1
- Đồ quỉ, cút đi, đi đi…
Tôi gấp quyển vạn vật, chắc lưỡi: Con bé Ngâu lại lên cơn rồi. Nhẹ nhàng, tôi đi qua phòng nó. Ngọn đèn ngủ nhỏ xíu in chiếc bóng nó trên tường. Thấy tôi, nó níu chặt:
- Tâm Duy, Tâm Duy… Ngâu sợ quá.
Tôi đẩy nó ngồi xuống nệm, dịu dàng:
- Có gì đáng sợ đâu, Ngâu?
- Nó đó, nó đến rủ Ngâu đi. Nhưng trời tối đen và lạnh quá. Ngâu sợ… Tâm Duy đuổi nó đi.
Tôi pha 1 muỗng Vitalegran dỗ con bé uống:
- Ừ, để Duy đuổi nó. Ngâu uống thuốc rồi ngủ đi nghe.
Con bé không chịu uống, cứ níu chặt vai tôi, run rẩy:
- Tâm Duy… nghe không, nghe không, nó gọi Ngâu ơi đó. Tâm Duy, đừng để Ngâu một mình.
Tôi gỡ tay con bé ra, an ủi:
- Làm gì có ai gọi đâu nào? Ngâu uống thuốc rồi nhắm mắt ngủ đi. Đó chỉ là tiếng gió và tiếng sóng, hôm nay biển động cơ mà.
Bàn tay Ngâu đưa ra nắm ly thuốc, nhưng còn chưa chịu uống, con bé đặt ly thuốc xuống bàn.
- Tâm Duy không sợ nó sao?
- Việc gì Duy phải sợ?
Đôi mắt con bé mở tròn, ngơ ngác:
- Sao hay vậy?
Tôi đáp bừa:
- Tại Tâm Duy ngoan, nó không dám đến.
- Ngâu cũng ngoan mà. Dì Madelaine vẫn cứ khen Ngâu.
- Nhưng đêm nay Ngâu không ngoan. Ngâu chẳng nghe lời Tâm Duy chi cả.
Con bé kề ly thuốc trên môi, còn cố nói:
- Ngâu uống thuốc rồi ngủ nó sẽ không tới gọi nữa phải không Duy?
Tôi gật đầu, buông màn cho con bé và sửa soạn về phòng. Con bé ngồi bật dậy, hỏi tôi:
- Duy đang học bài, phải không?
- Ừ, Duy đang học và sang đây. Thôi Ngâu ngủ để Tâm Duy về học tiếp.
Con bé hoảng hốt:
- Không, Duy đừng đi.
Tôi dỗ nó:
- Để Duy về học bài. Không có gì đáng sợ nữa đâu. Ngâu ngủ một giấc là quên hết đi ấy mà.
- Không, Ngâu sợ lắm. Duy ở đây với Ngâu đi.
- Duy không thuộc bài ngày mai ông thầy đánh thì sao?
Giọng con bé cương quyết:
- Duy nói hôm nọ rằng học lớp 12 ông thầy không đánh nữa cơ mà.
- Nhưng ổng bắt ra đứng cột cờ quê lắm.
- Thì thôi, Duy về học đi. Để nó đến bắt Ngâu đi cũng được.
Giọng dỗi hờn của con bé làm tôi chùng lòng:
- Ngủ đi Công Chúa. Duy sẽ ở lại, không bỏ đi đâu.
Con bé nhắm mắt và cười mãn nguyện…
Khuôn mặt ấy như chưa hề biết đến buồn đau. Những cơn khủng hoảng nhẹ nhàng, có khi trầm trọng đến rất thường tình nhưng các soeur không nỡ đưa nó qua viện thần kinh. Ở đó, nó sẽ tiếp xúc với những bệnh nhân mất trí và nó sẽ ra sao? Có thuyên giảm phần nào không hay càng thêm trầm kha, bất trị? Ông bác sĩ V. của tu viện thường nhắc nhủ dì Madelaine:
- Cô ấy chưa nặng nhưng chắc gì sẽ không nặng? Để cô ấy ở đây sẽ gây bận rộn, dì còn phải lo trăm chuyện khác.
Nhưng dì cương quyết:
- Nó chẳng làm rộn tôi gì cả! Vả lại ở đây nó được Tâm Duy giúp đỡ.
Bác sĩ V. nhăn mặt:
- Tâm Duy? Cô ấy là bác sĩ thần kinh sao?
- Không, Tâm Duy chỉ là bạn nó. Hơn nữa tuần nào cũng đưa nó qua viện tâm trí. Tôi nghĩ thế cũng đủ rồi.
Bác sĩ V. nhún vai:
- Có người điên nào cần bạn hơn cần bác sĩ không, soeur giám đốc?
Dì Madelaine thản nhiên:
- Ông dùng chữ hơi quá đấy, ông bác sĩ. Chúng tôi không muốn con bé tội nghiệp ấy bị đày ải bên viện thần kinh.
Bác sĩ V. bỏ đi tìm tôi, cố gắng thuyết phục để tôi khuyên dì Madelaine đưa con bé qua bên ấy.
- Cô Tâm Duy, năm nay thi mà cô không sợ mất thì giờ bởi cô Ngâu sao?
- Dạ có mất thì giờ gì đâu, bác sĩ?
- Cô phải khuyên dì Madelaine đưa cô ấy qua bệnh viện. Cô ấy cần nhiều bác sĩ theo dõi bệnh tình. Ở đây sao tiện.
- Tôi không dám có ý kiến. Toàn quyền là do dì Madelaine. Ông thuyết phục dì ấy tốt hơn.
Vị bác sĩ có vẻ giận, bỏ về. Ông lẩm bẩm: bộ điên hết cả rồi sao.
Tôi nhìn qua Ngâu đang ngủ say dưới tác dụng của hai muỗng thuốc an thần. Ngâu dễ thương lắm Ngâu ạ. Cả viện này không ai muốn đưa Ngâu qua bên ấy… những phòng nhốt chung tất cả bệnh nhân sao mà ghê rợn. Ai đành đem Ngâu qua gởi? Nếu ông bác sĩ có lung lạc được dì Madelaine thì Tâm Duy sẽ tranh đấu, sẽ giữ Ngâu lại dầu rằng có mất công đến đâu, dầu rằng nữa đêm phải thức dậy dỗ Ngâu uống thuốc, dầu rằng phải bỏ quên bài vở để qua canh giấc ngủ cho Ngâu.
Cô bé đã ngủ say, rất say. Tôi khẽ kéo tấm chăn lên tận cổ nó và tắt bớt ngọn đèn lớn. Rón rén ra khỏi phòng, tôi nhẹ nhàng khóa cửa. Dì Madelaine đã dặn tôi phải khóa cửa phòng đêm đêm, sợ Ngâu lên cơn sẽ gây ra nhiều đáng tiếc. Hành lang hun hút lạnh. Cả lầu hai, dãy A này chỉ còn tôi và Ngâu ở. Những người khác đã về nhà nghỉ lễ. Đáng lẽ tôi cũng về từ hôm kia. Nhưng lúc đang soạn valise thì mẹ nhất gọi lên:
- Đây thử thách cuối cùng của con trước khi xứng đáng mặc bộ áo dòng. Con phải ở lại trong lúc những người khác về nhà nghỉ lễ con có can đảm nhận không?
Tôi cũng nhỏ nhẹ thưa:
- Thật là bất ngờ nhưng con sẽ cố gắng.
Và tôi ở lại.
Tôi tựa người vào lan can nhìn bãi cát chạy dài ra đến nước ; sóng hung dữ bổ vào ghềnh. Trời đang mưa rắc hột. Mảnh trăng lưỡi liềm nhỏ treo ngang ngọn cây, ướt át rẩy run. Mưa mà cũng có trăng sao? Tôi hỏi nhỏ để không nghe tiếng ai đáp lại. chỉ có mình tôi – quạnh hiu…
2
Đêm bắt đầu với một cơn bão nhỏ. Tôi đóng kín tất cả những cửa sổ của phòng mình và phòng Ngâu rồi ngồi vào bàn học. Những bài toán khó càng lúc càng làm tôi lao đao. Gần ngày thi rồi, tôi vẫn lo âu nhắc nhở mình như thế. Đêm khuya, trước khi an giấc tôi vẫn thường cầu xin ơn trên cho mình sáng suốt chu toàn nhiệm vụ: nhiệm vụ của một học sinh và nhiệm vụ của một cô nhỏ tập tu. Bổn phận dường như quá nặng nề đối với một con nhỏ quen thói được cưng chìu trong một gia đình sung túc như tôi. Nhưng bằng mọi cách tôi phải cố gắng, phải cố gắng… những tiếng ấy vang luôn trong đầu óc. Tôi cắn răng, ngậm miệng để không ai nhìn thấy những bực dọc, những bất mãn ngấm ngầm tự đáy thâm tâm. Dưới mắt dì Madelaine tôi là con nhỏ dễ thương, ngoan ngoãn, hiền lành và được dì thương yêu hơn cả, vì tôi biết giữ gìn, che giấu… như vậy tôi đâu phải là một cô bé ngay thẳng – đức tính rất quý báu cần thiết cho cuộc sống tu trì.
Bão hình như đã dịu, tôi vào giường sau khi đã đọc xong một chuỗi kinh. Sóng vẫn còn lớn lắm, tôi nghe từng tiếng đập giận dữ vào bờ cát. Và tôi ngủ quên…
Nửa đêm, cơn bão lại đến, phũ phàng hung dữ. Điện đã bị cúp. Những tiếng sóng, tiếng gió làm tôi run sợ. Hình như có tiếng kêu bên phòng Ngâu. Con bé la hét chắc đã lâu nhưng tôi không nghe được. Tôi cuống cuồng bước khỏi giường mò mẫm tìm chiếc áo ấm và qua phòng nó. Hành lang hun hút gió, tối đen và ngập nước. Tôi men theo những cánh cửa phòng đi tới. Hình như nó đang đập rầm rầm vào một cánh cửa sổ nào đó. Tôi mở khóa và gọi nó:
- Ngâu đứng đâu đó Ngâu? Tâm Duy đây.
Mãi mãi Ngâu vẫn là một cô bé yếu đuối và đầy kinh hoàng trong những cơn khủng hoảng. Giọng nó lạc đi và tay lạnh ngắt nắm chặt tay tôi, run rẩy:
- Tối quá Duy ơi! Sao tối đen vậy?
- Điện cúp đó Ngâu, lên giường nằm đi, đứng đây làm gì?
- Ngâu không thích. Ngâu muốn xuống dưới kia…
Tôi gắt khẽ:
- Bộ điên sao? Bão mà đi đâu?
Chợt tôi im miệng, nó không điên là gì đây? Giọng Ngâu vẫn còn run:
- Nhưng nó gọi, chúng nó gọi…
- Gọi cái gì? Bộ Ngâu không sợ chúng nó nữa sao?
- Không, bây giờ nó là bạn. Không xuống nó không đến với Ngâu nữa, Duy ơi.
Tôi dìu nó đến giường:
- Chỉ có mình Tâm Duy là bạn Ngâu thôi. Ngủ đi Ngâu và đọc một Kinh Kính Mừng Ngâu nhé.
Tôi bắt đầu cho nó: Kính mừng Maria đầy ơn phước… tiếng đọc kinh đều đều như ru tôi giấc ngủ. Rồi nó im và tôi thiếp đi.
3
Buổi sáng, dì Madelaine thức dậy: không biết hôm qua bão lớn trên đó tụi nó ra sao. Dì quày quả bước lên lầu hai. Cửa phòng Tâm Duy mở toang nhưng không có con bé trong phòng, dì nghĩ chắc nó xuống cho cá ăn trước khi đi học. Dì tiến đến lan can nhìn xuống vườn hoa. Nhưng dì bàng hoàng dụi mắt. Đêm qua sóng đã cuốn phăng đi hàng rào kẽm gai mong manh, vườn hoa xơ xác tiêu điều quá. Và trời ơi! Ngâu đó, Ngâu với mái tóc dài và chiếc áo len đỏ tươi đang nằm mấp mé trên bậc thềm đi xuống bãi. Chung quanh, sóng khẽ vỗ về…
TÔN NỮ THU DUNG
(Nhà Trắng)
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 226, ra ngày 1-9-1974)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét