Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

Đỉnh "Tình-Thương" - TỈ TỈ

Từ hôm những giọt mưa sắc như kim buồn bã giã từ, từ hôm những cơn gió vần vũ như giận dữ bay về miền bắc xa, mặt trời mới bắt đầu nhú lên ở phía đông, như nụ hoa nhú lên từ đám cỏ non, chói sáng trên mặt biển xanh biêng biếc. Khung trời hết những đám mây đen, dầy, sa thấp như muốn vuốt ve bờ cát sẫm, ướt nước.

Chiếc thuyền bé nhỏ bị bỏ quên từ mùa đông trước, bị vùi chôn xuống bờ cát lặng câm, bây giờ sắp được trở lại nhịp sống lênh đênh.

Sáng hôm nay, đưa tay mở cánh liếp tre trông về biển, người bố đã phải che mắt một lúc. Ánh mặt trời chói chang rực rỡ trên nền biển xanh làm bác choáng váng. Một nỗi vui nhẹ theo chân bác đi dần ra mé biển. Cát vẫn còn ẩm, nhưng mầu đã sáng hơn. Chỉ độ vài giờ nữa thôi, bờ cát sẽ sáng trắng và nóng bỏng cho mà xem. Bác yêu biển, yêu cát nhưng chúng nó không giống bác ở chỗ dễ hòa đồng với không khí chung quanh quá. Những chiều mùa đông bước trên nền cát, nghe da thịt bị mưa quất, bác thấy chân buốt lạnh, những trưa màu hạ, bác tưởng cát muốn làm bỏng chân bác. Sự chóng thay đổi của bờ cát khiến bác không bằng lòng lắm. Bác vẫn thường yêu sự dịu dàng, dù rằng cuộc sống của bác, của những gì liên quan đến bác, chả có thứ nào mang vẻ êm nhẹ như bác hằng mong. Biển thì hay thay đổi bất thần, trời cũng không hơn gì. Bên trong cái vẻ bình lặng của không khí đọng, phía dưới bề mặt phẳng lì của dại dương, vẫn ẩn giấu một cái gì rất sống động, rất ghê gớm.

Người bố ngồi xuống bờ cát duỗi chân đến tận những bọt sóng lao xao, thích thú vốc từng nắm cát đắp lên chân mình. Cát buổi sáng đã trở nóng, khô hơn nên trắng hơn. Bác nhìn ra xa, thấp thoáng những cánh buồm trắng trôi xa dần về phía chân trời. Bác thấy không còn gì êm ả hơn được ngồi trên cát, du chân xuống nước, nhìn biển lặng và thầm đếm những con tàu, những cánh buồm xa. Trời xanh, nắng ấm, thật dễ thương.

Đứa bé vừa dụi mắt, vừa đi về phía người bố. Đến cạnh bác, nó đưa tay bá lấy cổ nũng nịu:

- Sao bố không thức con dậy sớm? Để con xem ông mặt trời ngủ dậy ra làm sao. Nắng ấm quá bố ha.

Người bố mỉm cười, kéo tay con ngồi gần bên. Những tháng mùa đông đủ để lột lớp da đen của đứa con bám lên từ mùa hè trước. Con bác bây giờ trắng hơn, đôi mắt sáng long lanh mầu biển nắng, má nó hồng một cách đáng yêu. Bác thấy con gầy hơn, xinh hơn, nhưng trong tận cùng tâm hồn, bác vẫn mong con mình rắn chắc và có một làn da nâu hồng, mầu đích thực của nắng biển, của gió biển, cát biển, mầu mặn mà thể hiện trọn vẹn tình yêu biển của bác, người thủy thủ già đã đưa tay lên cao đầu hàng thời gian, đầu hàng thiên nhiên muôn đời sống mạnh. Bác nhìn con thương yêu tràn ngập. Đứa con vẫn nhìn về trời xa, nơi những cánh buồm đang lênh đênh như tự ru ngủ.

- Hôm nào bố mới định đi chài như mấy người kia hả bố?

Người con vừa hỏi, vừa đưa tay chỉ về phía xa, nơi mấy người đàn ông đang gắng sức đẩy thuyền xuống bờ nước. Người con hỏi, và người bố không trả lời. Bác nhìn xuống đôi tay gầy khô và thở dài rất nhẹ. Suốt một mùa đông nằm trong nhà thương thí, nhìn những khuôn mặt khổ đau, nghe gió mưa than thở, ngậm nỗi đau đớn của từng mũi kim đưa chất sống vào thân thể héo úa, bác chỉ ao ước mỗi một điều thôi: nhìn lại quê hương biển xanh. Ao ước ấy, người bố đã toại rồi. Bác đã trốn về đây, chờ một ngày mặt trời trở dậy.


Bây giờ bác đã được ngồi trên cát ấm, sưởi nắng đầu mùa, mắt đón mầu sắc rực rỡ, tóc đón gió thơm nồng, và tai hưởng hết mọi âm thanh của sóng, của gió, của ngàn dương. Thế thì còn gì mà ao ước nữa? Lòng bác đáng lẽ phải hân hoan, phải bằng lòng, thế mà bác vẫn buồn. Nỗi buồn nhẹ mà thực dai dẳng. Nó cuốn bác đi ngược lại giòng thời gian, buộc bác ngừng trí tưởng tượng ở mỗi giai đoạn đáng nhớ: nào những ngày lênh đênh trên sóng yên biển lặng, nào những đêm trăng bàng bạc hòa ánh nước lung linh, nào những sáng reo hò khi chuyến tàu cập bến sau những chuyến hải hành dài đằng đẵng. Tất cả đã xa, đã qua…

Người bố đứng lên và kéo người con đứng theo. Hai bố con lững thững trở về lều. Chiếc thuyền của bác được chôn kỹ dưới lớp cát phía sau nhà. Bác sẽ nhờ mấy người hàng xóm sang giúp một tay đem chiếc thuyền ra bờ biển. Sức bác bây giờ chỉ có thể mang nổi lá buồm tam giác trắng, một ít gỗ lót thuyền.

Hai bố con đào cát lên. Chiếc thuyền còn nguyên, chỉ có vẻ cũ kỹ hơn. Người bố vuốt khẽ lên bụng thuyền, nhẹ như vuốt tóc con. Tâm hồn bác xao động nhẹ như giọt nước mắt rưng rưng. Vẻ mặt người con sống động rõ rệt. Nét nôn nao hiện trên đôi mắt, lên nụ cười. Lòng yêu biển của bác, dù biển lặng hay biển động, có lẽ đã ảnh hưởng đến người con. Bác phủi lớp cát bám lên đôi tay, rồi bảo con đứng lên. Thằng nhỏ luyến tiếc ra mặt. Hai cha con trở vào nhà. Nắng đã gay gắt, mặt trời nung lửa xuống bờ cát trắng. Hơi nóng bốc lên từ dải lụa ngà ấy làm biến dạng tất cả những hình thể nào được nhìn qua làn hơi ấy.

*

Buổi chiều khi đoàn đánh cá đã trở về, bác khẩn khoản nhờ họ giúp bác đem chiếc thuyền ra tận bờ biển. Khi đáy thuyền bắt đầu chạm nước, người bố cảm động đến nghẹn ngào. Cảm ơn những người tốt bụng kia xong, bác bắt đầu dựng buồm. Cánh buồm trắng vươn mình lên bầu trời chiều tím. Bác đứng nhìn con thuyền, nhìn khung trời xa rộng, thấy mình cô đơn, lẻ loi không cùng. Bác biết bác sẽ không sống được lâu. Nhưng nếu chết, bác không muốn chết trên căn giường nhà thương, trong cơn bệnh vật vã giữa những người khốn cùng. Đã là một thủy thủ, bác phải tan vào lòng biển, thân thể bác phải ngấm làn muối mặn, phải được chôn vào bụng những con vật kỳ dị của đại dương. Bác muốn chìm xuống, chìm xuống làn biển xanh kia, ngay tức khắc.

Đứa con vẫn đứng bên cạnh, chờ đợi. Đôi mắt trẻ thơ xao xuyến nhìn tia nắng rớt khuất dần về phía đồi xa, len lỏi qua khóm dương rung động. Nó muốn giục bác bước lên thuyền kẻo chiều mất, nhưng nó không dám, đúng hơn nó không muốn phá tan cơn mơ mộng của người bố già nua.

Khi hai bố con tự cảm thấy mình tách rời khỏi nếp sống lao xao của lục địa, họ bắt đầu cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Chung quanh họ chỉ có nước biển đen thăm thẳm, trời cao, xám, và vì sao hôm le lói đàng xa. Nỗi cô đơn thật êm đềm. Người con nằm gối đầu lên chân bố, nhìn trời cao. Nó vẫn thường thắc mắc tự hỏi, bố nó yêu gì ở biển. Nếu quả thật biển chỉ có trời nước như thế thì lòng yêu biển của ông quả là kỳ dị. Nó ngước mắt nhìn lên người bố:

- Biển chỉ có thế này thôi sao bố?

Người bố cảm thấy lâng lâng sung sướng, không muốn giải thích nhiều. Bác chỉ muốn ngậm nghe cái yên lặng êm đềm của trời cao biển rộng. Bác lơ đãng ừ với con, mắt không nhìn thấy vẻ thất vọng của đứa nhỏ. Suốt giờ không nhìn thấy gì khác hơn là mặt biển lặng, trời mênh mông, và những đóa hoa trời lấp lánh sáng trên cao, đứa bé muốn ngủ. Bác cúi xuống, hỏi con:

- Con không yêu biển sao? Đây chỉ mới là một trong muôn ngàn bộ mặt của nó, rồi con sẽ thấy nó có nhiều vẻ quyến rũ con ghê lắm. Con không cảm thấy tâm hồn êm ả khi nhìn mặt biển câm lời sao? Biển sẽ cho con sống thực sự, sống từ nỗi bình thản, đến lo sợ không cùng. Con sẽ gan dạ mà chiến đấu với nó, cũng như sẽ có lúc con chán chường cực độ. Những hôm biển lặng, những buổi sóng dồi, những cơn bão tố sẽ giúp con nhìn rõ chính con hơn, giúp con cải thiện con hơn, con không tin sao?

Người bố nhìn đôi mi cong khép hờ của con. Thằng bé không trả lời. Nó ngẫm nghĩ một lát, nhớ đến những khuôn mặt quen thân, nhớ không khí vui nhộn của phố phường. Hai khung trời, hai thái cực. Tuổi của nó là phải hoạt động, nó không thích vẻ bình lặng này. Nó thích nhảy chân sáo trên con đường phố, thấy chân mình đi những bước vững chắc mà thuyền thì bồng bềnh. Nó muốn nghe tiếng của muôn ngàn người xôn xao chung quanh, dù tiếng chửi bới đi nữa, mà ở đây thì yên lặng quá. Nó muốn ngắm những cửa hàng đủ màu sắc lộng lẫy, muốn đứng hàng giờ để so sánh vật này vật kia bầy trong các tủ kính, ở đây chỉ có trời xanh, biển xanh, dương xanh, và cát trắng. Những màu sắc nhẹ nhàng đó chỉ quyến rũ được nó trong phút chốc. Nó mệt mỏi vì tình yêu biển của người bố. Nhưng, là một người con ngoan, nó chỉ nói nhỏ:


- Lớn lên, con sẽ làm thủy thủ như bố, bố nhé.

Người bố cười yên lặng, lồng tay vào mái tóc mềm của con. Tay bác chạm những hạt cát bé bỏng nằm yên ngủ dưới làn da đầu. Bác nói nhẹ:

- Thôi, ngủ đi con.

Thằng bé dường như chỉ chờ thế, mắt nó khép lại, khuôn mặt bình thản, hơi thở điều hòa. Người bố muốn cất lên tiếng hát, như ngày xưa mỗi lúc trăng lên, bác đã cất lên giữa những khuôn mặt bạn bè. Bây giờ không còn gì. Những người thân yêu đó đã xa, đã tan. Cả tiếng hát nữa, nó cũng theo thời gian mà úa héo, nẩy mầm cho sự chết. Chính lúc bác cảm thấy bác không còn gì, cũng chính là lúc bác biết bác còn một kho tàng vô giá: đứa con. Thằng bé nầy đây, với thân thể bé nhỏ, với tâm hồn sạch trong, là cả cuộc đời bác, là cả chiếc lồng vĩ đại nhốt tình thương của bác. Xa nó bác xót xa. Nhưng làm sao được. Có hợp thì có tan, cũng như biển động rồi biển lặng. Bác ngắm nhìn khuôn mặt thân yêu ấy không biết chán, chỉ thấy càng lúc càng yêu con hơn bao giờ hết. Chỉ còn đêm nay là bác còn được con gối đầu lên chân, chỉ còn đêm nay là bác còn được vuốt mái tóc mềm mại thơm mùi nắng. Bác muốn khóc nhưng đôi mắt cũng héo tàn như cuộc đời bác. Bác chỉ còn có tình thương là sống mãnh liệt. Tình thương ấy bác để dành cho người con, giúp nó cái ước vọng nhỏ nhoi mà con bác đã từng nói: Mai lớn, con sẽ làm thủy thủ như bố, bố nhé.

Con thuyền quay về bến lúc trời còn tối. Người bố nhẹ đánh thức con. Thằng bé còn ngái ngủ, mắt cay nồng. Bác kéo thuyền gần bờ hơn, khi lườn thuyền chạm vào lòng cát, bác đưa tay đỡ con. Nước biển làm thằng bé tỉnh táo. Nó định giúp bố một tay kéo thuyền lên bãi, nhưng người bố đã cản tay nó lại. Bác ôm lấy con nhìn sâu vào mắt con, bác hỏi:

- Mai lớn con có làm thủy thủ như bố không?

- Có, bố ạ.

Bác mỉm cười, buông con ra. Thằng bé thấy bố nó có vẻ kỳ dị khiến nó sợ. Người bố bảo con:

- Thôi con lên lều trước đi. Sửa soạn mà về phố. Tiền bố để trong chiếc gối ấy. Trưa nay nếu bố không về, con cứ lên xe về trước. Con nhớ đến ở đằng nhà cô dượng Phụng ấy, đừng về nhà mình. Nhớ ngoan, đừng làm cô dượng buồn lòng nha con.

Thằng bé ngạc nhiên:

- Sao vậy, bố không cùng về với con sao? Hay con chờ bố về một thể. Con sợ lắm.

Người bố vỗ về:

- Sợ gì con? Bố còn phải làm nhiều việc. Con cứ lên phố với chú Sáu bên cạnh nhà mình ấy. Thủy thủ của bố đừng sợ. Sóng to biển lớn còn chưa sợ nữa là chỉ một chuyến xe ngắn ngủi. Đi con. Ngoan, bố về bố đem sò biển về cho.

Thằng bé rươm rướm nước mắt. Nó ngồi xuống bờ cát đẫm sương.

- Vâng, bố đi. Con ngồi đây đợi bố.

Người đàn ông thương cảm nhìn dáng vẻ cô đơn của người con bé bỏng. Ông quay đi, kéo thuyền ra xa, rồi nhảy lên. Đưa tay vẫy con lần cuối người bố thương con dạt dào. Thằng bé đâu có ngờ, hình ảnh mờ mờ của buổi sáng mù sương ấy là hình ảnh cuối cùng nó nhận từ ông bố yêu dấu. Thân thể ông sẽ tan vào trùng khơi, sẽ xa nó mãi mãi. Nó sẽ buồn, sẽ cô đơn. Thằng bé chưa nhận thức được điều ấy. Nó mỏi mệt nằm dài trên bãi cát chờ đợi.

Mặt trời lên, tia nắng trải rộng, sáng chói, mơn man trên mái tóc, trên làn môi thằng bé như muốn đánh thức nó dậy mà không nỡ. Một lát, sức nóng khiến thằng bé tỉnh giấc. Nó ngồi vụt dậy, nhìn quanh. Không có người đàn ông, không có con thuyền, chỉ có những kẻ xa lạ, và nếp sống buổi mai của ngư dân. Thằng bé đứng lên, nhìn đăm đăm ra phía xa. Nó nhón gót, như thể vài phân cao ấy giúp nó nhìn ra xa hơn chút nữa. Không có gì. Thằng bé bắt đầu lo lắng. Nó quên cả bụng đói, quên cả cát bỏng. Nó ngồi sững nhìn đại dương bát ngát, mồ chôn bố nó đấy.

Đến trưa, thằng bé thất thểu trở về lều, ôm áo quần trở về thành phố. Trong thâm tâm thầm hứa không bao giờ còn giáp mặt với biển xanh. Thằng bé không muốn giữ lời với bố nó nữa, nó không còn một chút ao ước trở thành thủy thủ. Nó ghét biển, dù biển hiền hòa. Nó thù biển, biển đã cướp đi bố nó, nguồn thương yêu độc nhất của muôn đời.

*

Nếu chết là hết thì trường hợp này không đúng cho cái chết của người bố. Thân thể bác đã tan, đã chìm xuống lòng biển. Phần vật chất của bác biến đi, mất dấu, nhưng linh hồn bao la của bác, tình thương ngọt ngào của bác thì vẫn còn. Không, linh hồn bác không mang một dáng vẻ, một hình thức nào, khác với những oan hồn vẫn còn mang hình dáng con người lúc sống, linh hồn bác mênh mang hòa với dòng nước, trải rộng trên mặt biển bao la. Bác vẫn ngóng về nơi bãi cát xưa, chờ khuôn mặt của đứa con yêu. Bác vẫn mong, vẫn hy vọng con bác sẽ có một ngày trở về chốn cũ. Nó sẽ bước xuống làn nước mặn, sẽ nghĩ về bác với bao trìu mến. Bác sẽ choàng tình thương quanh nó, sẽ mơn man bờ mi, đôi má, sẽ vuốt mái tóc mềm mại ngày nào. Một ngày qua, tháng qua, năm qua, linh hồn bác mỏi mòn trông ngóng. Dáng người con chưa thấy về. Bác hàng ngày lang thang tìm kiếm, linh hồn bác đã lướt qua bao nhiêu bờ cát, đã thấy hàng trăm nghìn khuôn mặt, bác đã từng nâng giấc cho hàng vạn chuyến tàu được trở về bến bình an. Nhưng con bác, thằng bé vẫn thường mong được trở thành thủy thủ, không có mặt bất cứ nơi nào có biển.

Đã có lúc bác nghĩ con bác đã phản bội tình thương của bác, và linh hồn người bố giận dữ tung sóng lên cao, xoáy tròn dòng nước. Nhưng rồi lòng thương không bờ lại ngăn cản bác, những cơn giận dữ như thế biết đâu sẽ không làm đắm một con tàu nào đó, mà trên boong con bác đang đăm đăm tìm những kỷ niệm xưa. Bác nguôi ngay, bắt đầu nhen lên một nguồn hy vọng mới.

Thời gian qua dần. Ngày nào người bố cũng theo làn sóng xô vào bờ, ôm cả lục địa, vào lòng trìu mến. Lục địa, con của người bố đang sống, đang thở, đang nhớ. Bác nhờ gió chuyển lời thăm hỏi đi khắp bốn phương trời, bác nhờ dương liễu xao động hỏi khắp ngàn cây, bác nhờ đồi núi vang động tiếng gọi nhớ thương của bác đến người con bé bỏng, mà hôm nay bác tin nó đã lớn, đã đủ sức để trở thành một thủy thủ thực thụ.

Không một tin tức nào đáp lại lòng mong mỏi của bác. Ngàn gió lắc đầu, ngàn liễu cúi mặt, ngàn núi đồi im tiếng. Linh hồn người đàn ông đau đớn đến điên cuồng. Linh hồn bác sở dĩ không tan biến được chỉ vì nỗi mong ước được nhìn thấy đứa con đạt được cái mộng bé nhỏ: làm thủy thủ. Linh hồn bác giờ lại càng như rắn lại vì sự biệt tích của đứa con. Tình thương mênh mang, bao la của bác càng đậm, nỗi đau đớn của bác càng tăng, và tính giận dữ càng dai dẳng. Bác đã gây bao nhiêu gió bão, bác đã tàn phá bao nhiêu làng xóm bằng những lần dâng nước ngập bờ…

Sau một đêm khóc than vật vã, linh hồn người bố yên tĩnh trở lại. Bác trả lại vẻ hiền hòa cho mặt biển xanh. Linh hồn bác thu nhỏ lại, theo hơi nước bốc lên dưới sức nóng ánh sáng mặt trời, tụ lại thành mây trời trôi lang thang khắp địa cầu.

Đám mây trắng, linh hồn của người bố ấy, lênh đênh suốt ngày đêm, qua những phố thị sầm uất, đến những cánh đồng hẻo lánh, chỉ để tìm một dáng quen thuộc của đứa con.

Cho đến một hôm, khi đang đi qua một khu rừng già, đám mây trời ấy chợt nghe tiếng hót của một loài chim sơn ca, tiếng hót ca tụng tình người cha, nỗi nhớ thương của đứa con đối với người cha chết nơi lòng biển. Tâm hồn đám mây trắng rung động nghẹn ngào như hôm nào người bố nhìn lườn thuyền chạm nước lần đầu. 

Đám mây cúi mình xuống, nhẹ nhàng hỏi Sơn Ca:

- Cô Sơn Ca xinh xắn ơi. Cô hát bản ca gì thế?

Nàng chim bé nhỏ ngẩng đầu nhìn vầng mây trắng, thỏ thẻ:

- Trên núi cao kia có một chàng tuổi trẻ nhờ chim chóc, suối rừng chuyển lời nhớ thương của chàng ta đến người cha cậu ấy.

- Chàng tuổi trẻ đó ở đâu vậy? Mây trắng hỏi vội vàng.

Chim Sơn Ca đưa cánh chỉ về phía ngọn núi cao nhất, mắt nàng chim chợt long lanh:

- Ở trên kia, bên xác máy bay. Nhanh lên đi, mây trắng. Rồi nhớ trở về cho tôi biết tin chàng với nhé. Núi cao quá, tôi không đủ sức lên đó nữa đâu.

Không trả lời, mây trắng trôi về phía núi cao. Giữa những ngọn núi trùng điệp, ngọn núi chàng tuổi trẻ sa xuống trông như anh cả giữa đàn em. Từ xa, mây trắng đã thấy chàng thanh niên. Cái dáng người quen thuộc với mây trắng biết bao nhiêu. Mái tóc đã đổi khác nhưng vẫn mềm mại, đôi mắt xa vời nhưng chân thật biết bao nhiêu. Mây trắng tỏa rộng bao quanh lấy chàng tuổi trẻ, ngọn núi, bao quanh lấy. Như trong cơn mơ, người con sống lại trọn vẹn cái cảm giác êm đềm thuở bé, lúc nằm gối đầu lên chân bố để bố vuốt tóc mình. Người con lại thấy thân thể bồng bềnh như đang nằm trên mặt biển xanh. Khẽ nhắm mắt, người con yên lòng ngủ.

Ngọn núi ấy không tên, không thấy trên bản đồ, nhưng muôn đời có mây trắng bao phủ, quanh năm có tiếng chim ca hót, có tiếng suối reo. Ngọn núi ấy không tên, với con người, với những kẻ xa lạ, nhưng đối với gió ngàn, với muôn sinh vật sống trên đó ngọn núi đã có một cái tên êm dịu vô cùng, núi TÌNH THƯƠNG. Chính ở đây là mốc lôi kéo muôn loài sống gần nhau, tìm hiểu nhau trong bềnh bồng của biển, của mây trời. Chính đây là màn lưới lọc hết mọi ghen ghét, hận thù, chính nơi đây dây xích cầm tù hết mọi khổ đau, chua xót. Sống ở đây không lo nghèo đói, không sợ cô đơn.

Có người nghi ngờ hỏi tìm đến núi ấy ở đâu, và làm sao tìm đến được. Những người biết chuyện mỉm cười:

- Hãy gạn lọc hết những hận thù ganh ghét trong Anh, thì dù không tìm đến, Anh cũng đã ở trên đỉnh TÌNH THƯƠNG rồi đó.

Tỉ Tỉ 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 72, ra ngày 1-7-1967)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét