Sáng hôm đó, trời rất lạnh, tôi đứng nhìn ra đường, ở cửa sổ căn nhà mà hai chúng tôi thuê chung, ở đường Bảo Lê.
Trời tiết tháng hai nên giá buốt. Bầu trời trong sáng nhưng không khí lạnh như băng. Tuyết rơi từ hôm qua hãy còn đọng lại chưa tan, và chiếu sáng lấp lánh trên mặt đất. Dưới đường, vì có xe qua lại nên tuyết trở thành những vệt dài màu nâu, nhưng trên hè phố, nó vẫn trắng xóa như vừa rơi xuống. Đã vậy, lại còn trơn nữa, làm cho khách bộ hành chẳng mấy ai dám ra đường.
Từ trạm xe lửa ngầm đến cửa nhà chúng tôi, hoàn toàn vắng bóng người, nếu không có một ông đang chạy vùn vụt tới.
Ông ta dễ đến năm mươi tuổi rồi, thân hình cao lớn, mập mạp. Ông ta có một vẻ oai phong, và quần áo của ông ta sậm màu, cũng rất sang. Áo lễ có đuôi phía sau, màu đen, và quần xám hạt trai cắt khéo, mũ mới và giày nâu sạch, nhưng than ôi, cử chỉ của ông ta mới tương phản làm sao, so với quần áo và dáng người ấy.
Ông ta chạy thật nhanh, vừa chạy vừa vẫy tay, và thỉnh thoảng lại còn nhảy lên nữa. Đầu ông ta lắc lia và vẻ mặt thì nhăn nhó, các bắp thịt trên mặt lại giật giật, trông thật lạ lùng!
Tôi gọi anh bạn tôi đang ngồi ấm áp trong chiếc ghế bành:
- Sĩ Lâm, anh ra đây mà coi này, có một người điên đang chạy ngoài đường. Sao trời lạnh thế mà người ta dám để ông ấy đi ra ngoài?
Bạn tôi lười biếng xích tới, hai tay vẫn thủ trong túi áo choàng ngủ, anh nhìn ghé qua vai tôi.
Tôi hỏi:
- Chả biết ông ta bị gì thế nhỉ? Ông ta có vẻ như tìm số nhà.
Bạn tôi xoa tay:
- Tôi cá với anh là ông ta sẽ đến đây cho xem.
- Sao? Đến đây chi vậy?
- Ông ta sẽ đến để nhờ tôi. Tôi đã thấy các dấu hiệu đó… A! Anh thấy không?
Quả vậy, ông ta vừa thở hổn hển, vừa chạy sầm sập đến cửa nhà chúng tôi, kéo chuông mạnh đến nỗi làm nó vang dội khắp nhà.
Chúng tôi vội xuống mở cửa, mời ông vào phòng khách. Đến đây, ông ta vẫn còn thở và cử động liên hồi, chúng tôi mỉm cười, nhưng nụ cười vụt tắt khi nhìn thấy vẻ thảm não trong đôi mắt ông ta. Tội nghiệp cho ông ta quá!
Ông ta vẫn không nói được ra lời, người lắc qua lắc lại và hai tay thì vò tóc như sắp hóa điên lên. Bỗng ông ta vọt dậy, lao đầu vào tường. Chúng tôi vội vã chạy đến, kéo ông ra giữa phòng. Sĩ Lâm đặt ông ngồi xuống ghế rồi hết sức dịu dàng nói với ông:
- Ông định đến đây để kể chuyện của ông cho tôi nghe phải không? Ông mệt vì chạy nhanh quá lúc vừa rồi đấy, ông ngồi nghỉ đi, và bình tĩnh lại, rồi sẽ kể cho tôi nghe nhé.
Ông khách xụ mặt ngồi trong khoảng hai phút, ráng trấn tĩnh, rồi dùng khăn lau mồ hôi trán, và quay về phía chúng tôi:
- Chắc các ông nghĩ là tôi điên, phải không?
Bạn tôi trả lời:
- Tôi chỉ thấy là ông đang bị phiền muộn ghê lắm mà thôi.
- Chỉ có trời mới biết là tôi khổ đến đâu, tôi gần mất trí luôn. Thật bất ngờ quá, và cả hai nỗi buồn chồng chất thì tôi chịu làm sao nổi. Nào là danh dự, nào là sự êm ấm trong gia đình. Thường thì người ta chỉ bị một trong hai nỗi buồn phiền thôi, đằng này tôi lại bị cả hai. Không những thế, mà cả những người quí phái nhất ở thành phố này cũng còn bị liên lụy lây nữa chứ, nếu ta không tìm ra sự giải quyết ổn thỏa cho câu chuyện này.
Sĩ Lâm nói:
- Bình tĩnh lại đi ông, rồi kể lại từ đầu cho tôi nghe thì tôi mới hiểu được, và mới giúp được ông.
Ông khách trả lời:
- Chắc tên tôi, các ông không lạ gì đâu, tên tôi là Huỳnh Anh, trong hiệp hội ngân hàng Huỳnh Anh và Lê Vân ở đường Xuân Thu.
Thật vậy, chúng tôi được nghe danh ông ta đã lâu, ông ta là người có cổ phần lâu đời nhất của một trong những công ty ngân hàng lớn nhất đô thị. Không biết vì sao mà ông ta, một nhân vật quan trọng của thành phố Luân Đôn, lại trở nên thảm hại như thế. Chúng tôi tò mò, chú ý nghe câu chuyện mà ông ta gắng sức để thuật lại.
Ông ta bắt đầu:
- Tôi biết giá trị của thời giờ lắm, vì thế mà tôi chạy vội đến đây ngay, khi ông cảnh sát trưởng cho biết là ông có thể giúp tôi được. Ông thấy là tôi phải đi xe điện ngầm, rồi phải chạy bộ đó, vì xe ngựa đi chậm quá, lúc trời tuyết như thế này. Tôi mệt quá, cũng vì xưa nay tôi ít có dịp vận động lắm. Nhưng bây giờ tôi cảm thấy dễ chịu hơn rồi, để tôi sẽ kể lại cho ông nghe thật rõ.
Chắc ông cũng hiểu rằng các nhà băng phát đạt được là nhờ cách khai thác số vốn mà người ta lưu trữ cũng như phải tăng thêm khách hàng. Một trong những cách đó là chúng tôi cho vay lấy lời, với điều kiện người vay có gì để bảo đảm.
Mấy năm gần đây, chúng tôi cho vay rất nhiều, nhất là cho các gia đình quí phái, và họ bảo đảm bằng những sách quí cũng như những bức họa và những bát đĩa bạc của họ.
_______________________________________________________________________________
_______________________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN II
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 71, ra ngày 31-12-1972)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét