Năm nay là năm Đinh Mùi, năm con dê. Nhẽ ra, tôi phải viết một bài với cái tựa đề là : “Năm Dê nói chuyện dê” cũng như người ta vẫn thường viết : “Năm gà nói chuyện gà, năm vịt nói chuyện vịt” (Quên, xin lỗi! Không có năm vịt). Nhưng tôi thiết nghĩ cái loại bài đó nó “cổ lổ” quá rồi, mà độc giả Tuổi Hoa thì lại toàn là những bậc thiếu niên anh tuấn, học lực uyên bác, triết lý cao siêu nên năm nay, tôi xin cống hiến các bạn 5 câu chuyện có liên qua xa gần tới loài Dê, gọi là : Đầu Xuân kể truyện tầm phào cho vui!
1) TÔ VŨ CHĂN DÊ
Đây là một câu chuyện Tàu.
Vào đời nhà Hán (100 năm trước Thiên Chúa Giáng Sinh) nước Trung Hoa bị rợ Hung Nô (giặc Hồ) quấy phá biên giới. Nước Tàu tuy mạnh nhưng bọn Hung Nô cũng không phải là yếu kém, hơn nữa lại nổi tiếng dã man, tàn nhẫn số một, bởi vậy vua nhà Hán thầm nghĩ rằng : rầy rà rắc rối với bọn rợ Hồ đó cũng phiền lắm chứ chẳng chơi, thắng được nó mình cũng đến trật vẩy. Mà nếu chẳng may bị thua thì thật là mất mặt… thiên triều!
Sau nhiều đêm ngày bỏ ăn bỏ ngủ suy nghĩ đến hao tổn cả long nhan và sau nhiều lần họp bàn với bá quan văn võ trong triều, vua nhà Hán tìm ra được một cách có thể tạm gọi là… thượng sách! Đó là dùng mỹ nhân kế để lấy lòng Hung Nô. Vua bèn sai tìm một thiếu nữ thật đẹp để đem biếu tướng Hung Nô. Sau bao ngày tìm kiếm, chọn lựa, vua tuyển được một thiếu nữ cực kỳ diễm lệ, đó là nàng Chiêu Quân.
Thật là:
Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng mán thằng mường nó leo.
Nàng Chiêu Quân cũng biết thế nên khóc lóc thảm thiết xin vua đừng thi hành cái lệnh ác nghiệt là đem nàng cống giặc Hồ, kẻo uổng phí cả một đời xuân sắc. Đứng trước cảnh một thiếu nữ hạt lệ đầm đìa ai mà chẳng mủi lòng, vua Hán chắc cũng mủi lòng lắm, nhưng vì “quyền lợi quốc gia” nên dù có mủi lòng đi nữa ngài cũng chỉ có thể “khóc thầm bên trong” còn ngoài mặt thì vẫn phải phớt tỉnh Ăng-lê để thi hành… mưu kế.
Thế là nàng Chiêu Quân bị đem đi cống Hồ và người có trách nhiệm đưa nàng đi là Tô Vũ. Bị ức hiếp và nhất là không thể nào sống được với tướng Hung Nô nên nửa đường nàng Chiêu Quân nhảy xuống sông tự tử và… chết (lúc đó chưa có đoàn người nhái hoặc sở cứu hỏa nên cứ nhảy xuống thì chết là cái chắc). Bởi vậy nhẽ ra Tô Vũ phải đến với tướng Hung Nô với một nàng Chiêu Quân xinh đẹp thì chàng lại ra mắt hắn với hai bàn tay trắng. Mặc cho Tô Vũ phân trần và trình bày thiện chí của vua Hán cũng như của mình, tướng Hung Nô vẫn không thèm để tai, hắn xài xể Tô Vũ một trận như tát nước và sau cùng, để trừng phạt, tướng Hung Nô bèn đày chàng ra sa mạc chăn một bầy dê đực!
Đường đường là sứ giả của một đại cường quốc mà phải làm một anh chăn dê ở một chỗ cùng tịch, Tô Vũ cũng phải cắn răng chịu, vì : “Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay”. Từ đó ngày qua ngày, Tô Vũ sống với bầy dê giữa một vùng sa mạc quạnh hiu.
Vua nhà Hán thấy lâu quá rồi mà Tô Vũ chưa về, lấy làm nóng ruột lắm, bèn thảo một bức thư gửi cho tướng Hung Nô để hỏi thăm về Tô Vũ. Được thư, tướng Hung Nô băn khoăn vô cùng, dù sao hắn vẫn kiêng hể vua Trung Hoa, bây giờ nói thật là đầy Tô Vũ, sứ giả của nhà vua ra sa mạc chăn dê thì chắc chắn vua Hán phải nóng mặt, lúc ấy sẽ rầy rà to. Tướng Hung Nô cũng định thả Tô Vũ về cho xong chuyện, nhưng hắn lại thôi vì nghĩ rằng khi được thả về, Tô Vũ sẽ tỉ tê kể lại cho vua nhà Hán nghe tất cả sự thật cũng phiền. Suy đi nghĩ lại, tướng Hung Nô quyết định viết thư trả lời cho vua Hán, trong đó nói dối là không may Tô Vũ đã chết rồi. Được thư, không biết vua Hán có khóc lóc thảm thiết không, chỉ biết rằng ngài đinh ninh Tô Vũ chết thật rồi nên tỏ ý rất là thương tiếc, ngài có biết đâu trong lúc mình đang tiếc thương vớ vỉn như thế thì Tô Vũ đang cặm cụi chăn dê tại miền sa mạc quạnh hiu.
Nhưng mà ông trời có mắt, cây ngay không sợ chết đứng. Ngày nọ Tô Vũ vớ được một con chim nhạn, đó là một loại chim đưa thư rất giỏi. Tô Vũ thảo một bức thư kể hết đầu đuôi câu chuyện và hiện trạng của mình rồi cột thư vào chân chim, tung cho nó bay về hướng Nam. Thế rồi người Tàu nhận được thư của Tô Vũ, dâng lên nhà vua. Xem thư, nhà vua nổi trận lôi đình, giận cho tụi Hung Nô dám qua mặt mình, bèn tức tốc thảo một tối hậu thư cho tướng Hung Nô, hẹn phải cấp thời thả Tô Vũ về nước, nếu không hai bên sẽ có một màn đấu chưởng.
Nhận thư, giặc Hung Nô sau khi suy tính hơn thiệt phải trả tự do cho Tô Vũ. Hỡi ơi, ngày ra đi Tô Vũ là một vị quan triều đình uy nghi lẫm liệt, lệnh tiễn cầm tay mà nay sau khi được thoát khỏi kiếp chăn dê, Tô Vũ về nước trình diện nhà vua với một thân hình tiều tụy, râu tóc bạc phơ, cái mà hồi xưa được mệnh là lệnh tiễn, giờ đây chỉ còn là một cái que không hơn không kém.
2) DÊ ĐỰC ĐẺ!
Đã có chuyện Tàu giờ lại có chuyện ta.
Ôi, cái chuyện dê xứ An-nam mới thật là khủng khiếp, ai đời dê đực lại đẻ bao giờ? Cứ xem tất biết:
Những cái chuyện tréo cẳng ngỗng ở xứ An-nam ta đa số đều có mặt Trạng Quỳnh, một nhân vật nổi tiếng mưu mẹo và tinh nghịch. Vậy thì cái chuyện dê đực đẻ con này cũng có bóng dáng đại ca Trạng Quỳnh.
Số là một ngày nào đó vua Tàu (lại Tàu) nổi hứng muốn đánh nước ta chơi, vì nghe dân xứ mình có nhiều thứ bổ béo có thể xài được lắm. Nhưng khi không cậy lớn mà đánh người ta nó kỳ lắm, lại mang tiếng là du đãng! Vua Tàu bèn nghĩ ra một kế, sai một sứ giả ăn vận chỉnh tề mang thư sang cho vua nước ta.
Sau khi nhận thư, vua ta mở ra coi thì… trời ơi! Thật là kỳ cục! Vua Tàu đòi nước ta phải cống cho lão 10 con dê đực biết đẻ, nếu không là… có chuyện.
Vua ta đem chuyện trình bày với triều đình, vua quan đều đổ mồ hôi hột không biết tính sao. Thôi rồi, phen này coi chừng mà tan tành xí quách. Trạng Quỳnh lúc đó cũng có mặt, đợi đến lúc không ai có ý kiến gì, tất cả đều nghẹn ngào không nói nên lời, Quỳnh mới xin phát biểu ý kiến. Sau khi Quỳnh trình bày kế hoạch, từ vua chí quan đều hoan hô Quỳnh hết mình, lúc nầy ai nấy hình như đều quên đi những cái đùa dai của Quỳnh đối với mình. Dưới mắt của họ, lúc đó, Quỳnh thật là một anh hùng cứu quốc.
Ngày giờ thấm thoát thoi đưa, quanh quẩn thế mà đã đến ngày sứ giả nước Tàu qua nhận đồ triều cống, vua ra lệnh cho treo đèn kết hoa tưng bừng chào đón. Trong khi đó, Quỳnh cải trang thành một người nhà quê ăn mặc rách rưới, quần áo nhọ nhem bẩn thỉu rồi lén ra nằm dưới một gầm cầu, nơi mà theo lộ trình, sứ giả nước Tàu sẽ phải đi qua.
Quỳnh nằm vắt chân chữ ngũ, dưới gầm cầu một lát thì nghe tiếng xe ngựa rầm rập. Biết là sứ giả sắp đi qua, Quỳnh chuẩn bị sẵn sàng. Khi sứ giả tới chỗ Quỳnh nằm, Quỳnh bèn vận hết công lực khóc lên mấy tiếng “ô hô” thật lớn. Kể ra nội công của Quỳnh cũng thâm hậu lắm nên tiếng khóc của Quỳnh át cả tiếng xe ngựa đang di chuyển. Sứ giả thấy lạ bèn dừng xe lại, nhìn xuống gầm cầu thì thấy một kẻ đang khóc lóc thảm thiết. Được “mắt xanh” chiếu cố, Quỳnh càng khóc thật khỏe. sứ giả nóng ruột muốn biết rõ nguyên nhân của một hiện tượng kỳ quái bèn sai lính xuống gầm cầu điệu Quỳnh lên. Quỳnh bước lên trình diện mọi người với một dung nhan vô cùng ủ dột, hạt châu rơi lã chã và khi sứ giả nước Tàu hỏi nguyên do, Quỳnh bèn nấc lên mấy tiếng, khóc rống lên một hồi, lính xúm lại dỗ Quỳnh cũng không nín, cảnh tượng thật thương tâm khiến ai nấy đều mủi lòng. Mãi sau, Quỳnh mới thưa:
- Bẩm quan lớn, tôi khóc vì… tôi thương bố tôi quá… Hic… Hic…
Sứ giả vội dỗ:
- Thôi, nín đi nào, liền ông mà khóc như vậy chỉ tổ bị liền bà nó cười vào mũi. Bố ngươi bị hoạn nạn làm sao mà ngươi thương dữ vậy?
Quỳnh rống lên:
- Ối giời ơi! Người ta ức hiếp bố tôi, người ta bắt nạt bố tôi, tôi chịu làm sao nổi. Thôi, các ngài cứ để tôi chết cho yên chuyện.
Nói xong, Quỳnh toan đập đầu vào thành cầu tự tử, may thay sứ giả nhanh tay ngăn lại kịp:
- Thôi mà chú em, làm chi kỳ rứa, cứ kể đầu đuôi ta nghe xem. Mà chú nói người ta ức hiếp bố chú, vậy chứ người ta là ai?
Quỳnh sụt sịt:
- Dạ… dạ… người ta là… là mẹ tôi đấy ạ!
Sứ giả trợn mắt:
- Sao? Mẹ chú bắt nạt bố chú à?... Thôi, đúng bố chú thuộc hội “Râu quặp” rồi. Nhưng mà mẹ chú bắt nạt bố chú ra làm sao?
Quỳnh đỏ mặt, e lệ như cô gái mười tám:
- Dạ, cái chuyện của mẹ tôi nó kỳ quá à! Khó nói lắm.
- Thì cứ nói ta nghe.
- Dạ, quan lớn đã dạy, tôi xin tuân. Số là hôm qua mẹ tôi gọi bố tôi lại bảo : “Mình à, cái số mình thiệt là sướng, suốt ngày rong chơi chẳng biết chi là lo buồn… Còn tôi, đã hơn mười lần mang nặng đẻ đau tưởng như đứt gan đứt ruột. Thôi, vợ chồng sướng cùng sướng, khổ cùng khổ, vậy mai này mình chịu khó đẻ giúp tôi một đứa con trai nhé!” Rồi không đợi cho bố tôi phát biểu ý kiến, mẹ tôi tiếp : “Mình mà không chịu làm theo lời tôi, tôi bỏ mình cho mà xem, tôi kiếm cái ông nào biết đẻ tôi làm vợ cho sướng cái thân tôi”. Trời ơi! Nghe mẹ tôi nói, bố tôi khóc lóc như mưa, tôi dỗ mãi cũng chả chịu nín, tôi buồn quá nên cũng ra gầm cầu nằm khóc…
Sứ giả buột miệng:
- Sao lại có mụ đàn bà ngu dại điên khùng đến thế nhỉ? Mụ có tìm cả đời cũng chả được một thằng đàn ông biết đẻ.
Quỳnh lễ phép thưa:
- Ấy, vậy mà mẹ tôi còn khôn đấy chứ, tôi còn biết có đứa ngu gấp mười mẹ tôi cơ.
Sứ giả lắc đầu:
- Ta cam đoan, mẹ chú là người ngu nhất trên thế gian từ tạo thiên lập địa đến giờ.
Quỳnh làm như không biết người đang nói chuyện với mình là ai, trả lời luôn:
- Thưa quan lớn, thế ngài chưa biết tin gì sao? Tôi vừa nghe nói cái lão vua gì bên Tàu đòi nước mình tìm cho lão mười con dê đực biết đẻ. Mẹ tôi chỉ kiếm một người đàn ông kỳ lạ đó, mẹ tôi chỉ ngu một, nhưng mà cái lão vua Tàu tìm mười con dê quái quỉ kia thì quả là lão ngu gấp mười mẹ tôi. Mấy hôm nay đi đâu tôi cũng nghe người ta cười vào mũi lão vua Tàu là ngu như bò. Thế ngài, ngài có thấy lão ấy ngu không?
Nghe Quỳnh hỏi, sứ giả nước Tàu tái mặt, vội vã ra lệnh quày xe trở về. Quỳnh đứng nhìn theo cười sằng sặc.
3) TẠI SAO ĐÀN BÀ KHÔNG RÂU MÀ DÊ CÁI LẠI CÓ RÂU?
Cái đề thật là hấp dẫn.
Mà quả nhiên như vậy, đối với loài người chúng ta, phụ nữ làm gì có râu, mặt mũi họ trắng trẻo sạch sẽ và cằm thì nhẵn nhụi đàng hoàng lắm, trái lại đàn ông thì lại phải có râu mới được. Thôi thì đủ thứ râu : râu cá chốt, râu ba chòm, râu quai nón, râu quặp…
Ngược lại, loài dê thật là kỳ quái, những chàng dê đực bói cũng không ra một sợi râu nào trong khi những cô dê cái, cô nào cũng có một bộ râu thật là hách. Tại sao lại có sự lạ lùng như vậy? Cho đến bây giờ cũng chưa ai giải thích được, vì vậy để tạm hiểu, mời các bạn nghe câu chuyện có pha chút thần thoại sau đây:
Số là ngày xưa dê cũng như người, dê đực có râu còn dê cái không râu, thật là đàng hoàng dễ hiểu. Nhưng một biến cố khủng khiếp xảy ra đã khiến cái chân lý vĩnh cửu là giống cái không râu bị sụp đổ. Cái biến cố nó như thế này:
Thời đó, có một ông vua (người kể chuyện không cho biết ông vua tên gì và cũng không cho biết ông ta cai trị nước nào). Ông vua này đúng là một hôn quân, ông ta không bao giờ lo việc triều chính mà suốt ngày chỉ lo vui chơi phè phỡn, rượu nồng dê béo liên miên. Với dân chúng ông ta rất tàn ác, bày đặt ra bao nhiêu thứ sưu thuế kỳ lạ để lấy tiền của dân… và còn biết bao điều bất nhân khác mà ông vua ấy đã thực hiện.
Tiếng đồn nhà vua là hôn quân bạo chúa vang đến tai một vị thần. Sau khi điều tra cẩn thận, vị thần thấy tiếng đồn quả không sai, nhà vua thật không hổ danh là một hôn quân bạo chúa. Ông thần này chắc còn trẻ nên bản tính nghịch ngợm, ông mới nghĩ ra một trò để trừng phạt nhẹ ông vua tàn ác một phen.
Ngày nọ, lính nhà vua thấy một anh nhà quê cắp một thúng cam đến trước cửa hoàng cung rao inh ỏi, lính chạy ra đuổi, bảo đem ra chợ mà bán, anh chàng nhất định không chịu đi, bảo : “ Đây tôi bán một thứ cam rất quí, chỉ nhà vua mới đáng dùng, còn thứ dân giả sức mấy được ăn”. Nói rồi anh chàng mở cái thúng ra, quả nhiên những quả cam chàng ta bán thật là ngon : nó to lớn lạ thường, vỏ vàng bóng và như mọng nước, hương thơm tỏa ra ngào ngạt.
Lính thấy vậy liền dẫn anh chàng bán cam vào ra mắt nhà vua. Vừa thấy cam, nhà vua đã muốn chảy nước miếng. Chàng bán cam bóc một quả dâng vua, vua dùng qua quả nhiên thấy thơm ngon lạ thường ; thích quá, bèn mua cả thúng cam với một số tiền vàng rất hậu. Anh chàng bán cam đi rồi, vua sai quân hầu bóc cam để vua ăn tiếp cho đã thèm. Nhưng lạ thay, người ta bóc hết quả này sang quả khác, chỉ thấy có vỏ không. Vua giận quá tức tốc cho lính đuổi theo bắt chàng bán cam lại.
Chàng bán cam đang đi ngoài đường bỗng nghe thấy tiếng lính tráng đuổi theo đằng sau, chàng ta cũng không lấy đó làm sợ hãi (vì chàng chính là vị thần cải dạng), trái lại còn có ý đi chậm lại để chờ. Lính đã bắt kịp, không nói không rằng lấy dây thừng trói gô anh bán cam lại, điệu về hoàng cung để nhà vua đối chất.
Vừa thấy mặt anh bán cam, vua nổi giận đùng đùng hét:
- Tên kia, sao ngươi dám cả gan phạm tội khi quân?
Với vẻ mặt ngơ ngác, anh chàng bán cam tâu:
- Tâu bệ hạ, thần chả hiểu tí gì cả. Trước sau thần vẫn một lòng tôn kính bệ hạ thì sao lại có thể nói thần phạm tội khi quân được.
Vua càng giận, quát:
- Qua mặt trẫm mà không phải là khi quân thì như thế nào mới đáng gọi là khi quân hở tên kia?
Anh bán cam vội vã sụp xuống:
- Tâu bệ hạ, nào thần có bao giờ dám qua mặt bệ hạ.
- Thế sao thúng cam ngươi bán cho ta chỉ toàn là vỏ?
- Ủa, làm gì có chuyện lạ ấy. Đâu, bệ hạ thử cho thần xem lại thúng cam coi.
Thúng cam được mang ra, lúc đó lại trở thành những quả cam ngon ngọt, anh bán cam lại bóc dâng vua một quả, vua ăn thấy vẫn ngon như quả cam trước. Vua thấy không có lý do gì để bắt tội người ta, bèn thả anh bán cam ra.
Nhưng khi anh bán cam vừa ra khỏi hoàng cung thì thúng cam lại trở thành một đống vỏ. Vua tức quá, cho anh chàng bán cam là phủ thủy, bèn sai một võ tướng chỉ huy một đạo quân đuổi theo quyết giết cho được anh bán cam mới nghe.
Lần này, ông thần không để bị bắt như lần trước, ông ta chạy vun vút như tên bắn, nhưng chỉ cách lính nhà vua một khoảng vừa phải như để trêu họ chơi. Ông ta dụ cho bọn lính đuổi theo đến một cánh đồng, nơi đó có người đang chăn một bầy dê rất đông vừa đực vừa cái lẫn lộn. Để cho bọn lính tức chơi, ông thần chạy vào giữa đám dê thì vụt biến mất. Ông tướng chỉ huy quân lính đuổi theo cho rằng ông thần là lão phù thủy và như vậy rất có thể ông đã nhập vào một con dê nào đó để trốn, bèn quan sát xem con dê nào có triệu chứng bất thường thì giết đi. Nhưng than ôi! Những con dê tầm thường ấy đâu có đáng để được một vị thần nhập vào, nên con dê nào cũng vẫn nhởn nhơ xơi cỏ như thường. Chính vì thấy con nào cũng như con nào, không nhận thấy sự đặc biệt ở riêng một con dê nào cả, ông võ tướng muốn cho chắc ăn liền ra lệnh chém đầu tất cả bầy dê cho xong chuyện. Mặc nho người chăn dê khóc lóc thảm thiết, quân lính vẫn thi hành mệnh lệnh. Chỉ nháy mắt hàng mấy chục cái đầu dê lăn lóc, máu đổ tung tóe. Tàn sát xong bầy dê, ông võ tướng thu quân ra về, chắc mẩm “tên phù thủy” kia đã chết trong lốt dê rồi.
Bọn lính đi khỏi, người chăn dê vẫn khóc như cha chết, mà khóc cũng phải vì cơ nghiệp ông ta chỉ có mỗi bầy dê, nay mất đi thì hoàn toàn tay trắng. Thấy ông ta khóc quá, ông thần hiện ra hỏi:
- Tên kia, sao ngươi khóc?
(Nhẽ ra ông thần phải biết nguyên do cái khóc của ông chăn dê, bất tất phải hỏi. Nhưng trong bất cứ một truyện cổ tích nào khi ông thần hoặc bà thần hiện ra với một người đang khóc vì mới gặp chuyện đau khổ đều hỏi một câu tương tự như câu trên. Vì vậy ở đây người kể chuyện cũng viết cái câu hỏi “đưa duyên” ấy cho ra vẻ một câu chuyện cổ tích)
Ông chăn dê thấy một vị thần uy nghi lẫm liệt hiện ra, lòng khấp khởi mừng thầm, chắc sắp được giúp đỡ chi đây, bèn sụt sùi đáp:
- Thưa ngài, mới đây có bọn lính đuổi bắt một người đến đây thì người ấy trốn mất. Giận cá chém thớt, bọn lính giết cả bầy dê của tôi.
Ông thần bèn phán:
- Thôi, ngươi đừng khóc nữa, để ta cho bầy dê của ngươi được hồi sinh.
Nói xong, ông thu thập tất cả đầu và mình dê lại lắp vào nhau ; con dê nào được lắp xong đầu đều sống ngay, cười lên mấy tiếng “be be” rồi cúi đầu ăn cỏ. Tuy nhiên, ông thần vốn là một cao thủ của làng Dzíc Dzắc, nên trong máu của ông, chất tếu chiếm đến 75%, vì vậy đáng lẽ đầu dê nào thì lắp vào mình dê ấy, ông ta lại nhè cứ đầu dê đực thì lắp vào mình dê cái và ngược lại đầu dê cái lắp sang mình dê đực.
Sau khi hoàn tất công việc, ông thần buồn cười quá, cười lên một tràng thật dài rồi biến mất. Còn ông chăn dê mãi đến lúc lùa dê về ông mới khám phá ra rằng hôm nay mấy anh dê đực anh nào cũng… mày râu nhẵn nhụi, còn mấy chị dê cái, chị nào cũng có một bộ râu… dê, bay phất phơ theo gió.
Câu chuyện đáng lẽ đến đây là hết nhưng người kể chuyện đoán rằng vào một thời nào đó tất cả dê trên thế gian này đều lăn đùng ra chết hết , trừ có bầy dê lạ lùng kia, và như thế chúng cứ sinh sôi nẩy nở ra cho đến bây giờ, người ta chỉ tìm thấy rặt một giống dê đực không râu và một giống dê cái có râu.
4) BÁCH LÝ HỀ VÀ NĂM BỘ DA DÊ.
Đây lại là một câu chuyện Tàu, chắc hẳn là nước Tàu nhiều dê lắm.
Bách-Lý-Hề là người nước Ngu, hơn ba mươi tuổi mới chịu lấy một cô vợ tên là Đỗ-Thị, sau đó sinh được một tí nhau.
Nhà nghèo lắm, Bách Lý Hề và con phải vào rừng săn chim đốn củi còn Đỗ Thị ở nhà buôn bán quanh quẩn kiếm ăn qua ngày.
Bách Lý Hề thực ra không phải là người tầm thường, Hề tài giỏi lại có chí khí, đã nhiều lần muốn giã nhà đi lập công danh nhưng cứ sợ vợ con bơ vơ không nơi nương tựa nên lại thôi. Đỗ Thị biết ý chồng, bảo:
- Thiếp trộm nghĩ làm trai thì phải tạo công danh sự nghiệp, để lưu tiếng với núi sông. Chàng đừng có vì mẹ con thiếp mà uổng mất tài trai, thiếp vẫn có thể tần tảo nuôi con chờ ngày chàng về chung hưởng phú quí.
Nghe vợ nói Bách Lý Hề khoái chí tử, sửa soạn đi ngay. Nhưng vì không gặp thời nên nhiều phen phải khốn đốn, đã có lần phải ăn xin nơi đất Điệt, lúc khác phải chăn trâu. Sau Hề cùng người anh kết nghĩa là Kiểm Thúc trở về nước Ngu thì Đỗ Thị và con nghèo đói quá đã lưu lạc phương nào rồi. Bách Lý hề được bạn cũ đang làm quan trong triều tiến dẫn nên được vua nước Ngu cho làm quan Trung Đại Phu.
Không được bao lâu vua nước Ngu mất, rồi Tần Hiến Công đánh chiếm được nước Ngu. Muốn gả chồng cho con gái là công chúa Bá Cơ sang Tần, Tần Hiến Công bắt Hề phải theo hầu công chúa. Bách Lý Hề giận mình suốt đời chỉ làm tôi đòi cho người khác nên nửa đường định trốn sang nước Tấn, nhưng vì nghẽn đường nên lại tới Uyển Thành thuộc nước Sở, ở đó phải chăn trâu cho người ta, sau được tiến dẫn vào chăn trâu cho vua nước Sở.
Công chúa Bá Cơ sang Tần, dò lại sổ sách những người theo hầu thì thấy tên Bách Lý Hề đã biến mất từ hồi nào, có người mách lẻo bảo Hề đã trốn sang nước Sở rồi. Tần Mục Công điều tra biết Hề là người tài trí muốn dùng nên định sai người mang lễ vật sang vua Sở xin chuộc lại, nhưng có người can rằng:
- Vua Sở không biết tài của Bách Lý Hề nên bắt chăn trâu, nay đem lễ vật sang chuộc tất vua Sở biết Hề là người tài sẽ giữ lại không trả. Chi bằng cứ đem năm bộ da dê sang chuộc Bách Lý Hề về, bảo rằng đó là một tội phạm cần đem về trị tội.
Theo kế đó vua Tần chuộc được Hề về phong cho làm Tể tướng, lúc ấy Bách Lý Hề đã 70 tuổi.
Bấy giờ Đỗ Thị nghèo quá cũng lưu lạc sang nước Tần, phải làm thuê giặt mướn. Nghe tin chồng được làm Tể tướng muốn gặp mà không được. Nhân ngày nọ quan Tể tướng mở tiệc mừng tại tư dinh, mời ban nhạc đến hát mua vui, Đỗ Thị xin phường nhạc cho vào theo để giúp vui. Nhạc công đưa cho Đỗ Thị cây đàn, nàng đánh lên mấy tiếng nhặt khoan làm Tể tướng Bách Lý Hề giật mình nhận ngay ra tiếng đàn của vợ mình. Ở dưới, Đỗ Thị vừa gảy đàn vừa hát:
“Bách Lý Hề, năm bộ da dê,
Nhớ ngày nào ly biệt,
Dưng dưng lệ đôi hàng
Mổ con gà mái ấp,
Thổi lưng cơm gạo vàng,
Đói no có thiếp có chàng
Giờ ai chung đỉnh giàu sang một mình.
Bách Lý hề, năm bộ da dê,
Cha ngồi trên ăn thịt,
Con ngoài ngõ khóc dài,
Chồng giàu sang gấm vóc,
Vợ đói giặt thuê hoài,
Nay chàng rực rỡ cân đai,
Trướng môn cách biệt, thiếp ngoài cửa hiên
Bách Lý Hề, năm bộ da dê,
Suốt một đời lận đận,
Nai lưng phận tôi đòi,
Anh hùng không gặp vận,
Than bất công, hỡi trời!
Giờ đây đeo ấn phong hầu
Chàng ôi! Có nhớ cơ cầu năm xưa?” (*)
Bách Lý hề nghe tiếng hát, bước xuống thềm nhận ngay ra được vợ, cả hai cùng khóc như mưa như bão. Từ đó vợ chồng con cái được đoàn tụ.
____________
(*) Trích trong cuốn “Gương danh tướng” của Toàn Phong.
5) CON DÊ CÁI CỦA ÔNG SEGUIN.
Hết chuyện dê Tàu, dê Ta, bây giờ đến chuyện dê Tây.
Người ta bảo rằng đây là một câu chuyện mà cho đến bây giờ những người dân miền Provence nước Pháp vẫn còn thường kể cho con cháu nghe. Hôm nay thay lời những người dân quê đó, người kể chuyện xin viết lại để bạn đọc cùng thưởng thức:
Ngày xưa (nhưng chắc cũng không xưa lắm) có một nông gia tên là Seguin. Ngoài công việc trồng trọt ông này còn chịu khó nuôi một bầy dê kiếm lời thêm. Nhưng đau khổ thay, ông này hình như không có duyên với dê nên cứ liên tiếp vào những buổi sáng, các cô dê cái của ông tháo tung cả dây buộc cổ và hăng say leo lên núi để rồi không trở về nữa, các nàng dê ấy đã tự biến mình thành miếng mồi ngon của con sói hung dữ sống lẩn khuất trên núi.
Ông đã mất đến 6 con dê trong những trường hợp tương tự. Nhưng vốn tính kiên nhẫn, ông tậu thêm con dê thứ bảy và quyết giữ gìn chăm sóc nó thật cẩn thận. Người ta bảo con số bảy là con số rất đẹp và quả nhiên con dê thứ bảy cũng đẹp lắm, nó có một đôi mắt hiền lành ngơ ngác, một cặp sừng nhọn, và những chiếc móng đen bóng. Đã đẹp, con dê này lại còn dễ thương nữa, bao giờ cũng đứng yên khi ông chủ vắt sữa.
Bởi vậy ông Seguin rất hài lòng về con dê này, ông thương nó như người cha yêu đứa con gái duy nhất vậy. Sau nhà ông có khu vườn rộng đầy cỏ cây thơm mát và có hàng rào đàng hoàng, ông chắc chắn rằng con dê này sẽ không chịu chung số phận như những con trước.
Nhưng mà:
“Sông sâu còn có kẻ dò,
Nào ai lấy thước mà đo lòng… dê!”
Một ngày nọ con dê ngỏ ý xin ông chủ cho mình… lên núi chơi. Nghe tin động trời, ông Seguin suýt chết ngất, ông vội vã cho con dê an trí trong chuồng bò và cẩn thận khóa hai lần cửa. Nhưng, không biết ta có nên nói “ “Dê đã muốn là trời muốn” không, vì khốn khổ! Ông Seguin lại quên đóng cái cửa sổ sau chuồng. Thế là sau khi đợi cho ông chủ “cù lần” quay lưng, con dê phóng qua cửa sổ chạy tuốt lên núi.
Được thoát cũi xổng chuồng, con dê vui mừng quá sức, trên núi không khí thật mát mẻ và cỏ cây tươi tốt biết chừng nào! Con dê mải mê vui đùa cho đến khi trời sắp tối mới cảm thấy hơi lo sợ. Nó ngừng bước và bỗng nhiên nghe thấy tiếng kêu của ông Seguin ở dưới thung lũng gọi nó trở về. Con dê nghĩ đến con chó sói mà nó vẫn nghe người ta nhắc đến. Nó cảm thấy sợ sệt và muốn quay trở về với mảnh vườn nhỏ bé dưới thung lũng. Nhưng nghĩ tới sợi dây, cái cọc, con dê lại cảm thấy chán ngán rồi nó quyết định ở lại, và con dê tự nhủ rằng sẽ dùng đến đôi sừng nhọn của mình một khi gặp con sói hung dữ.
Trong bóng đêm bỗng con dê nghe thấy tiếng động nhẹ và bắt gặp một đôi mắt xanh lè đang chòng chọc nhìn nó. Bản năng tự vệ bừng lên, con dê nằm mọp xuống đưa thẳng hai sừng ra đàng trước thủ thế. Con sói từ từ tiến đến và một trận giao tranh khá ác liệt diễn ra, nhưng có bao giờ dê lại thắng chó sói bao giờ nên khi những vì sao vừa đua nhau lặn hết, ánh sáng bắt đầu xuất hiện và tiếng gà dưới thung lũng đã vọng lên thì con sói cũng vừa vật con dê ngã xuống giữa một vũng máu đào.
*
Đáng nhẽ, sau mỗi truyện, người kể muốn thêm một “Lời bình” hầu giúp các bạn thấy ngay ngụ ý của câu chuyện, khỏi tốn công suy nghĩ, nhưng lại sợ quí bạn chê… Đành thôi! Và người kể truyện chỉ thầm mong sang năm Đinh Mùi, các bạn sáng suốt nhận ra những điều hay, điều dở để chúng ta biết hướng cuộc đời theo một lý tưởng mà hy vọng rằng các bạn đã đặt sẵn cho mình.
QUYÊN DI
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Đinh Mùi, 1967)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét