Em mang căn bệnh này từ lâu lắm rồi. Không rõ là hồi mấy tuổi, nhưng từ khi bắt đầu hiểu biết chút đỉnh thì em đã thấy đôi chân mình ruỗng ra vì ghẻ.
Những nốt ghẻ thật gớm ghê, chúng mọc lổn nhổn trên đôi bắp chân tí xíu gầy còm. Có khi tẩn mẩn em rờ rẫm trên bắp chân mình, ước ao ngón tay được vuốt ve trên làn da bóng mịn, nhưng đâu cũng là một lớp da cóc sần sùi. Em ngẩn ngơ vì buồn và tiếc. Sao mẹ chẳng đẻ ra đứa con gái xinh đẹp như nhỏ Khánh, mà lại đẻ ra em vừa xấu xí vừa ghẻ lở thế này?
Em biết mẹ trăm khổ nghìn khổ vì em. Tội mẹ biết bao nhiêu, có cái gì cũng cầm cố bán chác đi để chữa chạy cho con gái yêu độc nhất. Một lần nghe người ta mách thuốc, mẹ đưa em đi thăm ông lang ở Hàng Cót. Hàng Cót, cái tên nghe xa lạ quá cơ. Mà con đường cũng thực là xa, em ngồi trên xe mắt ngơ ngác dõi nhìn những hàng tre, những ao bèo loáng thoáng bên đường. Mãi rồi cũng đến nơi, mẹ cầm chặt tay em dẫn đi trên con đường đất giữa hai bờ nước đục ngầu, vào một căn nhà tối tăm ẩm thấp. Ông lang trịnh trọng khăn đóng áo dài, xem xét chân em kỹ lưỡng. Không biết ông định bệnh ra sao, mà ông lịch kịch lôi ra một nắm lá và một nắm… mảnh sành. Ông bắt mẹ vén ống quần em lên, rồi hăm hở cầm mảnh sành nạo trên những vẩy mụn đen xì.
Em khóc thét lên. Đau thì ít, mà sợ thì nhiều. Mặt mẹ tái xanh ; mẹ giằng lấy em ôm chặt vào lòng. Mặc cho máu hồng theo với chất nước vàng rỉ ra chảy dài trên bắp chân non nớt, mẹ bế em hấp tấp trở ra con đường cũ. Em vẫn chìa chiếc chân bị nạo sước một đường ra cho gió thổi mau khô. Nước mắt em hòa với nước mắt mẹ, nhạt nhòa.
Từ đó, mẹ may cho em hai túi vải dầy để lồng đôi chân vào khi đi ngủ, nhờ thế nước vàng ố không bị giây ra chăn nệm.
Bố ở xa, lâu lâu mới ghé về thăm. Về nhà, việc đầu tiên bố hỏi mẹ là: “Con đỡ chưa em?” – “Đỡ rồi anh ạ. Em có cho con đi tiêm thuốc tây”. Bố ôm em, lật xem ống chân và khẽ thở dài. Đêm ấy, bố mẹ nói chuyện thật khuya. Nửa đêm thức giấc em còn nghe tiếng rầm rì, ánh đèn Hoa Kỳ leo lét chiếu soi căn buồng nghèo nàn chật hẹp. Nóng quá thế này. Trong túi vải dầy, đôi chân em như muốn mướt mồ hôi. Ngứa quá. Ngứa quá đi thôi. Em vừa lần tay định gãi, bỗng nghe tiếng bố cao giọng hỏi:
- Đêm nay con nó ngủ yên em nhỉ?
- Vâng. Mấy hôm này em thay thuốc mới. Chắc là thuốc công hiệu đấy anh ạ!
Tiếng mẹ thầm thì nhỏ nhẹ mà không giấu được nỗi vui mừng. Em sững người. Bàn tay vừa chạm vào lần vải chợt dừng lại. Mắt em mở to nhìn lên đỉnh màn màu tối sẫm. Ngứa quá. Ngứa không chịu được. Như có hàng trăm con kiến bò rần rật trên da, người em như muốn phồng lên vì cơn ngứa. Em cắn môi cố nghĩ ngợi lan man xa gần cho quên gãi, nhưng từng thớ thịt nơi bắp chân như đều run lên. Bất giác em trở mình, tiếng rì rầm nói chuyện chợt im.
Em không chịu được nữa rồi, thôi em xoa nhè nhẹ thôi vậy. Mấy ngón tay thoạt đầu còn rụt rè vòng vòng trên lớp mụn nổi, sau cuống quýt chà mạnh… Cuối cùng không sao gượng được nữa, em ngồi bật dậy nghiến răng gãi như điên.
Mẹ vội vàng trở dậy, đến bên giường vén màn nhìn vào. Trong bóng tối mờ mờ, em ngước mắt nhìn mẹ như để thầm xin lỗi. Chỉ tại vì con ngứa quá, mẹ ơi.
Mẹ lặng lẽ bế em ra, em vẫn nghiến răng gãi không thôi. Mẹ đặt em ngồi trên ghế thấp rồi trở vào bếp lịch kịch pha nước. Khi ấy bố cũng ra khỏi giường, bố âm thầm vê thuốc lào hút sòng sọc. Có lẽ thấy em gãi quá bố không chịu nổi, lại gần, bố cầm que đóm hút thuốc lào nhịp nhịp trên tay, giọng khàn như muốn nghẹn:
- Con không được gãi nữa. Ngừng hai tay lại đi không bố đánh đòn!
Không biết vì sợ bố hay vì gãi lâu, đã ngứa, em dừng tay ngơ ngác. Bố gượng nhẹ tháo đôi bao vải, chân em bày ra, thảm thương như miếng thịt lợn ôi bày ngoài chợ. Những vảy mụn tróc hết, bày ra từng nốt mụn trắng nhợt đang từ từ ứa máu hồng. Từng đường ruỗng ăn sâu lở loét ngoằn ngoèo như đường mối đục. Lạ một điều là khi em đứt tay máu chảy ra đỏ ối, mà cũng máu ấy ứa ra từ đôi chân ghẻ lở, lại nhờn nhợt màu hồng.
Vừa vặn mẹ bưng từ nhà trong ra thau nước ấm. Mẹ ngồi thụp xuống bên em, nhẹ nhàng nhắc từng bàn chân bỏ vào trong thau nước. Rửa đến đâu là xót đến đấy, em bắt đầu rên. Thau nước đục ngầu vẩn bọt, và trên nền nhà gạch hoa vẫn còn loang lổ nước vàng lẫn màu hồng của máu.
Em ngước nhìn, khuôn mặt bố tối sầm còn đôi mắt mẹ như thoáng long lanh ngấn nước.
*
* *
Nhẹ thở dài, em nghĩ: “Chóng thế nhỉ, vậy mà đã năm sáu năm rồi!” Từ Hà Nội di cư vào đây, căn bệnh của em cũng chả hề thuyên giảm. Mẹ đi khám bác sĩ V.N.H bác sĩ bảo có chữa cũng vô ích mà thôi. Bao giờ khỏi thì tự dưng là nó khỏi, chả thế nào biết trước. Chỉ hy vọng là lớn lên, đến tuổi dậy thì máu huyết nó thay đổi, có lẽ sẽ hết dần và lành hẳn không chừng. Từ đó, em náo nức chờ đợi cái “sự dậy thì” như một ước mơ lớn nhất.
Ước mơ chưa đến, em vẫn chỉ là một cô bé nhỏ xíu xiu. Da lúc nào cũng xanh xao, người còm như con mắm, có lẽ vì những cơn ngứa quái ác làm em mất ăn mất ngủ. Dạo này mẹ bắt em đi tắm biển đều đều, vì nghe đâu nước biển có chất sát trùng rất tốt cho đôi chân của em. Mà quả thật, tắm nhiều dù có đau rát thật đấy, nhưng da em se hẳn lại, không mấy khi mưng mủ như xưa. Chỉ khổ cho em một nỗi, người ta thì đẹp đẽ lành lặn quá, còn em cứ phải bày ra đôi chân khảm xà cừ. Xấu hổ chết đi thôi. Em cứ phải vùi đôi chân vào trong cát nóng, khi nào muốn tắm lại chạy ù bông dông xuống nước. Chả bao giờ dám phất phơ đi dạo trên bãi.
Em có một nỗi thèm thuồng lớn nhất. Thấy các bạn mặc áo đầm em ngẩn ngơ nhìn. Con Thủy cặp giò đen thui. Con Hằng thì chân lại ốm nhách dài ngoằng… thế mà sao em vẫn thấy chúng nó đẹp quá chừng. Xem kìa, làn da láng bóng đôi chân mạnh khỏe nhảy nhót như chân chim. Còn em… cũng tại đôi chân này đây mà em chả được tụi nó cho vào nhóm múa mọi, chỉ được hát mà thôi. Hát thì nghề của em rồi, nhưng buồn một nỗi là người ta nghe hát chứ không thèm xem hát. Em thích được ngoe ngoảy múa may như chúng nó kia, có điều ghẻ lở như em thì đâu có được mặc váy lá dừa mà ra biểu diễn?
Thế là em cứ phải hát cho tụi nó múa đều đều. Mấy hôm nay trời Nha-trang trở nóng, chân em ngứa đảo ngứa điên mà em không dám gãi. Em gân mình ra chịu đựng, lưng toát mồ hôi mà giọng hát vẫn gắng cất lên – gãi sồn sột cho chúng nó cười em chết ấy à?
Đến giờ nghỉ mệt, cả lũ chụm lại nói cười ròn rã. Chợt nhỏ Trưng Vương hỉnh hỉnh mũi như muốn đánh hơi, rồi kêu lên:
- Có mùi gì lạ quá tụi bây ơi?
- Ờ… giống như mùi cóc chết!
Nhỏ Thủy ngắt lời:
- Không phải, mùi trứng thối mà có điều đỡ hơn.
Em tái mặt. Cái mùi trứng thối của chúng nó chính là mùi thuốc bôi ghẻ của em đấy mà. Vì mấy hôm nay trở bệnh, mẹ mua thuốc có diêm sinh hay lưu hoàng gì đó bôi vào chân em. Thứ thuốc vàng vàng hôi gớm chết, thế mà nhờ nó em đỡ ngứa biết bao. Em lẩn vội ra ngoài hành lang cho đến khi có tiếng gọi tập hợp mới lẳng lặng đi vào. Lại con Trưng Vương lên tiếng:
- Ủa, bây giờ lại hôi nữa!
Cả bọn nhìn quanh. Mắt nhỏ Liên hướng vào em đầy ác cảm. Nó đến gần, hít hít:
- Đúng rồi, đúng nhỏ Bình. Mày hôi quá xá, mày ở dơ hả?
Cả lũ nghe nói vội xúm xít quanh em ; đứa bịt mũi đứa nhăn mặt. Cô giáo em từ nãy giờ im lặng, vội vàng bước tới:
- Các trò tránh ra. Nghỉ một chút đi rồi lát tập lại.
Cô cầm tay em, nhẹ bước ra cửa lớp. Đến chỗ vắng cô ngừng lại nhìn em giọng dịu dàng:
- Tại sao lạ vậy Bình?
- Thưa cô…
Chỉ mới nói được có thế em đã bật khóc nức nở – Cô dịu dàng vuốt tóc em. Chờ cơn khóc dịu đi em mới gắng trả lời:
- Thưa cô, chân con bị lở… con… con bôi thuốc…
- Cho cô xem nào!
Em cúi xuống vén đôi ống quần lên, cô nhìn chăm chú rồi khẽ lắc đầu. Em lại khóc. Em khóc mãi không tài nào nín được…
LÊ THỊ THÁI BÌNH
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 212, ra ngày 1-11-1973)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét