Để nhớ về quê Ngoại
Phượng bó gối ngồi im nhìn ra màn mưa trắng xóa. Nó chép miệng, kể ra chị em nó cũng hên thật. Về tới nhà ngoại là trời bắt đầu lâm râm! Ngoại đón bầy cháu với tất cả sự hân hoan, trìu mến. Không khí đồng nội làm lũ nó thấy khoan khoái hẳn ra và bữa cơm trưa của ngoại cho, được chúng chiếu cố tận tình. Cơm no, trời lạnh, thêm vào cuộc hành trình từ sáng sớm, mấy đứa em Phượng đều lăn quay ra ngủ. Từ sáng đến giờ mưa cứ lất phất rồi dần dần nặng hột. Mưa dai thật!
Vườn cây quanh nhà ngoại cúi mình tắm dưới mưa. Chúng ngả nghiêng theo chiều gió như say sưa theo một điệu luân vũ. Phượng với tay, vặn nút chiếc radio. Một giọng hát trầm ấm thoát ra“… Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi… Trời lắng u buồn…” Một sự tình cờ lý thú! Nhưng đây lại là mưa hè chứ nào phải mưa thu! Phượng cười nụ với ý nghĩ đó. Hè nào cũng thế, chỉ thấy toàn là những ngày mưa hoặc những ngày thật buồn, u ám với những đám mây xám nặng trĩu trên bầu trời. Suốt ba tháng nghỉ hè, thật hiếm có những ngày mang đúng ý nghĩa của nó. Giá ba tháng nghỉ hè nối tiếp với kỳ nghỉ Tết nhỉ? Thế có phải là hợp tình hợp lý không? Phượng nghĩ lẩn thẩn. Nhưng trời mưa mà ngồi thu mình hoặc nằm chùm chăn nghe nhạc như thế này, kể ra chẳng có gì đáng phàn nàn…
Ngủ trưa dậy, trời cũng đã quang đãng tự bao giờ. Bầu trời xanh màu ngọc bích với vài đám mây trắng nhàn nhã trôi lững lờ. Mặt trời soi vừa đủ ấm. Cây cối tươi mát hẳn ra, lá xanh đu đưa theo làn gió nhẹ vẫn còn long lanh những giọt nước mưa sót lại. Có tiếng chim ríu rít gọi nhau. Phượng thú vị trong cảm giác lười biếng. Lũ em nó cũng đã thức dậy tự bao giờ, đang nằm tán gẫu.
Tiếng dép lẹp xẹp rõ dần, tiếp theo là giọng quen thuộc của ngoại:
- Dậy rồi hả bây? Xuống ăn khoai với chuối xào dừa đi. Con hai nó múc sẵn mỗi đứa một dĩa rồi đó.
Bầy cháu của ngoại dạ ran. Chúng, một lũ sáu đứa, đứa lớn chỉ hơn đứa nhỏ một tuổi, lục tục kéo nhau xuống nhà bếp.
Chị hai vui vẻ:
- Mấy em ngồi chờ chút. Nước dừa gần được rồi.
Trên chiếc bàn ăn, xếp hàng một dãy mấy chiếc dĩa sứ. Chuối xiêm vừa chín tới, hãy còn cưng cứng, deo dẻo được nấu chín bóc vỏ, xắt thành lát dày dày. Lát nào cũng ửng hồng với một màu vàng óng. Chuối này chắc ngọt và dẻo! Ở Sàigòn, mỗi dĩa 50đ không được đấy! Mấy chị em Phượng kháo nhau làm chị hai phải mỉm cười.
Chị bưng soong nước dừa đến bên bàn. Nước dừa này béo phải biết! Chả là chị làm đến hai quả, chỉ lấy nước cốt. Vườn dừa mà lị!
Chị hai nhẹ nhàng múc từng muỗng nước cốt trắng đục chan lên từng dĩa chuối. Hơi nóng tỏa ra mang theo một mùi béo ngậy. Chị em Phượng hít mạnh, buột miệng: “Thơm quá ta!”. Chúng dặn dò: “Chan cho em nhiều ấy, chị hai, nhiều mới ngon”.
Chị hai dễ dãi cười:
- Được mà! Thiếu gì đây! Tha hồ cho mấy em!
Mấy dĩa chuối trông hấp dẫn tệ! Màu chuối hồng chen lẫn với màu trắng đục của nước dừa, lại thêm màu xanh xanh của của hành lá xắt nhỏ. Cây xiên được cắm thẳng đứng trên mỗi dĩa.
Phượng lễ phép thay em:
- Ngoại ăn với tụi con, ngoại. Ăn với tụi em, chị hai.
Ngoại cười đôn hậu:
- Bây ăn đi. Ngoại thèm khát gì. Hai, ăn với tụi nó đi con.
Chị em Phượng ngồi dài trên băng đá đặt ở hiên nhà sau, vừa ăn vừa húp nước dừa. Đứa nào cũng suýt soa:
- Ngon quá! Béo quá!
Thằng cu Tí bé nhất, 8 tuổi, mồm miệng chàm nhàm:
- Tí ăn nữa!
Hai ba đứa khác cũng phụ họa:
- Tao nữa!
- Tao cũng vậy!
Ngoại cười, nhìn bầy cháu háu ăn:
- Mặc sức cho bây ăn! Ngoại biểu chị hai nấu một quày đấy…
Phượng bày khôn đám em:
- Tụi bây ăn nhiều quá mất ngon. Chiều rồi mình ăn nữa, lo gì!
- Mà mau ngán thật! Tại nước dừa béo quá! – Một đứa tiếp lời chị.
Ánh nắng nhảy múa lung linh qua kẽ lá. Buổi trưa nhà quê thật vắng lặng. Đám lá tre lào xào trò chuyện trong gió, thân chúng cọ vào nhau kẽo kẹt. Một con chim sãi cánh bay ngang:
- Khanh khách, khanh khách…
Chị hai nói vu vơ:
- Nước lớn rồi!
Bầy em trai của Phượng thích chí:
- Tắm chơi! Sướng quá!
Chúng bỏ ngay dĩa xuống băng đá, cởi phăng áo thi nhau chạy, chỉ kịp ngoái lại:
- Chị hai, dẹp dùm tụi em!
Bà ngoại gọi với theo:
- Tắm bến sau nghe hôn? Một lát thôi đấy.
Quay sang cháu gái, ngoại thúc giục:
- Xong chưa con? Ra coi chừng tụi nó.
Phượng thu gọn mấy chiếc dĩa đem xuống bếp rồi bỏ dép, đi dần ra bến rạch phía sau. Nước mưa hãy còn đọng từng vũng nhỏ trên mặt đất. Phượng bấm nhẹ mấy ngón chân theo mỗi bước đi, chỉ sợ ngã. Nó chợt nhớ đến một câu đối đã từng đọc ở đâu:
“Đi đất nạc, đường trơn như mỡ”.
Phượng thấy sao đúng đến thế? Không cẩn thận chắc là sẽ “chụp ếch”.
Một tiếng động khẽ khiến Phượng giật mình, đưa mắt tìm kiếm. Trên cành dừa thấp gần đấy, một con sóc nhỏ đang tròn mắt nhìn Phượng. Con sóc thật xinh! Đôi mắt đen long lanh, nổi bật trên bộ lông xù mướt màu xam xám. Phượng thân thiện đưa tay vẫy làm quen. Con vật hốt hoảng, chạy vụt, mất dạng sau mấy bẹ dừa.
Tiếng lội bì bõm, nước tóe và đùa giỡn của mấy đứa em Phượng vẳng lại.
Mấy đứa lớn đã biết lội đang thi nhau lội đua sang bờ lạch bên kia rồi quay trở về. Hai đứa nhỏ tìm đâu được mấy bẹ dừa nước, ôm chặt, chập chững đập chân đùng đùng xuống nước.
Cây đa bên bờ rạch năm ngoái hãy còn nhỏ xíu nay đã cao gần bằng ngọn dừa, cũng đang nghiêng mình ngắm lũ trẻ. Những chiếc rễ phụ lòng thòng xuống tận mặt nước, đu đưa theo gió. Phượng ngồi dựa vào gốc đa, nhìn dòng nước đục vẩn màu hồng của phù sa đang trôi lững lờ, êm ả. Phượng thốt nhiên cảm thấy tình yêu quê hương tràn ngập trong lòng! Quê hương xinh đẹp, quê hương hiền hoa, đầy trái ngọt cây lành! Quê hương thật đáng yêu với bà ngoại tóc bạc phơ, phúc hậu. Cầu trời cho ngoại Phượng được luôn khỏe mạnh, sống lâu, để mỗi năm, Phượng được vài lần về quê thăm ngoại…
- Phượng à! Phượng! Kêu em lên con…
Phượng giật mình, dạ thật to. Quay xuống đám em, Phượng vẫy:
- Lên tụi bây ơi! Vô nhà tắm lại đi! Ngoại kêu kìa!
Mấy đứa em kỳ kèo:
- Chút nữa, chị Phượng.
Hơi cau mày, Phượng lắc đầu:
- Đã bảo ngoại kêu lên mà!
Đám em tiếc rẻ tóe nước thêm vài cái, mới lục tục kéo vào nhà. Gió thổi nhè nhẹ khiến chúng co ro, môi xam xám. Một đứa kêu lên:
- Gió lạnh quá! Sao ở dưới nước ấm quá, tụi bây hén?
Tắm vào, nồi khoai và chuối ban trưa được chúng chiếu cố gần hết.
Ngoại cẩn thận:
- Hai ơi! Ra hái cho tụi nó giỏ mận đi con. Lát ăn cơm rồi, cho tụi nó ăn.
Mấy đứa em nó lại ùa theo chị hai, đứa xách giỏ, đứa cầm lồng.
Bữa cơm chiều, ngoại cho tụi nó ăn vịt xiêm luộc, chấm mấm gừng. Con vịt thật to, mập hơn ba ký lô được luộc cả, chặt ra bày đầy trên bốn chiếc dĩa bàn lớn. Gan vịt thật độc đáo, to bằng bàn tay Phượng.
Chị hai đâm một nhánh gừng già, thật nhuyễn chung với củ xả non. Nước mắm mằn mặn, chua chua, ngòn ngọt, cay cay màu xanh, đặc sánh với gừng và xả, càng hấp dẫn khi thả vào thêm một quả ớt hiểm nho nhỏ màu đỏ tươi. Loại ớt này thật đặc biệt, thật nhỏ nhưng thật cay, một thứ cay làm ta thú vị…
Chiều nhà quê, màn đêm hình như buông nhanh hơn ở thành thị. Chưa đến sáu giờ chiều mà nhà ngoại đã phải lên đèn.
Chiếc đèn “manchon” được treo cao trên cái đà ngang kêu “khè khè”, cố sức chọc thủng bóng tối đang dần xâm chiếm gian nhà bếp. Mấy bà cháu Phượng ấm cúng vây quanh chiếc bàn ăn. Chị hai thỉnh thoảng rời bàn, đứng lên múc thêm tô cháo.
Bà ngoại ân cần:
- Ăn đi các con! Thằng Tí thủng thẳng ăn, cháo còn nóng hổi đó!
Thằng Thới suýt soa:
- Trời lành lạnh mà ăn cháo nóng vầy, ngon quá ngoại!
Thằng Bình cãi lại:
- Thịt vịt mắm gừng mới ngon. Có cháo mà hỏng có thịt làm gì ngon?
Ngoại mỉm cười:
- Ờ! Ngon thì ăn đi. Tao tính ở Sàigòn thiệt cực! Ba má bây đi làm chỉ đủ cho bây ăn!
Tí chen vào:
- Con thích về ngoại nè ngoại…
Cứ thế, ngày này sang ngày nọ, trôi qua thật nhanh chóng. Mỗi ngày với một món ăn khác nhau, một thứ tiêu khiển khác. Nào bánh xèo, gỏi cuốn, mì xào, cà ry, gà hầm măng non… bánh ít, bánh men, đậu hủ… Ngoại cho chúng ăn thả cửa. Tụi nhóc con tha hồ được lũ bạn miền quê dẫn đi bắt dế, đào trùn câu cá, bắn chim… Thật là những ngày thần tiên, kỳ thú…
Chỉ còn đêm nay nữa thôi, sáng mai chị em Phượng lại trở về Sàigòn với ba mẹ. Chỉ còn bà ngoại với chị giúp việc ở lại trong ngôi nhà rộng, khu vườn xanh. Chóng thật! Phượng nhớ đến 2 câu trong một bài học thuộc lòng thuở tiểu học:
“Chín mươi ngày nhảy nhót ở đồng quê,
Ôi! Tất cả mùa xuân trong mùa hạ!”
Và Phượng tự đổi lại:
“Bảy ngày hè nhảy nhót ở đồng quê,
Ôi! Tất cả ngày xuân trong tháng hạ.”
ÁI THƠ
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 114, ra ngày 12-11-1973)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét