Tôi đang ngồi đọc báo trong nhà, bỗng con Tuyến, cháu nội cô Ba tôi, chạy vào mếu máo mách:
- Chú Phương ơi, anh Thắng ảnh đánh Tuyến!
Tôi buông tờ báo, đứng lên:
- Cha chả, cái thằng ăn hiếp em há!... Thôi nín đi cưng, để chú xử tội nó.
Đoạn tôi bước ra ngoài tìm thằng Thắng. Thấy nó còn đứng trước sân, lấm lét nhìn vào, tôi quát:
- Thắng, vô đây!
Nó ngần ngại, coi bộ muốn bỏ chạy đi. Nhưng rồi, có lẽ liệu chắc khó thoát khỏi tay “già” chú có cặp giò sếu vườn nầy, nên nó ngoan ngoãn đi vào. Nó vừa đến gần, tôi lấy mặt hầm hầm, quắc mắt hỏi:
- Sao mầy đánh em, hả?
Nó bướng bỉnh nghênh mặt, trả lời một hơi:
- Ai biểu nó đạp mấy cục đạn đất của tui. Công người ta ra ruộng móc đất sét về, vò nắn cả buổi mệt thấy mồ, mới đem phơi, nó chạy ngang đạp dẹp đép hết trọi, tức hôn?...
Con Tuyến xen vào:
- Tại em hổng thấy mà, anh phơi ngay đường đi ai mà biết.
- Chỗ đó có nắng, tao phơi chứ sao. Con gái gì mà đi hổng coi trước coi sau, nhảy choi choi như con khỉ!
Tôi nạt:
- Thôi im! Kiếm chuyện rầy trở lại người ta để chạy tội hả?... Chuyện có thế cũng đánh em. Vậy mà mầy nói thương nó lắm đa!
Thắng cúi đầu, lặng thinh một lúc rồi nói:
- Tui đâu có muốn đánh nó…
Tôi cười:
- Không muốn đánh mà phát vào lưng người ta đau đến khóc được. Mầy nói nghe lạ quá!
Nó giải thích:
- Hồi đầu tui chỉ dọa nó thôi. Tui nói: “Tao vố mầy một bạt tai bi giờ”. Nó hổng sợ, còn nghinh nghinh bảo: “Ừ, ngon đánh đi, dám dữ!”. Tức quá, tui mới thụi đại nó đó chứ bộ.
Nghe xong, tôi quay sang la con Tuyến:
- Tuyến, đáng kiếp lắm! Sao thách nó chi vậy?
Giọng tôi biểu lộ cả một sự trách móc ghét giận, vì chính thật lòng tôi lúc ấy bỗng dưng tràn đầy bực tức. Con bé đã bị anh đánh còn thêm chú Phương rầy nữa, uất ức khóc òa lên. Nhìn cái miệng nhỏ mếu xệch, đôi mắt ướt nhòe của nó, lòng tôi dịu lại dần. Hơi hối hận, tôi đưa tay vuốt tóc nó, nhưng chẳng nói chi. Đầu óc tôi mải để đâu đâu, những chuyện xa xưa, những hồn ma cũ vụt hiện về trong tâm tưởng.
Tôi rầy con Tuyến không phải vì bênh thằng Thắng. Lâu nay tôi vẫn cưng nó hơn thằng anh nghịch ngợm của nó nhiều. Tôi gay gắt với nó, chỉ vì một nguyên nhân sâu xa đã ghi đậm vào hồn tôi một ấn tượng không tốt, đối với bất cứ một lời thách thức nào, của ai. Tôi vừa chợt nhớ đến Thảo, cô bạn gái nho nhỏ ngày thơ. Kỷ niệm ấu thời theo đó lại đến, khuấy động hồn tôi bao nỗi xót xa buồn giận.
*
Hồi đó tôi đâu tám chín tuổi, Thảo cũng xuýt xoát vậy. Nhà hai đứa ở gần, thường chơi đùa với nhau, thân lắm. Tôi chỉ có mình Thảo là bạn lối xóm – mẹ tôi không muốn tôi giao thiệp với tụi trẻ du côn quanh đấy – nên tôi dành trọn cảm tình cho Thảo. Tôi mến Thảo nhiều vì ưa tánh nết dịu hiền, và cũng vì cảm thương cảnh sống đáng buồn của bạn. Tuy còn bé tôi cũng nhận ra đời Thảo rất khổ, chịu lắm thiệt thòi, bất công.
Nhà Thảo không nghèo kém gì. Thảo có ba má đàng hoàng, và có cả em nữa. Sống trong một gia đình đầy đủ như vậy đúng lý Thảo được sung sướng mới phải, nhưng mà ngược lại : Thằng Phúc, em Thảo, được ba má tưng tiu nuông chiều bao nhiêu thì Thảo bị đối xử tệ bạc bấy nhiêu. Ba Thảo hờ hững với Thảo như người dưng không bằng. Má Thảo thì hở một chút là đánh đập, chửi bới Thảo, chẳng khác nào một bà mẹ ghẻ ác độc. Lâu lâu tôi lại nghe Thảo bị đòn. Đứng bên nhà mình, tôi hồi hộp nghe rõ tiếng Thảo khóc ré lên, xen lẫn tiếng dì Ba Cang, má Thảo, rít lên giận dữ. Thường là:
- Tại sao mầy bỏ đi chơi, không đưa võng em?
- Đồ bò, để em té vậy hả?
- Tao mượn xách có thùng nước mà cũng cằn nhằn cửi nhửi… Nầy, nầy… cho bỏ cái tật làm biếng…
Những lúc ấy tự nhiên tôi cảm thấy ghét giận cái dì Ba đó quá. Tại sao dì nỡ tàn nhẫn với con thế? Mẹ tôi không bao giờ đối xử với tôi như vậy. Những lần tôi phạm lỗi mẹ chỉ rầy rà khuyên bảo thôi. Song như vậy mà tôi sợ, cố gắng không làm mẹ phiền lòng nữa. Tôi nhớ, từ nhỏ tới lớn hình như tôi bị mẹ đánh đòn đâu có vài lần, và lần nặng nhứt là lần tôi bắt chước tụi trẻ trong xóm dùng lời tục tằn với chị tôi. Mẹ đánh chẳng nương tay, giận dữ bảo:
- Ở nhà nầy không có cái thứ ăn nói như vậy, nghe không!
Bị nếm đòn phen ấy, tôi khó quên được : Những lằn roi quất vào mình rát như xé thịt, đau điếng người đi. Tôi bị có mấy roi mà “tởn tới già”. Còn Thảo bị đòn liền xì chịu sao nổi?
Mà thật ra theo tôi thấy, Thảo có vô dụng lười biếng gì đâu? Hằng ngày Thảo phải giữ em, giúp đỡ lặt vặt cho ba má, còn gì nữa? Đành rằng đôi khi Thảo cũng phạm lỗi lầm, nhưng con nít làm sao tránh được điều đó.
Nhận thấy cảm tình của dì Ba, dượng Ba đối với Thảo có cái gì lạt lẽo làm sao ấy, có bận tôi hỏi mẹ:
- Mẹ, sao ba con Thảo coi bộ hổng thương nó, hổng để ý gì đến nó hết, còn má nó dữ với nó quá…
Mẹ gạt ngang:
- Thôi nè, con nít đừng tìm hiểu chuyện người lớn làm chi.
Không bỏ được sự tò mò, một hôm tôi hỏi ngay Thảo:
- Nè Thảo, phải dượng Ba, dì ba là ba má mầy thiệt không, sao mà… kỳ vậy?
Chúng tôi vẫn quen xưng hô mầy tao thế. Thảo có vẻ buồn, đáp:
- Ba tao thì tao hổng biết có phải thiệt hôn, chứ má tao thì tao chắc thiệt. Tao có thấy hình chụp má tao ẵm tao hồi nhỏ mà.
- À, hay ba má mầy là ba má ghẻ đó? Tao nghe người ta nói ba má ghẻ ghê lắm, hổng có thương con.
- Tao cũng hổng hiểu… Mà ba má ghẻ là ba má làm sao hả Phương?
- Ờ, là… thì… để bữa nào tao hỏi mẹ tao coi.
Quả thật thuở đó tôi không biết cha mẹ ruột, cha mẹ ghẻ là thế nào. Nhiều khi tôi có ý nghĩ buồn cười: Cha mẹ ruột là cha mẹ có nhiều ruột, cha mẹ ghẻ là cha mẹ có lắm… ghẻ!
Bấy giờ tôi đã đi học. Phần Thảo không nghe dì Ba nói chừng nào cho cắp sách đến trường. Thảo đi học ai coi giữ thằng Phúc? Tôi nghĩ đó là một điều may mắn cho Thảo, và ước sao được vậy. Ở nhà khỏe, đi học mệt nhiều : nào phải học bài, nào sợ thầy phạt, còn bị tụi bạn ăn hiếp nữa. Nhưng Thảo thì xem ra thích đi học lắm. Tôi hay đọc những bài ám đọc ở trường cho Thảo nghe để khoe tài. Thảo mê ghê, đòi tôi dạy lại, học thuộc lòng thôi. Thảo ưa nhất là bài “Con Cò”. Ngồi không, hai đứa thường đọc ăn rập với nhau:
“Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi ông vớt tôi nao!
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.”
Thảo còn năn nỉ tôi dạy học chữ nữa. Tôi cũng chẳng hẹp hòi gì mà từ chối. Vả lại, bỗng dưng được làm thầy giáo, còn chi khoái bằng. Hai đứa dắt nhau đến chỗ vắng, tôi kẻ chữ xuống mặt cát mà dạy Thảo đọc theo viết theo:
- i… đi học, u… đánh đu, ư… cái lư, ơ… quả mơ…
Thỉnh thoảng Thảo đọc hay viết sai, tôi bắt chước giọng ông thầy ở trong lớp, gắt:
- Chà, cái trò nầy dở quá, xè tay ra phạt hai khẻ, hột vịt!
Bị đánh, Thảo không khóc, mà lại cười vì thật ra tôi cũng không nỡ đánh mạnh. Hơn nữa phạt vạ trở nên vô ích với Thảo. Dù tôi không đánh, Thảo cũng tự cố gắng sửa chữa điểm sai lại. Có lúc tôi hỏi:
- Nè Thảo, mầy tính học chữ để làm gì chớ?
Thảo đáp:
- Thì để đọc nhựt trình hay học những bài ám đọc như mầy vậy. À, mấy bài mầy đọc, hay ghê nha!
Tôi nghĩ mà thầm phục sự siêng năng của Thảo. Tôi, hằng ngày đến trường có thầy chỉ dẫn đàng hoàng, tối về lại được mẹ kềm dạy thêm, nhưng tôi ngán chữ hơn ngán cơm nếp, đâu như Thảo vậy.
Tuy phải giữ em, giúp việc cho má, và gần như bị cấm đoán sự vui đùa, nhưng Thảo cũng cố tìm dịp gặp tôi thường để cùng bày trò chơi. Ấy là những lúc tôi nghỉ học, ba má Thảo đi vắng, hay thằng Phúc đã ngủ say. Tuy biết rủ Thảo đi chơi là hại Thảo – dì Ba bắt gặp thì Thảo phải đòn về tội bỏ nhà, bỏ em – song với lứa tuổi con nít đó, chúng tôi không thể dẹp bỏ sự chơi đùa đi được.
Thảo ưa chơi cất nhà chòi. Cô ta đi kiếm cây làm sườn. Còn tôi lén đánh cắp mấy tấm lá chằm dựng sau hè nhà mình đem lợp mái, vừng vách. Cái nhà làm xong, nhỏ như một cái hộp, chỉ vừa đủ hai đứa chui vào ngồi. Với hình dáng méo mó lạ lùng của nó, không biết nên gọi nó là cái nhà không, nhưng bấy giờ chúng tôi lại thấy đẹp, thích chí, mãn nguyện trước công trình xây cất của hai đứa nhiều. Thỉnh thoảng tôi quên lửng đang ngồi trong chòi vụt đứng dậy đi ra. Thế là, tôi đội luôn cả cái mái, cột kèo bị nhổ gốc, ngã xiêu xó hết trọi. Thảo la chói lói. Hai đứa lại phải mất công làm lại.
Có nhà rồi, Thảo đi nhặt lá cây hái hoa “nấu đồ ăn” bán cho tôi. Tôi xin được của mẹ mấy cái chung nhỏ, một lưỡi dao cùn cho Thảo làm vật dụng. Ở trong chòi sửa soạn “hàng quà” xong, Thảo cất tiếng trong trẻo rao:
- Ai ăn chè bột khoai đường cát hôn?...
Hoặc:
- Mại vô mại vô, bánh bò nóng hổi vừa thổi vừa ăn đây!
Tôi đi ngang, dừng lại hỏi:
- Có ngon không mà rao om sòm đó thiếm?
- À, ông Hai, ngon lắm chứ, ông dùng thử thì biết.
Tôi ngồi xuống:
- Đâu múc cho tôi một tô coi nào.
Chúng tôi sống rất thật với cảnh mua bán giả đó. Tiếp lấy tô chè – toàn bằng hoa lá – Thảo trao, tôi vừa giả bộ ăn, vừa cằn nhằn:
- Thiếm nầy, bán cái gì mà mắc đắng!
- Chè ngon mà ông Hai. Lúc nầy đường cát lại lên giá, tôi phải bán mắc một chút để kiếm lời chớ sao.
Nhiều khi đang giữa cuộc chơi, bỗng nghe thằng Phúc khóc ré trong nhà, hay tiếng dì Ba réo gọi, Thảo hoảng hốt vất cả chén bát, bỏ chạy đi. Còn một mình tôi ngồi ngơ ngác như “ngỗng đực”.
Một hôm tôi bày thêm một trò chơi mới. Học được cách xếp tàu ghe bằng giấy của mấy đứa bạn trong lớp, tôi về xếp ngay hai chiếc ghe thiệt đẹp, có lợp mui, có vẽ con mắt đằng trước mũi. Tôi gò gẫm viết lên hông từng chiếc những chữ to : “Của Phương”, “Của Thảo”. Đoạn tôi đem chiếc “Của Thảo” tặng cho cô bạn. Thảo thích thú nhận lãnh, trầm trồ khen ngợi hoài khiến tôi sướng phổng mũi. Thảo hỏi:
- Sao chiếc ghe cũng có con mắt ha?
Tôi giải thích:
- Tao nghe mẹ tao nói thì hồi xưa ở dưới sông có cá sấu cá mập nhiều lắm, người ta phải vẽ mắt cho ghe để chúng tưởng con quái gì hổng dám lại gần… Mà có con mắt, chiếc ghe coi ngộ ghê chứ hén?
Thảo gật gù:
- Ờ, ngộ thiệt!
Tôi rủ Thảo đem thả ghe ngoài ao trước sân nhà tôi – Cái ao nhỏ ấy ngày nay đã cạn mất rồi – Tôi lấy xà bông gắn sau lái ghe. Thả xuống nước, xà bông tan đẩy ghe chạy tới như có máy vậy. Đứng ven bờ nhìn ghe chạy, chúng tôi vỗ tay reo hò như cổ võ. Chợt, Thảo nói:
- Ghe “Của Phương” chạy chậm hơn ghe “Của Thảo”, ê!...
Quả nhiên tôi cũng nhận thấy điều đó và đang tức bực đây : Ghe mình cho người ta lại tốt hơn ghe của mình. Đã vậy người ta còn ngạo mình nữa, ghét chưa! Tôi cãi:
- Ê, tại ghe “Của Phương” chưa xả hết ga.
- Chứ không phải nó liệt máy? Coi kìa, nó chạy rề rề như miếng giấy trôi!...
Tôi đổi giọng:
- Thôi, đừng có làm tàng nghe mậy!
Thảo nguýt:
- Làm tàng cái gì? Có mầy nói hổng lại rồi nổi cộc đó.
Tôi bốc giận, cung tay:
- Ừ, tao cộc rồi mầy làm gì tao? Nói lớ quớ tao xô xuống mương bây giờ.
Thảo hất mặt, trề môi, xê mình lại gần tôi:
- Giỏi xô đi, dám xô dữ à!
Đôi khi hai đứa gây lộn, Thảo cũng ưa thách thức như thế, tôi chịu thua không làm gì. Nhưng hôm ấy, bỗng dưng tôi nóng giận lạ, thấy vẻ mặt khinh khỉnh của Thảo đáng ghét vô cùng. Thình lình, tôi đưa hai tay đẩy mạnh Thảo xuống ao. Chỉ nghe Thảo thét lên một tiếng kinh hoàng. Tiếp đó, một tiếng “ùm”, nước văng tóe vào mặt tôi.
Cái ao không sâu lắm, nhưng đủ làm chết hụt những đứa trẻ cỡ như tôi và Thảo. Tôi thấy Thảo chìm sâu dưới mặt nước, rồi trồi lên, quạt tay chới với, cứ há miệng toan la, nước lại tràn vào òng ọc. Bấy giờ tôi mới hoảng hốt, kêu to lên:
- Mẹ ơi, mẹ!
Mẹ tôi đang ở trong nhà, không kịp mang guốc, tức tốc chạy ra:
- Cái gì vậy?
- Con Thảo té mương!
Bước vội lại bờ ao, mẹ cúi xuống vớ lấy tay Thảo kéo lên. Cô bé ướt loi ngoi, đứng run rẩy, mặt xanh chành còn in rõ nét hãi hùng cùng tột. Sau khi hoàn hồn, Thảo vụt khóc òa, rồi bỏ chạy về nhà mình luôn.
Mẹ tôi nhìn theo, hỏi:
- Sao nó lại té vậy Phương?
Tôi cúi đầu, ngập ngừng đáp:
- Dạ… tại… con xô nó!...
Mẹ trợn mắt:
- Mầy xô nó?,,, Chơi ác vậy hả Phương?
Đoạn mẹ phát vào mông tôi, lôi vào nhà:
- Tội nặng lắm! Tao phạt mầy năm ngày không được đi chơi!
Tôi lặng thinh, lòng hối hận hết sức. Giả thử mẹ phạt tôi mười ngày hay đánh tôi cả chục roi đi nữa, tôi cũng chẳng than van. Tôi tự trách mình sao đang tâm hành động thế ấy. Đã rồi, tôi lại giận Thảo : Một phần cũng tại nó. Bị mình dọa, sao nó không làm mặt giận hờn, bỏ về nhà, “xả” mình ra, có phải mình sẽ xuống nước xin lỗi nó không? Nó lại thách đố nầy nọ làm chi cho nên nỗi.
Tôi đang ngồi cú rũ trong góc nhà để mặc ăn năn xấu hổ dày vò, bỗng nghe Thảo khóc thét lên, cùng tiếng dì Ba mắng chửi vang rõ bên kia. Chắc rằng thấy Thảo chạy về với thân hình ướt đẫm, dì Ba đã hạch hỏi và đánh mắng nó. Nghe tiếng khóc của Thảo tôi càng xốn xang trong bụng. Chợt mẹ tôi từ dưới bếp bước lên, lại nắm tay tôi lôi đi:
- Theo tao, mau!
Tim tôi đập thình thịch, chưa biết mẹ có ý gì thì người đã kéo tôi vào nhà Thảo. Dì Ba đang vũ động con roi, dừng lại, nhìn mẹ tôi dò hỏi. Mẹ đẩy tôi về phía dì:
- Xin chị tha cho con Thảo, chỉ thằng nầy mới đáng tội, làm ơn đánh nó giùm tôi!
Tôi run rẩy thụt lùi lại. Sẵn ghét sợ dì Ba, tôi càng kinh hãi hơn. Trời ơi, với bàn tay đó, con roi mây đó mà quất vào mình một cái thì chết mất! Nhưng may thay, dì không làm theo lời mẹ tôi, lại lộ vẻ ngạc nhiên, hỏi:
- Chị nói gì tôi không hiểu? Sao chuyện con Thảo lại dính dáng đến thằng Phương nữa?
- Ủa, thế chị không biết à? Thằng Phương đã xô con Thảo xuống mương…
- Vậy sao? Con Thảo nó nói với tôi là đi trật chân té, chứ ai dè.
Tôi liếc nhìn Thảo đang đứng nép trong cánh cửa khóc thút thít, lòng rạt rào cảm mến. Thảo đã không khai tội tôi ra! Tại sao?
Mẹ tôi hỏi:
- Chị Ba, chị xử tội thằng khốn nầy đi chứ!
Dì Ba khẽ cười:
- Ối, chị dắt cháu về đi. Tôi đánh con Thảo thật ra chỉ vì tội nó bỏ nhà đi chơi không coi em đó. Cháu Phương, từ nay đứng chơi dại vậy nữa, nghe.
Mẹ tôi nạt:
- Phương, còn đứng trơ đó à, không lại xin lỗi, cám ơn dì Ba tha tội cho, còn chờ gì?
Tôi lật đật vâng theo, bước lại gần dì khoanh tay, cúi đầu thật thấp nói lí nhí mấy lời cám ơn, xin lỗi. Tôi thật không ngờ dì ác với Thảo mà rộng lượng với tôi thế.
Từ bữa đó tôi không được gặp Thảo. Tôi bị mẹ phạt không được ra khỏi nhà. Còn Thảo cũng chẳng thấy đi đâu. Không biết cô bạn nhỏ của tôi có giận tôi lắm không? Tôi mong có dịp xin lỗi riêng Thảo mới yên lòng. Nghĩ cũng kỳ, tôi phạm lỗi mà Thảo bị đòn. Rồi đáng lẽ phải xin lỗi Thảo, tôi lại bắt buộc xin lỗi dì Ba!
Ba ngày trôi qua, buồn ơi là buồn! Đi học về, lại phải lấy sách ra học, đem cửu chương ra nhẩm, ở miết trong nhà, tôi thấy bực bội khó chịu khác nào một con nai tơ bị buộc cẳng. Sân cỏ trải rộng trước nhà, căn chòi còn đứng nép dưới gốc mận bên mấy bụi hoa kia, thế giới diễm ảo của tôi và Thảo còn mở ra đó, nhưng hai đứa vì đâu ngày ngày không còn dắt tay nhau bước vào nữa vậy? Tay cầm quyển sách, miệng lẩm bẩm đọc, song tôi không ghi được chữ nào vô óc. Trước kia tôi học rất chóng thuộc bài, học rút để đi chơi chứ. Nhưng mấy ngày nầy, không hy vọng có chuyện đi chơi, tự nhiên tôi học tới đâu quên tới đó. Thật ra, tôi có chăm chú vào bài vở đâu. Tôi mải nghĩ:
- Chà, mấy hôm trước, giờ nầy mình với con Thảo đang ở ngoài chòi đây.
- Phải chi mình được dông ra sân chạy nhảy một hồi cho đã thì khoái biết mấy!
Ngày phạt thứ tư, xế chiều, thấy mẹ mắc bận dưới bếp, tôi vứt tập, chạy ra trước hàng ba ngồi ngó mông ra lộ xem người đi cho đỡ buồn. Chợt nhìn sang nhà Thảo, tôi bắt gặp Thảo đang lui cui nhổ cỏ trước sân. Ngập ngừng suy tính một lúc, tôi quyết định sang xin lỗi bạn. Bước nhẹ đến bên Thảo, tôi gọi khẽ:
- Thảo!
Thảo liếc nhìn tôi rồi lại cúi đầu, lặng thinh bứt cỏ. Tôi ngồi xuống một bên:
- Mầy còn giận tao lắm sao? Tao biết lỗi của tao nặng lắm, nhưng mầy tha cho tao một lần đi nhen. Từ nay tao không dữ với mầy nữa.
Thấy Thảo không lay chuyển, tôi tiếp:
- Mầy bỏ giận, tao xếp cho mầy hai ba chiếc ghe, hai ba chiếc tàu, xếp đầu lân nữa… Ngộ lắm Thảo ơi!
Bấy giờ Thảo mới vùng vằng thốt:
- Thôi đi, mầy làm bộ cho tao, rồi của tao tốt hơn mầy, mầy lại tức gây lộn, xô tao nữa, tao hổng thèm đâu!
Thảo đã mở miệng, một điều đáng mừng. Tôi nói:
- Không đâu, chuyến nầy nhứt định tao hổng có xấu vậy. Nếu tao xấu mầy nghỉ chơi tao luôn.
- Thiệt hôn?
Câu hỏi gián tiếp chấp nhận. Tôi vui mừng đáp:
- Thiệt mà!... À, hôm mầy bị đòn có đau lắm không?
- Sao không?
- Tao xè tay nè, mầy đánh lại tao trừ.
Thảo mỉm cười vỗ vào tay tôi, bảo:
- Đó, cho chừa nghe! Thôi về đi, để tao nhổ sạch mấy cọng cỏ nầy. Bằng không má tao ra thấy chưa xong lại bị mắng.
- Ừ, tao cũng phải về ngay. Mẹ tao phạt tao không được ra khỏi nhà. Tao đi như vầy bả thấy rầy chết.
Và rồi, tôi với Thảo lại hòa, chơi như cũ. Tuổi nhỏ dễ giận, chóng quên là thế. Tình thân giữa hai đứa còn có phần khắng khít hơn xưa, vì tôi đã cố chiều chuộng, nhường nhịn Thảo để chuộc lại những lỗi lầm đã tạo.
Tôi những tưởng tình bạn của hai đứa sẽ không bao giờ rời rã. Thằng Phương và nhỏ Thảo sẽ được ở gần nhau, vui đùa có nhau mãi vậy. Nhưng, mấy ai đoán trước được sự đổi thay đột ngột ở đời. Một hôm tôi vừa đi học về, mẹ tôi báo ngay cho tôi biết : cả gia đình Thảo vừa dọn đi phương xa, nhà bán lại người khác. Nghe qua tôi bàng hoàng cả dạ. Bực tức, giận dỗi, nuối tiếc xáo trộn, tôi như vừa đánh mất một cái gì quí báu. Thôi hết, Thảo đã rời xa tôi mất hút đi rồi! Biết đến bao giờ hai đứa mới gặp lại? Hình bóng cô bạn nho nhỏ đó từ đây tôi muốn tìm họa chăng chỉ lần trong ký ức. Còn chi xót xa bằng, hai đứa chia tay xa nhau mãi mãi mà không một lời tiễn biệt?
Suốt mấy hôm, tôi nhớ Thảo. Thơ thẩn tìm đến những nơi hai đứa họp mặt thường ngày, tôi đứng lặng một mình, nghe lòng trơ trọi, buồn chán làm sao! Hoa nở rộ bên rào kia, nhưng không có Thảo cùng lo trang hoàng căn chòi thì hái để làm gì. Trong chòi, chén bát đồ chơi còn ngổn ngang đó, mà bàn tay xinh xắn vén khéo của “cô hàng” đã biến mất tận đâu? Ô, cảnh sao mà buồn vậy?
Từ đấy tôi không còn gặp Thảo. Nhưng nếu chuyện chỉ có thế, chắc bé Tuyến không bị tôi rầy, tính thách đố không đến nỗi bị tôi “lên án”. Đâu năm sáu năm sau, sự buồn thương luyến nhớ của tôi đối với Thảo đã chìm dần vào quên lãng. Tôi quên phức Thảo, đến nỗi muốn gợi lại hình ảnh của cô bạn thân nầy, cũng khó lòng hình dung được. Thời gian thật tàn nhẫn, nó cứ chực xóa đi tất cả những gì mình đã ghi vào hồn trong tuổi ấu thơ. Trừ cái kỷ niệm xô Thảo xuống ao, những chuyện khác liên quan giữa tôi và Thảo, tôi chỉ nhớ mang máng, còn lãng quên không buồn ngẫm lại. Chính lúc ấy thì tên của Thảo được nhắc đến, và đã gieo thêm cho tôi một sự đau lòng.
Một chiều, chợt có bạn thân của mẹ tôi là cô Tư Liên ghé qua nhà. Trước kia cô cũng ở trong xóm, sau khi buôn bán xa, bẵng đi một dạo, nay mới có dịp trở về đây ghé thăm mẹ tôi luôn thể. Gặp tôi, cô vui vẻ hỏi:
- Thằng Phương đây hả? Cha, mới ngày nào còn khóc lè nhè nhõng nhẽo mẹ, đòi khúc mía củ khoai om, mà nay lớn đại. Mau thiệt há!
Rồi cô nói huyên thuyên, chuyện xưa tiếp đến chuyện nay, đem ra kể cả dọc. Tính cô vẫn vậy, ăn nói hoạt bát lắm, nên buôn bán dễ dàng cũng phải. Đang thuật chuyện đi đó đi đây bỗng cô hỏi mẹ tôi một câu khiến tôi chú ý:
- Nầy, chị còn nhớ chị Ba Cang hồi trước nhà ở kế đây không?
Dì Ba Cang, chính má Thảo! Mẹ tôi nói:
- Nhớ chứ. Hiện giờ chỉ ở đâu, làm nghề gì?
- Tôi gặp chỉ ở dưới Bình Đại. Hai vợ chồng mở tiệm hàng xén, làm ăn coi bộ cũng khá.
- Mấy đứa con của chỉ chắc cũng mạnh?
Mẹ tôi hỏi chính câu tôi mong. Cô Tư đáp:
- Chị hỏi tôi mới nhớ. Hiện chị ấy chỉ còn cậu con trai. Đứa con gái, con Thảo con Thiết gì đó, chết lâu rồi…
- Thảo chết! Sao vậy?
Mẹ và tôi đồng kêu lên sửng sốt. Cô Tư tiếp lời:
- Theo chị Ba Cang thuật lại thì bữa nọ chị em nó dẫn nhau ra chơi ngoài cầu tàu. Rồi chẳng rõ cớ gì hai đứa lại sinh cãi vã. Thằng em dọa xô con chị xuống sông, con chị thách lại, thế là gây nên chuyện…
- Lúc con nhỏ té xuống sông không ai thấy sao?
- Cũng theo lời chỉ thì lúc ấy cầu vắng người. Hơn nữa phải chị có đi miệt Bình Đại hẳn biết, sông ở dưới lúc nước ròng, nước chảy xiết, sóng nhiều, bờ sông lại cao lắm, té xuống quả khó vớt.
Nghe xong tôi cúi đầu than thầm : lại cũng thách thức! Câu chuyện gây gỗ về hai chiếc thuyền giấy ngày xưa giữa tôi và Thảo vụt hiện đến với tôi. Sao nó trùng hợp với chuyện cô Tư Liên vừa thuật thế? Nhưng, trong khi kết quả lời thách thức của Thảo trong vụ đó chẳng có gì, thì kết quả lời thách thức sau nầy thật bi đát quá. Tôi không bao giờ có thể ngờ được.
Thách thức! Than ôi, thách thức! bắt đầu từ đó tôi căm thù những lời thách thức.
DẠ NHẤT PHƯƠNG
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 48, ra ngày 1-7-1966)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét