Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Ăn Gạo Lứt - LÂN TINH


Đâu đâu cũng nghe nói đến thuật dưỡng sinh, trên báo chí, sách vở và ngay trong nhà nữa.

Bà chị tôi bèn đi mua ngay 1 cuốn “Phương pháp tân dưỡng sinh” về. Cả nhà xúm vào đọc. Mấy em tôi gầy nhom gầy nhách thấy nói ăn gạo lứt muối mè thì mập nên cũng muốn ăn, mấy bà chị tôi muốn chữa bệnh nào là đau bụng, ốm yếu, mệt mỏi nên cũng muốn ăn thử, tôi thì muốn chữa “bách bệnh” nên cũng muốn sơi luôn.

Phần mẹ tôi thì khỏi nói, trong thời buổi kiệm ước song hành này mà bỗng dưng tiết kiệm được biết bao nhiêu tiền : nào là đỡ được tiền thịt cá mắm muối (ý quên muối cần chứ, để làm muối mè ấy mà) và đỡ được cái khoản quà trưa, quà chiều quà tối nữa, nên chịu liền. Trưa hôm sau, đi học về, chúng tôi bỗng thấy bàn ăn quá vắng vẻ có độc nhất một đĩa muối mè! Tụi tôi nhìn nhau… cùng thông cảm vậy!

Lát sau, ngồi trước bát cơm gạo lứt Nàng Hương thơm dịu, chị tôi nói:

- Muốn cho có kết quả nhanh chóng và hiệu nghiệm, chúng ta phải nhai trung bình 70 lần 1 muỗng cà phê cơm.

Lũ em tôi hăm hở:

- Dễ ợt, để em nhai cho mà xem. Này (nó nhóp nhép) vừa mau chóng, vừa kỹ càng.

Bọn tôi cũng làm theo, nhưng đến hơn nửa bát cơm thì thằng bé la lên:

- Ối giời ơi! Mỏi mồm quá đi mất.

Không riêng gì nó mà cả bọn tôi đều bị vậy, nhưng còn giữ thế sợ hồi đầu thì hăng hái mà chưa chi đã la, nên sau câu than van ấy, cả bọn nhao nhao:

- Mỏi mồm thật đấy mẹ ạ!

Mẹ tôi nhìn thấy tương lai là 1 bao gạo lứt Nàng Hương đắt giá đang nằm chễm chệ cho đến khi mốc, lại mấy chục ký mè sẽ mọt đi, nên trấn an:

- Lúc đầu chưa quen nó phải mỏi chứ, này, xem mẹ này, mẹ chả than gì hết nên gần hết bát cơm rồi này. Có mỏi đâu nào!

- Mẹ khác ời ơi!

- Ai bảo chúng mày nhai nhanh làm gì, nhai chậm thôi sẽ bớt mỏi ngay.

Lũ con nghe lời mẹ lại tiếp tục ăn, có đứa cảm thấy nhai lâu quá phí thì giờ nên đem sách ra vừa nhai vừa đọc. Rổi bỗng chốc, cả bàn ăn nhốn nháo mất trật tự vì đứa thì đọc sách, đứa dích hình, đứa búng thung, đứa may áo cho búp bê… cứ loạn cả lên khiến mẹ la:

- Này này, cất đi hết : ăn xong hãy làm!

- Nhưng lâu quá mẹ ơi!

Nếu không làm thì cơn mỏi mồm lại đến mẹ ơi!

- Nhưng mẹ bảo là phải nghe, cất ngay!

Lũ em chán nản:

- Vâng ạ!

Rồi bữa ăn chấm dứt. Theo thói quen, tôi mở tủ lạnh định lấy chuối, thì:

- Ủa, mẹ không mua chuối hả mẹ?

Mẹ cười:

- Chúng mày mau quên thật, muốn thực trị thì phải kiêng tất cả kia mà.

- Ừ nhỉ! Con quên mất.

Nhưng em tôi phản đối, nó nói:

- Nhưng con còn nhỏ nè mẹ, con khỏi kiêng nhe mẹ?

- Ừ thì khỏi kiêng nhưng mẹ đâu có mua chuối!

Thằng em lớn của tôi đứng lên:

- Người quân tử ăn chẳng cầu no

Ngày ba bữa vỗ bụng ơ, bụng gạo lứt bình bịch!

Mẹ cười xòa:

- Thôi, các con đi nghỉ đi rồi còn đi học.

Bọn tôi kéo nhau đi, chị tôi nói:

- Đỡ cho tao ghê đi, rửa bát sướng ghê chả có mỡ màng gì hết trọi lại đỡ được một lô tô, đĩa nữa chứ.

Chị kế tôi:

- Còn em thì đỡ lau bàn ăn nè.

Thằng út phụng phịu:

- Em thì lỗ mất 1 quả chuối!

Xế trưa chả còn bánh cam, khoai lang, chè ; tối chả còn chè sen, sâm bảo lượng ; sáng thì bánh mì không! Cứ như thế, cho đến bữa thứ ba:

- Ba bữa nay, mẹ dư được 3 ngàn đồng đây, chúng mày có muốn sắm gì không?

- 3.000 đồng! Không đủ may cái quần xì gà mí cái áo thung mẹ ơi!

- Không đủ may 1 cái áo dài với cái quần đen xì gà.

- Vừa đủ tiền 1 đôi giầy mẹ ạ.

- Dư để mua 1 khẩu súng bắn pháo mẹ ơi.

- Nhưng, con ngán cơm gạo lứt muối mè rồi.

- Con cũng rứa!

- Con cũng vậy!

- Ngày mai ăn cơm trắng như thường đi mẹ.

- Đúng rồi, ăn như thường đi mẹ!

- Con sót ruột quá rồi.

- Con thì uống nước nhiều quá đó mẹ.

- Con hả? Ngay bây giờ mà con còn cảm thấy cái mùi thơm khó chịu của gạo lứt đây, nó cứ đưa lên cổ đấy mẹ ạ.

Mẹ kêu lên:

- Thôi đủ rồi, để rồi ta sẽ liệu bồi!

Chị tôi lên giọng đạo đức:

- Chúng mày làm mẹ ế cả cơm lẫn muối mè!

- Thì chị ăn cho mẹ đi.

- Ờ, chị ăn đi, chị vẫn tỏ ra dẻo dai lắm kia mà!

Có lẽ cảm thấy tương lai nặng chịch, vàng vọt như bao gạo lứt còn đầy nên bà ta nói:

- Quân tử lúc cùng thêm sợ gạo
Anh hùng khi gấp cũng xin thôi!

LÂN TINH 

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 228, ra ngày 1-11-1974)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét