Bây giờ, ông Sĩ Lâm ạ, tôi cần phải nói với ông về căn nhà của tôi, để ông hiểu rõ tình trạng trong nhà. Người gác dan và người hầu không ngủ trong nhà, vậy phải đặt họ ra ngoài những kẻ đáng nghi ngờ. Tôi có ba người giúp việc phụ nữ, đã làm cho tôi từ nhiều năm nay, họ rất lương thiện nên cũng không đáng ngờ vực. Còn một người nữa, cô hầu phòng thứ hai, tên là Liên, chỉ mới ở nhà tôi từ mấy tháng nay thôi, nhưng cô ta có bản tính tốt và rất vừa ý tôi. Đó là một cô gái xinh xắn ưa nhìn, vài tên con trai thỉnh thoảng cũng lượn qua gần nhà tôi. Tôi cũng không thấy có điều gì khác để phiền trách cô ta, vả lại tôi nghĩ rằng cô ấy cũng đàng hoàng, ngoan ngoãn.
Đó là tất cả những người làm nhà tôi, còn về phía các người trong gia đình tôi thì có kể ra cũng không nhiều. Tôi góa vợ, và chỉ có một đứa con trai Anh Thi. Nó là một thất vọng lớn lao của tôi, ông Sĩ Lâm ạ. Có lẽ lỗi tại tôi trước hết. Mọi người đều bảo rằng tôi đã chiều chuộng nó quá. Có lẽ tôi cũng chiều nó thật, nhưng khi vợ tôi mất đi, Anh Thi là người độc nhất để tôi trút trọn tình thương. Tôi không chịu đựng được khi thấy nó khổ sở. Tôi chưa từ chối nó điều gì. Có lẽ nếu tôi cứng dắn hơn chút nữa thì hay hơn… cho tôi và cho nó… nhưng tôi đã tưởng mình làm phải.
Lẽ tự nhiên tôi có ý định để lại cổ phần nhà băng cho nó sau này, nhưng nó không thích việc kinh doanh. Nó hoang đàng thay đổi sở thích luôn, để kể hết cho ông nghe, tôi không thể tin tưởng và giao cho nó sử dụng những món tiền lớn. Khi nó còn trẻ, nó ghi tên vào một hội những người quí tộc, và ở đó nhờ nét duyên dáng riêng của nó, nó trở thành một người rất quen thuộc, túi đầy tiền và có những thói quen sang trọng. Từ đó, nó đã học chơi bài lớn, và bỏ ra những món tiền to để đánh cá ngựa. Nó vẫn thường phải nói với tôi, để cho nó vay trước số tiền phụ cấp mà tôi cho nó hàng tháng, để nó trả nợ. Đã nhiều lần hồi tâm, nó cũng muốn dứt với cái xã hội nguy hiểm ấy, nhưng mỗi lần như vậy, thì tên bạn thân của nó là Bảo Minh lại lôi kéo nó trở lại.
Thật ra, tôi cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy một người như Bảo Minh lại có thể ảnh hưởng đến nó như vậy. Hắn vẫn thường đến nhà, và ngay chính tôi, tôi cũng còn khó chống lại được sức hấp dẫn về những cử chỉ của hắn ta. Hắn lớn tuổi hơn Anh Thi, lịch thiệp từ chân răng tới kẽ tóc, và đẹp như Phan An tái thế. Tuy nhiên, khi tôi ngồi một mình nghĩ đến hắn, không thấy trước mặt vẻ rực rỡ của hắn, cái giọng ngạo nghễ của hắn, và cái tia sáng đặc biệt mà tôi thấy trong mắt hắn làm tôi nghi ngại : Đó không phải là một người đáng cho ta tin cậy.
Ít nhất điều đó cũng là ý nghĩ của tôi, và còn là ý nghĩ của Hoa cháu của tôi nữa. Con bé này có rất nhiều trực giác.
Tôi chỉ còn phải nói với ông về nó nữa thôi. Hoa là cháu tôi. Khi đứa em họ xa của tôi mất cách đây năm năm, nó còn lại có một mình trên đời, tôi bèn mang về nuôi. Tôi coi nó như con gái tôi. Đó là một tia nắng mặt trời trong nhà tôi : hiền dịu, dễ yêu, xinh đẹp, nó lại cũng rất giỏi nội trợ và tháo vát, lại dịu dàng, lịch sự và ít nói. Tôi gọi nó là cánh tay phải của tôi. Tôi không biết phải làm sao nếu không có nó. Nó chỉ làm trái ý tôi có một điều duy nhất. Hai lần thằng con trai tôi xin cưới nó, vì nó thương con bé lắm, hai lần nó đều từ chối. Tôi thì tôi nghĩ là nếu có người nào có hy vọng kéo thằng con tôi về đường ngay, thì chính là con bé đó chứ không ai khác hết. Cuộc hôn nhân có lẽ sẽ làm nó thay đổi… nhưng than ôi! Bây giờ thì muộn quá mất rồi! Vĩnh viễn muộn rồi!
Ông Sĩ Lâm, bây giờ ông đã biết tất cả những người sống dưới mái nhà tôi. Tôi lại tiếp tục kể câu chuyện buồn thảm của tôi.
Vậy thì tối hôm đó, trong lúc cả nhà uống cà phê sau bữa ăn tối, trong phòng khách, tôi kể cho Anh Thi và cho Hoa nghe về câu chuyện ở nhà băng, và về cái kho tàng mà tôi phải giữ gìn, tôi chỉ giấu chúng nó tên người khách hàng thôi. Còn chị người làm mới, sau khi dọn cà phê thì đã rời phòng, tôi chắc chắn điều đó, nhưng tôi lại không chắc là cửa có đóng kỹ không. Hoa và Anh Thi rất lấy làm thích thú câu chuyện đó, chúng năn nỉ tôi cho xem chiếc vương miện nổi tiếng, nhưng tôi chối từ. Tôi muốn rằng đừng ai sờ vào đó thì hơn.
Anh Thi hỏi tôi:
- Ba để nó ở đâu?
- Trong ngăn bàn riêng của ba.
- Vậy thì con mong rằng đêm nay, nhà ta không bị trộm đến viếng.
Tôi nói:
- Ngăn bàn đã được khóa kỹ.
Anh Thi nói:
- Chẳng ăn thua gì. Bất cứ cái chìa khóa cũ nào cũng mở được. Hồi con còn nhỏ, con vẫn thường dùng chìa khóa tủ đựng đồ vật để mở nó.
Nó vẫn thường nói năng vớ vẩn, và tôi thường không chú ý đến lời nói của nó. Tuy vậy, tối hôm đó, nó đi theo tôi vào phòng, vẻ mặt rất nghiêm trọng. Nó nói với tôi, đầu cúi xuống:
- Ba này, ba có thể cho con hai trăm bảng được không?
Tôi khô khan trả lời:
- Không, không thể được, về phương diện tiền bạc, ba đã qua rộng rãi với con rồi.
_______________________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN IV
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 73, ra ngày 14-1-1973)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét