! Mình mà nhát ư? Phải đấy, chắt chít đời thứ 1732 của Thỏ Ngọc chứ bộ!

NGUYỄN THÁI HẢI
(Bán nguyệt san Tuổi Hoa số 157, ra ngày 15/7/1971)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét