(Về những người bạn thuộc Bút Nhóm Thương Linh)
Ngày… tháng… năm…
Mình lại buồn vì trời mưa rồi! Độ rày trời mưa hoài, mưa như trút cơn giận, buồn phiền. Ngồi ngắm mưa mình chợt nhớ chị Nhã. Sao lúc nầy chị ấy không đến nữa nhỉ? Chắc chị lại bận thi, nhớ chị quá đi mất! Nhất là chiếc miệng duyên dáng của chị khi kể truyện. Cả con Vân nữa, con bé tếu nhất đám mà cũng ngóng ngóng ra cửa vào mỗi chiều thứ bảy. Trọn ký nhi viện nầy ai lại không mến chị chứ? Nhất là mình, chị làm mình nhớ má quá. Có lần chị ôm mình vào lòng, vuốt tóc và hỏi “Sao Giang buồn hoài vậy?” mình cúi xuống tìm câu trả lời nhưng cổ họng nghẹn cứng, mình mau nước mắt ghê. Ngày xưa má cũng hay bảo “Con gái má làm nũng và dễ khóc như con mèo”. Bây giờ thì còn ai để làm nũng đây? Thôi thì khóc cho đỡ sầu vậy. Thấy mình không trả lời chị Nhã thở dài “Cuộc đời ai cũng có hên xui, Giang đừng buồn vì đôi chân của mình nữa, hãy phấn đấu và tin tưởng lên em!” Phải rồi, chắc chắn có sự may rủi trong cuộc sống và em chính là con người gặp vận đen. Chị biểu em phải tranh đấu? Lâu lắm rồi em đã cố vùng lên khỏi sự tuyệt vọng, em rán tin tưởng ở khoa học như con Vân. Nhưng con bé may hơn em nhiều, chân của nó hiện giờ đã khá, bác sĩ bảo độ hai năm nữa nó có thể đi được như xưa, tuy có hơi khập khễnh, còn em, vô ích chị ạ! Những sợi gân nhỏ bé đã nằm liệt rồi, không điện nào thuốc nào chữa khỏi hết! Chị đã khuyên em nhiều, em đội ơn chị vô kể, nhờ chị mà ngày nay cuộc sống em đỡ vô vị phần nào. Bây giờ thì mỗi chiều thứ bảy em có thể ngồi đây, bất động đôi chân, như mọi ngày, thật đều trong mười năm nay, nhưng mắt em không vơ vẩn trên nền trời bao la, mà hướng về cánh cổng xám xịt chực chờ tiếng xe của chị, chờ dáng chị dịu dàng hiện đến, chờ giọng nói êm êm của chị ru em vào giấc mơ thần tiên, trong đó chỉ có những đóa hoa to như hai bàn tay em chụm lại, chỉ có những con bướm đủ màu và chỉ có những nàng tiên áo trắng như màu áo của chị…
Viết đến đây, bỗng có tiếng của con Vân réo ngoài hiên:
- Giang ơi! Có chị Nhã đến kìa!
Ô! Chị yêu dấu của em đã đến, mình loạng choạng đứng lên chụp đôi gậy. Có tiếng xe dừng lại ở ngoài sân và giọng của bọn thằng Trung, con Thúy:
- Không phải chị Nhã tụi bây ơi!
Mình khập khễnh bước ra, đúng rồi, không phải chị của mình mà là một anh con trai, có lẽ họ đến đây để làm công tác xã hội! Người ta lại đem bố thí tình cảm cho chúng tôi, mình ứa nước mắt khi nhớ lại những cái nhìn xót thương và giọng xuýt xoa của những bà đã đến:
- Ôi chao! Tội con bé quá! Xinh thế nầy…
- Tội quá chị hở? Giá nó lành mạnh thì em xin về…
- Con bé nầy nặng nhất đấy, mấy đứa kia đều hy vọng khỏi, chỉ có nó…
Trời ơi! Đừng ai than thở, đừng ai xót xa dùm tôi, tôi đâu cần lòng thương hại của người khác, người ta quên con Giang nầy đã đến tuổi biết nhục vì những nụ cười nhân đạo ấy. Ngoài kia anh sinh viên đang loay hoay gỡ cây đàn trên yên xe. À, một chàng du ca, anh sẽ ca bài gì đó? Đừng có giọng chán chường đau dùm quê hương nghe anh! Quê hương khổ nhiều rồi, đừng làm đất mẹ thêm xót xa, hãy cho nó sự phấn khởi anh nhé! Anh sinh viên quay lại, tay cầm cây đàn, nụ cười anh rạng rỡ, răng anh trắng bóng, mắt anh sáng ngời, anh cúi xuống ôm thằng Minh vào lòng nói nhỏ, rồi con Thúy, thằng Dũng, con Hằng, con Liên dần dần bu lấy anh, chúng sờ vào cây đàn, vào chiếc áo trắng anh đang mặc. Con Vân đứng cạnh em khẽ bảo:
- Ai thế Giang?
- Tao nào biết, chắc là “du ca” mầy ạ!
Ngoài kia, bọn nhóc đã bị anh thu hết cảm tình, chúng vây anh thật kín, hét ầm lên, giọng thằng Trung to nhất:
- Anh Tuấn ca đi, bài “Con Sáo Sang Sông” ấy!
- Thôi “Cái Nhà Của Ta” đi!
- Không mầy, “Người Yêu Của Lính” hay hơn.
Ồ! Tuổi trẻ của bọn mình bây giờ thông minh quá, chỉ nghe vài lần là thuộc vanh vách những bài ca trữ tình ngay! Ngoài kia, anh Tuấn gì đó đưa tay lên miệng suỵt nhỏ, cử chỉ nầy làm mình nhớ tới chị Nhã hơn. Bây giờ thì anh đã ngồi bệt xuống sân cỏ, bọn trẻ vây tròn xung quanh, chúng vừa vỗ tay vừa ca theo tiếng đàn của anh: “Quê hương ta có ngàn cánh đồng… “ Con Vân thấp thỏm:
- Tao với mầy nhập bọn đi Giang, vui quá!
Mình khẽ thở dài lắc đầu, tuổi thơ mình đã bị mặc cảm cướp mất từ lâu rồi. Có lẽ ngoài chị Nhã ra không ai đem lại niềm vui, sự an ủi cho mình được hết. Thấy mình từ chối, con Vân xiết tay mình, mắt long lanh:
- Mầy buồn hoài sao Giang? Cuộc đời mà, nghĩa gì đâu, cần gì phải nghĩ đến quá khứ và lo tương lai mầy, vui bữa nay đi rồi hãy tính.
Mình nhìn sững con bé, nó nói được câu đó sao? A! Tóc nó đã dài, da nó thêm trắng, mắt nó đã hồng. Bọn mình đã lớn từ lúc nào không hay. Ừ, mà lũ mồ côi như chúng mình chóng già lắm phải không Vân? Mình chớp mắt cúi xuống, một giọt nước ứa ra khỏi khóe. Ngoài sân giọng hát và tiếng đàn vẫn vang vang. Bỗng con Vân nhảy lên:
- A! Chị Nhã kia rồi! Chị Nhã!
Mình ngẩng lên thật mau. Đúng rồi, vẫn chiếc Solex, vẫn tà áo trắng, vẫn mái tóc dài, chị vẫn dịu dàng như tháng rồi, như tuần trước, như muôn thủa xa xăm. Từ ngoài sân chị đã cười với bọn mình. Bọn con Hồng, thằng Trung đang ca đằng kia cũng vỗ tay:
- Chị Nhã tới! Chị có mang kẹo cho em không?
- Có đem sách hình đến không? Chị Nhã ới ời ơi…
Tiếng đàn im bặt. Bọn trẻ vẫn ngồi đó nhưng chúng vẫn hét gọi chị Nhã, một nhóm đứng lên bỏ anh Tuấn chạy lại níu áo chị. Chị dịu dàng bế bé Thủy lên tay, quay sang gật đầu chào anh Tuấn, rồi tiến về phía mình, mắt chị long lanh cười trong ánh nắng. Lúc nào mình cũng thấy nụ cười trên khuôn mặt ấy, dầu chị đang nghiêm cũng thế. Cầu xin cho ánh mắt ấy đừng vương nét buồn để chúng mình được chia sẻ hạnh phúc với chị. Và buổi chiều hôm nay, bọn mình đã sống thật với tuổi khờ dại, không biết lo âu. Những mặc cảm, buồn phiền, tủi hổ đã trôi theo giọng trầm ấm của chị Nhã trong câu truyện lời ca. Anh Tuấn đã đến đàn cho chị ca, tiếng đàn của anh êm êm đệm theo câu hát của chị Nhã làm bọn mình say sưa, quên hết, quên hết những đêm dài nước mắt rơi rơi vì cô đơn lạc lõng. Lạy Chúa, con chỉ xin được niềm hạnh phúc nầy mỗi tuần một lần thôi, nếu Ngài đã cất của con những thực tế tươi đẹp thì xin đừng đánh thức con trong giấc mơ quá êm nầy.
Ngày… tháng… năm
Hôm qua con Vân nóng suốt ngày, con bé nằm liệt giường, mắt nó long lanh, môi nó đỏ tươi khô hốc. Vân ơi! Sao mầy đẹp quá thế, nhưng đừng bỏ tao nghe! Con bạn họa mi! Mình không được nằm gần nó nữa. Mấy soeur bảo nó lên cơn sốt. Ừ, mầy gầy quá. Chị Nhã, anh Tuấn có đến. Chị không vào thăm mầy được nên có gởi cam cho mầy đây. Chiều thứ bảy tuần nầy chắc bọn mình sẽ vui ghê lắm nếu mầy không ngã bệnh. Chị Nhã mua kẹo thật nhiều mầy ạ! Anh Tuấn cũng có đem theo bản nhạc gì mầy thích đó, anh ca cho cả bọn nghe, tao chỉ còn nhớ loáng thoáng là: “… em bước vào thiên đàng tuổi dại, gót chân hồng em dẫm thảm cỏ xanh. Người em gái nhỏ tôi ơi! Hãy ở yên trong vùng thơ ngây đó… “. Lời ca dễ thương quá mầy hở? Thôi, rán mạnh để cười cho tao nghe Vân nhé!
Ngày… tháng… năm…
Con Vân đã khỏi bệnh, người nó gầy như con mắm, nó chưa đi học được, ma soeur bảo nó phải nghỉ vài hôm để lại sức, mình và nó quấn quít nhau suốt ngày, ngoài giờ học mình ở miết bên giường nó để kể cho con bé nghe chuyện chị Nhã, anh Tuấn, hai người có vẻ mến nhau lắm mầy ạ!
Ừ! Tao cũng cầu xin cho chị Nhã của tao được nhiều hạnh phúc, nhưng thứ bảy tuần nầy anh Tuấn không đến, chị Nhã cô đơn trong chiếc áo dài trắng, bóng chị ngã dài trên sân cát, tao thương chị ấy ghê đi! Tụi tao hỏi thì chị bảo anh đi nhập ngũ, anh Tuấn của bọn mình làm lính mầy ơi! Oai ghê hở? Lính mà biết đàn, ca thì tuyệt mầy nhỉ! Mầy bảo tao chỉ tổ mơ mộng? Chắc tại tên tao đấy, con quỉ nhỏ, còn trêu tao là “Công chúa mơ huyền” nữa là tao oa xịt ra đấy!
Ngày… tháng… năm…
Lâu lắm rồi mình không cầm đến quyển nhựt ký nầy, viết cái gì khi chị Nhã không đến nữa? Có gì vui đâu để ghi ngoài cuộc sống trầm buồn như những cung nhịp “Tritesse” của Chopin? Có lẽ chị Nhã đã quên bọn mình rồi. Người ta còn gia đình, bổn phận, đâu ai ăn không rồi làm “Công Tác” hoài sao?
Mỗi chiều thứ bảy mình vẫn mong vẫn đợi, nhưng hoài công. Người chị đáng mến của mình không tới nữa, chắc chị đang bận bát phố rồi! Quên đi Giang, mình chỉ là con sò trên bãi cát, hãy thu mình cho thật nhỏ để tránh cơn giận dữ của biển cả. Hôm qua con Vân được ma soeur kêu lên và cho biết có hai vợ chồng ông kỹ sư người Đức đến xin nó về làm con nuôi và họ hứa sẽ chạy chữa cho thật lành đôi chân nó. Soeur bảo nó suy nghĩ kỹ đi rồi trả lời. Soeur cho nó quyền quyết định, dầu sao thì con bé cũng đã lớn. Mau thật, mới đó mà đã mười năm trôi qua, như cơn gió thoảng. Nhớ ngày nào mình còn bơ vơ, sợ hãi níu vạt áo ngoại và khóc ngất khi ngoại chùi nước mắt quay lưng, lọm khọm đi ra phía cửa. Ngoại ơi! Từng ấy tuổi đầu mà con không sao quên được hai giọt lệ trên đôi má nhăn nheo của ngoại lúc đem cháu gửi vào ký nhi viện, rồi từ đó, con không còn trông thấy ngoại nữa. Bây giờ ngoại ra sao và ở đâu hở ngoại? Rồi cuộc sống êm đềm, đều đều chán ngấy của mình bắt đầu. Bây giờ thì mười bốn tuổi rồi, mình phải làm gì với đôi chân gầy guộc không giở lên nổi nầy?
Thôi Vân, đừng luyến tiếc gì nơi đây hết. Tao tin rằng mầy sẽ chọn con đường mới và may mắn vui tươi hơn với sự thay đổi nầy. Bọn mình đã khóc nhiều rồi, hãy can đảm dứt khoát bộ áo cũ rích nầy đi, mặc dầu đôi khi mình cũng có một chút tiếc nuối Vân hở? Có gì ở đây để mầy phải do dự đâu Vân? Ngoài những chuỗi ngày buồn lặng thiếu thốn của bọn mình? Ngày nào đó, tao hy vọng sẽ được gặp lại con Vân mới mẻ, tươi tắn, xinh đẹp hơn về vật chất lẫn tinh thần, chừng đó đừng quên bạn cũ nghe Vân! Người ta bảo “đi là chết trong lòng một ít” nhưng tao thấy chính kẻ ở lại mới hiểu đầy đủ ý nghĩa câu trên.
Tối hôm qua, mình đang ngồi ngoài hiên thì con Vân đến. Vẫn những bước chân nhẹ nhàng, rón rén để hù mình, nhưng sao hôm nay mình nhận ra ngay tiếng cây nạng gỗ gõ nhẹ trên sàn gạch. Mình quay lại cười:
- Định hù đó hở ranh con? Có ngày chắc tao phải đứng tim vì mầy.
Con Vân cười xòa ngồi xuống cạnh mình. Mình muốn tiếp theo một câu gì để hai đứa cùng quên nhưng không tìm ra nữa. Vân cũng thế, con bé ngồi trầm ngâm nhìn ra bầu trời tối om. Không khí giữa hai đứa ngột ngạt quá. Giây lâu, mình ngập ngừng:
- Chừng nào mầy đi?
- Có lẽ… chủ nhật nầy. Tao đợi chị Nhã để từ giã.
Đúng đó Vân. Tao vui khi thấy mầy quyết định như vậy. Nghĩa là chúng mình sẽ xa nhau, nghĩa là từ nay tao sẽ cô đơn hơn, buồn thảm hơn. Chị Nhã đã như con chim cất cánh, còn mầy sẽ là con sáo sổ lồng. Chỉ có tao muôn kiếp vẫn là loài ốc biển, sóng giạt đến đâu, trôi đến đấy. Nếu tao là mầy tao cũng sẽ chọn con đường ấy. Dù sao thì chân trời mới kia cũng vẫn tươi đẹp hơn ký nhi viện cũ kỹ nầy Vân hở? Giọng con Vân cất lên thật rõ trong đêm vắng:
- Mầy buồn tao không Giang?
- Buồn mầy? Lạ nhỉ! Tao mừng hơn thì có. Đứa nào thoát ra được phải vui lên chứ!
Nhưng không hiểu sao nước mắt mình như chợt muốn ứa ra, giọng mình nghẹn lại. Mình cố gắng nghĩ và làm một cử chỉ gì để bình tĩnh hơn, nhưng con Vân đã quay sang ôm lấy mình nấc lên:
- Có lẽ tao không nên bỏ mầy Giang ạ!
Mình nhẹ nhàng gỡ tay nó ra:
- Đừng dại dột mầy ạ! Tương lai mầy sẽ hỏng hết với quyết định trên. Hãy nghĩ đến đôi chân. Vả lại, tao cũng không còn bé bỏng gì nữa đâu. Yên chí đi ranh con.
Mình nói nhưng nước mắt chảy dài trên đôi má. Vân ơi! Tao dối mầy đó. Thật sự tao mong, tao ước mầy đừng bỏ tao đi. Tao sợ khủng khiếp khi nghĩ đến những chuỗi ngày dài lê thê tao phải ngồi ở hiên cửa nầy, nhìn ra cánh cổng xám ngắt kia để mong đợi những người đi không trở lại. Tao ghê lắm rồi những đêm thật buồn nằm nghe tiếng mưa rơi đều đều trên mái nhà, ngoài sân mà thiếu vắng tiếng cười, giọng nói vui tươi, những câu pha trò thật tếu của mầy. Rồi ai sẽ nói với tao câu “đừng buồn nữa con bé mít ướt” hở Vân? Chị Nhã đã bỏ tao, bây giờ đến mầy. Có lẽ mai kia chính tao cũng sẽ bỏ tao mà đi quá Vân ơi!
Ngày… tháng… năm…
Thật mình không ngờ chị Nhã trở lại. Như trong giấc mơ, chị cũng vẫn xuất hiện vào buổi chiều thứ bảy. Mình có cảm tưởng khoảng thời gian ngăn cách bọn mình với chị không có nữa. Nhưng chị buồn hơn trong chiếc áo dài đen. Dáng chị gầy guộc hơn, xanh xao hơn với đôi kính đen trên mắt. Chuyện gì thế hở chị yêu dấu? Mình biết chị đã khóc thật nhiều với giọng nói thật trầm kia. Chị đến, vẫn chia kẹo, vẫn kể truyện, nhưng câu chuyện buồn quá! Chuyện cô bé bán diêm đã quẹt đến cây diêm cuối cùng để được nhìn những cảnh đẹp thần tiên và bà của cô trong ánh nến lung linh, để rồi lịm chết trong cơn bão tuyết. Hy vọng của cô bé ấy đã tắt cũng như niềm tin của mình sắp mất phải không? Thằng Trung chợt lên tiếng:
- Chị Nhã! Sao anh Tuấn không đến chơi với tụi em? Hôm trước anh hứa là mang súng về cho em coi mà?
Mắt chị Nhã long lanh, chị vuốt tóc thằng Trung:
- Anh không về nữa đâu cưng! Anh đã đi xa lắm rồi.
Bọn nhóc nhao nhao lên:
- Anh đi đâu hở chị?
- Anh có mang đàn theo không?
Miệng con Hồng méo xệch:
- Anh Tuấn xấu ghê đi! Anh hứa dạy em ca mà bỏ luôn hà.
Chị Nhã bồng con Hồng trên tay, giọng chị nghèn nghẹn:
- Đừng buồn anh Tuấn, anh đi mà vẫn nhớ tụi em đấy chứ! Bây giờ có lẽ anh đã đến nơi rồi, trên trời xanh ngắt đó cưng.
Chị Nhã! Em đã hiểu chị, em thương chị quá chị Nhã ơi! Thứ cho em cái lỗi đã hiểu lầm chị nghe! Anh Tuấn bỏ chị em mình vì anh có bổn phận của người con trai, cũng như em phải bất động suốt đời vì em là con gái, hay đúng hơn vì chúng mình là con người phải không chị Nhã? Chị chơi với bọn mình đến sáu giờ thì đứng lên. Con Vân nhìn chị rồi ngập ngừng:
- Chị Nhã! Ngày mai em phải theo ba má nuôi về Đức. Chị ở lại…
- Thế hở? Vân cũng đi nữa sao? Ừ! Vậy cũng xong. Nơi đây buồn quá mà. Thôi, chị chúc Vân nhiều may mắn nha! Có lẽ… lâu lắm chị mới đến chốn nầy nữa – rồi chị lắc đầu, giọng thật nhỏ – nơi đây nhiều kỷ niệm quá!
Thôi chị đừng đến nữa. Cả Vân nữa mầy hãy đi ngay đi, để tao yên trong buổi chiều xuống chậm nầy. Nước mắt mình tuôn ra khi nhìn dáng chị Nhã buồn thảm ngã dài trên sân cát. Bỗng con Vân nấc lên:
- Chị Nhã, đừng bỏ tụi em! Em không đi đâu hết. Ở lại với con Giang, chị Nhã ơi!
Chị Nhã quay lại sững sờ trong giây lát. Rồi như chợt tỉnh, chị chạy vào ôm chầm mình trong cánh tay. Nước mắt chị nhỏ xuống tóc mình. Chị choàng con Hồng, con Thúy. Thằng Dũng, thằng Minh cũng đang rưng rưng ùa đến bên cạnh:
- Vâng! Chị sẽ không đi đâu hết, chị sẽ đến đây hoài với mấy cưng. Đừng buồn chị nha!
Mình cười thật tươi trong tay chị Nhã. Bên tai mình văng vẳng giọng ca trầm trầm của anh Tuấn:
“… Em bước vào thiên đàng tuổi dại, gót chân hồng em dẫm thảm cỏ xanh. Người em nhỏ tôi ơi! Hãy ở yên trong vùng thơ ngây đó…”
LINH GIANG
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 208, ra ngày 1-9-1973)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét