Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Ẩn tình của thằng chăn Trâu - THUẦN GIANG


- Ù… ú ù… ú ù…

Thúc trâu tiến lại nhập bầy với đám trâu lố nhố ở bãi cỏ hoang trước mặt, thằng Hơn bắt tù và tay, thổi một hơi:

- Ù… ú ù… ú ù…

Đáp lại, đây đó có tiếng reo:

- Ê, già Hơn tới!

- Đoàn trưởng giá lâm!

- Chào đoàn trưởng!

Một bọn ba bốn đứa chăn trâu lem luốc, đang ngồi trốn nắng dưới mấy gốc trâm bầu, bước vội ra đón.

Thằng Hơn là trưởng đoàn chăn trâu xóm Đình. Từ lâu, tụi chăn trâu ở đây đã kết bè với nhau, để hằng ngày lùa trâu lẻ tẻ của từng đứa họp thành bầy lớn, chăn giữ chung. Ngoài ra, chúng tổ chức họp mặt thường xuyên còn để vui đùa, đập lộn với tụi xóm khác, … “phá làng phá xóm” nữa. Thằng Hơn được cả bọn bầu làm trưởng đoàn, vì nó lớn tuổi nhất, khỏe nhất, nhiều sáng kiến nhất. Nghĩa là thường thường, cái gì nó cũng trội hơn tụi bạn. Tụi bạn phải nhìn nhận rằng, nó giữ chức vị “Anh Hai” rất xứng đáng, không đứa nào dám so bì.

Xuống trâu, thằng Hơn nhìn lướt qua lũ bạn: Con Mót, thằng Đực, thằng Nò, thằng Bi… vắng mất hai thằng. Nó hỏi:

- Thằng Kia, thằng Tỵ đâu tụi bây?

Thằng Nò đáp:

- Hai đứa nó không có ra đây. Trâu của hai đứa nó chiều nay còn mắc bừa.

Con Mót hỏi:

- Có chuyện gì lạ hôn mà anh một mình một trâu tới đây coi bộ xăng xái quá vậy?

Thằng Bi thêm:

- Lại còn ra hiệu um sùm nữa chứ!

Thằng Hơn cười:

- Hổng có gì, bữa nay tao giới thiệu với tụi bây một đoàn viên mới.

Lũ bạn lao nhao:

- Vậy hả?

- Ở đâu?

- Ma nào đó, lạ hay quen?

Thằng Hơn quay trỏ phía sau:

- Nó kia kìa!

Theo đó, cả bọn trông thấy từ đằng xa một thằng nho nhỏ mặc áo bà ba đen, quần cụt đen, lùa mấy con trâu đen, bước lăn xăn lạo xạo trên một bờ đê dẫn đến bãi cỏ nầy. Thỉnh thoảng, một con trâu bướng bỉnh đứng lại, hay chực lội xuống ruộng mạ, thằng đó liền lướt lên vung roi quất vào mông con vật, hét vang:

- Đồ quỉ! Có đi thẳng không?

Trong phút chốc, mấy con trâu đến gần. Đó đều là trâu của thằng Hơn cả: con Pháo, con Đầm, con Xe đấy. Rồi tới cái thằng nhỏ xách roi tre đi phía sau, vừa thấy rõ mặt mày nó, con Mót la:

- Ủa, thằng Hết!

Thằng Đực, thằng Nò, thằng Bi phụ họa:

- Thằng Hết thiệt!

- Vậy mà tao tưởng đứa nào đâu!

- Thằng Hết là đoàn viên mới của mình?

Chúng không lạ chi thằng Hết. Nó là em của thằng Hơn mà. Thằng Hơn nói:

- Có gì tụi bây ngạc nhiên? Ừa, thì thằng Hết, em tao đó, bữa nay nó khởi sự đi chăn trâu. Như vậy kỳ lắm à?

Thằng Nò trợn mắt:

- Sao không kỳ? Vậy chớ…

Nó mới nói nửa chừng, thằng Hết vừa lại đến ngắt ngang, cau có hỏi thằng Hơn:

- Anh làm cái quái gì mà cỡi con trâu Cộ đi riết tới đây, bỏ mình tui lụi hụi với mấy con trâu mắc dịch nầy vậy?

Thằng Hơn quát lại:

- Ý tao muốn để mầy tập giữ bầy trâu một mình cho quen. Chưa chi mầy đã cằn nhằn rồi à? Ối thôi về nhà ngủ đi mầy!

Thằng Đực cười lớn, xen vào:

- Thôi xin can hai cha! Thằng Hết mới nhập đoàn mà có chuyện rầy rà, không tốt đâu nghen!

Thằng Nò lay tay thằng Hơn:

- Nói vậy thằng Hết nhập đoàn thiệt hả anh?

- Ừ.

- Nếu vậy thì lại mừng đoàn viên mới đi chứ anh em!

Thằng Nò vui vẻ nói, đoạn bước lại trước mặt thằng Hết, chào theo kiểu nhà binh, và bắt tay thằng nầy vung văng:

- Chào người anh em! Chúc người anh em sớm quen chịu đựng với cái đời chăn trâu dầm mưa dang nắng cực trần thân nầy nghen!

Thằng Bi cười ha hả:

- Bậy quá, bậy quá Nò ơi!

Thằng Nò hất mặt:

- Bậy cái gì?

- Lời chúc của mầy đã không làm người ta vui, còn khiến người ta sinh chán ngán công việc mới, hổng bậy sao?

- Vậy chớ mầy biểu tao phải nói như vầy hả…

Nhắm tít hai mắt, khoanh hai tay ra bộ khúm núm, thằng Nò tiếp đọc một hơi như trả bài trong lớp học:

- “Ai bảo chăn trâu là khổ? A… không, chăn trâu sướng lắm chứ!... Đầu tui đội nón mê như lọng che…, tay cầm cành tre như roi ngựa… ngất nghểu ngồi trên mình trâu… a… a… “

Mấy đứa bạn cười rộ.

Thằng Hết cũng bật cười theo. Trước sự niềm nở, vui vẻ của đám bạn chăn trâu mới – cũng là bạn hàng xóm cũ xì rồi – nó đã tươi vui trở lại. Nó nghĩ lời thằng Đực vừa rồi là đúng, nên bỏ hết giận hờn. Hơn nữa, trước khi lùa trâu ra đây, nó đã ưng chịu nhận lãnh công việc nầy với cả một sự ham thích kia mà. Chẳng qua vì chưa quen chăn giữ lũ trâu ưa đi ưa chạy một cách vô trật tự, khi nãy nó mất bình tĩnh rồi sinh bực thế thôi.

Bắt chước thằng Nò, mấy đứa kia lần lượt đến “chào mừng” thằng Hết. Đến sau chót là thằng Bi. Tay mặt siết tay, tay trái vỗ vai thằng “lính mới”, nó thân mật bảo:

- Bắt đầu từ bữa nay, mầy với tụi tao “sống chết có nhau” nghen mậy!

Thằng Hết tươi cười gật đầu. Bỗng, mấy đứa kia cười rộ lên. Không rõ chuyện gì, nó ngó dáo dác. Thằng Đực trỏ vai nó:

- Coi áo mầy kìa!

Thằng Hết nhìn lại: Một bệt bùn hình bàn tay, với đủ năm ngón, in chếch trên vai áo nó, kết quả cái vỗ vai thân thiện của thằng Bi đấy! Thì ra, thằng nầy đã tinh nghịch nhúng tay vào bùn, “đóng dấu” vào áo nó chơi, mà nó có dè đâu để tránh? Cái áo bà ba đen mới tinh, nó mới mặc lần đầu, chơi như vầy thiệt… hết chỗ nói rồi!

Nổi cộc, thằng Hết co giò đá vào người thằng Bi. Thằng nầy né khỏi, chạy núp sau lưng thằng trưởng đoàn. Thằng Hết không tha, nhào theo. Nhưng thằng Hơn đã cản lại:

- Đừng có làm rối! Chuyện gì cũng còn có tao phân xử.

Thằng Hơn vẫn xử sự công bình như vậy. Ở đây, thằng Hết là em ruột nó, nhưng nó cũng không để cho thằng nầy tự chuyên, buộc phải theo đúng “luật lệ” của đoàn. Đức tính nầy là một trong những điều khiến tụi bạn nể phục nó lâu nay.

Quay sang thằng Bi, thằng Hơn lấy giọng kẻ cả, hỏi:

- Tại sao mầy chơi kỳ vậy Bi? Nó là đoàn viên mới, phải “chiêu dụ” từ từ, chưa chi mầy đã chọc phá như vậy sao được?

Thằng Bi ngoác mồm cười, bày hai hàm răng sún xếu xáo như răng ông cụ:

- Anh nghĩ coi, đã là chăn trâu thì phải dơ dáy lem luốc, để nó ăn bận sạch sẽ coi chướng mắt lắm! Tui “diện” cho nó như vậy là phải rồi. Cũng như, đã đi lính thì phải bận đồ lính, ai lại cho bận đồ thường?

Quay về phía thằng Hết, nó nheo mắt nói:

- Sao mà nóng quá vậy bồ tèo? Mới giỡn sơ sơ đã nổi cộc rồi hà! Điệu nầy làm sao mầy “sống chết có nhau” với tụi tao được?

Thằng Hết cúi đầu. Lòng nó đã dịu lại. Nó nghĩ: Mình để cho thằng Bi phá mà không hay là kém rồi, lại để bộc lộ sự tức giận ra thì càng kém hơn. Đành rằng mình phải “ăn miếng trả miếng”, nhưng “trả miếng” như vậy đâu có “chì”. Chợt nó tươi ngay nét mặt, ngẩng đầu nói với thằng Bi:

- Lời mầy rất đúng, tao chịu! Nhưng mầy lại đây cho tao hỏi nhỏ điều nầy đi!

Trước sự thay đổi thái độ đột ngột của nó, thằng Bi sinh nghi ngờ: Chà, cha nội “âm mưu” gì đây? Thay vì bước tới gần nó, thằng Bi lùi lại một bước:

- Tao đâu có ngu mậy! Lại gần mầy đặng mầy níu lấy, đập cho đã nư giận hả?

Thằng Hết trợn mắt:

- Tao không có chơi kiểu đó đâu mầy! Có chứng anh Hơn, nếu mầy lại gần tao mà tao làm gì mầy, tao bị cả đoàn phạt thế nào cũng chịu.

Thằng Bi nhìn thằng Hơn, hỏi ý. Thằng trưởng đoàn bảo:

- Mầy cứ lại xem nó hỏi cái gì, có tao, không sao đâu!

Thằng Bi ngập ngừng bước tới:

- Hết, mầy hổng đánh thiệt hén?

Không đáp ngay câu hỏi, thằng Hết trề môi:

- Ối, cái thằng coi vậy mà nhát như thỏ! Tao không có ăn thịt mầy đâu mà lo!

Bị khích, thằng Bi mạnh dạn bước lại gần nó ngay:

- Nào, mầy “hỏi nhỏ” cái khỉ khô gì?

Cặp cổ thằng Bi, thằng Hết lôi đi xéo sang trái vài bước, rồi đứng lại, chõ mồm vào tai thằng nầy:

- Đó!

Thằng Bi ngạc nhiên:

- Cái gì?

- Trước mặt đó!

- Có quái gì đâu?

- Một bầy vàng hực, di chuyển như một đoàn quân đó!

- Bầy gì đâu?

- Trơ trơ đó mà mầy chưa thấy hả?

- Chưa… Ái da!...

Thình lình, thằng Bi la oái lên, nhảy choi choi. Thằng Hết thì lăn ra cười. Mấy đứa kia chẳng hiểu chuyện gì, bu lại xem, rồi cùng cười rộ: Để trả đũa, thằng Hết đã dẫn thằng Bi lại đứng trên một ổ kiến lửa!...

Thằng Đực thích chí la:

- Thằng Hết “chì” ác chứ tụi bây!

- Em của đoàn trưởng mà!

Sau trận cười, thằng Hơn nói:

- Thôi, đùa “mở màn” như vậy đủ rồi. Bây giờ thằng Nò hãy cho tao biết, vì sao mầy cho rằng thằng Hết đi chăn trâu là kỳ?

Không đáp ngay, thằng Nò hỏi lại:

- Tui hỏi vậy chớ anh có mấy con trâu?

- Thì bốn con.

- Ờ, có bốn con bộ anh giữ hổng nổi sao phải viện thêm thằng Hết?

- Tao quên cho tụi bây hay, tao sắp sửa nghỉ chăn trâu. Thằng Hết sẽ thế tao đó.

Lời thằng Hơn khiến lũ bạn xôn xao:

- Ủa, sao vậy anh Hơn?

- Anh nghỉ chăn trâu để làm gì?

Thằng Hơn tươi cười:

- Để làm những công việc “người lớn” hơn: cày bừa, phát mướn…

Liếc nhìn con Mót, nó ưỡn ngực:

- Tụi bây coi, tao bây giờ cũng lớn xộn rồi chứ!

Trong khi thằng Hơn hãnh diện với “cái lớn” của nó, tụi bạn nhỏ lại buồn. Mất thằng Hơn, “đoàn chăn trâu xóm Đình” rồi sẽ ra sao? Lâu nay, dưới sự tổ chức của thằng Hơn, bọn nhỏ không e ngại trong bất cứ cuộc vui chơi, phá phách nào: Đá banh bưởi non, lặn hụp dưới rạch móc bùn chọi lộn, lén hạ mía vồng bà Tư Sen, vạch rào dâm bụt đột nhập vườn ông Bảy Én bẻ trộm ổi… hễ thằng Hơn hô lên một tiếng, chúng tuân hành hết mình. Trong những lần đập lộn với tụi xóm khác, có thằng Hơn cầm đầu, bọn nhỏ trở nên gan góc mạnh bạo kỳ lạ: Chúng lăn xả vào đối phương, hò hét, đấm đá hung hăng như những con hổ dữ. “Đoàn chăn trâu xóm Đình” nổi tiếng, tụi trẻ xóm khác gờm sợ, phần lớn đều nhờ ở tài “lãnh đạo của thằng Hơn cả. Nay thằng đoàn trưởng nầy sắp rời đoàn, tụi đoàn viên đoán trước là đoàn sẽ yếu đi nhiều lắm. Trừ con Mót, “nữ đoàn viên phụ hộ”, đứa nào cũng thấy buồn buồn lo lo, đứng im lặng mặt mày nghệt ra, trông nực cười.

Thằng Hơn cười lớn:

- Tụi bây làm gì sững sờ dữ vậy?

Thằng Đực nói:

- Hổng sững sờ sao được? Khi không rồi anh bỏ tụi tui hà!

Thằng Bi hỏi:

- Chừng nào anh thật sự nghỉ chăn trâu?

- Tuần sau lận… Trong những ngày cuối cùng ở trong đoàn, tao muốn cùng tụi bây nghịch cho đã, tụi bây bằng lòng không?

Lũ bạn giơ tay, hét:

- Bằng lòng!

- Anh biểu gì tụi tui nghe nấy!

Thằng Hơn gật gù:

- Tốt lắm! Bây giờ mình kéo đi lo “vụ trường trung học” nè!

Lũ bạn sốt sắng hưởng ứng:

- Đi liền!

Thằng Hơn quay sang bảo con Mót:

- Mót với thằng Hết giữ giùm trâu nghen! Tụi nầy đi một lát trở lại liền.

Con Mót mỉm cười:

- Dạ! “Người lớn” biểu, hai đứa em đâu dám hổng nghe!

Bọn thằng Hơn đi rồi, thằng Hết hỏi con Mót:

- “Vụ trường học” là vụ gì vậy chị Mót?

Con Mót lắc đầu:

- Ai mà biết! Ối mà Hết hơi đâu mà để ý. Bọn anh Hơn vẫn hay làm những chuyện lạ như vậy.

Im lặng giây lâu, con Mót cười tiếp:

- Nghĩ cũng tức cười! “Trưởng đoàn nhà mình” thích làm người lớn lắm, nhưng tính nghịch ngợm trẻ con thì hổng chịu bỏ!

Thằng Hết cười to gật đầu biểu đồng tình.

*
*     *

Cả bọn chăn trâu xóm Đình tụ tập đủ mặt dưới bóng râm bụi tre mỡ phía sau miễu Bà. Thằng Hết, thằng Đực, thằng Nò, thằng Bi, thằng Tỵ, thằng Kia ngồi chùm nhum một chỗ “đá kiến”. Tụi nầy gần như lúc nào, nơi nào, cũng có thể bày ra được những trò chơi hào hứng như vậy. Ở khoảng đất quanh đây thường có những con kiến nẻ đen, to bằng con kiến vàng, ẩn trong lỗ hang nhỏ xíu ăn thẳng xuống đất. Bọn trẻ tìm những hang ấy, bứt cọng cỏ dài xoi xuống. Con kiến ở bên dưới bị động, cắn miết vào đầu cọng cỏ, bọn trẻ kéo lên là bắt được ngay, bứt râu cho cắn lộn. Bị bứt râu con kiến như nổi điên, nhe càng, lăn xả vào đồng loại mà cắn. Bọn trẻ châu đầu xem, la hét cổ võ, tưởng chừng như đang dự khán một cuộc đấu vật giữa hai lực sĩ da đen.

- Thấy chưa, kiến tao hăng ác tỉ!

- Kiến tao mạnh hơn!

- Ha ha!... Kiến thằng Nò bị hất té chỏng gọng rồi!

Trước đây không lâu, những lúc “túng” cuộc vui, thằng Hơn cũng thích chơi “đá kiến nẻ”. Nhưng hôm nay, bỗng dưng nó thấy chán trò ấy lạ! Cái trò chơi có vẻ con nít làm sao! Nó ngồi duỗi chân trên một gò đất, cách tụi đoàn viên vài bước, xe tròn một cọng cỏ đuôi chồn giữa hai ngón tay, lơ đãng nhìn mấy chiếc lá tre khô rơi lảo đảo qua cơn gió, bám nhẹ lên đám mắc cỡ đơm đầy những bông tròn nhỏ tim tím, xinh xinh.

Trời đã xế chiều, nhưng vẫn còn gay gắt nắng. Không khí rưng rưng. Đồng ruộng im vắng trải dài. Sự sống động theo chân các bác nông phu bỏ vào những mái lá rải rác ở xa xa, theo chân lũ mục đồng và bầy trâu lẫn cả vào các bóng mát trong nầy.

- Chiều nay sao nó… buồn buồn gì đâu… hén anh Hơn?

Thằng Hơn hơi giật mình, quay nhìn con Mót ngồi gần đấy, vừa thốt lên câu nói diễn tả đúng bon với lòng nó hiện giờ. Nó mỉm cười gật đầu. Một lần nữa, nó nhận ra con Mót không còn con nít, cũng như nó vậy. Hai đứa có nhiều điểm gần nhau ghê! Bỗng, nó quên phứt tụi bạn nhỏ, quên phứt bầy trâu đứng nằm lố nhố đằng kia, để biết bây giờ chỉ còn có mình nó và con Mót, ngồi gần bên nhau, trong buổi chiều nầy, mà ánh nắng hanh cơ hồ dịu lại. Nó hỏi:

- Do đâu Mót thấy buồn?

- Ư… thì…

Con Mót cúi đầu ngẫm nghĩ, tay tần mần gỡ cỏ may ghim đầy hai ống quần mốc thít. Đoạn, nó cười lỏn lẻn, lắc đầu:

- Hổng biết nữa!

- Vậy thì cũng như tui! Tui cũng thấy buồn buồn mà… khó giải thích nguyên do quá!

- Chớ hổng phải anh buồn vì sắp sửa nghỉ chăn trâu à?

- Phải đâu! Nghỉ chăn trâu có gì mà buồn? Tui còn vui nữa đa! Đi chăn trâu nhiều khi chán thấy mồ! Cực khổ hổng thua ai mà chẳng được một đồng xu dính túi. Đã vậy còn bị người ta coi thường nữa chứ!

Quả thật, đi chăn trâu tuy có vẻ nhàn hạ, nhưng không kém phần cực khổ. Có những sáng sớm mưa dầm, những buổi trưa trời nắng chang chang, thằng chăn trâu phải lùa trâu đi ăn, dù có lạnh run người, dù có bị nóng cháy da, khát nước khô khào cổ họng. Cực nhứt là vào mùa lúa, không thể để trâu lội xuống ruộng mạ, cũng không thể lùa trâu lên vườn phá phách cây trái của người ta, thằng chăn phải canh giữ bầy trâu chằng chằng ở một khoảnh đất hoang nhỏ hẹp nào đó. Lại còn những tai nạn, khó khăn bất ngờ nữa à: Đang cỡi con trâu đi, nó vụt sanh chứng, nhảy cồng lên, húc vào một con khác, thằng chăn bị quăng mạnh xuống đất, muốn nín thở. Đôi khi, một con trâu đực rẽ bầy, chạy theo một con trâu cái ở bầy khác, chiều tối, thằng chăn lùa mãi nó không chịu về, quất roi tre vào mình nó, nó hươi sừng chém lại…

Chăn trâu không khỏe, tiền công cũng chẳng bao nhiêu. Còn như thằng Hơn, chăn trâu nhà, đâu có tiền công khỉ khô gì. Xin tiền “ông già, bà già” lại là cả một sự khó, nó không chịu được những lời cằn nhằn của “ổng, bả” nên ít khi xin xỏ lắm. Bởi vậy, nó “nghèo mạt rệp”! Những lần có gánh hát cải lương đến hát tại quận, nó muốn rủ con Mót đi coi – chỉ con Mót, còn tụi bạn nhỏ thì khỏi lo, dù không tiền chúng cũng tìm được cách xông vào rạp coi cọp như chơi được – và bao con Mót uống nước mía, ăn đậu phộng rang bán đầy trước cửa rạp, mà đành thôi, vì chẳng kiếm đâu ra tiền.

Nghĩ tới chuyện đó thằng Hơn buồn ra mặt. Nó lại nhớ đến những lần gây gổ với người khác, lớn cũng có bé cũng có, người ta thường mắng vào mặt nó là “đồ chăn trâu” với giọng khinh miệt. Nó tức cành hông. Tại sao người ta lại khinh chăn trâu? Chăn trâu cũng góp nhiều công lao vào công việc làm nên hạt thóc cho thiên hạ no lòng chứ bộ! Tại chăn trâu lỗ mãng, ưa phá phách? Ừ há! Nhưng sao người ta không hiểu giùm một chút cà? Không lỗ mãng, không dữ tợn thì làm sao chăn giữ được lũ trâu lì lợm? Không phá phách, tạo ra trò vui, thì làm sao có thể kéo dài được công việc nhàm chán nầy?

- Ối mà thôi, mai mốt mình thôi chăn trâu rồi hơi đâu nghĩ hoài tới chuyện cũ?

Thằng Hơn bảo thầm, đoạn vui vẻ tâm sự với con Mót:

- Tui mà nghỉ chăn trâu rồi á nha, tui sẽ đi phát mướn, cày mướn, giựt dừa, lột dừa… hổng thua ai đâu! Làm có tiền, tui sẽ mua một miếng đất nhỏ, cất một ngôi nhà nhỏ, sống vui vẻ sung sướng suốt đời!...

- Anh ở một mình trong ngôi nhà nhỏ của anh á hả? Vậy thì buồn chết tươi, chứ vui vẻ sung sướng khỉ gì?

- Tui đâu có ở một mình.

- Chứ với ai? Hai bác, mấy em anh? Như vậy thôi ta ở luôn nhà ông già, bà già cho rồi.

- Đâu phải… Ủa mà Mót nói tui mới nhớ! Dù sao mình cũng phải lo phụng dưỡng ba má mình nữa chứ há!...

- Chứ sao! Lại còn một điều nầy.

- Điều gì?

- Năm nay anh bao nhiêu tuổi?

- Mười tám.

- Anh có nghĩ tới chuyện đi lính không?

- Ờ… tui quên!...

Ngồi thừ một lúc, thằng Hơn nói:

- Chuyện đời có nhiều cái khó tính ghê ta!

Con Mót cười:

- Anh thấy chưa, càng lớn càng mệt đủ chuyện chứ có gì mà ham?

Thằng Hơn vung tay, ra vẻ hài hước:

- Thây kệ, tui cũng cứ khoái lớn như thường!

Con Mót châm chọc:

- Khoái lớn mà cứ thích chơi trò con nít! Bữa nay có đi lo cái trò “trường trung học” gì đó không “người lớn”?

Thằng Hơn đứng bật dậy:

- Mót nhắc thiệt đúng lúc! Phải đi chứ! Đây không phải là một trò phá phách cho vui, mà…

Bỏ lửng câu nói, nó quay về phía tụi bạn nhỏ, bảo lớn:

- Tụi bây, ngưng “đá kiến”! Đi lo “vụ trường trung học” gấp!

Bọn nhỏ răm rắp đứng dậy:

- Dạ dạ!...

- Tuân lệnh đoàn trưởng!

Thằng Hơn nheo mắt nhìn mặt trời chếch về hướng Tây:

- Tụi bây liệu coi gần tới giờ tan học chưa?

Thằng Bi đáp:

- Gần rồi đa! Thôi gởi trâu cho chị Mót, mình đi rút kẻo trễ anh Hơn.

Thằng Hơn nói:

- Không, bữa nay tao đổi “chiến lược”. Mình đem trâu theo.

- Để làm gì?

- Tới trường rồi tao sẽ nói.

Con Mót xen vào:

- Bận nầy cho tui đi với, coi mấy người làm cái gì cho biết!

Thằng Hơn lắc đầu:

- Không được đâu! Mót nên lùa trâu của mình về nhà nghỉ là hơn. Đi theo nguy hiểm lắm!

Con Mót rùn vai, le lưỡi:

- Ái chà! Vậy sao?

- Ừ, thôi Mót ở đây rồi về, tụi tui đi nghen!

Thằng Hết hỏi:

- Còn tui, có phải ở lại với chị Mót như mọi khi không?

Ngẫm nghĩ một giây, thằng Hơn bảo:

- Kệ, bữa nay cho mầy đi! Nhưng nhớ là tao biểu gì phải làm nấy, đừng hỏi lôi thôi chi hết nghe!

Thế là, trừ con Mót, cả bọn lùa trâu ra lộ đá, tiến về phía trường Trung học. Bảy thằng chăn, mười mấy con trâu, kéo đi rầm rộ, choán đường choán xá. Trong khi thằng trưởng đoàn có vẻ đăm chiêu suy tính, tụi đoàn viên hầu hết tỏ ra hứng thú với cuộc “xuất quân quy mô” như thế nầy. Chúng cười nói, la hét, chạy qua chạy lại, vung roi lùa trâu đi cho ngay. Ngôi trường nằm bên lề mặt, phía xa xa, hiện rõ dần.

Trường trung học nầy mới lập, chỉ gồm có hai lớp đệ thất, nằm biệt lập trên một khu đất trống, cách công sở chừng hai trăm thước. Người ta cũng đang tiếp tục xây cất thêm, để có đủ các lớp của một trường trung học đệ nhứt cấp.

Tới gần trường, thằng Hơn bảo tụi bạn lùa trâu vào một bãi cỏ ven lộ, rồi họp lại nghe nó “bày mưu, thiết kế”. Với thân hình vạm vỡ đứng cao vọt giữa đám bạn nhỏ vây quanh, với nét mặt ra vẻ nghiêm trang bậm trợn, thằng trưởng đoàn chăn trâu nầy rất có phong cách của một vị tướng chỉ huy. Nó nói:

- Bữa nay tao muốn tụi mình đại náo trường trung học một phen chơi. Tụi bây đồng ý không?

Thằng Đực hỏi:

- Vậy chứ hổng chơi trò “ma đá” như mọi khi sao?

- Lâu ngày đổi món, làm hoài một cách chán lắm!

- Nhưng, làm cái gì gọi là đại náo?

- Đây nè, đợi tới giờ tan học, tụi học trò vừa ra khỏi lớp, mấy đứa mình lùa trâu vô sân, làm rối loạn cả lên. Đại náo như vậy đó!

Thằng Hơn vừa dứt lời, cả bọn vỗ tay, nhảy cỡn, la ó:

- Hay, hay lắm!

- Cho tụi học trò khớp luôn!

Thằng Hơn cười đắc ý:

- Tao đã bày trò thì bảo đảm, khỏi chê!... Nhưng tụi bây tính kỹ lại coi, có dám làm không nè?

Bọn nhỏ lại rộ lên:

- Sao không dám?

- Sức mấy mà không dám?

- Còn lâu mới không dám!

Thằng Hơn gật đầu hài lòng:

- Vậy thì hoan hô lòng “dũng cảm” của anh em!

Bọn nhỏ đáp lại:

- Hoan hô đoàn trưởng!

Thằng Hết nãy giờ đứng lặng thinh, không hưởng ứng một lời nào, bây giờ mới xen vô:

- Bộ tụi học trò trường nầy có gây thù oán gì với mấy người sao, mà mấy người quấy quá như vậy?

Câu hỏi làm bọn thằng Đực ngẩn ngơ. Sự thật chúng đâu có thù hằn gì học trò trường trung học nầy. Những lần chơi trò “ma đá” trước, và vụ “đại náo” lát nữa đây, chúng đều theo lệnh của thằng Hơn mà hành động. Chúng xem đó là những cuộc đùa vui vậy thôi, không có hậu ý gì. Nhưng bây giờ thằng Hết hỏi, chúng cũng cố nại những điều “đáng tội” của tụi hoc trò ra. Thằng Bi nói:

- Tụi nó không có gây thù chuốc oán gì với tụi tao. Nhưng tụi nó thấy ghét lắm!

Thằng Hết hỏi:

- Tại sao thấy ghét?

Thằng Nò đáp:

- Tụi nó làm phách!

Thằng Đực tiếp:

- Tụi nó “cao bồi”!

Thằng Kia thêm:

- Tụi nó phần đông ở dưới tỉnh lên đây học, đâu phải “dân mình”.

Thằng Hết cười:

- Mấy người làm chuyện kỳ chướng! Người ta ra thế nào, ở đâu, thây kệ người ta, có động chạm gì tới mình đâu mà mình gây sự lôi thôi?

- Sao lại không động chạm?

Thằng Hơn gắt gỏng lên tiếng. Bọn nhỏ quay nhìn nó. Nó tiếp bảo thằng Hết bằng giọng nghiêm trang:

- Tụi học trò nầy không hề động chạm tới đám chăn trâu tụi tao, nhưng chúng đã động chạm, đã ăn hiếp nhiều đứa khác ở quận mình, trong số đó có mầy đó!

Thằng Hết ngạc nhiên:

- Tui đã bị tụi nó ăn hiếp? Hồi nào, sao tui không hay biết chi hết vậy?

- Đồ ngu!... tụi nó… Mà thôi, hồi nãy tao đã bảo trước là mầy không được quyền hỏi lôi thôi kia mà!

Thằng Hơn vừa nói dứt, thằng Tỵ vụt la lên:

- Kìa, tan học!

Cả bọn quay nhìn về phía trường: Học trò đang từ trong lớp lũ lượt kéo ra, con gái mặc áo dài trắng, con trai áo sơ mi trắng quần tây xanh, cười nói ồn ào, đến ngoài nầy cũng nghe.

Lập tức, thằng Hơn hét lên, ra lệnh:

- Xuất trận anh em!

Bọn nhỏ vung roi hưởng ứng:

- Xuất trận!

Cả bầy trâu mười mấy con, bị bảy thằng chăn xua đuổi, xông thẳng vô trường. Thằng Hơn vừa quất roi vào mông chúng, vừa gào to:

- Trâu điên! Trâu điên!

Bọn nhỏ cũng bắt chước, quát tháo:

- Trâu điên! Tránh ra! Tránh ra!

Cảnh hỗn loạn diễn ra trong sân trường: Trâu chạy, trâu nhảy loạn xạ. Học trò hoảng hốt, kêu ơi ới, tránh vẹt vào lớp học. Mấy tiếng “Trâu điên! Trâu điên!” làm tăng thêm sự kinh hãi. Ông Hiệu trưởng, mấy vị giáo sư, đứng trợn trừng trước cửa văn phòng.

- Trâu điên?

- Điên cả bầy?

- Vô lý!

-Ttụi nầy muốn phá trường mà!

Một cậu học trò lớn bắt loa tay, quát bảo:

- Tụi chăn trâu quỉ! Làm cái gì vậy? Có đuổi trâu ra khỏi trường không?

Không thèm đếm xỉa, thằng Hơn và tụi bạn tiếp tục cho bầy trâu tung hoành.

Bực tức, cậu học trò nọ quay bảo các bạn:

- Đừng sợ! Lượm đá chọi trâu anh em!

Liền đó, một cuộc “phản công” bằng đất cục, đá vụn, gạch vụn bay tới tấp vào mình lũ trâu, và cả vào người mấy thằng chăn nữa. Trâu bị đau, kêu rống lên. Thằng Hơn giận dữ, truyền lệnh cho tụi đoàn viên:

- Thằng nào chọi đá, nhào vô đập nhừ tử nó cho tao tụi bây!

Không đợi giục, thằng Đực, thằng Nò, thằng Bi, thằng Tỵ, thằng Kia nhào vô đám học trò, đấm đá túi bụi. Bên học trò tuy đông, nhưng yếu sức làm sao kháng cự lại tụi chăn trâu. Có đứa rút thước, có đứa thủ viết cố chống trả, nhưng rồi cũng bị địch thủ tước đoạt, hoặc đá văng đi. Hết đứa nầy đến đứa khác bị đánh ngã, chúng cứ lui dần. Đó là kể mấy đứa học trò trai gan góc, số đông còn lại, cũng như đám con gái, sợ hãi lính quýnh không biết làm gì.

Giữa lúc ấy, vụt có tiếng thằng Hết la to:

- Chết cha! Rút lui mau anh Hơn!

Nãy giờ nó đứng im cạnh gốc cây me tây ở đầu sân, lo lắng quan sát cuộc ẩu đả, chẳng chịu tham dự. Bây giờ hình như vừa thấy điều gì nguy cấp, nó mới hoảng hốt kêu lên thế. Thằng Hơn quay hỏi nó:

- Cái gì vậy?

Nó trỏ tay về phía công sở:

- Ông Hiệu trưởng đi kêu lính kìa!

Thằng Hơn nhìn theo, quả thấy ông Hiệu trưởng đang hấp tấp tiến lại đó. Nó vội gọi tụi đoàn viên:

- Anh em! Rút lui gấp!

Thật nhanh, bầy trâu lại được nội bọn lùa ra khỏi trường, thoát chạy theo con đường mòn dẫn vào vườn cây rậm rạp.

Tới chỗ an toàn nhất, cả bọn mới dừng lại. Đứa nào đứa nấy quần áo xốc xếch, mồ hôi nhễ nhại, mệt thở hào hển. Thằng Kia hỏi:

- Làm cái gì mà mình đang thắng thế, anh Hơn lại ra lệnh rút lui gấp dữ vậy?

Thằng Hơn cười:

- Vậy chứ mầy hổng nghe thằng Hết nói sao? Ông Hiệu trưởng đi kêu lính, mình ở chậm một chút bị nắm đầu cả lũ!

Bọn nhỏ le lưỡi:

- Hú hồn!

- Chơi trò nầy coi bộ nguy hiểm quá!

- Nhưng hào hứng hơn trò “ma đá” nhiều.

- Thôi, bây giờ chia tay chứ?

- Ừ, tối về ngủ ngon nghen!

- Ngủ ngon cái con khỉ, thế nào cũng nằm chiêm bao thấy đánh lộn!

Tụi bạn dắt trâu đi cả rồi, thằng Hơn thằng Hết cũng lên lưng trâu mình, cỡi đi chầm chậm về nhà.

Chiều xuống mau trong vườn cây. Bóng tối đã thấy thấp thoáng trong các bụi rậm. Hai thằng chăn anh em không nói gì với nhau. Mỗi đứa theo đuổi một ý nghĩ. Vắng lặng, tiếng thở phì phì, tiếng bước chân chậm chạp của mấy con trâu nghe rõ ràng.

Chợt, thằng Hết càu nhàu bảo anh:

- Thiệt tui hổng dè lóng rày anh du côn quá!

Thằng Hơn nhìn em trừng trừng:

- Mầy muốn bảo chuyện tao vừa làm là bậy?

- Chứ hổng lẽ là tốt? Về nhà tui mét ba má cho anh coi!

Thằng Hơn la lên:

- Con khỉ! Mấy biết tại sao tao làm như vậy không?

- Tại sao?

- Tại vì mầy đó!

- Tại tui?

- Ừ, tại tao tức cho mầy quá đó!

Thằng Hết nhìn anh, lắc đầu khó hiểu.

*
*     *

Thằng Nò từ trong mé vườn phóng vọt ra, nhảy mương, băng rãnh, chạy bừa về phía đàn trâu do con Mót và thằng Hết giữ. Chưa tới nơi, nó đã la lên:

- Chết tía rồi chị Mót ơi, Hết ơi!

Hai đứa giật mình quay lại:

- Cái gì vậy?

- Anh Hơn với mấy đứa kia đâu?

Đứng lại, sự kinh hãi còn in trên nét mặt, thằng Nò vừa thở vừa đáp muốn không ra tiếng:

- Bị… bị bắt hết rồi!

Vỗ vai nó, con Mót hỏi như thét:

- Hả? Bị bắt? Bị ai bắt?

- Lính! Lính bắt hết, chỉ có mình tui chạy khỏi thôi!

Đang cầm cây roi tre, thằng Hết quất mạnh xuống đất:

- Tui nói có sai đâu? Cứ đi phá tán người ta, thế nào cũng có ngày bị nắm đầu cả lũ mà!

Sau cái hôm tổ chức lùa trâu vào sân trường trung học làm náo loạn cả lên, hai ba ngày sau, không nghe thằng Hơn bày chuyện đi phá phách đâu nữa. Nhưng chiều nay, buổi chiều cuối cùng trong cuộc đời chăn trâu của mình, nó bỗng họp lũ bạn lại, bảo:

- Ngày mai tao nghỉ chăn trâu luôn rồi. Vậy bây giờ tao muốn rủ tụi bây kéo lại trường trung học chơi trò “ma đá” một lần chót. Tụi bây có chịu không?

Trừ con Mót và thằng Hết, tất cả đều rộ lên tán thành. Liền đó, cả bọn kéo đi, sau khi năn nỉ con Mót và thằng Hết ở lại giữ trâu hộ. Nhưng rồi, chuyện gì đã xảy ra?

Con Mót hỏi thằng Nò:

- Anh Hơn với tụi bây làm gì đến nỗi bị lính bắt?

- Thì cũng tại làm “ma đá” nhát học trò trường trung học đó!

- “Ma đá”! “Ma đá”! Làm “Ma đá” là làm mốc xì gì?

Thằng Nò ngập ngừng:

- Là… là…

Con Mót bực tức quát:

- Tới bây giờ mà mầy còn muốn giấu nữa hả? Nói mau!

Bình thường, thằng Nò chẳng xem “con gái Mót” ra gì, mặc dù nó lớn cũng gần bằng “anh đoàn trưởng”, và coi bộ được “anh đoàn trưởng” “nể” lắm. Nhưng bây giờ, trước cơn thịnh nộ bất thần của con nhỏ, thằng Nò tự nhiên khai tất cả ra ngay:

- Hổng có gì lạ hết! Anh Hơn rủ tụi tui lượm gạch đá thật nhiều, rồi chia nhau đến núp ở các lùm cây quanh trường trung học, chọi rầm rầm vào lớp học à! Mọi khi chơi vậy hổng sao, lần nầy!...

Con Mót, thằng Hết nhìn nhau lắc đầu. Thằng Hết hỏi:

- Lính bắt cả đám đưa đi đâu?

Thằng Nò:

- Hình như dẫn lại công sở xã.

Thằng Hết quay sang con Mót:

- Bây giờ tui phải chạy lại đẳng xem sao mới được!

Con Mót gật đầu:

- Ừ. Tao cũng đi nữa!

- Còn bầy trâu?

- Trâu của mình thì mình lùa về nhà nhốt lại, còn bao nhiêu bắt thằng Nò giữ. Nó cũng là thằng có tội, nó phải chịu khó!

Vài phút sau, con Mót và thằng Hết có mặt tại công sở xã quận lỵ. Tại đây, hai đứa gặp cả bọn thằng Hơn ngồi lủ khủ trong một góc văn phòng. Trừ thằng “đoàn trưởng” ngồi im cúi mặt lầm lì, mấy đứa kia đứa nào cũng lộ vẻ sợ sệt dớn dác. Ngoài ra còn có chú Bảy Hiếu, ba thằng Hơn, vừa được gọi đến, ngồi ở băng cây đối diện với đám “tội đồ”.

Ông Ủy viên cảnh sát an ninh đang ngồi viết lách ở bàn viết đặt gần đó, vụt đứng dậy, cất viết, dằn giấy tờ, bước lại vỗ vai chú Bảy Hiếu:

- Anh Bảy! Anh có biết tại sao tôi cho mời anh tới đây không?

Chú Bảy Hiếu đứng lên, không tránh được một cử chỉ sợ sệt khúm núm:

- Dạ, tui đang phát cỏ sau nhà thì có thằng Tư Xệ, nghĩa quân ở đây đó, lại cho biết con tui là thằng Hơn bị bắt, và ông cảnh sát cho gọi tui. Tui lật đật tới đây mà hổng hiểu chuyện gì hết, thưa ông cảnh sát!

Ông Ủy viên cảnh sát an ninh ở đây người ta thường gọi tắt là “ông cảnh sát” – trỏ thằng Hơn:

- Đây nè! Thằng con quí của anh đây nè, hổng biết mắc chứng gì mà kết bè kết lũ với mấy thằng kia, lượm đá chọi vô trường trung học, làm bể ngói lở tường hết trọi. Đây không phải là lần thứ nhứt chúng phá phách như vậy đâu, đã nhiều lần rồi, hôm nay tui cho lính bao vây mới bắt được “trọn ổ” đó!

Chú Bảy Hiếu quắc mắt nhìn thằng Hơn trừng trừng:

- Hơn! Mầy… mầy…

Nếu không có khoảng cách giữa chú và nó, nếu không có ông cảnh sát đứng một bên, có lẽ chú đã chồm tới vố vào mặt nó hai ba bốp tay rồi!

Ông cảnh sát nghiêm nghị hỏi:

- Bây giờ anh Bảy tính sao đây anh Bảy?

Chú Bảy Hiếu nhìn ông, thiểu não:

- Thiệt tui không dè cái thằng già đầu!... Bây giờ thì ông cảnh sát xử ra sao tui cũng chịu, chứ biết làm sao!... Ờ mà quên, trong vụ nầy đâu phải riêng thằng con tui gây vậy ông cảnh sát?

Ông cảnh sát chưa kịp trả lời, tụi bạn thằng Hơn vụt rộ lên:

- Tụi tui làm theo lời xúi của anh Hơn đó chú Bảy!

- Tại anh Hơn hết!

- Tụi tui đâu có tội gì!

Thằng Hơn nhìn lướt qua mấy đứa bạn, hơi mỉm cười. Cái khốn cho kẻ cầm đầu là thế, một khi đã thất thế thì bao nhiêu tội lỗi người ta trút cả vào đầu! Thằng Hơn không đến nỗi buồn tức lắm, trước sự “quyết liệt” đổ lỗi của tụi bạn. Nó biết tụi nhỏ sợ nhiều, không những sợ sự trừng phạt của ông cảnh sát, mà còn sợ những cái đấm cái đá, những ngọn roi quật vun vút mà ba má chúng sẵn dành cho chúng ở nhà.

Đứng lên, thằng Hơn bình tĩnh nói:

- Thưa ông cảnh sát, thưa ba, tui nhận, trong vụ nầy, bao nhiêu lỗi về tui hết!

Mọi người có vẻ ngạc nhiên trước sự “liều lĩnh” ấy. Nó tiếp:

- Nhưng thưa ông cảnh sát, việc gì cũng có nguyên nhân. Trước khi chịu tội, xin ông cảnh sát cho tui được nói ra nguyên nhân nào đã khiến tui làm bậy như vậy, để ông cảnh sát dễ phân xử!

Ông cảnh sát gật gù: Thằng chăn trâu nầy ăn nói suôn sẻ đấy chứ! Ừ, nghe đâu nó học cũng khá mà! Trở lại ngồi vào bàn viết, ông cảnh sát bảo:

- Được, chú mầy cứ nói nghe thử coi!

- Dạ, cám ơn ông cảnh sát! Trước hết tui xin phép được hỏi: Nền trường trung học hồi trước có phải là một miếng đất hoang, mương rãnh, lồi lõm, đầy bụi rậm, cỏ dại, nghĩa là một miếng đất xấu đến không trồng trọt chi được?

- Phải rồi!

- Đến khi có lệnh lập trường trung học, có phải Quận đã nhờ dân làng góp công sửa sang miếng đất đó cả tháng trời, để đắp nền chăng?

Câu hỏi của thằng Hơn gợi ra trong trí nhớ của ông cảnh sát một khung cảnh linh hoạt: Một đám đông dân làng, gồm toàn đàn ông trai tráng, hì hục cuốc xới, bang phá một khu đất hoang rộng. Tất cả đang làm công tác đắp nền trường trung học, nay mai sẽ được xây cất lên. Họ cười nói ồn ào, làm việc trong sự vui vẻ hăng hái. Sự vui vẻ hăng hái bắt nguồn từ những cảm nghĩ tốt đối với ngôi trường tương lai. Có những ông cha, ông anh nghĩ đến con em mình mai sau có thể học lên tới bậc trung học, không phải đi đâu xa, mà mạnh tay làm. Cũng có những người không cùng ý nghĩ đó, nhưng họ có lý do khác để vui với công việc: Thỉnh thoảng trong quận có một ông nhà giàu hay một chú chệt nào đó cất thêm một ngôi nhà to, đẹp lộng lẫy, hoặc cơi thêm một tầng lầu cao, tự nhiên họ thấy thích thích, mặc dù điều ấy không mảy may đem lại lợi ích cho họ. Bây giờ trong quận lại có thêm một trường trung học, họ càng thích nhiều, hãnh diện nhiều. Tất cả chỉ vì tình yêu xứ sở mà ra, họ mong cho vùng đất mình sống mỗi ngày một mở mang, lớn mạnh. Đến nơi khác họ có quyền khoe với người ta, quận nhà không thua một tỉnh thành, chẳng thiếu chi cả.

Và, nền trường trung học quận, ngày đó đã được đắp nên vững chắc bằng hàng trăm bàn tay hăng hái của dân làng.

Ông cảnh sát gục gặc bảo:

- Mầy nói đúng! Quả như vậy.

Thằng Hơn lại hỏi:

- Và trường trung học được xây cất lên có phải là để cho học trò trong quận được tiếp tục học khi qua khỏi bậc tiểu học chăng?

- Ừ, chứ hổng lẽ để cho học trò bên Tây qua học mậy?

- Thưa ông cảnh sát, vậy mà sao bây giờ tui để ý thấy, phần đông học trò trường trung học quận mình đều là dân ở tỉnh vào học không vậy? Thiệt kỳ quá! Chướng mắt quá! Ghét quá!...

- Ạ!...

Bây giờ thì ông cảnh sát, cũng như những ai có nghe những lời vừa rồi đã hiểu được “ẩn tình” của thằng chăn trâu kia!

Thằng Hơn, sau khi trình bày “phải quấy” xong, như trút được bao nhiêu uất ức, giơ tay áo quệt mồ hôi trán, nét mặt có vẻ dịu lại. Nếu nó để ý nhìn trong đám người dự khán đứng lố nhố ở trước cửa, nó sẽ thấy em nó, thằng Hết, đang cúi đầu nghĩ ngợi rất lung:

Lâu nay anh nó phá phách trường trung học mãi, không phải để thỏa tánh ham vui, mà chỉ vì quá uất ức? Uất ức cho ai? Vì ai? Nó nhớ một lần, trong lúc cãi cọ về vụ phá rối nhà trường, anh nó đã quát vào tai nó: “Tại vì mầy đó! Tại tao tức cho mầy quá đó!”. Đúng rồi, giờ đây nó biết! Vâng, tại vì nó cả!

Nguyên thằng Hơn tuy con nhà nghèo nhưng lại có nhiều mơ ước lớn, hay so sánh nầy nọ. Nó học khá, và muốn học thêm lên mãi. Nhưng tới lớp nhất, quận “hết trường”, nó phải thôi, vì ba má nó không tiền đâu để “phí” cho nó ra tỉnh tiếp tục học.

Đến lượt thằng Hết, vừa qua xong bậc tiểu học, thời may, trường trung học công lập cũng vừa được mở ở quận nhà. Thương em, thằng Hơn muốn cho em mình thực hiện được ý nguyện của mình, thi đậu vào trường trung học đó, để tiếp tục học lên cao. Điều ấy, xem ra chẳng có gì khó khăn cả. Trong quận tính thử đâu có bao nhiêu thí sinh đệ thất? Hơn nữa, thằng Hết lại học không tệ, chẳng lẽ không “giành” được một chỗ ngồi nào trong số cả trăm chỗ ngồi của hai lớp đệ thất mới mở hay sao? Tuy đã lấy làm chắc, nhưng thằng Hơn không khỏi lo nhiều. Gần đến ngày thi, nó kèm cho thằng Hết học thật kỹ tất cả bài vở.

Rồi ngày thi đến. Ủa lạ kìa! Cái gì vậy ta? Từ ngoài tỉnh, hai ba chuyến xe đò chở ních học trò đổ vào quận tranh thi. Số thí sinh tăng lên “kinh khủng”. Thằng Hơn muốn khóc được, khi nhìn thấy em mình, cũng như bọn học trò ở trong quận, chìm mất trong đám học trò tỉnh lạ hoắc thật đông đảo!

Kết quả, thằng Hết rớt! Trường trung học của quận, học trò tỉnh lỵ chiếm hai phần ba tổng số!

Thằng Hơn xin ba má cho em học lại, năm sau thi nữa, nhưng không được. Đối với hai ông bà, việc học hành là phụ thuộc, cho con đi học, chúng biết chữ nghĩa vậy thôi, rồi bắt ở nhà lo việc ruộng nương. Thằng Hết thi rớt, chẳng hề gì! Nếu nó đậu, còn phải tốn tiền hằng năm sắm thêm đồ đạc sách vở cho nó nữa đa! Chú Bảy Hiếu đã bảo thằng Hơn:

- Bây giờ thiên hạ đi học rần rần, cơ sở nào mà thâu dụng cho hết? Mình bắt chước đeo theo ba cái chữ nghĩa thì có ngày chết đói! Tao nhứt định rồi! Tao cho thằng Hết ở nhà chăn trâu thế mầy. Mầy thì lo làm việc khác.

Thế là, bao nhiêu mộng đẹp thằng Hơn âm thầm đắp xây cho em nó, tan vỡ không còn gì! Nó căm hận đám học trò tỉnh học ở quận kể từ đó. Nó căm hân luôn trường trung học của quận kể từ đó…

Ông ủy viên cảnh sát an ninh ngồi im, tẳn mẳn nhổ râu cằm. Được một lúc, ông gật gù bảo thằng Hơn:

- Tao nghĩ rằng, mầy… còn trẻ người non dạ, nên ý nghĩ của mầy còn thiển cận quá! Nó thiển cận ở chỗ mầy chỉ hẹp hòi với lòng đố kỵ mà quên mất tình nghĩa đồng bào, quên cả những ích lợi lớn lao khác. Tại sao mầy không lấy việc học trò các nơi về đây theo học là một điều vinh dự? Ừ, có như vậy thì trường sở mình càng đông, sự học vấn càng có cơ phát triển chớ! Vả chăng có luật lệ nào cấm người ở vùng nầy đến vùng khác thi cử học hành đâu?

Thằng Hơn cúi đầu đứng im. Nó nghĩ thật nhiều về lời giải thích của ông cảnh sát, và nó thấy nó bậy thật. Nhưng dù biết hành động phá phách của mình là quấy, nó vẫn không muốn công nhận một cách công khai. Và nó chỉ đứng lặng chờ đợi.

Ông cảnh sát mỉm cười:

- Mầy thấy cái lỗi của mầy rồi chớ, Hơn?

Rồi ông đứng lên, lấy lại giọng nghiêm nghị:

- Hơn, đúng lý tao phạt mầy về tội phá trường! Nhưng thể tình, nên lần nầy tao tha. Lần sau còn thế nữa tao sẽ nhốt mười bữa nghe không! Còn anh Bảy Hiếu, vui lòng xuất tiền sửa mấy chỗ hư trong trường trung học, do thằng con của anh nó gây ra vậy!

Thuần Giang 

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 97, ra ngày 15-11-1968)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét