Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Tuổi hoa - PHƯƠNG LINH

 Đi học về chưa đến cổng nhà, mấy đứa em của tôi đã chạy túa ra và kêu ầm lên:

- A! Chị Ngọc về!

- Chị Ngọc về tụi bây ơi!

Thằng Mẫn em út tôi nó cứ tranh lấy cái cặp đòi xách.

- Chị Ngọc đưa em xách cặp cho.

Tôi cười:

- Thôi để chị xách, đi học về mà đi tay không người ta cười cho mất mặt.

Rồi bỗng làm ra bộ quan trọng, con Châu em kế tôi níu áo, nói nhỏ:

- Chị Ngọc ơi, em nói cái này này…

Tôi hờ hững:

- Nói cái gì?

- Em nói điều này quan trọng mà!

Tôi hơi ngạc nhiên nhìn cái mặt nửa nghiêm trang nửa đùa cợt của nó:

- Ừ! Thì nói đi, tao có nói gì đâu!

- Mẹ bán hết Tuổi Hoa của chị rồi!

- Bán Tuổi Hoa? Mà sao lại bán? – Tôi hỏi dồn.

- Thì chả biết nữa, tự nhiên mẹ đem bán ký cho cái bà bán ve chai hết rồi!

Tôi trợn mắt:

- Thật không?

- Thật! Ai thèm nói đùa.

- Thôi về. – Tôi buông hai tiếng cộc lốc rồi bước nhanh về nhà.

Về đến nơi, tôi thay vội áo dài và cất cặp vào tủ rồi chạy xuống bếp, chừng như còn chưa tin lời mấy đứa nhỏ.

- Mẹ ơi! Mẹ.

Mẹ tôi quay ra, nhìn tôi và nói:

- Cái gì mà chưa về đến nhà đã hét um lên thế? Con gái mà hư!

Tôi không trả lời, xoay qua hỏi mẹ:

- Có phải mẹ bán hết TH của con rồi không hả?

- Ừ! Tao bán hết rồi, ai bảo mày cứ bầy ra đầy nhà ấy. Chỗ nào tao cũng thấy nên tao mới vơ vào mà bán đi cho nó rảnh.

Bỗng nhiên tôi bật khóc nức nở. Cơn tức làm nghẹn cả cổ.

- Ư… Con không biết đâu, con bắt đền mẹ đấy!

- Bắt đền cái gì?

- Ư… Con không biết, mẹ đi tìm cái bà ve chai bảo bà ấy trả Tuổi Hoa lại cho con, công con mua bao nhiêu năm trời bây giờ mẹ lại bán đi!

Mẹ tôi vớt vát:

- Ai bảo mày cứ bầy biện ra đầy nhà thì tao phải bán đi chứ!

- Mấy đứa bé nó bầy chứ con bầy à? – Tôi cãi.

- Ư… Con cất ở tận trong ngăn tủ mẹ cũng lôi ra mẹ bán hết. Tuổi Hoa vậy mà mẹ bán cho bà ấy gói hàng à!

- Ư… Con không biết đâu! Mẹ đi tìm bà ấy cho con đi.

- Tìm ở đâu mà tìm?

- Ư… Kệ mẹ, con bắt đền mẹ đấy! Con không biết đâu, con không thèm ăn cơm nữa.

- Không ăn cơm thì ăn gì?

- Mai con không đi hái rau cho mẹ nữa.

- Không hái thì thôi!

- Con không thèm cho heo ăn nữa.

- Tao cho cũng được.

- Con không thèm rửa bát, giặt quần áo. Không làm gì hết. Con bắt đền mẹ đấy!

Tức mình tôi hét ầm lên:

- Năm sau con không thèm đi học nữa.

- Không đi học thì đi đổ rác.

Tôi hét to hơn:

- Con không đổ rác.

- Tao không cãi với mày!

- Con cứ khóc cho đến bao giờ mẹ tìm được bà ve chai mới thôi.

Nói xong tôi càng hét to lên làm mấy đứa bé ngơ ngác nhìn:

- Ơ! Chị Ngọc khóc chúng mày ơi.

- Mẹ bán hết Tuổi Hoa của chị ấy xong chị ấy khóc.

Đang tức mình tôi lại đâm bực thêm. Đi lên nhà gặp cái gì tôi đá cái đấy. Đánh chó, đánh mèo lung tung. Mấy đứa nhỏ chúng cứ cười trêu tôi, tức mình, tôi ra cốc cho mỗi đứa một cái làm chúng nó chạy hết. Còn một mình tôi lên giường nằm khóc rưng rức cho đến lúc ba tôi đi làm về và ngủ quên lúc nào không biết. Có nghe loáng thoáng nhiều tiếng gọi dậy ăn cơm nhưng tôi không dậy, cứ thế ngủ cho đến chiều.

Lúc ngủ dậy, mẹ tôi đã đi cắt rau heo về nấu cám từ lúc nào. Hai đứa đi học chiều, còn con Anh và thằng Mẫn không biết đi chơi đâu hết. Bố đã đi làm, còn mỗi mình tôi ở nhà, bụng đói, miệng khát. Tức mình, tôi nằm đập giường thình thịch và khóc ti tỉ.

Một lúc như thế, vẫn chưa có ai về. Thôi kệ ra mò bát cơm nguội đã, đói gần chết rồi đây này. Nghĩ xong một lúc tôi mới dậy được ra chỗ bàn ăn lấy bát xúc cơm. Còn có mỗi tí thức ăn, mỗi tí cá độc là xương thôi, chúng nó lóc hết thịt rồi. Thế này làm sao mà ăn được, thà ăn với muối còn sướng hơn… Nói thế chứ đang đói cái gì cũng ăn được, tôi ăn một mạch hết ba bát cơm. Ăn gần hết bát thứ ba thì bị hóc cái xương ở cổ. Tôi ho sặc sụa, ho chảy nước mắt, đánh rơi vỡ cả cái bát lúc nào không biết, cũng không thèm nhặt. Đi vào nhà uống mấy ngụm nước mà nó vẫn còn vướng vướng.

Đã bị bán hết Tuổi Hoa lại còn bị hóc cá nữa, sao tôi xui thế này. Đang nhiên cơn tức giận lại nổi lên đùng đùng tôi lại đập phá và khóc rưng rức… Ơ hay, sao tôi lại khóc thế này không biết. Tính tôi nó thế làm sao tôi không khóc cho được. Cứ thế cho đến lúc mẹ tôi về.

Nhìn thấy cái mặt tôi sưng húp lên vì khóc, mẹ tôi bảo:

- Sao lúc nào mày cũng khóc thế này! Khóc nhức cả đầu lên. Khóc gì mà khóc nhiều thế? Tao lỡ rồi thì thôi chứ! Cứ ăn vạ thế này tao lấy đâu ra cho mày. Tao đưa tiền cho mày mua nhá!

Tôi nói láo lếu:

- Mẹ nói như Mỹ ấy! Bây giờ làm gì có những số cũ mà mua.

Mẹ tôi thở dài:

- Không mua được thì chịu chứ còn làm sao bây giờ.

- Thế sao mẹ bán của con đi?

- Ai mà biết được!

Cứ thế, cho đến hôm sau thì tôi ốm luôn rồi không dậy được nữa, người mệt mỏi, nóng bừng, đầu nhức nhối như muốn nổ tung ra. Cả nhà ai cũng lo lắng cho tôi hết. Nhất là mẹ, mẹ mua hết thuốc này đến thuốc nọ cho tôi uống nhưng tôi không uống được. Đêm nằm mê sảng những hình bóng quái dị gì đâu đâu. Người tôi mệt mỏi, khó thở. Nóng muốn vỡ cái đầu ra. Có đêm tôi nằm mơ mẹ tôi đi kiếm được cái bà bán ve chai. Bà ấy mang Tuổi Hoa về tận nhà cho tôi. Mẹ tôi nói: “Bà biết không, cháu nó khóc hết nước mắt”. Và tôi thấy bà bán hàng chép miệng: “Tội nghiệp! Tôi đem trả lại cho cô ấy đây”. Tôi sung sướng ôm những quyển Tuổi Hoa yêu quí vào lòng. Này cái bìa có cô bé đang chích rụt đầu rụt cổ trông dễ thương ghê. Này cái bìa có thằng bé đang bế con chó vào lòng. Đây cái bìa có cô bé đang ngậm cọng cỏ, hai cái mắt tròn xoe như hai hòn bi trông xinh thật là xinh. Anh Vi Vi vẽ đẹp thật là đẹp này, cái bìa nào trông cũng mát con mắt, chỉ muốn mở ra coi cả ngày thôi. Tất cả những cuốn Tuổi Hoa như những khuôn mặt thân yêu trước mắt. Thật gần, không bao giờ xa tôi nữa hỡi người bạn thân yêu!

Nhưng đến lúc tỉnh dậy, sự thật vẫn là sự thật. Đó chỉ là giấc mơ không hơn không kém. Tôi lại khóc. Mẹ tôi dỗ thế nào cũng không được. Ơ hay! Sao tôi làm khổ mẹ tôi thế này. Mẹ hiền lành. Mẹ dịu dàng. Mẹ đáng yêu. Mẹ khổ sở vì tôi, sao tôi có thể giận mẹ đến thế được. Mẹ ơi! Con không giận mẹ nữa đâu. Con ân hận đã làm mẹ buồn từ hôm đó đến nay. Nhưng con ốm rồi, con làm khổ mẹ nhiều quá.

Đang miên man suy nghĩ bỗng có tiếng hát ở một máy thu thanh nghe thật to:

“Hôm nay ngày Chúa Nhật. Vườn tao ngộ em đến thăm anh”.

Tôi bật cười vì nhớ ra hôm nay cũng là ngày Chúa Nhật thật. Tôi đã thấy đỡ, ngồi dậy được rồi. Nhưng Chúa Nhật như thế này thì cũng như không, có đi đâu được đâu, ra ngoài nhỡ lại trúng gió cái thì chết. Chết thì cả nhà lại phải “khóc lóc thảm thiết”. Nhất là mẹ ấy. Mẹ thương con nhất thì mẹ phải khóc nhiều nhất.

Nhưng tôi không chết mà tôi ốm. Ngồi đây, tôi bỗng nhớ lại những Chúa Nhật trước. Chúa Nhật nào cũng là những ngày vui của tôi. Không phải làm mà, chỉ có giặt quần áo với ăn xong lại rửa hai bữa bát. Vậy đâu có ăn nhằm gì, làm tí xong rồi đi chơi. Cứ Chúa Nhật nào cũng vậy, tôi với nhỏ Minh hai đứa chỉ có đi chơi thôi. Kiếm được cái xe đạp, Môbilét hay Honda bất kể miễn có xe là đi, không có xe thì lại đi bộ. Đi chơi lung tung hết. Lên nhà nhỏ Bông với nhỏ Loan chán rồi lại đi chỗ khác. Mà hai đứa đi bộ khỏe lắm, đi được xa vô cùng chả bù đi với cái Lành, tí nó đã kêu mệt um cả lên.

Nhưng hôm nay ốm rồi. Không đi được nữa. Không biết cái Minh nó đang làm gì, có nhớ đến tôi không.

Mẹ tôi mang thuốc ra cho tôi và dịu dàng nói:

- Dậy uống thuốc đi con. Uống đi cho nó khỏi rồi còn đi học, không có các bạn lại mong.

Tôi nhìn mẹ không nói. Cầm lấy hai viên thuốc tôi uống một hơi hết, chả bù với mọi khi. Con thương mẹ quá. Mẹ ơi!

Bỗng có nhiều tiếng reo của em tôi ở ngoài sân:

- A! Cậu xuống!

- Bố ơi! Cậu xuống!

- Mẹ ơi! Cậu!

- Cậu ơi! Chị Ngọc chị ấy ốm rồi!

Tôi nghe thấy tiếng cậu hỏi:

- Thế hả, chị ấy ốm làm sao?

- Tại mẹ cháu bán Tuổi Hoa của chị ấy, thế là chị ấy khóc, xong chị ấy ốm luôn.

Thằng Thành nó khoe thêm:

- Chị ấy khóc sưng cả mắt.

- Dạo này chị ấy gầy đi bao nhiêu.

- Tội nghiệp nhỉ? Có mấy cuốn Tuổi Hoa thôi mà gầy đi bao nhiêu.

- Đâu có phải cậu. Nhiều lắm, phải đến chục ký là ít.

- Nhiều vậy cơ à?

- Vâng.

- Đâu! Để cậu xem chị ấy ốm như thế nào mà thằng Thành nó khoe gầy đi bao nhiêu.

Mẹ tôi nói:

- Cháu nó đỡ rồi.

- Vậy hả? Nhưng làm sao mà ốm vậy?

Tôi cười. Cậu biết dư rồi còn hỏi. Xấu hổ cả ra.

Cậu hỏi rồi cậu lại trả lời:

- Bị mẹ bán hết Tuổi Hoa chứ gì!

Tôi lại cười. Mẹ tôi nói:

- Gớm. Nó cứ bầy đầy dẫy ra nhà ấy. Xong tôi mới tức mình tôi thu hết từ đầu đến đuôi bán hết đi cho nó rảnh.

- Thế là nó giận mẹ. Nó ốm. Nó nhịn ăn cả mấy hôm.

Tôi vớt vát:

- Tại con không ăn được chứ bộ.

- Mấy hôm đầu, lúc nào nó cũng khóc, khóc nhức cả đầu lên, dỗ nó thế nào cũng không được. Ngồi đâu nó cũng khóc, rồi nó còn đánh em, đánh chó đánh mèo chí chóe.

- Nó bị khủng hoảng. – Cậu tôi nói.

- Rồi ai nó cũng cãi vau váu ấy.

- Bây giờ còn không?

- Bây giờ thỉnh thoảng nó vẫn khóc đấy!

- Nó còn cứ bắt đi tìm cái bà ve chai nữa cơ chứ.

- Để làm gì?

- Để đòi Tuổi Hoa lại cho nó.

Tự nhiên mọi người lại nhắc đến nỗi uất ức của tôi bấy lâu làm tôi bật khóc. Mấy đứa nhỏ đứng ngoài chúng nó còn nhái lại trêu tôi nữa.

Cậu tôi dỗ:

- Thôi nín đi. Để mai cậu mua cho. Tuổi Hoa đóng bộ chứ gì?

- Sức gì có Tuổi Hoa cũ mà cậu đòi mua.

- Thế từ số nào?

- Từ số Một.

Cậu tôi ngừng lại một lúc rồi nói:

- Để xem. Cậu có thằng bạn nó cũng có mua Tuổi Hoa từ bộ một cho tới bây giờ. Mà hình như dạo này không thấy nó coi nữa. Tại lớn rồi. Để cậu bảo nó để lại cho nhá!

Tôi mừng quá, đến nỗi đang ốm cũng phải nhổm dậy, lau vội dòng nước mắt:

- Cậu nói thật nhá!

- Thật chứ nói đùa à!

- Cậu đi ngay đi.

- Để đến mai.

- Đến mai cũng được nhưng cậu phải nhớ nhé!

Cậu tôi giơ một ngón tay:

- Nhớ. – Và quay sang mẹ, cậu tôi đùa:

- Nào! Bây giờ mẹ nó còn dám bán Tuổi Hoa của nó nữa không?

Mẹ tôi cười, đùa lại:

- Tôi chịu.

Tôi vui quá nên cười thật tươi. Giấc mơ đêm nào sắp thành sự thật. Tôi thầm cám ơn cậu. Cậu thương anh em chúng tôi thật nhiều. Tôi lấy gì để đền ơn cậu đây. Có cái xe Honda thì anh em cứ phá thật lực, phá đến nỗi cái xe mới đầu thật đẹp mà bây giờ rơi vỡ mất hai cái gương, méo mất cái giỏ, xe thì kêu rè rè, ấy mà cậu chẳng nói gì, lại còn phải sửa thêm cho nữa. Nhưng thôi, quên hết. Tôi sắp gặp lại những khuôn mặt thân yêu của tôi. Người bạn yêu dấu của tôi. Bạn nhé!...

PHƯƠNG LINH 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 202, ra ngày 1-6-1973)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét