Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Bé tuyệt thực - LINH HƯƠNG

Tranh minh họa của ViVi
- “… Trước cửa hoa mai vàng nở rộ, trời xanh thực xanh, gờn gợn một vài cụm mây trắng mịn…” A ha! Chị Phương định làm văn sĩ ta…

“Biết ngay mà!” Bé chỉ kịp nhủ thầm một câu rồi tuột vội xuống giường, cáu sườn ghê lắm đấy nhá! Những “tác phẩm” dang dở sáng tác lúc “nửa khuya” về tối… à không, về sáng là chồng giấy cồm cộm dày dày Bé xếp ở đầu giường. Ai đụng tới là cả một điều tối kỵ đối vối Bé… thế mà… Bé vẹt màn bước ra sân “oai phuông” như một nữ tướng:

- Trả cho Bé, Bé không giỡn với Minh đâu nhé!

Mặc, Bé nói gì thì nói, cu Minh – vâng, cái tên em lì lợm của Bé – vẫn nhảy múa trước mặt Bé y như làm trò xiếc, tay phất phơ mảnh giấy chi chít chữ, thỉnh thoảng lại nổi hứng cúi xuống đọc rồi phá ra cười trông ghét ghét là, ừ, mà có tiếng khúc khích của ai hưởng ứng đấy nhỉ? Bé “pháo kích” tầm mắt ra chung quanh hàng xóm. Một thoáng tai Bé nóng ran lên. Trời ơi! Buổi trưa sao mà “thiên hạ” đủ mặt hết vậy kìa: chị Hạnh nè, anh Huy và cả chị Loan nữa. Chị Loan, chị Hạnh rũ ra cười, còn anh Huy xoay lưng lại nhưng Bé thấy rõ ràng vai anh ấy rung rung… Thôi rồi, bí mật “quân sự” của Bé bị bật mí mất rồi, một bánh pháo nổ thật ròn ở xa như nhắc nhở Bé sự hiện diện của mùa xuân, thảo nào “bàn dân” mới quy tụ đông đảo như thế chứ. Tức quá đi mất. Bé hét lên làm cu Minh choáng người:

- Trả ngay đây, đừng làm Bé nổi nóng. Bé hét một tiếng nữa giật mình bi giờ!

Sau hai phút định thần, thằng bé xếp thẳng nếp tờ giấy rồi vênh mặt yêu sách:

- Nhưng… chị Phương phải đền em cái gì cơ!

“Đền”. Hừ! Định làm tiền Bé nữa à, Bé “quắc mắt”:

- Còn khuya… Tết Bé mới đền.

Thằng bé nhảy cỡn lên reo:

- Tết hả? Thế thì Tết rồi đây… ngày nay 30 nhé, mai là… là…

Chết! Quen miệng bảo Tết, Bé quên bẵng tối hôm nay là Giao Thừa, nguy quá đi mất! Bé xấn bước lại ông trời con ấy:

- Im, đưa đây!

- À… mà em có một thắc mắc nầy chị Phương ạ!

Giọng thằng bé trịnh trọng gớm thế, Bé nói mau:

- Đưa đây, Bé không phải là kẻ đi gỡ rối tơ lòng.

Miệng hắn ta bô bô:

- Nầy nhá, gần Tết rồi, chị Phương viết bài Tết, rứa thì báo nào đăng đây?

- Ơ… ơ, Bé viết cho số Tân Niên mà lị… Thằng “hỏi xạo” quá, đưa cho Bé, không Bé mách Me đấy.

Thằng bé nhe răng cười khì, Bé chạy một mạch ra nhà sau:

- Me ơi!… Cu Minh lấy đồ của con.

Me đang loay hoay bên soong mứt tầm ruột mới sên đỏ mọng trông phát thèm. Chà, Me có vẻ nhọc ghê, mồ hôi lấm tấm, chắc lại lới vào bếp chứ gì. Me cau mày:

- “Đồ” gì?

Có bước chân cu Minh chạy lọt xọt phía sau và tiếng hắn ta vang lên:

- Tập bản thảo viết bài đăng báo đấy Me ạ.

Trời ơi! Thằng bé ác ghê! Dám khai huỵch toẹt ra thế nầy, thế nào Me cũng rầy Bé cho xem, và quả thế thật:

- Bé hư quá nhé, cứ viết báo mãi, tháng nầy học sụt hạng Me mách Ba đấy!

- Nhưng…

Bé định nói “nhưng hôm nay là 30 Tết, là ngày nghỉ mà”. Nhưng Bé không nói được vì cơn uất nghẹn đã chặn cổ Bé. “Mách Ba!”, nước mắt Bé trào ra. Không nghĩ ngợi, Bé chạy vào giường úp mặt lên gối. Bé buồn Me, buồn cu Minh kinh khủng. Bé muốn “quên” cu Minh đi, nhưng lạ kìa… khuôn mặt thằng bé vẫn hiện ra với nụ cười trêu chọc dễ ghét như là bộ mặt méo mó của sạp báo lúc Bé ra hỏi mà không có Tuổi Hoa vậy. Còn Me nữa, không thông cảm hoàn cảnh của Bé chút nào hết hà, giận ghê đi! “Giận”! Như một đốm ánh sáng lóe lên trong vùng tối, Bé ngồi bật dậy “suy nghĩ”. A! Cái gì chứ giận Bé nhất rồi, “thành tích” của Bé làm Me phải nể luôn, có lần Bé nhịn ăn… 2 ngày, uống nước lạnh không đấy, ngán chưa? Lúc đầu Me cũng giận lại Bé, có nghĩa là không thèm nói gì tới Bé hết, mặc Bé nằm lì trong giường, nhưng đến ngày thứ ba thì “Bé ơi! Xuống ăn cơm với Me nào!…” Híc! Thế là Me đã chịu “xuống thang chiến tranh” vô điều kiện. Dĩ nhiên Bé phải tỏ “thiện chí” bằng cách xuất hiện nơi bàn và cười một phát thực tươi, như chả thèm đề ý đến cái bao tử đói meo chút nào. Nhưng thực ra Bé để ý lắm chứ, cứ mỗi buổi sáng, trưa, chiều, đúng giờ ăn nó sôi đùng đùng như đòi Bé phải chịu “nhượng bộ”. Thế mà Bé “khuất phục” được nó đấy, Bé cũng có chí – mà không – có ý chí như ai chứ chơi à!

Thế thì Bé phải giận Me mí được. Giận đây còn được “yểm trợ” bởi hai chữ nhịn ăn nữa đó! Nầy nhé, phải nhịn ăn sáng nầy, ăn trưa nầy và cả ăn chiều nữa, bộ mặt phải lầm lầm lì lì cho Me sợ nầy. Thế là cái điều kiện ắt có đủ: giận thì phải thế nầy, thế nầy chắc chắn là giận đã được Bé ôn nằm lòng rồi nhé, chỉ còn áp dụng nữa là xong. Nhưng mà “nhàn cư vi bất thiện”, nếu mà nằm “suy tư” như thế nầy thì có lúc, Bé phải “động binh” mất thôi. Bé lò dò bước ra ngoài tìm quyển sách hình “vĩ đại” ôm vào giường với một chai nước lọc, một cái ly. Dĩ nhiên bộ mặt lạnh lùng của Bé lúc sửa soạn cho một thái độ phản đối gián tiếp khỏi cần nhắc đến, nó cũng đã túc trực “nơi đó” rồi. Me hình như không chú ý đến sự thay đổi của Bé chút nào vì lúc Bé nện mạnh cái ly vào đầu chai nước vô tội và xếp quyển sách cái ầm, đúng là Me có ngạc nhiên nhìn lên, nhưng quái nhỉ, Me vẫn thản nhiên cho những đòn bánh tét mới nấu xong vào thanh tre vắt vẻo ngang xà nhà, rồi cúi xuống sắp những trái mứt me vào chiếc quả tròn để đãi khách, chao ơi, chắc ngòn ngọt và phải chua chua lắm một khi nó đã vàng quánh thế kia. Nản quá, Bé len lén đi tìm thằng Minh, đây rồi, hắn ta đang cho một cây pháo vào chiếc lon sữa bò úp kín trên mặt đất, nối liền với một sợi dây tẩm xăng rồi đốt từ từ sợi dây ấy để bắt lửa cho cây pháo và… bù… u… ùng! Chiếc lon tung cao lên trời rồi rơi xuống trên xác pháo đỏ lả tả, chắc cu cậu đã quên bẵng câu chuyện trêu ghẹo ban nãy vì qua mấy cái đầu lố nhố đứng trước mặt sân hâm mộ và làn khói xanh nhạt, gương mặt thằng bé hả hê vô cùng.

Nhưng đã bảo ý chí Bé mạnh lắm mà, mím môi một cái cho vững “đức tin” Bé cương quyết quay trở vào giường, chúi đầu vào diễn biến của câu chuyện trong quyển sách hình… Nhưng Bé nghe nôn nao lạ lùng (Tết mà!), thẫn thờ, Bé xếp quyển sách lại, nghĩ đến trò chơi của cu Minh ban nãy, hay đấy chứ! Bé chắc lưỡi tiếc rẻ. Nếu không giận hờn thì Bé đã nhập cuộc rồi ạ. Có tiếng chim ríu rít trên chòm cây mãng cầu lòa xòa bên cửa sổ. Bé phóng tầm mắt ra ngoài, trời xanh thực xanh, nắng rẽ phăng kẽ lá ươm từng mẩu tơ vàng mịn trên mặt đất, tiếng pháo vẫn ròn tan, khuấy động bầu không khí, Bé thở dài khe khẽ rồi thiếp dần…

*

- Nào, Tính chào Dì Hai đi nào, cả Thu nữa, sao chóng quên thế, cứ mở tròn mắt ra…

- Ối dào, cháu Thu chóng lớn ghê nhỉ! À! Mời ba Dì cháu ngồi, không khéo lại quên khuấy đi mất…

Bé tỉnh dậy giữa những tiếng rộn rịp nơi phòng khách. Hẳn là Dì Ba chứ không ai, đến thăm Me vào chiều 30 vẫn là thông lệ của Dì hằng năm. Có tiếng Me gọi vọng ra bếp:

- Minh à, rót nước cho Dì Ba đi con.

Tiếng thằng bé vang lên từ sau bếp, ngập ngọng (chắc lại ăn vụng mứt chứ gì):

- Dạ… à, mà cái ly Me để đâu, rót nước gì Me nhỉ?

Không xong rồi, thế nào cu ta cũng bị rầy một trận vì không biết gì cả, lại lo ăn không! Tội nghiệp, con trai mà! Bé bước xuống giường suỵt khẽ:

- Thôi đi “cụ”, làm ơn ra chỗ khác giùm, Bé làm cho…

Hắn ta ngơ ngác mở to mắt:

- Chứ chị Phương không giận nữa à?

Thật tỉnh, Bé đáp (thì ra “hắn” có ý tứ ghê chứ lị!):

- Sao không, làm xong Bé sẽ giận tiếp, bi giờ chỉ là “đình chiến” thôi nhé!

Cu Minh cười tủm tỉm có vẻ trêu chọc:

- Ghê thế cơ à.

Bé lặng im rót nước ra tách rồi nhè nhẹ mang lên. Tiếng Dì Ba rõ to:

- Ối chào! Cháu Phương đấy hở, lâu ngày trông lớn và xinh ghê!

Ghê không! Bé lớn rồi chứ bộ, cứ bắt Bé nhỏ hoài sao! Bé quay đi, có tiếng Me:

- Năm nay, cô ấy 14 rồi đấy!

Thu reo lên:

- À! Thế thì bằng tuổi con, Phương ơi, mình bồ nhé!

- Ừ… nhưng nếu có kẹo, Bé được quyền ưu tiên ăn trước cơ!

Thấy cuộc “tiếp xúc thân mật” có thể làm cản trở ý định của Bé, Bé vội vã cáo từ:

- Thôi, xin phép Dì, xin phép Thu, Bé đi… ăn cơm nhé!

Dì Ba ngạc nhiên:

- Mới 6 giờ chiều mà Bé ăn cơm rồi à?

Bé không “biết trả lời sao” thì tiếng Me khúc khích sau lưng:

- Trưa tới giờ cô ấy cho bao tử “đình công” đấy.

Cả hai người cùng cười. Bé tức ghê là! Thế rồi… đằng trước… bước! Bé trở về giường ngắm kỹ dung nhan tiều tụy của chai nước lọc đang vơi dần mà ức thầm. Lỗi tại Me cả nhé! Bé có muốn thế đâu! Giữa lúc “hòa bình” đang được “vãn hồi” thì Me lại cố tình “khiêu chiến”. Mùi bò kho hâm nóng và mùi lạp xưởng ngào ngạt thoảng vào căn phòng, bụng bé sôi đùng đùng át cả tiếng pháo nữa đấy, khổ thân Bé, phải “no bụng trong danh dự” mới chịu cơ. Bé lần tay xuống giường tìm quyển sách hình coi đỡ, tình cờ Bé chạm tay vào một bì thơ cưng cứng. Ngạc nhiên, Bé lôi lên xem. Thì ra là quyển “Bông hồng cài áo” mà chị Hạnh đã cho Bé hôm nào, hôm đọc xong Bé thương Me ghê là “Nếu anh còn Mẹ, anh sẽ được một hoa mầu hồng trên áo và sẽ tự hào là con Mẹ. Còn nếu anh mất Mẹ anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng…” (*) Đó là ý nghĩa của đóa hoa hồng trên áo mà cũng là câu Bé thuộc lòng. Thế thì Bé thử xem tình thương của Me có còn “cảm hóa” được Bé không nào: “Ý niệm về Mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương…” (*) Chỉ khi nào Mẹ đến, kéo chăn đắp lại ngực cho ta, đặt bàn tay trên trán nóng ta và than thở : “Khổ chưa, con tôi”, ta mới cảm thấy đầy đủ ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình Mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp mật và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau…” (*) Ôi chao! Bé đọc sao mà nghe thấm thía thế nầy, chiều đến giờ chắc Me phải nhọc lắm để sửa soạn ăn Tết, mứt nầy, trái cây nầy, và buổi cơm chiều nữa. Thế mà Bé cứ mãi giận lên giận xuống, chắc Me phiền lắm mà không nói, tội nghiệp Me. Mà cũng tại Me cả, nếu me không rầy Bé thì đâu đến nỗi… Ừ, mà Me “bảo” thế có gì là nặng đâu, đúng đấy chứ, chắc Me chỉ dọa cho Bé chăm học thôi, chả thế cứ mỗi lần đọc bài Bé được đăng trên báo, Me lại tròn mắt khen “con Me giỏi thế nầy?” Sao Bé lại giận Me được nhỉ? Bé thật có tội!

- Minh ơi, xuống ăn cơm con, ăn cho no nhé!

Chắc khách về rồi và Me sửa soạn ăn cơm chiều. Me kêu cu Minh đấy, sao lại không kêu Bé, Me “bỏ rơi” Bé thật à, hồi chiều chính mắt Bé thấy Me cười thật tươi mà… Thôi, Bé chả cần, Bé không cần Me một khi Me không còn thương Bé. Mắt Bé mờ đi sau màn lệ, bàn tay Bé vơ vội quyển sách: “Chiều nay khi đi học về, hoặc đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng Mẹ với một nụ cười thầm lặng và thực bền. Em sẽ ngồi xuống bên Mẹ. Sẽ bắt Mẹ đừng kim chỉ mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn Mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy Mẹ, để biết rằng Mẹ đang sống và ngồi bên em. Cầm tay Mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm Mẹ chú ý. Em hỏi: “Mẹ ơi, Mẹ có biết không?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười: “Biết gì?” – Vẫn nhìn vào mặt Mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói : “Mẹ có biết là con thương Mẹ không?” Câu hỏi không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi, người cũng có thể hỏi Mẹ một câu như thế, bởi vì người là con của Mẹ…” (*) Một sự thúc đẩy lạ lùng bắt Bé bước xuống giường chạy lại Me xin lỗi, nhưng “tự ái” chỉ cho Bé bước chân ra đến ngưỡng cửa rồi dừng lại. Không hiểu là lần thứ mấy, Bé trở lại giường và thở dài.

- Minh ơi! Con ủi đồ mới chưa, để sẵn cả đấy, Giao thừa Me với con cùng đi lễ nhé!

- Dạ… con đi chơi một chút nha Me!

- Mà nhớ về ngủ sớm nghe, còn đón Giao thừa nữa Minh ạ!

Trời ơi! Chóng quá, gần đến Giao thừa rồi à? Sao Me không gọi Bé, bảo Bé ủi đồ mới, và đón Giao thừa. Bì đỏ tiền lì xì của Bé bỏ cho ai? Chắc cu Minh sẽ lấy hết, Bé tủi thân quá! Gió hây hây lùa từ ngoài vào vang vọng những tiếng pháo giật nẩy mình…

*

Khi tiếng thở của Me và cu Minh thật đều, Bé se sẽ tìm dép bước xuống giường. Bụng Bé đói cồn cào. “Phải kiếm cái gì ăn mới được!” Bé nhủ thế và lần bước ra tủ lưới sau bếp, vị trí “đóng quân” của thức ăn đấy! Trời thực tối, đêm 30 mà lị! – tìm mãi một lúc, Bé mới tìm được nút bấm đèn nhà tắm, một tiếng tách khẽ vang lên, một lượt với luồng ánh sáng dìu dịu hắt ra ngoài. Me sẽ không biết đâu vì đèn nhà bếp không được Bé cho phép cháy. Bi giờ thì thám thính cái tủ nào? Ơ… hay! Sao lạ thế nầy? Không có một thức gì cả, hoặc là chúng rủ nhau chơi trò “trốn kiếm” cả rồi, hay là Me không có cất đồ ăn ở đây? Thế thì me cất đồ ăn đâu nhỉ? Rõ ràng Bé thấy nhiều lắm mà: mứt hạt sen tròn trịa thơm phức, mứt bí ngọt lịm, mứt mãng cầu đục như sữa và gói giấy kiếng trông phát thèm! Và Bé nhơ nhớ cái mùi bò kho “nồng nàn” hồi chiều ghê là, nhất là cái quả hạt dưa cắn nghe giòn tanh tách. Sự “tiết tâm linh” của Bé lại xuất hiện rồi mà khổ quá đi thôi, nhà bếp chỉ còn mấy đòn bánh tét treo lủng lẳng, to thế ai mà dám ăn! Me ác ghê thế, chắc là ở nhà trên, đi tìm là có chứ gì… Mạnh dạn tắt đèn, Bé dấn bước ra phía trước. Ở đây tương đối sáng hơn tí xíu nhờ ánh nến trên bàn thờ. “Bàn thờ”. Ái chà! Bé dáo dác nhìn quanh. Đây rồi, mấy chùm nho đỏ mọng với mấy trái cam, quýt chễm chệ bên bức chân dung của Ba. Sao… Tết mà Me cho Ba ăn trái cây không thế nầy? Thế mà hơn… vì Bé không được ăn gì hết… Tội nghiệp Ba quá! Chắc Ba thèm ăn cơm lắm (như Bé đang thèm vậy), Bé cũng ăn trái cây như Ba đây, vì Me không cho Bé ăn… Ba ơi! Mắt Bé lại hoa lên. Bé với tay rứt một trái nho. Chết! Tiếng gì lịch kịch ở dưới ghế, dường như cái bàn thờ sắp sửa chuyển dộng vậy. Bé run lên, không lẽ… có tiếng rít thật lớn dưới bàn thờ, tiếng công cốc gõ vào tủ, mắt Bé nhòe đi, tay Bé chới với bám vào bàn, tim đập thật mạnh. Hình Ba to dần trước mắt Bé. Bé chết sững. Bé muốn bước đi mà sao chân Bé cứng đanh thế nầy? Bé ú ớ hét lên một tiếng rồi ngã xuống trong lúc mặt đất dường như đảo lộn đi mấy vòng:

- Ma! Me ơi…

Tiếng chân Me vội vã chạy ra lẫn với tiếng cu Minh ngơ ngác:

- Gì? Gì? Gì thế Me?

Đèn được bật sáng lên. Đang tái, mặt Me hồng dần rồi me cười ngất:

- Ơ kìa! Bé hay chưa. Ma gì mà ma? Chắc cô Bé giận đã rồi đói và sợ đói suốt năm nên đi kiếm đồ ăn rồi gặp… ma chứ gì?

Sự hãi hùng còn vây quanh. Bé loạng choạng đứng dậy. Me đỡ Bé, vỗ về:

- Chuột đấy! Tội nghiệp con tôi… Thôi xuống đây, Me con mình ăn cơm. Hồi chiều Me cũng chưa ăn. Vắng Bé ăn thế nào được! Ba mẹ con mình sẽ đón Giao thừa, áo đầm mới của Bé, Me ủi cả rồi đấy, thôi lau nước mắt đi nào, không sợ “nhè” suốt năm sao!

Trời ơi! Me tốt quá… Bé không ngờ… Tiếng cu Minh vang lên khoái trá:

- Ma! Me ơi…

Bé lườm cu Minh một cái, nhưng không còn giận thằng bé ấy nữa, vì Bé đã có Me rồi cơ và và “Bé đang được cài trên áo một đóa hoa mầu hồng, một mầu hồng diễm tuyệt và vĩnh cửu trong ước mơ của Bé…”.

—————-
(*) Trích trong quyển Bông hồng cài áo của Nhất Hạnh

XUÂN 69
LINH HƯƠNG
(Nhóm Thương Linh)

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 100, Xuân Kỷ Dậu, 1969)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét