Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Chiếc Vương Miện Cẩn Ngọc (V)

Tôi trả lời là vụ này không còn là một câu chuyện riêng tư nữa, mà là một chuyện công, vì chiếc vương miện bị sứt mẻ là một vật báu quốc gia. Tôi đã quyết định là luật pháp phải được áp dụng triệt để.

Nó nói:

- Ít nhất, ba cũng đừng bảo họ bắt con ngay tức khắc! Tốt hơn cho ba cũng như cho con, là hãy để con ra khỏi nhà trong năm phút đã.

Tôi nói:

- Để cho mày trốn hay sao? Hay để mày giấu cái vật mà mày vừa mới lấy?

Tôi hiểu ở địa vị của tôi sẽ khổ sở đến mực nào, và tôi van vỉ nó nhớ rằng không những danh dự tôi, mà còn danh dự của một người có tiếng tăm hơn tôi nhiều, đang bị hăm dọa ; và biết đâu lại chẳng xảy ra một chuyện tai tiếng làm phương hại đến cả quốc gia. Tất cả sẽ tránh được nếu nó chỉ cần cho tôi biết nó đã làm gì với ba viên ngọc đó rồi. Tôi bảo nó:

- Con đã đủ lớn để nhìn thẳng vào sự việc. Con đã bị bắt gặp quả tang ; tội của con không thể nào nặng hơn được nữa. Nhưng nếu con nói cho ba biết những viên ngọc đó ở đâu, thì tất cả sẽ được ba tha thứ và quên đi hết.

Nó trả lời tôi:

- Ba hãy tha lỗi cho những người nào cần được thứ lỗi, chớ con thì có gì đâu mà phải vậy…

Rồi nó quay lưng lại phía tôi cười nhạt. Biết không thể lay chuyển được nó, tôi chỉ còn cách là gọi viên thanh tra tới và trao thằng con tôi lại cho ông ta. Nó lập tức bị lục soát, và người ta khám xét phòng nó cũng như tất cả các ngõ ngách trong căn nhà của tôi. Tuy thế vẫn không ai tìm ra những viên ngọc. Mặc cho những lời thúc bách và hăm dọa, Anh Thi vẫn cứ không chịu mở miệng. Sáng nay nó bị tống giam, và tôi, sau khi đã điền xong các giấy tờ, tôi chạy ngay đến kiếm ông để nhờ ông mang hết sự khéo léo để điều tra ra vụ này. Bây giờ thì cảnh sát đành bó tay. Nếu cần, ông cứ việc tiêu xài bao nhiêu tiền cũng được : tôi đã treo giải thưởng một ngàn bảng cho ai tìm được những viên ngọc đó… Trời ơi, làm sao bây giờ? Tôi mất danh dự, những viên ngọc và đứa con trai của tôi trong cùng một đêm! Ô! Làm sao bây giờ? Làm sao?”

Ông ta úp mặt vào hai bàn tay, và vừa lắc đầu sang phải, sang trái, vừa lẩm bẩm những tiếng gì khó hiểu, như thể một đứa con nít.

Nhà thám tử Sĩ Lâm ngồi im trong vài phút, lông mày nhíu lại, và mắt nhìn vào lò lửa. Rồi anh hỏi ông ta:

- Ông thường có nhiều khách không?

- Không, trừ người hợp tác với tôi và gia đình ông ta, thỉnh thoảng cũng có một người bạn của Anh Thi. Mới đây, Bảo Minh cũng thường tới. Ngoài ra, chẳng còn ai nữa.

- Ông có hay đi giao du bên ngoài không?

- Anh Thi thì có. Hoa và tôi thì thường ở nhà – Nó và tôi đều không thích những chuyện đó.

- Một thiếu nữ mà như thế thì lạ thật!

- Tính tình của nó ôn hòa. Với lại nó cũng chẳng còn non dại gì nữa : nó đã hai mươi bốn tuổi.

- Theo lời ông vừa kể, thì câu chuyện này cũng làm cho cô ta xúc động lắm phải không?

- Kinh khủng ấy chứ! Nó còn bị xúc động hơn tôi nữa.

- Cả cô ấy và ông, đều quyết đoán là Anh Thi nhúng tay vào nội vụ ư?

- Chúng tôi còn nghi ngờ gì khác nữa cơ chứ. Chính tôi đã thấy chiếc vương miện trong tay nó mà.

- Cũng chưa thể kết luận được. Phần còn lại của chiếc vương miện có bị hư hỏng không?

- Có! Bị xoắn lại.

- Thế ông không nghĩ là lúc ấy cậu ta đang gắng sức để nắn nó lại sao?

- Cầu Chúa ban phước cho ông! Ông ráng làm những gì ông có thể làm được để giúp tôi và nó! Nhưng việc đó quá khó khăn. Nó làm gì ở đó? Và nếu nó vô tội, sao không nói ra?

- Đúng thế, và nếu cậu ta có lỗi, tại sao lại không kể ra một câu chuyện bịa đặt? Sự im lặng của cậu ta có thể cắt nghĩa được theo hai cách. Trong câu chuyện này, có nhiều chi tiết lạ lắm. Còn về tiếng động đã làm ông thức giấc, thì cảnh sát nghĩ sao?

- Mấy người cảnh sát nghĩ là có lẽ đó là do Anh Thi gây ra, lúc nó đóng cửa phòng của nó lại.

- Không thể được! Chẳng lẽ một người sắp làm một điều phi pháp lại đóng sập cửa lại để làm cả nhà có thể thức dậy sao? Còn cảnh sát nói gì về vụ những viên ngọc đã biến mất?

- Họ vẫn tiếp tục quan sát dưới sàn nhà và lục lọi các đồ đạc trong nhà để tìm.

- Họ có nghĩ tới kiếm bên ngoài nhà không?

- Có. Họ đã cố gắng hết sức. Cả khu vườn đã được xem xét kỹ.

Sĩ Lâm hỏi:

- Ông ạ, bây giờ ông có nghĩ là câu chuyện này phức tạp hơn là ông và cảnh sát tưởng, lúc mới thoạt xem qua không? Câu chuyện này giản dị ư? Không đâu, đối với tôi, nó phức tạp vô cùng. Ta hãy coi lại giả thuyết của ông xem nào.
_______________________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN VI

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 77, ra ngày 18-2-1973)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét