Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

Trên Tầng Mây Thấp - VỊ THA

MỘT

Hình như trời đêm nay hơi lạnh, em nhủ thầm. Trời tháng bảy lúc nào cũng chơm chớm nổi rét, thật rét mướt ở hồn và lạnh mát ở mỗi đêm. Hoa Ngọc Lan ở cuối sân đang trở mình đung đưa những chiếc lá xanh non để cho những đài hoa tưng bừng khoe hương thoang thoảng. Em tì tay vào lan can, nhìn về phía cuối sân, nơi mà những ô tối đằm đằm chiếm ngự và để mắt em chẳng còn bắt gặp những viên sỏi trắng thân thuộc hàng ngày. Mùi hoa Lan như ngộp cả vùng trước mặt, em nâng niu hít thật nhẹ vào hai buồng phổi. Thật nhẹ nhàng. Như thể em sợ, hương hoa sẽ bị đau, bị mất đi ưu vị thánh thiện.

Ở đây, em không có một không khí gia đình mà em ao ước. Để những đêm thật khuya, một mình thẫn thờ nhẹ bước trên hàng hiên u vắng. Để nhớ những hình ảnh mà với em bây giờ đã xa lơ xa lắc. Và dứt khoát thật sự từ ngày bố lạnh lùng cho em vào nội trú. Em có cảm giác như ai đã bóp thật chặt tim, và máu từ tâm thất ngừng hoạt động. Cả một vùng trời lung linh trước mắt em. Đổ vỡ. Em không dám cưỡng lại lời bố. Bởi ở bố bao giờ cũng là một uy quyền bắt em phải sợ. Mà em sợ thật. Sợ thật sự khi em thoáng nghĩ bố không còn thương yêu em nữa.

Cả nội trú có ai buồn dàu dàu như em hoài đâu. Nỗi buồn hình như lúc nào cũng đậu trên mắt, trên môi, trên nụ cười. Nỗi buồn hình như từ tiền kiếp xa xôi nào đậu lại. Em không thể chung vui với bạn bè, trong những nụ cười, câu nói rất hồn nhiên. Em thui thủi, như một vì sao lạc loài, bé nhỏ xa tít ở một thế giới nào. Em vẫn không thể giấu nỗi buồn, và em nhiều khi chẳng biết mình đang buồn gì. Một nỗi buồn đang mênh mang, diệu vợi. Một nỗi buồn mà chính em không biết căn do.

Em vẫn đứng nơi vị trí cũ, tay mân mê thành xi măng lạnh buốt. Thật im lặng. Ngọn đèn néon ở cuối hành lang tỏa chiếu một ánh sáng trắng dịu dàng, và thật mỏng. Có những đêm thật khuya, em vẫn thao thức. Trằn trọc trong đôi mắt ráo hoảnh. Nằm ôm chiếc gối thân thuộc để nghe tiếng cắc kè chắc lưỡi và để bâng khuâng nhớ một cái gì. Một cái gì mà em đang muốn quên.

Có bóng dáng của soeur giám thị thấp thoáng ở phòng của Chúc Hân. Có lẽ ma soeur đang đi kiểm soát một lần cuối cho chắc chắn trước khi đi vào giấc ngủ ngoan hiền bên niềm tin Chúa. Em kéo lại cổ áo, lùi vào phòng, nhìn gian phòng bằng đôi mắt thật quen. Lọ hoa thúy cúc mũm mĩm, thùy mị ở bàn học. Em ngồi vào bàn, sửa lại dáng cho hoa và nhìn chồng sách ở góc. Có tiếng chân đi nhẹ và bóng ma soeur đi vào thật nhẹ. Trong tối, màu áo trắng của dì thanh khiết.

- Chandi! Con chưa ngủ ư?

- Thưa dì! Tự dưng đêm nay con khó ngủ ghê ạ!

Hình như dì không tin lời em nói, dì đi loanh quanh trong phòng:

- Nệm gối vẫn phẳng phiu, con nói dối.

- Thưa dì!…

- Đi ngủ đi! Hãy đọc kinh nguyện Chúa sẽ ban cho con giấc ngủ hiền.

- Dạ!

Em cúi đầu lặng lẽ. Tự dưng em muốn khóc. Dì giám thị đi ra và nhẹ tay khép cửa. Một cái gì em muốn ẩn tiềm trong quá khứ, bỗng dưng vỡ òa trở dậy. Giọng trách móc, tia mắt khoan dung. Mẹ em! Em khóc òa. Chẳng bao giờ em có được những giây phút rất thần tiên nữa. Mẹ đã yên ấm ở một phương trời mới. Mẹ đang ngọt giọng cười. Mẹ đang tưng bừng trong đêm dạ vũ. Một cái gì đánh thức nỗi bất hạnh trong em. Mẹ ngàn đời quên mất em rồi. Tội nghiệp bố! Một cái gì chận ngang cổ. Mẹ ơi! Bố ơi!

Em sẽ khóc mãi, nếu ngoài kia trời đừng trở gió. Gió thốc vào phòng em. Em run run. Em lê bước lên giường tìm hơi ấm của chăn. Thật im lặng. Mắt em vẫn tỉnh táo. Ngày mai. Ngày vẫn tiếp nối ngày. Cũng như em sẽ hụt dần bóng dáng thân yêu của bố.


HAI

• BUỔI SÁNG

Khu nội trú vẫn bình lặng, thật bình lặng như thể muốn khoe rằng sự im lặng đó rất tuyệt vời. Thấp thoáng có vài bóng trắng ở nơi nhà nguyện và em thấy thật quen thuộc dấp dáng của Chúc Hân. Cô bạn của em lúc nào cũng dễ thương với tất cả mọi người. Mà em thì không muốn quen với ai ngoài Chúc Hân. Hình như Chúc Hân lúc nào cũng áy náy trước nỗi buồn của em. Đìu hiu, xa vắng. Cho nên Hân lúc nào cũng cố làm một cái gì cho em vui, cho em cười. Cô bé bảo vậy. Nụ cười của Chandi khó tìm thấy ghê cơ. Bộ Chandi muốn làm Bao Tự hở. Em lợt lạt cười không trả lời. Chúc Hân lúc nào cũng hồn nhiên, rạng rỡ vì cô bé không bất hạnh như em. Từ Nha Trang cho con vào Saigon học hẳn bố mẹ Chúc Hân phải xót xa, thương nhớ. Cô bé bắt đầu làm quen với khung cửa Đại học, cũng như cô bé bắt đầu làm quen với không khí buồn hiu của nội trú. Còn em, em thật nhỏ, thật thấp trước Chúc Hân. Em vẫn còn miệt mài ở bậc đệ nhị cấp.

Mỗi chiều thứ bảy, rất quen thuộc, vừa khi nắng còn dìu dịu ở một góc sân là bố mẹ Hân tươi cười trước cổng. Và cô bé Hân ríu rít chạy ra. Không hạnh phúc nào hơn. Với em chẳng có giây phút nào ngọt ngào như thế. Mẹ ở bên kia trời Âu với cuộc sống mới. Bố vẫn miệt mài ôm nỗi trống vắng thật xưa, và bôn ba trong việc sinh nhai. Em biết thật sâu tâm hồn bố, tâm hồn của bố bây giờ có một vết rạn sâu đằm đằm thương tích mà em biết chắc lâu lắm, lâu hơn thời gian mà em đã được ngần nầy tuổi, bố của em mới trở lại bình thản, cười vui trọn vẹn. Thoắt mà bốn năm, bốn năm mà em tưởng chừng như bốn thế kỷ, bốn năm mà bố em tưởng chừng như bốn kiếp người. Mẹ đi là mang hết linh hồn, sự sống của em, của bố. Mẹ em! Một thời nào đã cho em những vuốt ve, những săn sóc của một người mẹ hiền. Một thời nào đã cho bố quên những nhọc mệt của những chuyến đi xa. Bố cười trong ngôn ngữ dịu dàng của mẹ em, cười vô tư bên những săn sóc của mẹ. Nhưng thời đó đã thật sự chìm sâu, thật sâu trong dĩ vãng. Bây giờ chỉ em, chỉ bố cười trong nhớ thương dịu vợi. Bố hiền, bố biết là mình không còn uy quyền nào để gọi bước chân người vợ về với gia đình. Cả con bé Chandi tội nghiệp trong tuổi mười hai. Bố thản nhiên. Em biết nỗi thản nhiên ấy là một hình thức giấu giếm. Mẹ chả cần em, chả cần con bé Chandi một thời mẹ yêu quí. Về bên ấy, mẹ sẽ có những Chandi khác. Em đâu là gì để mẹ nhớ, mẹ thương. Phải không mẹ!

Em muốn quên, mà chính ra em lại nhớ nhất. Tưởng như một vết đau trường kỳ không thuốc thang nào cứu chữa. Em đìu hiu trong nội trú, để cả tháng bố đến đón em ra. Em nghẹn ngào, nhìn bố sừng sững nói chuyện với ma soeur giám đốc. Bố vẫn như dạo nào, bố đón em bằng vòng tay êm ái. Và bố dẫn em loanh quanh trong thành phố, nghe em tỉ tê tâm sự. Lúc đó, em ngụp lặn trong nguồn hạnh phúc của bố, của em. Bố nói, em nói. Hai bố con muốn nói thật nhiều…

Chỉ có Chúc Hân mới biết em buồn, em khóc. Không phải em nói mà chính Hân tế nhị, nhận ra. Và cũng chính vì vậy, mà em gần gũi Chúc Hân nhiều. Hân săn sóc em từng ý nghĩ, từng bài học. Lẽ ra em phải gọi Chúc Hân bằng chị, bởi vì giữa em với Hân có một ranh giới học vấn quá xa cũng như số tuổi. Hân lớn hơn em một tuổi mà Hân lúc nào cũng tươi non còn em thì cỗi cằn. Hân rủ em hòa mình với hạnh phúc của gia đình Hân. Mỗi lần xuất trại với bố mẹ Chúc Hân đều kéo em đi. Bố mẹ Hân thương em như Hân, em Hân hồn nhiên xem em như Hân. Em hòa đồng với hạnh phúc bé nhỏ của Chúc Hân. Cả anh Duy cũng săn sóc, cũng chìu em như thể là em ruột thịt. Em cười, em nói và Chúc Hân cười nồng nàn trong mắt. Muốn Chandi cười khó ghê anh Duy ạ! Anh Duy nhìn em cười: ghê thế hở Chandi. Em cúi đầu bẽn lẽn. Mi ác vừa nhá Hân. Câu nói của em cho Hân khi hai đứa trở về nội trú…

Chúc Hân đi với chị Bích Cầm, có lẽ hai người từ nhà nguyện đi lên. Chị Cầm cười với em: Không xuống xem lễ hở Chandi. Em cười gượng: Hôm nay em mệt chị Cầm ạ! Chúc Hân lí lắc: Hắn thích đi chùa hơn chị Cầm ơi! Chị Cầm cười đi vô phòng. Em nhìn theo, ở chị Cầm có vẻ gì quan liêu, quý phái. Cũng như dấp dáng chị dễ thương như cái tên Công Huyền Tôn Nữ Bích Cầm. Chúc Hân ôm vai em:

- Chandi biết gần đến lễ gì không?

- Không!

- Sao hôm nay Chandi dốt quá vậy!

Em ngơ ngẩn:

- Có lẽ Di quên Hân ạ!

Chúc Hân thì thầm:

- Lễ Vu Lan Di ơi!

Em chợt à:

- Thế mà Di quên, dễ đòn Hân hở?

- Chiều mai bố mẹ Hân vào rước Hân về, có anh Duy nữa. Di ra với mình nhé.

- Để Di tính.

- Còn tính với toán, ghét Di ghê!

- Lỡ bố Di đến thì sao?

- Thì… thôi.

Hai đứa nhìn nhau cười. Em vẫn thích nụ cười của Chúc Hân. Ở Chúc Hân là cả một sự duyên dáng, tế nhị. Mười tám tuổi mà Hân vô tư kinh khủng.

- Hôm nay, Hân không đến trường hở?

- Lười ghê!

- Di méc với anh Duy… Hân làm biếng đi nhé!

- Thách Di!


BA

BUỔI TRƯA. 
Em còn loay hoay với giấc ngủ thì bóng soeur Từ Nguyên xuất hiện. Tiếng dì ngân cao:

- Nguyễn thị Chandi, có người nhà đến đón.

Em chỗi dậy lẹ làng, mừng vui vỡ òa trong mong đợi. Bố đến đón em về, tưởng chừng như ai đã làm cho em được hồi sinh. Em tíu tít chạy ra phòng khách. Bố với dáng điệu quen thuộc đang trầm ngâm bên khói thuốc. Em gọi bằng giọng sũng nước mắt:

- Bố!

Bố cười hiền:

- Con! Vào sửa soạn đi, rồi bố đưa con về.

- Về nhà hở bố?

- Ừ! Nhanh đi, TiTi!

Em sung sướng, đi nhanh về phòng. TiTi! Cái tên ấu thời mà mẹ đặt cho em và bố rất thương, rất quí. Những tưởng bố đã chôn theo dấu chân của mẹ, quên đi trong đời cùa bố: Bố vẫn nhớ và bố đã gọi em bằng TiTi thân thuộc cũ. Ô! Bố ơi! Em muốn gọi ngàn lần tiếng bố yêu dấu…

Em quàng cái sắc vào vai, giục bố:

- Mình đi, bố nhá!

- Ừ! Để bố xin phép soeur giám đốc mình về.

Soeur giám đốc và soeur Từ Nguyên đang nhìn em cười. Nụ cười hàm ẩn tình thương bao la, và ánh mắt của dì em hình dung được Chúa Jésus đóng thân vào cột chịu tội cho loài người. Bố gọi em:

- Chandi! Chào hai dì về, con ạ!

Em vòng tay thật ngoan:

- Thưa hai dì, con về.

Nụ cười của dì hiền hậu, em loáng thoáng nghe câu nói của soeur giám đốc:

- Tội nghiệp con bé!…

- Ấy chết! Bố ơi!

Bố quay lại:

- Gì thế, TiTi?

Em dài giọng:

- TiTi tưởng bố không đến, nên TiTi hứa ra với Hân. Bây giờ, bố đón con, mà con quên gửi giấy lại cho Chúc Hân. Chắc Hân giận con bố ơi!

- Chúc Hân hiểu con, chắc không giận đâu.

- Mà TiTi sợ, bố ạ!

- Thì bố xin lỗi giùm Ti của bố.

- Thật hở bố?

- Ừ!

Em nhìn bố đang chăm chú lái xe. Và em bỗng khám phá, trán bố hình như nhăn hơn, gương mặt bố hình như mệt mỏi, có một sợi mây xám vương vướng mắt bố. Em gọi khẽ:

- Bố!

- Hử?

- Bố buồn hở?

- Nhảm! Bố buồn khi nào?

- Con có làm bố giận không bố?

- Bố cưng Ti nhất!

- Con thấy bố cứ thở dài mãi! Bố cho con biết với. Em năn nỉ.

- Không tin tưởng bố hở Ti?

- Dạ!…

Bố cười xòa:

- Bố làm bộ, con ạ!

Em cười lỏn lẻn và ngồi im. Đường phố xôn xao người đi dạo. Nắng chỉ còn lất lây trên tàn me xanh um lá. Có những ô nắng rơi xuống mặt đường và lá me bay lảo đảo. Em muốn được ngồi bên bố mãi. Mãi mãi. Bên bố, em như thoát xác, cứ líu lo mãi. Đến thành vớ vẩn. Bố nói thế: gặp bố, Ti cứ vớ vẩn không! Em nũng nịu: Tại con vui mờ, bố không thích hở?

- Bố thích chứ…

- Bố ơi! Bố con mình đi chùa lễ Phật nhá!

- Ừ!

- Bố định chừng nào?

- Tối con nhá!

Em dạ thật ngoan, muốn nói thật nhiều mà hình như lời cứ biến đi đâu mất. Bố vẫn lái xe đi loanh quanh. Bỗng bố chùng giọng:

- Ti nầy! Tối nay trước khi lễ chùa bố có quà cho con.

- Quà đẹp hôn bố?

- Bố chả biết.

- Nhiều… hở bố?

- Bố cũng chả biết.

- Ghét bố ghê!

Bố cười. Hình như buồn hiu. Hình như xa vắng. Bố nghĩ gì? Đừng! Đừng! Bố ơi! Bố đừng buồn TiTi sợ lắm. Bố ơi!


BỐN

Bố tặng em một bông hồng trắng. Em tưởng chừng suýt chết ngất khi nắp hộp được mở ra. Nước mắt chợt òa chảy, từng giọt, từng giọt để rồi đầm đìa. Em chết lặng. Và bố hình như đang bối rối. Như thế, bố đã can đảm dứt khoát và bố cũng muốn em dứt khoát. Ngôi nhà một thời ngột ngạt tiếng cười, bây giờ đìu hiu, lạnh lẽo. Bố ngồi đúng vị trí mà ngày xưa bố thường ngồi. Khói thuốc lung linh, lãng đãng. Ánh sáng của ngọn đèn néon nhạt nhòa trước mắt, chìm mất hết, mất hết, chỉ còn dáng bố uy nghi, thánh thiện. Bố ngồi thật lặng lẽ và em cũng lặng lẽ. Bố chịu đựng quá nhiều và bây giờ bố muốn dứt khoát. Và em có nên dứt khoát? Hở bố? Hở mẹ? Em run tay áp đóa hồng trắng vào ngực, lan man một giòng suối chảy hiền, từng mạch máu, từng hơi thở. Bố thở dài. Em thảng thốt gọi:

- Bố!

- Con! Con của bố.

Em im lặng, trong khi bố cố gắng:

- Con… hiểu?

- Vâng! Con hiểu bố ạ!

Vâng! Con hiểu bố ạ! Con hiểu từ bốn năm trước, từ mẹ đành lòng bỏ Chandi. À không! TiTi của mẹ. TiTi trong tuổi mười hai, mười ba gì đó. Bố con mình ôm nhau ngồi khóc. Con đã hiểu lờ mờ là mình xa mẹ. Xa hẳn rồi từ mẹ bước lên phi cơ. Như thế, mẹ đã khước từ, mẹ đã thản nhiên khước từ và bố con mình chấp nhận sự khước từ đó. Mười hai năm! Mười hai năm trong chật vật, trong những hôm bố đi sớm, về khuya. Vậy mà hạnh phúc! Rất tuyệt vời trong ý nghĩ của bố, của con, Bố không ngờ và con cũng không ngờ. Đâu ai biết được chữ “ngờ” quái ác. Bố thấy mẹ dịu hiền, ngoan ngoãn khâu từng cái áo, chăm từng miếng ăn. Con thấy mẹ thật bao la, thật mênh mông như biển Thái bình trong những lần con ốm, bố ốm. Mẹ thức, mẹ khóc vì sợ, mắt mẹ thâm quầng vì mất ngủ. Để khi bố hết đau, hết ốm, mẹ cười và bố nhìn mẹ rưng lệ. Bố âu yếm hôn vào mắt mẹ. Như ban thưởng. Như tạ ơn. Bố sung sướng trong hạnh phúc bé nhỏ đó. Bố cũng như con nào nghĩ tới ngày nầy. Phải không bố!

- Ti ơi! Con nghĩ gì?

- Ti không biết bố ạ!

Bố châm điếu thuốc khác, buồn buồn:

- Mẹ quên thật bố con mình, Ti ạ! Bằng chứng bốn năm…

- Vâng! Bốn năm… Ti năm nay mười sáu tuổi.

- Bốn năm bố chờ, bố đợi. Cho bố! Không! Cho con, Ti ạ! Bố không tin là mẹ ham giàu, mẹ quên hẳn bố con mình. Ngày xưa mẹ yêu bố lắm và bố cũng yêu mẹ không lường nào đo được. Mẹ chưa hề than van, hay trách móc bố. Con ra đời và tình yêu mẹ bố càng thắm thiết. Vì lẽ gì mẹ bỏ bố con mình, bố thắc mắc bốn năm, Ti ạ!…

- Nếu mẹ về, bố có tha thứ cho mẹ?

- Bố không giận gì mẹ! Bố vẫn đợi vì con và cho bố.

- Chắc mẹ quên Ti rồi bố ơi!

- Có lẽ thế, con ạ! Bằng chứng bốn năm… Tội cho con của bố! Mất tình thương của mẹ…

Bông hồng trắng và lễ Vu Lan! Ôi! Chua xót cho em. Em sẽ cài lên áo để chứng tỏ cho mọi người biết rằng em không có mẹ. Mẹ em không chết mà mẹ bỏ đi, bỏ đi về bên kia trời Âu xa tít. Bỏ đi như thể loài chim ngủ suốt mùa đông và đi khi mùa xuân rạng rỡ tưng bừng. Đi mà có thể trở lại hoặc không. Sàigòn – Bletchey. Hai phương trời xa quá xa…

- Mẹ đã bỏ con, bố đừng bỏ con bố nhé!

- Bố sống để nuôi con hoài!

- Bố hứa chắc à!

- Ừ! Bố hứa.

- Con thương bố nhất!

- Ừ!



Em sẽ ngủ triền miên trong tình thương của bố. Côi cút. Em như loài thảo nương nhờ cổ thụ, ốm yếu, mỏng manh! Chỉ sợ mai kia cổ thụ ngã vì một lý do gì đó, chắc em cũng gầy mòn vì thiếu bóng râm nương tựa. Nương tựa một tình thương.

Em cài bông hồng trắng lên ve áo, cúi xuống thật thấp để giấu hàng nước mắt sắp rưng rưng. Như thế em đã chứng tỏ rằng mẹ chẳng còn thương em nữa. Chứng tỏ rằng em đang nhận một thiệt thòi. Thật đớn đau.
Em khoác tay bố, nũng nịu:

- Bố con mình đi chùa, nha bố!

- Ừ!

- Bố thay đồ đi.

- Được rồi, TiTi ạ!

Bóng hai bố con đìu hiu, ngã dài trên sân vắng.


NĂM

Và em trở lại kiếp nội trú thật buồn. Bố đến với em và bố lại xa để lo những chuyến buôn khác. Ngày thi lại đến và em miệt mài học. Chúc Hân vẫn an ủi em và anh Duy vẫn trêu em hay buồn. Những lần về nhà, bố mẹ Chúc Hân vẫn nhắc nhở em khi Hân về một mình. Và ngày sau, Chúc Hân trở vào với túi quà nho nhỏ. Mẹ Hân nhắc Chandi hoài. Em chớp mắt, xúc động đến rưng lệ…

Buổi tối, em ở trong nhà nguyện, đang thả hồn trong bài hát Thánh ca dìu dịu. Chị Bích Cầm chạy vào gọi em ra! Chị mệt nhọc nói:

- Có bố đến tìm Di kìa!

Em ùa chạy lên phòng khách. Bố không ngồi nơi phòng khách như mọi lần mà bố đứng ngoài hành lang bồn chồn, lo âu. Em cười rạng rỡ:

- Bố! Bố thăm con hở?

- Bố báo cho con một tin…

Em thảng thốt:

- Tin gì hở bố?

Giọng bố trĩu buồn:

- Ti của bố đã thật sự cài hoa hồng trắng. Mẹ chết rồi.

Hình như mắt em mờ dần, em lay tay bố:

- Bố! Bố nói gì?

- Mẹ chết rồi, Ti ơi!

- Sao mẹ chết, hở bố? Ai nói bố biết?

Bố sũng giọng:

- Mẹ tử nạn phi cơ trên đường về V.N. Có lẽ mẹ chưa quên bố con mình. Hãng bảo hiểm vừa cho tin, con ạ!

Em khóc òa. Và mắt bố lung linh, sũng ướt. Như một thứ băng hà tích tụ bao tháng ngày bây giờ mất điểm tựa, và đổ xuống thung lũng phì nhiêu. Mẹ chưa quên bố con mình, hở bố?


SÁU

Như thế, em đã thật sự cài hoa hồng trắng. Đời đời. Bốn năm, bố đợi, em đợi. Và mẹ thật sự trở về. Dù thiên thu…



VỊ THA 
(Nhóm Tình Biển) 
(Ht viết để kính tặng cô Bạch Hạc dấu yêu, GiGi Hạnh, GL)


(Trích từ bán nguyệt san tuổi Hoa số 207, ra ngày 15-8-1973)
Bìa của Vi Vi : Nụ hồng cho con

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét