Một
Như chú chim bé, không thưởng thức nổi mùa đông sương êm, như thân cây già cỗi trơ vơ không cành lá, như nụ hoa mỏng manh sớm mai chất ngất đợi chờ cánh mẹ ấm nồng, nắng mềm quấn quít. Không, sương còn vỡ trên những chồi lá non để nắng ngại reo dưới những vòm cây và em rời trường đã mười mấy hôm, nằm im lìm giữa bốn bức tường vôi xanh, như chiếc lồng kiên cố, như gác cũi nhỏ xinh giam giữ sơn ca líu lo, cầm chân sóc nâu tinh nghịch, ốm mềm người từ dạo trời đầy gió.
Ô, ngày mai hai mươi hai thật là dài, khi em hỏi ma soeur mùng mấy lúc mang thuốc vào phòng cho em và bối rối thật nhiều nghe câu trả lời. Một tiếng than không kềm giữ được: Thôi chết rồi, còn có tám ngày nữa thôi. Ma soeur một phen luống cuống tìm lời: … Bệnh con giảm nhiều rồi mà, chỉ vài hôm nữa thôi, lại phá, lại nghịch chứ gì.
Một chút ấm trên môi khi em nhè nhẹ mỉm cười. Chỉ cần hỏi thêm một câu: Thật không, thật không… là ma soeur sẽ tìm cách trốn mất, sẽ biệt dạng khỏi căn phòng nầy, ít nhất là tới chiều tối. Em lăn ra mép giường nắm cườm tay trắng nhỏ có cục xương tròn trĩnh, tinh nghịch nhõng nhẽo:
- Thế con ăn Tết với ma soeur nhé. Ba Me con chẳng nhắn nhe gì cả, ở đây luôn là phải rồi…
Lúm đồng tiền trên má phải ma soeur lún thật sâu:
- Chỉ sợ lúc đó…
- À, lúc đó thì sao? – Em mím môi, nghiêm nét mặt như để ma soeur đừng trêu, như đây là chuyện thật, còn ma soeur thì đã cười thành tiếng:
- Ừ, tôi phải năn nỉ cô mua vé máy bay, chở cô đến tận phi trường rồi chúc cô thượng lộ bình an.
- Khỏi có chuyện đó đi, con long trọng hứa với ma soeur đó, ý con là ý…
- Ý gì cũng được hết, nhưng ma soeur biết con ăn Tết ở đây không nổi đâu. Hai năm trước thấy khác, bây giờ con sẽ thấy khác.
Buông cánh tay ma soeur để nằm ngay ngắn trên gối, em thở dài ra vẻ thất vọng lắm lắm:
- Ơ, ma soeur thì bao giờ lại chẳng muốn xua đuổi con. Con… vậy là hết đất dung thân…
Ma soeur đã ôm vội tay em, ân cần:
- Không, ai cũng thương, cũng muốn giữ con cả, chỉ tùy con thôi, nếu con hoàn toàn hạnh phúc.
Và như mọi lần, ngồi yên với em một lúc lâu, vỗ nhẹ lòng tay bằng những đầu ngón âu yếm, ma soeur đứng dậy rồi nhẹ nhàng rời phòng. Hình như những chiếc lá mới rạng rỡ, nhú lên từ thân Lim sù sì lặng lẽ đứng che mát ngoài cửa sổ, hồn nhiên hát cho em nghe bài Xuân Êm, thèm ghê là nhảy nhót trên những đầu ngón chân từ gian phòng nồng thuốc nầy cho tới lớp học, túm giòng tóc lã chã nầy bằng sợi thun vàng Hạc mua tặng, sách vở thơm và màu mực vẫn đậm đà. Ô, chắc áo mới sẽ rộng và tay áo thùng thình làm mấy nhỏ bạn trêu rằng con bé mới được Thượng Đế cất nhắc lên làm Tiên Nương đến trường bằng mây đưa và vận áo lụa ngà cuốn gió. Không, Đông Xuân đã yếu mềm, đã bệnh hoạn cứ rời khỏi giường cũng đủ, cứ đón gió nắng ngoài vườn cũng tươi. Để hết làm thầy thuốc của lớp mười một dễ yêu, để những lần đầu đến thăm Hương Thư trong im lìm rất lâu, để Bạch Hạc tròn mắt, áp má vào tay Đông Xuân thủ thỉ: trời ơi, ốm quá ; để Kim Vân khoe món “đút cam”. Vậy mà cũng có nửa buổi giận ma soeur, cái điện tín đánh về nhà hôm mười bảy: “Đã bình phục. Đang được săn sóc kỹ. Đông Xuân”. Ơ, em không muốn ở nhà biết. Thiên Di sáng lòa xuống đời, em sẽ bay xa, sẽ vươn rộng cánh loài hoàng điểu, sẽ chao lượn trên tầng trời cao vời nhất. Ma soeur lại cắc cớ trêu: Hoàng Điểu không về tổ mẹ ăn Tết? Đông Xuân… trốn Xuân cho tới bao giờ? Em cười buồn: về nhà cũng vậy thôi.
Rồi ma soeur xem, con sẽ tròn ra và không làm ma soeur hết hồn lần thứ hai nữa đâu. Ma soeur cứ nhắc câu đó, để làm nhẹ câu rầy rà những lần em vờ quên uống thuốc. Trời, thuốc đầy ắp cái kệ nhỏ phía trên bồn rửa mặt và hàng chữ sáp đỏ 6 tiếng, 4 tiếng, 8 tiếng đồng hồ. Đôi lúc muốn đem xuống phố tặng cả cho những phòng mạch trị bệnh miễn phí. Làm Kim Vân nói quanh về mấy con gà mới bị toi vì “Đông không đến nhỏ thuốc”, làm Bạch Hạc bảo: “Hôm nào Đông mạnh phải mang Tí Lu đến Đông xem bệnh” và Hương Thư mím môi thẳng thừng: “Phải đó, mỗi lọ thuốc Đông biếu sẽ hữu hiệu đối với căn bệnh biết bao người.”
Em thích nhìn Hương Thư giận, nếu là nước đá ắt em phải tan thành nước cô bé mới hả dạ. Vẫn có nhiều người yêu em quá, vẫn còn nhiều người thấy em là cần thiết, là khoảng thật đầy với họ. Nhớ sao là nhớ lần em tiêm thuốc ngừa bệnh dịch cho đàn gà Kim Vân, mũi chích gọn và sắc để Me Kim Vân khen em mát tay, lần kê thuốc trị bệnh đau bụng cho chú chó Tí Lu: một giọt Alcool de Menthe hòa với nước ấm chia cho 2 lần uống, góc tư viên Carbo… Bạch Hạc thích ơi là thích: Đông Xuân giỏi chi lạ, Tí Lu chạy chơi rồi.
Có mình Hương Thư, thích làm cho em hơn là em phải làm cho cô bé. Hương Thư… nghệ sĩ, văn sĩ, thơ… sĩ cầm tay em dạy sol, la, rê, si, mi, thăng giảm. Hẹn em khi nào đàn giỏi, hai đứa mở hội quán trên mỏm đá nhìn xuống hồ Xuân Hương, tối thứ Bảy ôm đàn đến đó. Em giả bộ nhăn mặt: trời rét run đi Hương Thư, tay cứng ngắc làm sao đàn hay được. Con bé nguýt dài. Văn nghệ sĩ không sợ rét, Đông Xuân à.
Em ốm, Hương Thư buồn nhiều quá, chiều man mác, cô bé khảy đàn bên giường em: Năm năm trời không gặp, từ khi em lấy chồng, anh dặm trường mê mải, đời chia những nhánh sông. Em dí dỏm là Hương Thư hát làm em nhớ… Mẹ, nhớ gia đình quá chừng. Dễ chừng cũng ba năm rồi em xa nhà. Xa lắc lơ. Thư kêu em mạnh sẽ mừng em một cái bánh Pudding béo ngậy sữa, nên giận lắm lần em đòi cho thuốc. Có biết đâu em chẳng ngán gì uống thuốc, những cái chai, chiếc hộp như có hồn, Valium của Mẹ, Ulgastrin của anh Chương, Histidine của Ba…, không đâu mà nhắc em nhớ từng ngày.
Túm len trên đỉnh mũ lắc lư, chiếc áo choàng đen sọc vàng phủ ngang ống quần màu cà phê sữa, lưng tựa thành giường, chân duỗi trên đất, đàn rung trong tay, chỉ còn thiếu một lò sưởi bừng bừng ánh lửa, Hương Thư sẽ là nghệ sĩ rừng của Đông Xuân, của ngày hai mươi hai trôi trôi lạnh lùng…
Hai
Những cánh hoa tím của họ Thập Tự lay lắt bên thềm. Hương Thư trên nấc thấp nhất nghêu ngao tình như thoáng mây, trên nầy em rán bấm theo: mì la đố si là đố là si la fà sol mì, những dây tơ sao mà như những cọng kẽm, tiếng nhạc không mềm, trong, êm như mọi khi, làm Bạch Hạc cho Tí Lu chạy xuống đường rồi ngẩng lên:
- Có chuyện gì hả Đông Xuân?
Em buông đàn:
- Có điện tín của anh Chương, hăm sáu lên đón Đông.
- Đông về không?
Đôi mắt Hương Thư mờ sương như hàng thông xanh mướt quanh hồ dưới kia ngồi quay lưng lại chứ mà để ý lắm cơ. Kim Vân đang tung tăng bên bờ rào chen chúc hoa gần đó cũng quay lại nghe ngóng. Em dò ý:
- Đông cũng không biết tính sao, soeur Anne vẫn vui vẻ nếu Đông ở lại.
Hương Thư trầm tư:
- Phải về chứ Đông, ai cũng phải đón Xuân giữa bầu không khí gia đình cả.
Bạch Hạc tròn mắt:
- Thôi, ở lại đây với Hạc, đi chơi với Hạc, mừng tuổi chung với Hạc, như năm ngoái vậy mà…
Kim Vân liến thoắng:
- Ừ, phải đó, vắng Đông buồn chết được nè, không ai đòi ném thuốc qua cửa sổ nè, không ai cho thuốc Tí Lu nè, không ai soi trứng để gà Vân ấp nè… Không…
Em đã vui vẻ chặn lại:
- Ô, con bé Đông bệnh hoạn nầy hữu ích cho mọi người đến thế sao. Vậy thì Đông ở lại, Đông chả ưa về nhà tí nào.
- Anh Đông lên đón, Đông nói sao…
Em suy nghĩ giây lâu rồi đáp liền:
- Đông đánh điện tín ra Đà Nẵng cho ảnh, ảnh phục vụ tại đó đó Thư à, rằng… có người yêu cầu Đông ở lại và Đông đã nhận lời.
Những tiếng cười ấm áp vỡ ra, lan man vờn theo đám sục sạc động đậy bên lề đường, hoa vàng tươi trong gió Xuân. Mái tóc Hương Thư nhẹ bay, quần jean bạc thếch ôm sát đôi chân dài trông rắn rỏi, hiên ngang là lạ, môi Kim Vân đỏ son và má Bạch Hạc hồng quá.
Em áp tay lên má và nhớ nét cười Ngọc Trâm tươi, đôi mắt mà ánh nhìn nghiêng làm say sưa vũ trụ, bốn chiếc răng thỏ dễ thương, tiếng Dì Bảy không kêu được hết, chỉ nhớ tiếng thất thanh: Bã, Bã rồi khóc òa những lần rón rén trốn cô bé đi về. Ô cánh tay tròn lẳng thèm cắn một miếng, chiếc cằm thơm sữa, chị Phượng thương biết bao nhiêu. Nhớ buổi sáng đút tàu hũ nước đường thơm lá dứa bị bà ngoại la mà đôi mắt ướt nhìn mê mải gánh hàng rong vừa bước đi, mái tóc tơ mềm thơm thơm. Hôm giáp thôi nôi giữa những ngọn đèn long lanh ngày Sinh Nhật, Ngọc Trâm đã bắt gì nhớ không. Bà ngoại đã để thật xa mà chiếc gương con lộng lẫy vẫn thu hút được đôi mắt hột nhãn tròn xoe. Ô, Ngọc Trâm hư quá biết chưa, không bắt sách, bắt vở để học xa như Dì Đông, không cầm bút để sau nầy có tiền nuôi ngoại. Chuỗi ngày rộn rã đã qua. Biết anh Chương, anh Vũ, anh Phúc có về được ngày Tết. Biết Đông Xuân sẽ đổi ý không hay cầm ý, cầm lòng ở lại.
“Đông sửa soạn. Hai mươi sáu lên đón về. Chương.” Phải rẽ lên miền cao rồi trở về đồng bằng, anh Chương thật là câu nệ, vắng Đông mấy năm rồi, đâu có sao. Đông ở lại với soeur Anne. Đông. Những tờ giấy xanh bay khắp mấy miền, có làm cánh chim rực rỡ bầu trời Xuân, có là Rạng Đông đỏ má, có là Đinh lăng tươi vui, có là mây nước rộn ràng. Thôi thôi cỏ Tím thăm thẳm Cú dại im lìm. Đông vẫn là lãng quên, có nhắc nhớ vậy mà thôi.
Mắt cay cay lạnh lạnh như đứng giữa rừng chiều dồn dập sương, thông cao ngất và lá reo ngang trời, mù xám dãy Lang Biang chập chùng mây che, bên kia. Một nốt fa lạ lùng thênh thang giữa những bóng cây cao. Có khuôn mặt nghiêng trước mắt Đông, ngón tay giơ lên chạm má:
- Lêu lêu ê, đòi ở lại sao bạn “sa nước mắt”?
Em cười xấu hổ, kiếm cách trả đũa, quơ vội cây đàn rồi hất hàm:
- Lại thi văn Tao Đàn, Kim Vân ngâm một bài thơ đi, Đông đệm cho.
Kim Vân cười nghiêng ngả:
- Đông đệm thì chết thơ Vân, làm sao Vân xuất bản.
Bạch Hạc chêm:
- Ơ, thơ Vân toàn là gà không ở trỏng, Guitare đâu đánh ra tiếng cục tác được.
Kim Vân chồm lên, hai đứa chạy ầm ầm xuống thang lầu. Tiếng Hạc thoảng trong gió:
- Tưởng thương Đông dữ, ai ngờ chỉ sợ gà toi vì không ai chăm sóc. Ui, thịt Hạc cứng lắm đó, ngắt gẫy móng tay à nha.
Hương Thư lục lọi túi nho trong giỏ xách từ tốn ngồi xuống bên em, nho tươi như những giọt nước xanh mát trên đầu tay Hương Thư. Bàn tay đàn giỏi mà vẫn đẹp, mà Hương Thư cứ bảo là chai dần cả. Em cười ấm áp khi nhận nho từ tay Thư:
- Vừa ăn vừa thưởng thức văn nghệ “ngắt nhéo” hả Thư.
Cô bé chỉ cười, miệng cắn hạt dưa dòn dã, đôi mắt có vẻ suy nghĩ. Một lát, Hương Thư ngập ngừng:
- Nghe lời Thư đi Đông, Đông không nhớ nhà sao, nếu không phải vì giận hờn mà Đông ở lại đây thì Thư muốn lắm, đàng này…
Lại quay quắt, lại xao động, như những giọt sương căng rất tròn trên cành thông cao và chực liên tiếp vỡ sà xuống giữa hai đứa. Đông vắng mặt rất đều, đã thành thông lệ, có ai ngóng chờ đâu mà về, Ngọc Trâm chắc xa lạ, Ba Mẹ đã hững hờ. Em chống tay lên gối đăm đăm nhìn bóng đèn vàng lấp lánh sau những vòm cổng cong phết vôi vàng cũ kỹ bên kia tu viện, bóng tối nhá nhem. Không có Tết ở đây, không ai chờ Tết ở đây. Cuộc đời lang bạt, lạnh lùng lắm không Thư.
Hai nhỏ Vân, Hạc sau một hồi đuổi nhau, lếch thếch trở về, chẳng đoán được ai thắng vì ai tóc tai cũng rũ rượi, áo quần đầy bụi, đầy cỏ. Em cười với Kim Vân:
- Ai thắng vậy?
Con bé nghinh nghinh mặt:
- Ai thắng? Không bênh người ta gì hết.
Hương Thư nheo mắt:
- Vậy là Hạc, phải không?
Bạch Hạc không trả lời câu hỏi, chỉ nằng nặc:
- Khát nước ghê quá, lấy giùm hai cái ly đi Thư.
Em tủm tỉm:
- Vậy là Tí Lu thắng. Hạc với Vân xem kìa.
Em trỏ vào góc tường kín những cành lá tigôn, bộ lông trắng nõn của Tí Lu ló ra, đầu nguây nguẩy để đưa luôn cả chân sau sang bên nầy rào, nếu không nhờ chiếc vòng cổ đỏ xinh, không ai biết đó là cái gì. Thoát rồi, Tí Lu chạy lon ton đến gần Hạc, bộ lông dầy phất phơ, khuôn mặt gầm gầm xuống. Gần hơn nữa, cả bọn mới nhận ra, tiếng cười vang lên ồn ào. Tí Lu đang gậm nơi miệng hai ba nhánh cúc dại, sặc sỡ những hoa.
Ba
Chiến tranh không nhường bước cho mùa Xuân. Chiến tranh không biết Tết. Cách nhà em 70 cây số là một biển lửa, là giang sơn của đạn bom, khói cao ngất trời. Ba tờ báo ma soeur mang đến, tờ nào cũng chạy giặc, tan nát, đổ vỡ. Hằng trăm hỏa pháo, hàng triệu tấn bom, hàng chục ngàn dân. Những con số kinh hồn làm em quên ăn quên ngủ, ngồi bên máy phát thanh nghe tin loan đi từng giờ. Em chỉ chờ đợi ở nhà ăn Tết vui vẻ, mọi người sum họp, có mong gì những cảnh đó đâu. Anh Chương không cần gởi điện tín cũng chẳng lên đón được Đông. Anh Vũ, anh Phúc chắc bị kẹt ở đơn vị. Em nhớ nức nở ngày Tết vui năm nào. Hàng lư đồng sáng loáng, nhà mới quét vôi tươi, bức tranh sư tử thật oai trên vách. Cái cảnh xoay lư ra đánh mới linh động làm sao, anh Phúc chê anh Vũ chùi chân đèn không sáng, anh Chương nhỏ lại dầu mấy mắc cửa sắt hoen rỉ. Me mắc vào cửa những chiếc màn ren trắng muốt ẻo lả bay theo gió. Phần Đông là mâm trái cây và lục bình rực rỡ hoa. Ngọc Trâm lăng xăng với mứt khoai, mứt mận trên tay. Mấy nhánh trầu bà rung rinh trên vách, trên cửa, cau kiểng vàng rợp mát lối vào nhà, chỉ còn thiếu đủng đỉnh truyền thống là hệt như ngày đám cưới chị Hai. Phương cứ chạy ra chạy vào trông sào lạp xưởng phơi nắng cho khô quéo lại ngoài trước. Cứ Mẹ làm lạp xưởng là ngon, thịt mỡ rất vừa, ngọt mà thơm, ra nắng cứ đỏ au ấy thôi. Còn bánh tét nữa, cái nào Mẹ gói là để ăn lâu, của bọn Đông, Phụng, Phương gói thì phải ăn liền vì mau thiu mà sút xổ ra cả, đến anh Phúc gói thì cứng phải biết, đó là những đòn bánh sống nhăn sau khi vớt những đòn mềm rã của Đông ra. Tức quá Đông xoay qua làm bánh nhỏ hơn để anh Vũ cứ trêu, cô chỉ giỏi cái bánh ú thôi và Đông láy lại, coi chừng, Đông để củ kiệu đắng đừng hòng mời bạn nhậu về nhà, mất một buổi tối Đông ra chợ lựa tôm khô chứ ít sao.
Vui nhất là tối hăm chín, mười một giờ bánh mới ăn được, mở bánh ú ra trước, khói bay lên tuốt nóc nhà, chưa ráo nước mà nếp vẫn dẻo, lại ươn ướt thật ngon, thêm một màn giành ăn nhân đậu cho ai sửa soạn thi, có một tô mắm ớt ngon nhưng Phương cứ vùi nhân đậu với đường. Phương chưa đi thi nên anh Chương cười: “Phương có đường đậu phải không?” Còn Đông thì khệ nệ lên cúng Ông Bà trước, chị Hai đi rồi Đông lớn nhất mà. Phòng khách vắng nhưng lá, hoa, cành có ẩn giấu một nhịp vui nào, chỉ cần Đông cười với tất cả một cái, tưởng như chúng sẽ xôn xao cả lên. Ánh đèn sáng quá, nhang đầy cả lọ gỗ, trầm Me mới cho vào lư hương hôm trước, mùi thơm lắng đọng, quấn quít, dễ thương.
Có một khúc lạp sườn bị tuột dây, Đông cho gọn vào chảo mỡ nóng, a, muốn lạp xưởng chín ngon, phải hầm nước một lúc lâu cơ. Anh Phúc nhớ bánh chui trở xuống bếp gặp con bé ngồm ngoàm, tay lạp xưởng, tay bánh tét, anh la lên: Trời ơi, nhỏ khôn, sao ăn có một mình vậy.
Bánh tét đầy nhà và sào kẽm phơi đồ bị un khói cả chiều nên tro dầy lên, anh Vũ cứ than: áo trắng anh phơi, ai kẻ mắt bút chì cứ đi đụng vô. Cả bọn Đông cười lăn chiên: Không đâu anh Vũ ơi, đi thế còn gì là mắt bồ câu, tro bếp ấy mà.
Như là mới hôm qua, trong căn phòng vắng của em thiếu từ lâu những thứ đó. Em là Đông lạnh lùng, Đông u ẩn với riêng em, Xuân với bạn bè, sách vở, với soeur Anne và Xuân tịch mịch, Xuân chót vót trên những nhánh thông buồn. Khói lửa ngang qua trời nào, sao lòng em có gì thiêu đốt, sao lòng em vô đỗi bồn chồn. Nếu nơi đó yên lành, hẳn bên nầy hồn em đã im vui. Nếu phương đó ấm cúng thì nơi đây lòng em thôi đã lắng êm.
Hương Thư ngừng dạo bản Elle était si jolie… que je n’osais pas l’aimer đi ngang mặt em gầy rọp mất ngủ cười cười:
- Chờ bạn đổi ý thì hết chỗ máy bay rồi.
Em ném chiếc gối xuống giường, câu nói bật ra không giữ lại được:
- Cần gì, ta về xe đò, a-lê…
Em nhào ra cầu thang réo soeur Anne:
- Ma soeur, ma soeur có soeur Anne bên đó không?
Kim Vân, Bạch Hạc đổ dồn ra hiên vồn vã, bất ngờ:
- Về thật hả Đông, không ăn Tết ở đây à?
- Con nhỏ Đông thật là lạ, muốn về ăn Tết dưới hầm sao chứ!
Những câu nói nao lòng, em vẫn hăng hái:
- Ăn Tết dưới mương ta cũng không sợ, chứ là hầm, phải về lo gia đình chứ.
Ánh mắt Bạch Hạc trìu mến:
- Hoan hô Đông, thấy Đông lớn được một chút.
Em hỏi han vẻ lo ngại của Hương Thư:
- Sao đó Thư?
Giọng nói cô bé chùng xuống:
- Đông có sợ xe đò đường bộ mất an ninh không?
Em la lên vui vẻ:
- Không, mọi sự sẽ trôi chảy, mau lẹ như quyết định tức thì của Đông vậy.
Bàn tay nhỏ, trắng siết tay em:
- Đông giỏi quá. Thư sẽ giúp Đông về ngay sáng mai.
Đằng kia Bạch Hạc bắt tay làm loa gọi xuống sân:
- Ô ê… soeur Anne ơi, nhỏ Đông muốn về nè.
Cái bóng thoăn thoắt ma soeur hiện ra dưới khung cửa vàng, con số 1953 trên vách nhòe nhoẹt vôi nhưng sao dễ thương quá, như khuôn mặt thật hồng ma soeur ngó lên:
- Cái gì đó?
Em vẫy lia lịa:
- Lên đây phụ con dọn dẹp, mai con về ma soeur ơi.
Ma soeur hấp tấp bước lên mấy nấc thang, em để mặc cho Hương Thư sắp đồ, Bạch Hạc giải thích, sửa soạn xuống phố để mua ít quà Đà Lạt. Đi ngang qua dáng Kim Vân rầu rầu bó gối nơi thềm, em quay lại ôm vai cô bé vỗ về:
- Rồi Đông sẽ trở lên mà, để gà Kim Vân đó Đông lo cho.
Ô, đôi môi trề xuống run run ; em sợ Kim Vân khóc quá:
- Không, Vân chỉ sợ Đông về nhà luôn thôi. Tết không có Đông buồn quá.
Em sững sờ, cây cỏ cũng quen, huống nữa là người, ba năm ở đây, cái nầy, chỗ nầy đã làm em không rời, không bỏ được đây. Em vỗ má cô bé:
- Bậy nè, Tết nầy Đông phải dành cho gia đình chứ… Đông vui thì Kim Vân cũng vui phải không?
Nhìn con bé gật đầu, em băng băng chạy xuống đường, vẫy chiếc xe lam nhào lên, ra chợ, mứt xoài cho chị Hai, mứt mận cho Mẹ, dâu cho Phương, Phụng nè, mứt dâu cho anh Vũ, Chương và… artichaud đặc biệt cho anh Phúc và… linh tinh… đủ thứ.
Còn một bó hồng Đà Lạt, hồng nhạt, hồng phớt cơ, tối nay phải mất công dầm nước đá đây và ba trăm cây số ôm trên tay. Không sao, không sao. Em không sao nhiều quá, lúc đưa mắt tìm khu hàng quen, và chạy tới với lỉnh kỉnh hộp, túi trong giỏ, trên tay. Cô hàng cười thật xinh, chắc chờ hỏi – có pensée tím nhạt không – như mọi khi, nhưng em chỉ vắn tắt:
– Hồng nhạt, Hồng phấn mới cắt, có không chị Nhiên?
Đôi má chị Nhiên hồng quá, như lót phần tươi, cái cười nhẹ nhàng:
- Đủ cả, cô xem…
Theo ngón tay trỏ, em bắt gặp một vườn hoa nhỏ nho chen chúc muôn màu. Pensée đẹp dịu dàng nhưng hôm nay Đông phải chọn Hồng cơ. Hồng như môi son Ngọc Trâm, như hai má Me nhuốm ánh lửa nồi bánh vừa chín, cũng… như đôi mắt… Ba dung thứ, hiền lành, vụn vỡ những tàn than đỏ ấm áp và khi cúi xuống những búp hoa rực rỡ, mường tượng đến chuyến xa rộn ràng buổi sáng băng miền cao xuống bình nguyên, đến bàn tay vẫy bè bạn, đến bất ngờ của gia đình, ai sẽ thấy em đầu tiên, chắc Me sẽ bỏ dở mọi việc đang làm, chắc Ba sẽ hỏi em hết bệnh chưa, chị Hai sẽ la: dữ không, tưởng không thèm về nữa chứ, Ngọc Trâm sẽ nhốt hết bầu trời có em vào đôi mắt tròn to ngơ ngác, giữa những nụ hồng e ấp, em mới nhớ ra là Tết của Đông Xuân rừng rú, ngây ngô tội nghiệp không dưa, không bánh, kẹo chào đón. Mà bánh kẹo nào có nghĩa gì, khi anh Vũ, anh Phúc, anh Chương và bao nhiêu người anh khác của Đông còn nằm sương, gối đất, lạnh lùng.
Linh Hương
Xuân Ất Mão 1975
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 231, Tết Ất Mão, ra ngày 25-1-1975)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét