1
Giang đưa mắt nhìn ra dòng sông nước đục lờ mờ, đang uốn mình trong thôn xóm. Những mái tranh màu nâu sẫm nhỏ bé, lẩn khuất trong những chòm cây xanh, thẹn thùng soi bóng dưới dòng nước phẳng lặng. Mặt trời mới lên, những ánh vàng lung linh phản chiếu trên mặt sông, tạo thành những đợt sóng vàng lăn tăn chạy vào bờ. Bên kia bờ, một vài đứa trẻ đang ngồi thả câu bên cạnh một cụ già râu tóc đã bạc trắng, dáng ngồi khom khom yếu đuối. Bỗng nhiên Giang chợt nghĩ đến cha mình. Cha Giang đã già, chắc cũng trạc ông cụ đang ngồi câu cá kia. Lâu quá rồi, Giang không có dịp về thăm cha. Từ ngày chàng rời quê lên đây trọ học, mấy năm đầu, tháng nào cha Giang cũng gởi tiền lên cho chàng. Nhưng từ khi mẹ mất, cách đây vài tháng, cha chàng không còn gởi tiền lên cho chàng một cách đều đặn nữa. Có tháng có, tháng không, tháng nhiều, tháng ít, thật bất thường. Giang không muốn làm một loài cây cộng sinh ăn bám vào gia đình mãi, gia đình Giang cũng chả dư dả gì, chàng lại còn một lũ em bốn đứa còn nhỏ, nên Giang đã lăn mình vào cuộc đời sống để tự lo lấy thân.
Sáng nay, một buổi sáng thật đẹp, chàng bắt đầu bước vào thế giới của người lớn. Chàng thấy một cái gì vừa hãnh diện vừa âu lo. Một cảm giác nhẹ nhàng lâng lâng vừa pha trộn một thứ bâng khuâng buồn bã, thật khó diễn tả vô cùng. Chàng nghĩ đến gương mặt ông hiệu trưởng: cái gương mặt xương xẩu, lúc nào cũng cố tạo một vẻ nghiêm trang, với đôi kính trắng gọng đồi mồi đen bóng. Đôi lông mày sậm, dữ tợn, uốn cong như hai con sâu róm nằm khom mình thành một cái dấu ngã khổng lồ. Hàm răng trên nhô ra tựa chiếc mái hiên, lúc nào cũng như sẵn sáng chực bay ra khỏi hai chiếc môi mỏng dính. Giọng nói khàn khàn, cộc lốc như âm thanh của những tảng đá va chạm vào nhau.
Rồi Giang liên tưởng đến những đứa học trò nhỏ bé của chàng. Những gương mặt màu hồng, những đôi mắt ngọc xanh biếc, những ngón tay ngà mũm mĩm như những chồi non mới nhú, những bàn chân nhỏ bé như những bước chân nai bỡ ngỡ trong rừng xanh, những chiếc áo trắng như những cánh chim bồ câu mang lại thanh bình cho quê hương yêu dấu. Phải chăng đó là hình ảnh của chàng, của cậu bé Giang ngày xưa, còn nũng nịu đòi mẹ dẫn đến trường. Giang đó ư? Chàng không thể nào hình dung được cái gương mặt chàng lúc ấy. Cái thế giới tuổi thơ của chàng thật mơ hồ, mỏng manh như một làn sương buổi sáng, chỉ cần một tia nắng vàng soi đến là có thể vỡ tan lập tức. Giang ước gì bây giờ chàng được bé trở lại như ngày nào, quê hương chàng được thanh bình và mẹ chàng sống dậy. Mẹ sẽ nắm tay Giang dẫn đến trường, chàng sẽ đi trở lại con đường có nhiều bóng râm của những loài cây ăn trái. Trên những chùm cây xanh um đó, sẽ vang lên tiếng líu lo của những loài chim đồng bay về làm tổ. Chàng sẽ nghe trở lại muôn ngàn âm thanh quen thuộc: tiếng gà gáy buổi sáng, tiếng chim gõ kiến buổi trưa và tiếng sáo diều trong ánh nắng hoàng hôn nhòa nhạt, tiếng chày giã gạo, tiếng dệt vải trong những đêm trăng thanh vắng.
Những âm thanh ngọt lịm ấy làm cho lòng chàng quên hẳn thực tại.
Một tiếng còi xe từ ngoài đường vang lên khiến chàng giật mình, thoát khỏi thế giới mộng mơ. Giang chợt mỉm cười, một nụ cười thật bâng quơ vô nghĩa. Giang thong thả bước vào cổng trường. Chàng cố tạo một vẻ chững chạc, bình tĩnh, nhưng sao trong lòng vẫn thấy gợn lên những làn sóng lo âu. Giang đứng trước hai cánh cửa có bản lề bằng lò xo. Chàng còn do dự. Trước khi gõ cửa, Giang đưa mắt nhìn ra sân trường. Một nhóm học trò đang đùa giỡn làm chàng thấy vui lây. Một vài đứa học trò gái đang ngồi dưới góc cây trứng cá ở góc sân, mở sách ra, miệng nhẩm đọc. Trời hãy còn sớm, Giang đưa tay gõ nhẹ vào cửa. Có tiếng vọng ra:
- Mời vào.
Chàng từ từ đẩy nhẹ cánh cửa, khẽ lách mình vào. Ông hiệu trưởng mời chàng ngồi xuống một chiếc ghế đặt trước mặt. Ông hỏi lại những lời đã hỏi từ hôm chàng mới vào đây xin việc:
- Từ trước đến giờ anh đã dạy nơi nào chưa?
- Thưa ông, chưa.
- Anh vẫn còn đi học phải không?
- Dạ phải.
- Anh muốn dạy lớp mấy?
- Dạ thưa, lớp nào cũng được, tùy ông xếp đặt.
- Anh dạy lớp nhì A nhé! Lớp đó vừa thiếu giáo viên. Vả lại, đó là lớp tương đối dễ dạy nhất.
- Dạ được.
Người tùy phái từ ngoài bước vào cúi chào ông hiệu trưởng, đưa mắt nhìn chiếc đồng hồ quả lắc treo trên tường rồi lại bấm chuông. Một hồi chuông “reng reng” vang lên. Từng đàn học sinh tranh nhau chạy đến sắp hàng trước mỗi cửa lớp. Ông hiệu trưởng mời Giang đi theo ông ta. Chàng bỗng cảm thấy như hai tay mình thừa thãi, vụng về một cách kỳ lạ. Giang sửa soạn những ý tưởng trong trí não mình. Chàng sắp xếp cho có thứ tự, mạch lạc để chốc nữa ban phát cho lũ học trò tương lai của chàng.
Học sinh lần lượt vào lớp như những bầy vịt con bước vô cửa chuồng. Lớp Giang dạy ở cuối dãy, chàng phải đi qua mười căn phòng mới đến nơi. Lũ học trò lớp nhì A đã vô đông đủ rồi, tiếng cười nói từ trong phòng lan ra hành lang, tạo thành những âm thanh hỗn tạp. Giang khẽ lắc đầu nhè nhẹ. Ông hiệu trưởng bước vào, tự nhiên cả lớp im lặng, nếu có một con ruồi bay ngang cũng nghe rõ tiếng đập cánh trong không khí.
Ông hiệu trưởng giới thiệu chàng với lũ học trò lớp nhì A rồi vội vã bước đi. Chàng khoát tay ra lệnh cho các em ngồi xuống. Giang đứng tựa vào bàn, nhìn xuống cuối lớp. Những mái đầu xanh ngước cao, những ánh mắt đen tròn long lanh như đính chặt vào gương mặt chàng. Giọng chàng run run:
- Thầy rất lấy làm sung sướng, được gặp gỡ các em nơi đây. Hôm nay là lần đầu tiên được làm quen với các em, nhưng thầy có cảm tưởng thầy đã được quen biết với các em từ lâu lắm rồi. Thầy mong sao thầy sẽ gần gũi các em, ít nhất là đến hết niên khóa này. Thầy sẽ cố gắng đem hết khả năng của thầy ra để giúp đỡ các em. Bù lại, thầy chỉ mong sao các em ở trường chăm chỉ học hành, về nhà hiếu thuận với cha mẹ anh em là thầy vui lòng rồi.
Giang không ngờ chàng lại ăn nói trôi chảy đến thế. Lần đầu tiên, đứng trước mặt đám đông (dù đó chỉ là một lũ học trò nhỏ bé), Giang tưởng mình sẽ vấp váp nói chẳng ra lời. Không ngờ Giang đã nói thật lưu loát. Nhìn những ánh mắt ngây thơ của bầy chim non, chàng đọc được một thứ tình cảm thân yêu, trìu mến, nhẹ nhàng, êm ái như một làn gió heo may mát dịu thổi trên vùng sa mạc nóng cháy của tâm hồn chàng. Tự nhiên, chàng thấy lòng gợn lên một niềm vui nhỏ bé nhưng sâu đậm vô cùng. Giang đi xuống cuối lớp, đưa tay xoa nhẹ lên mái tóc đen mượt hớt cao của một đứa học trò có gương mặt thật khôi ngô, đôi mắt thật sáng. Nó mỉm cười, cúi đầu thấp xuống, không dám ngước nhìn chàng. Giang liếc thấy trên cuốn tập của nó có đề dòng chữ “Của trò: Lê văn Phong”. Giang hỏi nó:
- Trước đây, các em học thầy nào?
Thằng bé lễ phép đứng dậy, khoanh tay đáp:
- Thưa thầy, trước đây các em học cô giáo, nhưng cô giáo nghỉ, gần một tháng nay, các em học thầy hiệu trưởng.
- Các em có biết tại sao cô giáo nghỉ không?
- Thưa thầy, cô giáo sắp lập gia đình.
Giang lặng thinh không hỏi nữa. Chàng bước lên bàn, kéo ghế ra ngồi và bắt đầu buổi dạy hôm nay. Giang thấy lòng chàng lâng lâng. Cái thế giới nhỏ bé này đã thu hút hồn chàng. Chàng sẽ sống mãi ở đây với lũ chim non. Lũ chim dễ thương, dịu dàng làm sao. Giang chợt nghĩ đến lũ em của chàng ở dưới quê, giờ này làm gì được học hành. Thằng Ngân chắc phải đi gặt lúa, con Hà đi chăn bò, con Khánh đi giữ em cho người ta. Còn thằng Cu Sơn chắc là ở nhà lo việc bếp núc cho cha chàng đi cày. Cái ý nghĩ ấy khiến lòng Giang se lại. Bất chợt, chàng buông tiếng thở dài…
2
Giang ngã bệnh cả tuần lễ nay. Ông hiệu trưởng tạm thời cho phép chàng nghỉ để dưỡng bệnh. Dù vậy, chàng vẫn thấy lo lo làm sao. Lo cho bệnh thì ít mà nghĩ đến vấn đề cơm áo thì nhiều. Vì thế, bệnh chàng càng ngày càng nặng. Bác sĩ khuyên chàng nên nghỉ ngơi, nhất là không được làm việc gì thuộc về trí óc. Vậy mà Giang không lúc nào là không nghĩ ngợi. Chàng mong cho chóng được lành bệnh để gặp lại đám học trò bé nhỏ của chàng, mà chàng đã xem chúng như những đứa em ruột thịt của mình. Chàng thấy nhớ nhung kỳ lạ những gương mặt nhỏ bé đáng yêu, những giọng nói líu lo ngọt ngào như tiếng hót véo von của những chú chim họa mi xinh xắn. Giang đưa mắt nhìn ra khung cửa sổ. Mấy cành mận đầy đặc những hoa trắng, vươn mình trong nền trời xanh lơ khiến chàng cảm thấy một niềm vui nhẹ nhàng len vào hồn. Giang bỗng thấy thèm muốn những quả mận chín hồng mà chàng đã được ăn hằng ngày. Nhưng không, bây giờ Giang không còn thấy thèm những quả mận ấy nữa. Giang ao ước: giá gì mình được một quả cam nhỉ? Một quả cam trong lúc này có thể làm cho chàng khỏe ngay tức khắc. Chàng sẽ mạnh liền. Giang cảm thấy miệng mình đăng đắng. Chàng nuốt nước bọt như muốn xua đuổi niềm mơ ước viển vông. Trong túi chàng chẳng còn một đồng xu nào. Bà chủ nhà trọ lo cho chàng miếng cơm miếng cháo đã là tử tế lắm rồi, chàng đâu dám đòi hỏi gì hơn nữa. Nếu nhờ bà mua dùm cho một quả cam, chắc chắn bà không từ chối. Nhưng chàng đã hết nhẵn cả tiền rồi… cái ý nghĩ ấy làm chàng băn khoăn, bứt rứt. Đầu óc chàng rối bời những suy nghĩ.
Bỗng một giọng nói quen thuộc vang lên:
- Cậu Giang, có mấy chú bé cô bé nào muốn vào thăm cậu kìa.
Giang nhận ra ngay tiếng bà chủ nhà. Chàng nói:
- Bác cho tụi nó vào đi, chắc là lũ học trò của cháu đó.
Bà chủ nhà quay ra, rồi trở vào với mấy đứa nhỏ. Chúng rón rén đến bên chàng. Giang nhận ra những đứa học trò nhỏ bé của chàng: Diễm Hồng, Thu Vân, Tuấn và Phong. Chàng nói:
- Các em ngồi chơi!
Chợt nhớ ra bên cạnh chàng chẳng có một chiếc ghế nào hết, Giang mỉm cười bảo:
- Các em ra nhà ngoài nhắc ghế dùm thầy, thầy đi chẳng được.
- Thưa thầy, tụi em đến thăm thầy một tí rồi về, để thầy nghỉ…
- Các em ở chơi chớ vội gì. Lâu quá không gặp các em thầy buồn ghê! Thầy cứ mong cho hết bệnh để đi dạy lại. Hôm nay các em vẫn học với thầy hiệu trưởng chứ?
- Dạ, thầy hiệu trưởng hay đánh và la quá. Đứa nào cũng thích học thầy hơn là thầy hiệu trưởng.
- Thầy hiền mà vui nên tụi em thích học hơn.
Giang thấy lòng chàng hé lên những tia nắng ấm. Chàng mới bước vào nghề có mấy tháng mà đã thành công rồi. Đó không phải là một niềm an ủi cho chàng sao? Giang lại mỉm cười, chàng nói đùa:
- Được rồi, để hôm nào thầy mạnh, thầy sẽ đánh cho các em biết. Chừng đó các em đừng trách thầy nghe!
- Thầy đánh tụi em cũng thích học thầy như thường.
Diễm Hồng chạy xuống nhà dưới, nói gì với bà chủ nhà Giang không nghe rõ. Rồi nó trở lên, cầm nơi tay một chiếc dĩa sứ tráng men trắng. Diễm Hồng trở ra nhà ngoài, bưng vào một dĩa cam màu da chín vàng trơn bóng như những trái banh nho nhỏ. Nó khép nép đến bên chàng, đặt dĩa cam lên chiếc bàn kê gần đầu giường chàng nằm, lễ phép thưa:
- Thưa thầy, tụi em đến thăm thầy, nhưng chả có gì, tụi em chỉ có mấy quả cam, đem đến biếu thầy dùng cho đỡ lạt miệng.
Con bé hãy còn nhỏ mà đã ăn nói lưu loát như người lớn. Thảo nào, nó luôn luôn đứng nhất về môn Luận Văn.
Giang cảm động vô cùng. Chàng nghẹn ngào, không biết nói gì để cám ơn những tấm lòng vàng nhỏ bé của bầy chim non. Một lúc sau, Giang mới nói ra lời:
- Các em đến thăm thầy là quí lắm rồi. Bày vẽ đem cam quít làm chi cho phiền phức. Nhưng các em đã lỡ đem đến rồi… không lẽ thầy không nhận. Thầy cảm động vô cùng, bệnh thầy thuyên giảm cũng được một nửa rồi đó.
Giọng Giang nhỏ lại:
- Thầy cám ơn các em nhiều nha.
Bốn chiếc miệng cùng phát ra một lúc:
- Thưa thầy, không có chi. Tụi em mong sao thầy sớm lành bệnh để dạy dỗ tụi em… là quí lắm rồi.
Để cho chàng được nghỉ ngơi, lũ nhỏ chào Giang ra về. Giá chàng đi được, Giang đã đưa lũ học trò ra đến đầu ngõ. Nhưng chàng đang bệnh… tay chân chàng mỏi nhừ, thân hình chàng uể oải. Chàng đành ngước mắt nhìn theo lũ chim non cho đến khi chúng khuất sau bức rèm ngoài cửa. Giang nhìn lại dĩa cam đặt trên bàn, bất chợt hai giọt lệ lăn nhẹ trên đôi gò má, và Giang chợt mỉm cười bâng quơ. Giang thấy lòng mình se lại, chàng nghĩ ngợi mông lung…
(còn tiếp)
Trinh Chí
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 128, ra ngày 1-5-1970)
________________________________________________________________________
Chân thành cám ơn Đèn Biển đã sưu tầm và đánh máy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét