Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Lũ Vịt Con - LÊ THỊ THÁI BÌNH

Thể theo lời đề nghị của lũ con nít, mợ đi mua về một chục vịt con.

Chán chưa, vịt gì mà đen trùi trũi như chuột chù. Nom đến là khiếp. Nó bé vừa vặn bằng nắm tay nhỏ tí, chạy cun cút kêu kiu kít loạn cả lên. Nom cũng xinh, nhất là đôi mắt long lanh như hai hạt cườm bự. Nghĩa là em chả biết ví nó với cái gì bây giờ, so với hạt cườm thì nó quá lớn, mà so với hạt ngô thì nó quá nhỏ. Tóm lại coi hệt như đôi mắt chuột! Cái mỏ ngắn tí xíu, có con mỏ đen thui, có con nâu nhờ nhờ, có con điểm tí ti vàng. Bộ lông cũng thế, lũ vịt này đen chả ra đen nâu chả ra nâu mà vàng cũng chả ra vàng.

Mợ giải thích:

- Vịt đen khỏe hơn vịt trắng con ạ.

- Nhưng mà nom chán quá mợ ơi!

- Chán cái gì? Lũ vịt trắng nằm quay đơ cả đám, mợ thấy con nào khỏe thì mợ chọn chả cứ trắng với đen. Đấy các con chả xem chúng có chạy ngoeo ngoéo thế kia!

Thực ra chúng nó chả hề chạy ngoeo ngoéo chút nào. Cả lũ xúm vào nhau nằm ép sát lại một đống, con nọ chúi đầu dẫm vào lưng con kia, cứ hệt như một lũ ngốc. Tuy thế nhìn kỹ một hồi thấy nó cũng ngồ ngộ. Nhỏ Phượng nghịch tinh tóm ngay lấy một chú giơ lên. Chàng ta hoảng hốt đập loạn đôi cánh bé tí tẹo chòi đạp đôi chân xinh xắn, còn mỏ thì không ngớt kêu lên thảm thiết. Nhỏ Tí gật gù:

- Không chừng nó đang chửi chị Phượng cậy lớn bắt nạt trẻ con!

Nhỏ Phượng cười tít cả mắt không thèm trả lời, lẹ tay chộp thêm một chú nữa:

- Con xí hai chú này.

Tí dãy nảy:

- Không biết, chị Phượng ăn gian. Em bé nhất nhà phải cho em chọn trước.

- Còn lâu. Tí cậy nhỏ ăn hiếp lớn vậy mà dám bảo chị cậy lớn ăn hiếp nhỏ.

Mợ giàn hòa:

- Thôi, Tí chọn hai con này. Con này nhỏ mà khôn thấy chưa? Vịt khôn con mắt đen xì, vịt dại con mắt nửa chì nửa thau mà lại.

Nhỏ Tí ngẫm nghĩ một hồi, bèn gật. Thế là hai chú “vịt khôn” nghĩa là đen thùi lùi từ đầu đến đuôi, từ đuôi đến đầu, đã thuộc về nhỏ Tí.

Cu Hòa nãy giờ ấm ức. Hắn là con trai út, út giai vẫn thua út gái, với lại chả lẽ anh mà lại giành với em thì còn ra cái thống chế gì. Nhất là trong trường hợp hai cô em nổi tiếng hay nhè và lại đanh đá một cây. Hắn lầm lì ẵm luôn hai chú vịt “nửa khôn nửa dại”, vừa đen vừa vàng lẫn lộn. Hắn giải thích:

- Vịt em Hòa đơ cu lơ, cao bồi số dách.

Quả thật, vịt tên Hòa không phải tay vừa. Bây giờ em mới khám phá ra rằng hình như có một con bự nhất đám. Ái chà, thế ra hai cô em gái dốt thật! Em mà được chọn trước ấy à, còn lâu.

Vỏn vẹn, còn lại có bốn con. Tên Tài buồn thiu trố đôi mắt ra nhìn bốn chú vịt “không rét mà run” đứng chúi vào nhau với một vẻ buồn thảm đến tội nghiệp. Hắn bao giờ cũng chậm lời nhất nhà, bởi lẽ khi cáu quá thì giọng nói của hắn bỗng dưng tắc tị, mà nếu có cố gắng phát ngôn được thì cũng thành nói lắp. Anh Chất thương tình mách nước:

- Em Tài chọn chú vịt mắm tôm đi. Độc nhất vô nhị mờ!

Quả thật, trong đàn lạc lõng một chú vịt nâu, màu lông xỉn như màu mắm ruốc. Nghe đến mắm tôm, cu Tài sáng cả đôi mắt, vì đó là món hẩu xực của hắn. Bún mắm tôm đậu rán, cà pháo chấm mắm tôm, ái chà hấp dẫn. Thế là tên Tài chính thức trở nên “khổ chủ” của chú vịt mắm tôm. Dĩ nhiên mắm tôm có thêm một chú bạn loang lổ hai màu.

Còn trơ lại hai con. Em và anh Chất nhìn nhau cùng thở dài đánh sượt một cái. Làm anh chị chán nhất đời, những khi bố mẹ chia quà. Còn sướng nhất đời khi được “bắt chân chữ ngũ” sai chuyền lũ em. Bố vừa bảo: “Chất lấy cho bố cái búa đây” là y như trong nhà nghe thêm một câu phụ đề:

- Em Tài lấy cho bố cái búa.

Dĩ nhiên tên Tài hùng hục thi hành mệnh lệnh. Sai tên Hòa thì tốt hơn nên làm lấy, cu Tài kinh nghiệm lắm mà, đụng vào ông em út thì một trăm lần đều thiệt.

Cuối cùng vì phải thực hành cái câu châm ngôn: Kẻ cầm đầu bao giờ cũng phải vui sau cái vui của thiên hạ, thế cho nên em và anh Chất đành chia nhau hai chú vịt bé bỏng nhất đàn.

Khi bố đi làm về thì mảnh sân trước đã được quây thành một ô vuông mỗi chiều hai thước. Hàng rào cắm bằng những cành ngũ sắc vặt trụi lá, lũ vịt ồn ào bên trong. Thấy bố ngẩn mặt ra nhìn lũ vịt đen thui, mợ tủm tỉm cười bỏ vào trong nhà, giục chị Ba dọn cơm. Trong bữa cơm, bố đề nghị:

- Lát chiều Chất chịu khó đào đất thấp xuống, để đặt cái máng heo ăn vào cho vịt nó tắm nghe!

Anh Chất liếc nhìn cu Tài, dạ một tiếng rõ to. Bố hóm hỉnh thêm:

- Cho vịt nó tắm nhiều nhiều, có khi nó sạch nó bớt đen không chừng!

Cả lũ con nít rộ lên cười mợ lườm bố quay đi.

Thế là ngay buổi chiều, sau khi tên Tài – chứ không phải anh Chất! – vất vả đào đất một hồi cái pít xin của lũ vịt hoàn thành. Đây là một cái máng để heo ăn, dài khoảng một thước đóng bằng gỗ thật dầy thật nặng – cái máng được “hạ thổ” rồi, mợ bèn bắt vòi ny lông cho nước chảy tràn vào. Thả thêm ít cánh bèo tấm vớt ở hồ Mê linh, thế là đâu vào đấy. Tiếc rằng “hồ tắm” hơi cao so với thân hình lùn chũn của lũ vịt. Mà gì chứ cái đó giải quyết dễ ợt, bắc thêm mảnh gỗ làm thang là xong ngay.

Có điều lũ vịt ngu quá là ngu. Lẽ ra người ta phải gọi “ngu như vịt” mới đúng, pít-xin ngon lành thế mà chẳng đứa nào dám khánh thành. Nhỏ Tí dùng đủ mọi cách dồn tụi nó đến sát cầu thang tụi nó vừa chạy vòng vòng vừa ngoác mỏ ra kêu ầm ĩ, chắc là gọi “má ơi!”. Đứa nào vô phúc lạng quạng leo lên được lưng chừng, đến khi thấy các bạn chạy biến đi là lại cuống cuồng bổ nhào xuống giơ hai vó lên trời mà đạp. Cho kỳ đến khi nào nâng được cái thân hình múp míp lên mà chạy theo các bạn mới thôi.

Cu Tài trợn mắt nhìn lũ vịt có vẻ cáu sườn. Chê hả! Này chê này! Thế là nó âu yếm tóm lấy thằng mắm tôm quẳng vào hồ bơi đánh tỏm! Tiếp theo là bạn thằng mắm tôm. Rồi mấy thằng đơ cu lơ và lũ nhọ nồi. Lỏm bỏm lỏm bỏm! Kíu kíu! Lũ vịt gọi nhau ỏm tỏi, nhao nhao rủ nhau lóp ngóp bò lên thành máng. Bịch! Bịch! Chao ôi là xót ruột, chúng nó đua nhau lăn cù xuống đất con thì sấp con thì ngửa, không còn kịp lấy thế chi cả. Rồi cả lũ kéo nhau chạy giạt ướt loi ngoi thật đúng là một lũ “chuột lột”.

Cha mẹ ơi, đời thuở nhà ai mà vịt lại chê nước bao giờ?

Từ mợ giở xuống cho đến nhỏ Tí ai cũng lăn ra cười. Cu Tài hậm hực nhìn lũ vịt như muốn ăn tươi nuốt sống cái bọn cứng đầu. Mợ nhịn cười vừa thở, vừa nói:

- Cái thằng! Mày làm thế thì chúng nó chết khiếp đi rồi còn tắm với táp gì nữa! Vịt chứ có phải trâu lăn đâu!

Lại một dịp cười nổi lên, vì Trâu lăn vốn là hỗn danh của cu tài. Mặc cho hắn đỏ mặt tía tai vì cáu, mợ ung dung đến bên vuông sân nhỏ quơ tay nhẹ nhàng bắt từng chú vịt thả xuống nước. Trước tiên là hai thằng đơ cu lơ rồi đến mấy thằng “Tí khôn”.Khi anh chàng cao bồi vừa đặt chân lên thành máng định leo ra thì mợ lại nhẹ nhàng gạt xuống. Kíu à… Kíu à… Anh chàng vùng vẫy loạn xa, văng nước tứ tung. Chả ai bảo ai thế là mỗi người nhào đến lo chăn vịt của mình.

Quả đúng là trời sinh! Vịt thả xuống nước chả sợ chìm cho nên chỉ trong chốc lát cả mười chú giỡn nước ra chiều khoái chí. Chân đạp như chân nhái, cánh rũ rũ, mỏ chúi lên chúi xuống như mười têngiặc biển con. Một lát ý chừng sợ chúng mệt, mợ bảo tụi em để yên cho cả lũ kéo nhau lên, con thì leo thang, con thì rớt xuống đất, rốt cuộc chúng họp lại cả bọn nằm xòe cánh phơi nắng với cái vẻ thật bằng lòng.

Tối đến, bố lấy thùng các tông ra hốt lũ vịt đem cất vào trong nhà. Để ngoài sân thì có mà chết cóng, với lại chắc không thoát khỏi miệng chuột cống, cứ sáng ra khi có nắng ấm mới lại cho cả lũ vào chuồng. Chúng em đang nghỉ hè tha hồ mà được ở nhà chăn vịt.

Chị Ba thật tử tế, hôm nào đi chợ cũng ôm về một mớ sà lách soong. Em và cu Tài nhào đến đứa thớt đứa dao cặm cạch thái. Thái xong, đứa cắp rổ rau đứa ôm thùng vịt khệ nệ ra sân trước. Nắng mới lên màu vàng chan hòa trên những lá thông lấp lánh. Ấm tệ!

“Hồ bơi” đầy nước. Em trịnh trọng bốc một nắm rau thả vào máng. Sau đó, chùi tay vào quần cho sạch em chạy ù vào nhà mang ra khúc bánh mì vừa ăn vừa chăn vịt. Lũ vịt đã được cu Tài thả vào sân theo thói quen phưỡn ngực đập cánh một lát ý chừng tập thể thao. Tuy nhiên hình như tập ngược hay sao ấy mà càng ngày bụng bọn hắn càng bự ra. Một tuần rồi còn gì? Cái đuôi đã thấy dài thêm một chút lúc lắc mỗi khi chúng bước lạch bạch. Thỉnh thoảng lại có con lăn cù ra có lẽ vì đôi chân bé tí không kham nổi cái mình tròn dài úc núc.

Một con, hai con, rồi cả đàn lặc lè leo thang, tỏm tỏm cả lũ nhào vào hồ bơi như ăn cướp, khào khào kíu kíu… những cái mỏ xinh xắn đớp rau lia lịa. Chúng làm sao mà đến là tài, lia mỏ chỉ một nhoáng thôi là những cánh rau xanh đã biến mất chẳng còn tung tích.

Cu Tài khoái chí cho thêm một vốc rau nữa. Rồi bất ngờ nó ngoác mồm ra mà cất cao giọng hát vịt đực trứ danh:

Một đàn vịt bơi dưới ao hồ… thằng bờm xờm vác que đuổi đánh a ha ha nó kêu quác quạc quác quạc…

Cánh cửa sổ trên gác đột ngột mở toang. Cô em út thò mái đầu bù xù ra hỏi giọng ngái ngủ:

- A anh Tài cho vịt ăn hở? Có cho vịt em không?

- Còn lâu. Tí phải xuống coi vịt Tí chứ, anh chỉ chăn vịt anh thôi à.

Cặp mắt nai tơ của nhỏ Tí mở to nhưng khi thấy cả đàn vịt đang sởn sơ đùa giỡn thì cô nàng có vẻ yên tâm. Lục đục một lát Tí và Phượng kéo nhau ra sân trước hấp háy đôi mắt nhìn lũ vịt.

Em quay lại:

- Khiếp! Con gái con đứa gì mà 9, 10 giờ rồi không thèm đánh răng rửa mặt?

Cu Tài tiếp lời:

- Vịt nó còn ở sạch hơn Tí với Phượng!

- Hứ! Sức mấy!

- Sức mấy hả? Xem kìa, không phải nó đánh răng súc miệng từ nãy giờ là gì?

- Vịt nó làm gì có răng?

- Không có răng thì sao mà ăn tôm ăn cá? Hóc xương bỏ xừ! Có điều răng nó không giống răng tụi mình. Răng nó là… là… răng vịt!

- Răng vịt là răng làm sao?

- Sao cũng được, có điều không sún như răng Tí thì thôi!

Ái chà! Hôm nay cóc mở miệng. Cu Trâu lăn đấu khẩu với lũ em gái mà thắng thì quả là một sự lạ chưa từng thấy! Phượng và Tí cãi không lại đành hậm hực kéo nhau đứng dậy vào nhà rửa mặt. Em gọi với theo:

- Nhớ lát mang ra bát cơm nguội nghe. Cho vịt ăn cơm nó mau lớn!

Có một điều em quên mất là cơm bỏ xuống nước thì chìm chứ không nổi như rau. Nhìn những hạt cơm trắng phau ẩn hiện lập lờ dưới làn nước thoạt tiên lũ vịt ngớ ngẩn kêu “kháo kháo” ầm ĩ. Rồi đột nhiên thằng cao bồi chúi đầu xuống, chổng cái đuôi ngúc ngoắc lên trời, đôi chân bé bỏng quẫy lia lịa. Có lẽ mỏ vẫn còn hơi ngắn chưa chạm đáy hắn tức mình nghếch mỏ lên để thở rồi a lê hấp chúi luôn cả đầu lẫn mình xuống cạp luôn vào mấy hạt cơm. Trong chớp mắt nó lại nổi phềnh lên chép mỏ lép nhép có vẻ khoái chí. Mấy chú nhọ nồi thấy vậy cũng vội vàng bắt chước.Pít xin loạn xạ cả lên nom toàn những đít vịt! Chúng em reo ồn lên như chợ vỡ, mồm cu Tài oang oang cổ võ:

- À, mắm tôm. Giỏi, giỏi, đạp nó qua một bên coi nào!

Chả là chú vịt của tên Phượng làng chàng làm sao mà chúi luôn đầu vào chân thằng mắm tôm. Tên Phượng không vừa hét lạc cả giọng:

- Ê loang lổ, mày cho hắn một cú dội ngửa xem nào!

Trong lúc ấy ở đầu máng chú vịt “cù lần” của em đứng ngơ ngác nhìn thiên hạ đại loạn. Khi cơm dưới đáy hồ đã hết, lũ vịt giãn ra, lội lỉnh nghỉnh kiu kíu rầm rĩ. Thằng cù lần chả hiểu ngẫm nghĩ những gì đột nhiên hắn dướn cao cái thân hình bé bỏng, ngước mỏ lên trời, đôi cánh tí hon vỗ phành phạch (dĩ nhiên tiếng phành phạch là do em tưởng tượng ra…) rồi, hùng dũng lao mình rạch nước mà lặn đi như tên bắn. Y hệt một lực sĩ Thế vận hội đua đến đầu máng bên kia nó trồi dậy lấy đà rồi quay ngoắc lại mà lội về chỗ cũ.

- Hay! Hay! Bravo thằng cù lần!

Sáu cái miệng cùng hả ra mà cười mà hét. Không biết tự lúc nào chúng em đã tề tựu đủ mặt, không những thế, tiếng hò reo của chúng em đã lôi kéo được cả mợ nữa. Nhìn những khuôn mặt đỏ gay của chúng em mợ lắc đầu mắt long lanh sáng:

- Vịt với lại chả gà! Thật y như một lũ giặc con.

LÊ THỊ THÁI BÌNH 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 207, ra ngày 15-8-1973)
Nụ hồng cho con - Tranh của ViVi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét