Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Mây Trên Núi I - Truyện : LINH HƯƠNG



Truyện : LINH HƯƠNG 

1
  Ngón tay trỏ của chú Giao nằm im trong lòng bàn tay siết chặt của em, hai chú cháu chúng em tiến chầm chậm qua chiếc sân lót đầy sỏi trắng mà lối vào phòng khách được phân định bằng hai dãy gạch thẻ đỏ đặt chéo xếp song song và cách nhau một quãng xa. Khác với lúc ở trên xe em líu lo bên chú như một chim họa mi tập hót, cô bé họa mi đó giờ đây đã phải hồi hộp, hồi hộp một cách sung sướng – đặt những bước chân ra vẻ mạnh mẽ để đánh tan cảm giác run rẩy xúc động lên nền sỏi trắng như cô bé mẫu giáo lần đầu tiên đặt bút đồ lên hàng chữ ở đầu trang vở mới trắng tinh. Có cái gì rào rạt trong tim và thánh thót, êm ả trong hồn nó một nửa lôi em lùi lại, bé dại trong lòng chú Giao để níu kéo những giây phút ấm cúng hạnh phúc của khung cảnh quyến thuộc gia đình, kéo dài trong những ngày nghỉ hè, và một nửa đẩy em sấn tới, lao mình vào cuộc tranh đua học tập tình bằng hữu, tình thầy trò đằm thắm, thiêng liêng thu hút bởi tiếng huyên náo bên trong khu phòng khách. Những tiếng ồn ào quen thuộc mà bất cứ một phút xa trường nào em cũng nhớ tới, cũng mong mỏi được nghe như đánh dấu của một quá khứ ấu thơ thắm thiết. Có một lúc em định cúi xuống nhặt một hoa soan cuối mùa màu vàng úa rủ mình trên thềm gạch, giữa những bóng mát thay nhau hứng những tia nắng mai dìu dịu để ngăn tiếng tim vỡ trong lồng ngực, tiếng thác reo đổ trong hồn. Nhưng dợm buông tay khỏi ngón tay chú Giao, em lại thôi. Một bâng khuâng nào đó đã cho em ý nghĩ ngón tay chú ví như cái móc thời gian, nếu buông tay ra khỏi, em sẽ bị đẩy dạt về tương lai thật xa, thật xa mà quá khứ, em đã từng không muốn rời bỏ nó.
Quả thật, em không muốn nghĩ ngợi gì nữa cả khi buông chú để ôm chầm lấy bóng dáng soeur Sabine xuất hiện nơi cửa vào. Soeur chỉ kịp tròn mắt:
- Ái chà, soeur không ngờ Như An của soeur chóng lớn thế cơ!
Em há miệng thật to để cười và để tíu tít:
- Trời ơi, chứ con gặp soeur con nhận ra liền… soeur chả thay đổi tí nào cả.
Trong lúc soeur đưa em thật xa, nhìn thật kỹ bằng vẻ âu yếm lạ thường rồi bất ngờ siết em lại gần bằng cả hai cánh tay và đặt một chiếc hôn dịu dàng trên trán thì chú Giao tiến đến gần, chú hỏi:
- Thưa soeur, cháu Như An có đến muộn giờ không ạ?...
Nụ cười của soeur có pha vẻ dễ dãi khi với cầm chiếc vali trong tay chú Giao:
- Ối dào! Muộn gì mà muộn?
Chú Giao nhìn em rồi nhìn soeur:
- Thôi tuần sau chú lên đón… Thôi xin phép soeur…
Và chú giơ ngón tay trỏ lên như giao hẹn với nụ cười mỉm trên môi:
- Nhớ không được khóc đấy!
Nép đầu vào một trong hai cánh tay soeur Sabine choàng qua vai, em cố gắng cười một cái thật tươi với theo chú đang bước khỏi cửa:
- Không đâu ạ, cháu lớn rồi chứ bộ…
Nói thế mà mắt em cũng bắt đầu rưng rưng. Soeur xoa mái tóc cúp sát ót của em, giọng vỗ về:
- Thôi bây giờ vào trình với các soeur khác đi con.
Trước khi bước vào trong, soeur còn cẩn thận bẻ cổ áo em cho ngay ngắn và vuốt thẳng thớm chiếc váy màu sẫm. Điều làm em cảm động là hình như trong ý nghĩ, những cử chỉ của soeur vẫn còn dành cho em của 5, 6 năm về trước đã òa lên khóc và nhất định vùng vẫy khỏi tay ma soeur để chạy theo bóng dáng Ba Me khuất dần nơi cổng. Hình ảnh ấy, bây giờ em vẫn còn hình dung rất rõ ràng trong quang cảnh phòng khách em đi qua: một cô bé giơ tay chùi chùi những giọt nước mắt lăn trên má trong lúc Me cô cúi xuống sát bên thầm thì những gì không rõ. Một cô khác giật kéo chiếc vali, không chịu cho ma soeur xách đi, một mặt níu áo người cha. Cũng có những chị lớn lủi thủi xách vali vào một mình điềm tĩnh và vui vẻ.
Em bỗng cảm thấy mình trở nên máy móc với những tiếng “thưa ma soeur, con mới vào!” và “Vâng ạ” lập lại mãi trên môi từ lúc gặp soeur hiệu trưởng Maria Goretti, soeur Giám Đốc Yvonne và các soeur khác cho đến lúc chiếc chìa khóa phòng được soeur đặt vào tay và còn mình em với chiếc vali kềnh càng nơi hành lang vắng lặng, tâm hồn em như chợt bình tĩnh trong bầu không khí của thảnh thơi, an nghỉ. Có lẽ cảm giác mà không bao giờ em quên được là khi bước chân vào phòng mình là nỗi sững sờ, bàng hoàng ; cho đến sau nầy, nỗi sững sờ của ngày đó vẫn còn làm em tê tái trong từng loạt cảm giác khác nhau. Nó không chỉ đến từ bóng dáng thứ hai xuất hiện sẵn trong phòng mà còn đến cả cách bày biện khéo léo, ý tứ của một kẻ biết phòng mình còn thêm một người ở nữa. Và nhất là đôi mắt, lần đầu tiên đôi mắt đã làm em chú ý. Như cảm thấy sự ngượng ngập của em, cô bé lên tiếng trước, vui vẻ:
- Thế là bồ đến sau nhé, tên gì nhỉ?
Em lúng túng giây lâu mới trả lời được:
- Tên An… Như An, còn bồ?
Cô bé chợt reo khẽ:
- Vậy là tên hai đứa mình cùng bắt đầu bởi một chữ… người ta tên Ái, Trần Thúy Ái…
Em dè dặt:
- Ái… mới vào năm nay… hả?
Ái gật đầu mạnh, tươi cười:
- Ừ… mấy năm trước Ái học trường tỉnh.
Sau một lúc sắp xếp đồ học lên bàn và đồ đạc trong vali đẩy vào gầm giường, em rút ra một bộ đồ, ôm trong tay và lần này nói với Ái thật tự nhiên:
- Ái ở đây…, Như An đi thay đồ một chút nha…?
Cô bé đu đưa hai chân buông thõng từ trên giường nhìn em. Em vội vã rời phòng, óc rối bời ý nghĩ. Em cũng chẳng hiểu tại sao, trong khi những năm ở nội trú trước, chả bao giờ em nhận được những cảm giác như thế nơi người chung phòng, có lẽ tại họ lớn quá để em trở thành em nhỏ, có khi lại là một cô bé nhỏ xíu để em trở thành chị lớn. Nhưng năm nay kẻ ở chung phòng lại là cô bé đồng trang lứa, có thể nào em lại bối rối vì ý nghĩ không biết đứa nào phải chăm sóc đứa nào? Chắc chắn không vì quả thật nơi Ái có nhiều điểm lạ – có thể chỉ đối với em – những nụ cười bừng nở, tươi tắn rồi vụt biến. Có thể tại em quan trọng hóa, thôi nhất định không nghĩ tới nữa… Nhưng còn đôi mắt, tại sao đôi mắt làm em nhớ hoài… Đôi mắt, đôi mắt như khoảng tối có nhiều bóng lá râm mát…

2
Chúng em vừa tan bữa điểm tâm thì trời cũng lờ mờ sáng, ngay đỉnh đầu hai đứa là ngôi sao mai chói lòa, những chùm lá trên cây có màu tươi hơn và đưa đẩy những làn gió mát lạnh hơi sương. Ái hít thật mạnh một hơi dài rồi rụt đầu kéo cao cổ áo làm em bật cười:
- Những tháng nầy chưa lạnh đâu cô, những tháng gần Tết kìa…
Ái hồn nhiên:
- Ái chà, Ái phải nói Ba Má sắm áo len dầy mới được, bây giờ mà Ái thấy lạnh rồi đây…
Chữ Ba Má như muốn bóp nghẹt con tim, em lảng sang chuyện khác:
- Không biết năm nay ai phụ trách lớp mình Ái nhỉ. Cầu trời cho mấy soeur hiền hiền…
Ái cũng cười:
- Ừ, Ái cũng mong vậy… Sao Ái lạnh quá à, hai đứa mình đi lên xem lớp mới đi…
Nói xong Ái tụt khỏi băng đá lạnh ngắt, quàng chiếc cặp lên một bên vai. Cô bé thoáng ngạc nhiên khi nhìn thấy hai chiếc bóng nhỏ nhắn chạy ào lại chỗ em đứng tíu tít và tiếng em như reo:
- Trời ơi, Hạnh, Thục đó hả… Sao hôm qua An không thấy hai bồ?
Hai con bé như mới có dịp nói:
- Tại Thục mới vào tối hôm qua, Thục với Hạnh ở một phòng.
- An vào từ hồi sáng phải không?
- Nghe nói soeur Agathe phụ trách lớp mình đó An à…
Em chỉ biết gật lấy gật để và trả lời:
- Soeur Agathe hả? Nghe nói soeur đó khó lắm mà… Hạnh nghe nói thật không?
Con bé Hạnh vờ như sợ hãi, khoanh hai tay trước ngực và xoay đi một vòng:
- Thật chứ… eo ơi! Thế thì ghê quá cơ.
Thục có vẻ lạc quan:
- Vậy còn đỡ hơn soeur Maria Goretti, soeur ấy còn khó hơn soeur Agathe nữa, nghe nói tụi bên B đang sợ đây… Thục “khoái” soeur Agathe hơn.
Mãi đến bây giờ em mới chợt nhớ ra Ái đang đứng lặng lẽ bên cạnh, em trịnh trọng:
- À, An giới thiệu với Thục, Hạnh… đây là Ái, ở chung phòng với An…
Bỗng từ giây phút ấy, Ái trở thành trầm lặng như một tượng đá biết di động bên em với hai nhỏ bạn cũ, chúng em trở nên ồn ào như ngôi chợ nhỏ trước lớp Ngũ A. Thật tình em muốn kéo Ái vào không khí sôi nổi vui vẻ bằng nhưng câu hỏi liên tiếp nhưng cô bé chỉ trả lời bằng những tiếng ngắn. Em không đoán được Ái có giận em hay không vì lúc hé miệng trả lời, cô bé luôn luôn nở nụ cười. Nụ cười thoáng lên như ánh sao chớp rồi tắt mất. Em tin sẽ có dịp giải thích cho Ái hiểu rõ.
Nhờ vóc dáng nhỏ nhắn và có tên cùng bắt đầu bằng chữ đầu mẫu tự nên hai đứa được xếp ngồi gần nhau ở bàn đầu dãy giữa, chúng em có cảm tưởng như đang dự phần vào cuộc khánh thành một lớp học mới. Nơi đây cái gì cũng đẹp, cũng mới. Từ nước vôi màu vàng tươi trên vách đến cái bảng đen loang loáng ánh mặt trời rạng đông. Từ dãy bàn ghế cách quãng đều đặn đến khung cửa sổ có nhiều rặng cây căng gió, đến nền gạch Tây sạch bóng, mát mắt. Nhất là cái chỗ em ngồi, ngay từ đầu em đã ưng ý vô cùng, thật là một chỗ lý tưởng cho việc học hỏi. Em đã hít thật mạnh mùi gỗ mới nồng nồng, ghé mắt dõi theo những chú mọt lủi nhanh trong các khe hở và áp má lên mặt bàn trơn mát. Hồi đó, tụi em vẫn hay có trò chơi thế nầy trong những giờ nghỉ: hai đứa cùng áp tai lên hai đầu bàn. Thế là lúc đó đứa ở đầu nầy muốn nói gì hoặc muốn hát hỏng gì đứa ở đầu kia nghe cả. Nhưng nếu nhấc đầu lên khỏi bàn thì chả nghe được gì hết. Lúc soeur Agathe loay hoay dọn dẹp chỗ ngồi thì em nẩy ra ý định cùng chơi với Ái trò chơi nầy nhưng con bé không trả lời. Có lẽ Ái đang nhìn theo bọn học trò mới lần lượt kéo vào lớp, im lặng nhưng không giấu nổi nét hân hoan. Hình như có ai thọt lưng em bằng cây thước kẻ, em quay lại liền để kịp nhận ra khuôn mặt vui mừng của Hòa, Như Hòa, nhỏ bạn thân nhất của năm Đệ Thất. Hai đứa vẫn bị tụi bạn hiểu lầm là hai chị em vì tên có chữ lót giống nhau. Cũng từ đó mà hai đứa chơi thân, nhưng tiếc một cái là Như Hòa ở ngoài, không ở nội trú như em. Con bé tì cằm sát mặt bàn, liến khỉ:
- Ê nhỏ, làm gì mà mau lớn quá vậy?
Em cũng trừng mắt, làm ra vẻ dữ tợn, nhưng nói thật khẽ:
- Chứ còn mi, cái mặt sổ sữa như vậy chắc là bò theo má tối ngày…
Con bé cười khúc khích, phát một cái vào vai em để em kịp nhận thấy khuôn mặt soeur Agathe quay lại. Hai đứa hoảng hồn ngồi im. Em ném một cái nhìn áy náy về phía Thúy Ái. Nhưng mặt cô bé vẫn như thường nhìn sau lưng quyển tập mới, chắc đang tính toán để chép thời khóa biểu. Em cũng soạn ra một quyển tập và bắt đầu viết.
Chuông đổ, rồi thì tiếng đọc kinh vang lên. Đó là một thông lệ của trường mà bao giờ em cũng yêu quý. Có ai biết được tâm trạng bồi hồi, cảm xúc riêng em khi nhìn thấy được nơi những kẻ cùng đọc một kinh, cùng hát một điệu với mình tình đoàn kết kín đáo, sâu xa? Có ai biết được nỗi rung động của em khi chính ở giây phút nầy biết được mình chắc chắn vẫn được sống, chạy nhảy, nô đùa ở nơi mà em hằng nhớ thương, quyến luyến? Bất giác, em đưa mắt nhìn Ái. Cho đến sau nầy, mỗi khi nhớ lại, em vẫn còn cảm thấy được sự thích thú lúc ấy khi khám phá ra một điều lạ: Ái không biết đọc kinh. Có lẽ lần đầu tiên cô bé học trường đạo. Tuy không đọc nhưng cô bé không có vẻ bối rối lắm, Ái đứng cúi đầu, điềm nhiên chắp tay và thỉnh thoảng liếc nhanh về phía soeur Agathe. Em tin cô bé đang nghe những lời cầu nguyện chúng em bằng tất cả tâm hồn nhạy cảm thiết tha khi thấy Ái chớp nhanh đôi mắt mấy lần. Rồi đây Ái sẽ quen dần, như em cũng đã quen dần…
Đây là giây phút mở đầu cho một niên học. Giọng soeur Agathe trang nghiêm nhắc lại những qui củ của trường. Lớp học im phăng phắc. Em nghe được tiếng gió lùa vào lớp học và những sợi nắng mềm mại, óng ả phơi mình lên nền gạch, nền gỗ mát rượi. Tiếp đó là những quyển tập cần thiết cho niên học và tác giả các quyển sách. Khi soeur viết lên bảng, em nghiêng đầu sang Ái:
- Soeur đâu có dữ lắm, hén Ái?
Hình như Ái không nghe, khuôn mặt cô bé bằng phẳng, lạnh lùng như những sợi gió lao nhanh ngoài khung cửa mà không đi vào lớp học. Em lại hỏi, lần này hơi to:
- Bộ Ái giận Như An cái gì, hả? hả?...
Lần nầy cô bé mới giật mình nhìn em cười thật tươi:
- Đâu có…
Em không tin:
- Thật không?
Ái vẫn cười tươi, đôi mắt thật ấm áp làm em an lòng:
- Thật mà…, giận thì Ái phải nói ra chứ…

3
Ái đã bắt đầu có bạn. Điều đó hẳn nhiên. Dễ thương như Ái thì có thiếu gì bạn. Mỗi lần quây quần bên đám bạn cũ, em không còn không an tâm vì để Ái đứng lặng lẽ một mình. Có lẽ nhờ cách nói chuyện và nhờ cả đôi mắt của Ái. Chính Hạnh cũng nói:
- Trời ơi, Như An có cô bạn đôi mắt dễ thương quá cơ!
Lập tức, em kéo nhỏ Hạnh đến bên Ái:
- Ái này, Hạnh khen đôi mắt của Ái… ghê… ghê lắm đó!
Hai má cô bé không tránh khỏi hồng lên:
- Mắt Ái xí hoắc hà…, Ái thích mái tóc của Hạnh thì có. Mỗi lần Hạnh kẹp nơ đen Ái cứ ngắm hoài vậy đó nha…
Không biết con bé Hạnh “khoái” Ái đến mức nào nhưng chỉ vài ngày sau nghiễm nhiên cô bé có một cái nơ nhung đen, còn đẹp hơn cái của Hạnh, kẹp gọn gàng mái tóc xõa ngang vai. Em ngạc nhiên lẫn thích thú:
- Của Hạnh đó hả Ái, Ái kẹp trông xinh quá đi.
Cô bé gật đầu vui vẻ rồi hỏi em:
- An có muốn một cái như thế không?
Em buồn cười đưa tay xoa mái tóc ngắn ngủn:
- Tóc Như An thì làm gì mà cần đến kẹp nữa chứ…
Không những bạn Ái mến Ái mà còn cưng cô bé nữa. Có một lần em thấy nhỏ Hà ở cuối lớp lễ mễ cho Ái một gói khoai mì. Em ngồi quay lưng lại nhưng cũng nghe loáng thoáng tiếng reo vui của Ái khi mở gói khoai mì:
- Á, khoai mì… Ái thích ăn cái nầy nhất đó… Khoai mì bột phải không Hà?
Hình như con bé Hà khoái chí mỉm cười. Tiếng Ái xích lại gần em nhường chỗ cho Hà rồi đon đả:
- Hà ngồi xuống đây nầy… Hai đứa mình ăn chung… À, Ái quên…
Ái quay sang em. Không hiểu sao lúc đó em làm ra vẻ như nói chuyện với nhỏ bạn để khỏi ăn với Hà và để ném câu trả lời gọn về lời mời của Ái:
- …Ái ăn đi, An ăn sáng còn bị tức bụng đây…
Dường như câu trả lời em nó làm sao ấy, nhưng Ái vẫn thản nhiên:
- Vậy hả?
Và lần sau nữa, lần Ái xuống ngồi cạnh Hà ở bàn cuối trong giờ Đức Dục. Giờ nầy do soeur Eliz dạy và vì chỉ phải lắng tai nghe nên bọn em được phép muốn ngồi đâu cũng được. Ái chỉ nói với em câu:
- An à, Ái ngồi xuống dưới nầy nha…
Nói xong Ái cười nhìn Hà rồi ôm cặp sách xuống dưới. Lần đầu tiên em cảm thấy giận Ái và cũng lần đầu tiên nụ cười, ánh mắt của Ái không làm cho em mềm lòng tin tưởng như xưa. Em vẫy Như Hòa:
- Hòa ơi! Lên nầy với An đi…
Rồi em rụt vai ra vẻ sợ hãi:
- Ngồi một mình, Như An sợ ánh mắt Dì Eliz lắm cơ…
Như Hòa thật dễ yêu, con bé phóng lên ngồi cạnh em với một chút ngạc nhiên:
- À, còn Thúy Ái đâu, Hòa nhớ mọi hôm Ái ngồi đây với An mà?
Em trỏ xuống bàn cuối trong lúc mắt vẫn nhìn thẳng:
- Ái ngồi dưới với Hà rồi…
Nói xong câu đó, thốt nhiên tim em quặn lên, nhói buốt. Em không hề cảm thấy xấu hổ vì không bao giờ em có ý ganh với tình cảm sâu đậm bạn bè dành cho Ái. Một Thục hồn nhiên, một Như Hòa bé bỏng, đáng mến đã chẳng đầy đủ cho em lắm sao. Nhưng điều làm em lo sợ… lo sợ vô cùng là Ái không còn thân với em nữa thôi. Ngày em lo sợ không còn xa, bắt đầu bây giờ nó đã lởn vởn trước mắt làm em quay quắt xót xa.
Chú Giao, chú Giao, ngày cháu bước chân vào trường, cháu đã nhủ thầm, đã hứa với mình phải rán học để không phụ lòng chú, thiếm mong mỏi, nhưng giờ đây con bé Như An của chú đang buồn bã bởi cái gì không đâu. Nhưng nhất định cháu sẽ không để chú thất vọng, cháu sẽ bỏ hết, sẽ rán học, mất Thúy Ái này cháu sẽ còn những Thúy Ái khác nhưng sự học thì không, như chú đã từng nói khi xưa cháu còn quanh quẩn bên chú ở nhà, chú nhớ không?

4
Đã nhủ với mình thật nhiều nhưng em không tránh khỏi buồn lòng khi ra khỏi phòng ăn sau bữa cơm chiều mà chả thấy bóng Ái đâu. Chắc lại nhập theo bọn Thục, Hạnh. Có một cái gì nghèn nghẹn nơi cổ và lành lạnh trong lòng vướng vít theo em trong suốt quãng hành lang từ phòng ăn lên lầu, đến phòng chúng em. Quyển sách giảng văn ôm trong tay, em đứng lại thật lâu bên các cây cột cao vút chia bầu trời lộng gió trước những căn phòng thành những vuông nhỏ. Ngay trước mắt em là ngôi nhà thờ mà tháp chuông nhọn hoắt có đính con gà trên đỉnh. Nơi đây những buổi chiều thật buồn cuối năm, em đã đi nhón lên bằng mười ngón chân bấu chặt xuống đất, để nhìn rõ cái chuông to được giật qua giật lại, trước ánh mặt trời hoàng hôn tạo thành những lát nắng linh hoạt bên nầy vách nội trú. Nơi đây, em đã từng rung động trong một thứ cảm giác sâu xa để nhớ tới tuồng hát bóng, trong đó, anh chàng phi công có nhiều tình thương đã vì leo lên đỉnh nhà thờ lấy con gà theo ước muốn cô bé nên té chết trong đêm sinh nhật huy hoàng. Ô! Tại sao nơi nào em đi qua cũng là một vùng trù phú kỷ niệm trong tư tưởng. Có lẽ rồi đây em sẽ dừng lại nơi nầy để nhớ có một lần đã nhìn ngắm cảnh vật chung quanh trong những nỗi buồn phiền.
Nắng đã tắt, bầu trời xanh trong như chưa bao giờ được xanh đến thế. Những ngọn cây im sững khô khan chợt nhẹ chuyển mình theo những làn gió, em cũng vội vã vào phòng. Ái nằm trên giường với quyển quốc văn mở rộng trước mắt, những sợi tóc cô bé loang loáng nước bồng lên, trải dài trên tấm khăn phủ trên gối nằm trông yêu lạ. Ái không có vẻ gì đáng ghét của những ngày qua, trái lại, còn dễ thương, mũm mĩm như một con mèo nhỏ, chắc cô bé vừa mới tắm. Cơn tinh nghịch nổi dây, em núp nơi đầu giường rồi òa một tiếng to. Ái bật dậy liền nhưng chả có vẻ gì hoảng hốt:
- Ơ… Ái biết An từ hồi An mới vô phòng lận cơ, nhưng Ái giả bộ nằm yên…
Em cười tươi với Ái như chưa hề giận Ái bao giờ:
- Bộ Ái mới tắm hả?
Ái tuột khỏi giường, vừa lục lọi chồng tập, vừa đáp:
- Ừ, tắm buổi chiều mát ghê ấy… rồi ngẩng đầu nhìn em Ái tiếp – hồi chiều, Hạnh có đưa cho Ái tờ giấy nầy này…
Em sững người giây lâu rồi tiếp lấy tờ giấy:
“Ái ơi, Hạnh đề nghị với Ái là Thục với Ái đổi phòng đi, để Thục qua ở với An, nếu chịu, ngày mai tụi mình xin với soeur Giám thị nghe?”
Tối mặt giây lâu, em mới mở mắt ra được để xếp lại tờ giấy đưa cho Ái. Ái hóm hỉnh:
- An nghĩ sao?
Nghĩ sao? Nghĩ sao?... Cảm giác nhói buốt mấy hôm nay tưởng đã chìm mất chợt xuất hiện trở lại. Em có cảm tưởng không thể tiếp tục làm bất cứ chuyện gì: học bài, làm bài lúc này. Tốt hơn là đi ngủ sáng dậy sớm. Em thu dọn mấy quyển sách trên bàn rồi trở lại giường mình. Em chưa trả lời câu hỏi của Ái. Ái lập lại:
- An nghĩ sao??
“Nghĩ gì nữa!”. Em muốn hét thẳng vào mặt Ái câu trả lời như thế. Khuôn mặt mà con Hạnh, con Hà khen là xinh là dễ thương sao bây giờ khô khan chi lạ. Lát sau em quay mặt vô vách:
- Tùy ý Ái. An sao cũng được…
Cơn giận bùng cháy trong lòng, không suy nghĩ, em phang thêm một câu:
- Hay là Ái thu dọn đi bây giờ cũng được, rồi mai xin phép soeur Giám Thị…
Ái chỉ đáp bằng tiếng cười khẽ gượng gạo. Nói xong, em vội vã buông mùng là nước mắt trào lên mi. Có phải đây là một kết thúc tình bạn mà em hằng lo giữ như một báu vật trong đời? Có phải ngày mà em lo sợ là ngày hôm nay không? Ái thân với Hạnh thế nào để rời bỏ cô bạn ngày đầu niên học dễ dàng như thế? Hay là Ái không có một trái tim với cùng một tâm tình, một khối óc như em? Chú Giao ơi, có lẽ đây là giờ phút cháu của chú phải đương đầu. Cháu chỉ cầu mong cho chóng qua để lấy được bình thản trong việc học…
Em ngủ mệt mỏi với cơn giận hờn và với giọt nước mắt trên mi. Trong lúc ấy, tiếng dép Ái kéo sột soạt trong phòng, có lẽ Ái suy nghĩ ghê lắm, vì khi em ngủ được một giấc ngắn, tỉnh dậy, tiếng dép vẫn còn. Nghe tiếng em động đậy, Ái nhìn về phía giường rồi tiến đến bên em, cặp mắt giương to long lanh. Em vờ như còn ngủ, lăn một cái quay mặt vô tường. Em cũng biết là Ái đã đoán được em đã thức, cô bé thông minh lắm mà. Quả nhiên Ái gọi:
- Như An nầy…
Em ra vẻ không nghe để không thèm trả lời thì Ái tiếp:
- … Cho Ái hỏi cái nầy, chút xíu.
Trong em đã có một chủ tâm nên em bước xuống giường, vén lại mái tóc lòa xòa, nhìn Ái, vờ ngạc nhiên:
- Ái hỏi gì?... Chưa dọn đi sao?
Hình như Ái đã định phân trần nhưng câu hỏi xóc óc của em làm Ái thay đổi ý định. Ái đỏ mặt giận dữ:
- … Tại sao An lại hỏi Ái câu đó? An có nhớ kỹ là Ái chỉ đưa An xem tờ giấy chứ? Hay là An coi phòng nầy của An rồi muốn đuổi ai thì đuổi??...
Em cũng cứng cỏi:
- Làm sao An dám coi phòng nầy của An được, nhưng Ái hỏi An nghĩ sao thì An đồng ý là Ái nên “đi theo” Hạnh rồi mà?
Ái càng sùng hơn:
- A, Hạnh là gì của Ái mà Ái phải đi theo? An đừng có coi thường Ái quá như vậy…
Em chống tay, mỉa mai ném một cái nhìn về chiếc nơ đen đặt trên bàn học của Ái:
- Nghe nói mấy người thân nhau còn hơn chị em nữa mà…
Ái sấn tới hùng hổ:
- Rồi sao?? Việc gì tới An nào? Bộ An tức hả?
Rồi Ái quay lại bàn ôm hết sách vở, bút mực trong tay. Trước khi đóng cửa phòng lại, Ái còn quay vào, quyết liệt:
- Ái qua phòng Hạnh đây, mai mốt Ái sẽ dọn hết đồ đi, An ở với Thục cho vừa lòng…
Tức quá, em run giọng nhưng cũng rán hét một tiếng:
- Kệ… ệ Ái chứ!!
Xong, em phịch xuống đất nức nở. Em đã muốn giây phút nầy qua mau, êm thắm mà tại sao em làm như vậy? Bề gì thì Ái cũng đi thật rồi, dù có ra sao đi nữa. Không có Ái, căn phòng bỗng rộng thênh thang, từ chỗ Ái ngồi học đến chỗ Ái nằm. Ái không biết An thương Ái như thế nào. Thục có dễ thương nhưng làm sao thế Ái được?
- Có ai ở trong phòng không? Sao mở cửa thế nầy?
Tiếng soeur giám thị vẳng vào từ ngoài hành lang. Em quệt vội nước mắt tiến ra, có lẽ tại ban nãy Ái đóng không khít. May quá, soeur giám thị chả để ý gì cả khi em cố gắng cười tươi tỉnh một cái cho soeur an tâm:
- Dạ, tai con quên khóa, thưa soeur…
Tiếng giày soeur xa dần trả lại cho căn phòng vẻ im vắng. Không dằn được, em lăn lên giường Ái, nước mắt trào ra ướt cả gối Ái. “Kệ! Không có Ái mà!” em tự nhủ thế với mình để được khóc tiếp, khóc cho ướt hết đồ đạc của Ái.
Lại có tiếng động cửa, chắc là Thục nên em thôi thút thít nhưng vẫn úp mặt lên giường không thèm nhìn ra. Tiếng người mới đến chợt vang lên nhẹ nhàng như tiếng bà tiên Hiền Dịu:
- An nầy…
Em nhất định không thèm nhìn lên, hình như “người ta” ngồi lên giường và kề đầu bên em vì cái giường rung rung nhẹ, mãi đến khi câu nói được lập lại lần thứ hai, em giật mình kêu lên:
- Ái hả?
Con bé cười như không hề có chuyện giận hờn xảy ra:
- Ừ, Ái đây, còn giận Ái không?
Em cũng ngồi dậy, cũng gắng gượng cười giữa hai hàng nước mắt chảy dài trên má:
- Còn…
Đôi mắt Ái chợt sáng lên rực rỡ:
- Ái thử An đó mà, ai ngờ An giận dữ như vậy…
Em nhìn Ái trách móc:
- Ái xạo, Ái đi thật…
Con bé thoáng phụng phịu rồi lại cười:
- Ái nói thật… Tại lúc trước An bỏ Ái có một mình, An đi theo bạn của An không hà!
Em bỗng nghe giận giận trở lại:
- À, rồi Ái chọc tức An hả?
Mặt Ái sa sầm rồi cô bé nhẫn nhịn:
- Xin lỗi An, lỗi tại Ái, tại Ái tức An quá!...
Nữa, mỗi lần nói tới chữ tức, Ái ra vẻ như tức ghê lắm, cặp môi mím lại, hai lông mày Ái nhướng lên, em mắc cười quá:
- Ừ, hồi nãy Ái đi đâu vậy? Soeur giám thị có đi ngang phòng mình đó!
Ái giật mình một chút rồi cô bé rút cả hai chân lên giường, nụ cười đầy nét thoải mái:
- Vậy hả?... À, Ái ôm sách đánh một vòng dưới sân, dưới sân mát ghê, lát sau Ái trở lên… cũng hên, hổng đụng đầu soeur Giám thị, thấy thôi, thế nào cũng bị la…
Trong lúc em chùi chùi nước mắt, Ái nhìn em chăm chú rồi cô bé kêu lên:
- Ay! Người ta chưa khóc vì bị đuổi thì An lo khóc trước rồi à…
Em cười sau mép áo đưa lên mắt:
- Tại người ta tức quá chứ bộ…
Ái nhìn quanh giường cười cười với câu nói đầy vẻ trách yêu:
- Trời ơi, khóc ướt gối người ta hết, Ái mà để lâu chút nữa chắc trôi cả giường Ái xuống lầu…
Em có vẻ bướng nói với Ái trong lúc cô bé bò quanh giường sắp xếp mền gối cho thứ tự.
- Cho rán chịu…
Trong ánh sáng dịu của néon lọc qua mấy lớp vải mùng, khuôn mặt nghiêng nghiêng của Ái dễ thương quá chừng. Cơn nắng gắt qua rồi. Chúng em đang sống trong bóng mát của hạnh phúc yên bình.

5
Chưa bao giờ em run như thế nầy, hai bàn chân mang tất mà vẫn còn cảm thấy lạnh. Gió buổi sáng đùn mây xám thành từng cụm trên trời. Em có cảm tưởng những tảng mây ấy sắp chui vào lớp học phủ mờ lên quyển Quốc văn chưa thuộc một chữ đặt trước mặt. Em đã cúi xuống, đã đọc một vài dòng nhưng chả nhét được chữ nào vào óc, chả thu chữ nào vào đôi mắt cay xè còn len lén những giọt lệ ban tối chạy quanh mi. Em nhìn sang Ái bên cạnh, chắc cô bé cũng cùng tâm trạng nhưng nét mặt Ái bình thản vô cùng nếu không nhìn cặp môi mím chặt và đôi mắt long lanh dõi theo chiếc bút chì dò tên học trò trên quyển sổ điểm của soeur Agathe.
Chiếc đầu bút chì ấy chợt được nhấc lên, miệng soeur Agathe bật ra:
- Trần Thúy Ái.
Hai bàn tay chúng em nắm nhau dưới gầm bàn rời ra, Ái nhẹ nhàng đi lên, mặt con bé bình tĩnh lạ thường:
- Thưa ma soeur, con quên học bài…
Mắt soeur tròn lên sau cặp mắt kiếng, mặt soeur tái ngắt rồi đỏ lên, soeur gằn giọng:
- Tại sao?
Ái im lặng, con bé cũng khôn, nói nữa chỉ tổ bị la. Soeur hầm hầm:
- Lát nữa con phải trả lời cho soeur biết về việc nầy…
Chiếc đầu bút chì lại dò dẫm một cách đáng ngại trên quyển sổ, tiếng ma soeur:
- Đặng Như Hòa…
Con bé Hòa điềm tĩnh đi lên, vẻ điềm tĩnh của kẻ thuộc bài, em chắc thế, và quả nhiên con bé trả bài ron rót. Mặt ma soeur dịu lại:
- Giỏi.
Xong soeur xếp quyển sổ và lên giọng:
- Chúng ta học bài mới.
Hình như có tiếng thở phào của cả lớp. Nhưng lần nầy, em chỉ biết thở dài nhìn sang Ái. Mặt cô bé vẫn lạnh lùng nên khó ai đoán được đang nghĩ gì, nhưng em, em biết cô bé đang toan tính những lời nói với ma soeur lúc cuối giờ. Đó cũng phải là lời của em nữa.
Giờ mà chúng em chờ đợi một cách hồi hộp đã đến. Ma soeur vẫn còn ngồi trên bàn, chăm chú nhìn quyển Quốc văn như chờ đợi. Đứa học trò cuối rời khỏi lớp, em nhìn Ái rồi tự động tiến lên, quỳ bên bục gỗ cạnh ma soeur. Em nhìn Ái lần nữa, cô bé thoáng ngạc nhiên rồi chợt hiểu, cũng vội vàng quỳ phía bên kia. Em nói, không dám nhìn mặt ma soeur:
- Thưa ma soeur, con cũng hổng có học bài…
Nói xong, em len lén nhìn ma soeur, vẫn im lặng như chờ đợi. Bây giờ Ái mới lên tiếng:
- Dạ thưa tại hồi tối, hai đứa con… – Ái liếc em như cố giấu nét cười – , dạ hai đứa con giận nhau.
Câu hỏi soeur Agathe thật hợp lý:
- Giận nhau nên không học bài ma soeur sao?
Em thong thả:
- Dạ tụi con xin lỗi ma soeur, tại con tức Ái quá, con đi ngủ sớm, sáng quên, thức dậy muộn.
Ái như đoán trước câu hỏi ma soeur:
- Thưa ma soeur, con cũng tức An quá, con bỏ phòng đi xuống sân, tới giờ đi ngủ mới lên.
Ma soeur thở dài, giảng dạy:
- Các con đã thấy là hành động các con dại dột hết sức chưa, chỉ vì giận nhau mà bỏ cả học hành…
Hai đứa chỉ biết khoanh tay nhìn xuống đất, soeur Agathe lại tiếp giọng dịu dàng:
- Lần nầy ma soeur tha, vì là lần đầu, lần sau ma soeur phạt đó. Nhưng các con phải hứa với ma soeur là từ nay sắp tới phải thuộc bài luôn luôn, dù có việc gì chăng nữa…
Lời của ma soeur nhẹ nhàng nhưng thấm thía vô cùng, như thở trong những mạch máu, lên tim lên óc. Em mắm môi, đoan chắc:
- Thưa ma soeur, con xin hứa.
Ái cũng nhỏ nhẹ:
- Dạ, con cũng xin hứa.
Ma soeur vui vẻ:
- Thôi đứng lên đi – soeur nhìn em – mà hai đứa con hết giận nhau chưa?
Em cười thật tươi với Ái rồi nhìn ma soeur:
- Dạ hết rồi, chúng con cám ơn ma soeur…
Hai đứa phủi vội các hạt bụi bám trên đầu gối, xuống bàn ôm cặp rồi chạy nhanh ra cửa. Thục, Hạnh vẫn còn đứng chờ bên ngoài. Bọn nó dò hỏi:
- Ma soeur tha rồi hả?
Ái gật đầu lia lịa:
- Chứ sao… ma soeur nói là lần đầu…
- Ma soeur hổng phạt chép gì cả sao?... Thục vặn.
Em tươi tỉnh:
- Ừ, ma soeur chỉ răn hai đứa thôi hà.
Rồi em ghé tai Ái, lập lại câu nói hôm nào:
- Ma soeur đâu có khó, hén Ái!
Xếp quyển công dân trả lại cho Ái, em vui vẻ:
- Ái thuộc làu ghê vậy đó.
Con bé hồn nhiên, tiếp lấy quyển công dân:
- An còn thuộc hơn Ái nữa kia, Ái phải học cho bằng An chứ!
Đút quyển tập vào hộc tủ, Ái trở lại, tì cằm trên giường em:
- An nầy, chiều nay An về hả?
Em ngồi dậy nhìn Ái:
- Ừ, bộ Ái hổng về sao?
Ái quay đi, gương mặt có vẻ buồn mà phảng phất vẻ suy nghĩ:
- Hai tuần Ái mới về một lần.
Em dò dẫm:
- Ba Má Ái rước?
- Ừ.
Viên sỏi ném xuống đáy của em bỗng vỗ lên những lớp sóng trên mặt hồ ; Ái xoay lại, nhìn thẳng vào đôi mắt em:
- An nầy, có bao giờ Ba Má thật thương con mà không muốn con ở gần mình không?
Viên sỏi chính nó bỗng bị xô đẩy bởi lớp mặt sóng, em run rẩy:
- An… An không biết…, đừng hỏi tới Ba Me của An.
Mắt Ái giương to, sửng sốt trong nỗi kinh ngạc vô cùng nhưng không lấp được một chút tò mò quan sát nào đó. Nhưng Ái không hỏi han nữa, cô bé dịu dàng:
- Xin lỗi An, Ái không biết…
Trong bầu không khí khô nóng của căn phòng dưới ánh mặt trời buổi trưa, Ái lẳng lặng tiến đến mở quạt rồi leo lên giường mình. Chỉ lát sau, em nghe được tiếng thở se sẽ đều đặn của cô bé. Hai bàn tay em vẫn còn lạnh ngắt. Có tiếng loa gọi tên em ở dưới phòng Giám Đốc, chắc chú Giao đến rước. Em vội vã cho những sách vở phải học ngày Chủ Nhật vào giỏ xách. Ái đã ngủ say, em muốn chào cô bé nhưng sợ làm mất giấc ngủ nên nhìn lần nữa rồi nhè nhẹ bước ra, khép khẽ cửa phòng.
Bên ngoài nắng thật chói, em cúi đầu, lầm lũi đi nương theo bóng những nhánh điệp chĩa vào hành lang, cười đùa, ngả nghiêng theo gió, như chưa từng buồn.

_______________________________________________________________________________ 
Còn 1 kỳ 


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 138, ra ngày 1-10-1970) 

Tranh bìa của Vi Vi : Cúi xuống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét