Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

Hổ Về Buôn - PHAN KHƯƠNG THÁI

HEO Mọi hấp tấp bỏ chạy. Hai bên mỏ của nó vương vãi chút nước gạo vo. Thằng Pay tinh nghịch rượt nà, không để con heo vục mỏ vào cái nồi đất sét nung thô thiển. Cái nồi đã mẻ một góc to và dùng đựng cặn cơm nguội cho mấy con gà. Heo Mọi chạy cà cồng. Nó không dám luồn quanh dưới sàn nhà mà băng riết qua rẫy dưa gang vừa đơm bông. Thằng Pay cười hăng hắc, tiếp tục ném đất về phía Heo Mọi. Cho đến khi Heo Mọi mất dạng thằng Pay vẫn chưa bỏ cuộc. Thằng Pay xục xạo từng lùm bụi khả nghi. Có tiếng sột soạt khẽ sau lưng. Thằng Pay đắc ý, quay phắt lại, ném thẳng tay. Thằng Pay chỉ nghe tiếng chó tru tréo vì đau đớn. Con Mực cụp đuôi dông về. Thì ra thằng Pay lầm Heo Mọi với con chó trung thành. Không lộn sao được khi tên Heo Mọi nuôi 5, 6 tháng vẫn choắt cheo như con chó giữ nhà. Lông đã đen đúa khó coi, nó lại hay đẫm bùn ở bất kỳ cái vũng cạn sệt nào. Nó chỉ được cái đỡ tốn cơm, nhờ nó biết tự kiếm ăn, đào củ, moi khoai với rau dại… trong rừng. Mấy hôm rày Heo Mọi trở buồn. Không phải vì cô đơn (Chủ nhà lớp bán, lớp ăn, bầy heo chỉ còn sót lại Heo Mẹ và 2 heo con thôi.) mà vì 1 hung tin : “Hổ về buôn”. Hổ đã cắn đứt họng chú Trâu Be. Khi thợ rừng tìm Trâu Be để tròng ách kéo cỗ xe gỗ về mới hay. Người ta không dám thả trâu đi rong nữa. Đến phiên mấy gã Bò khờ khạo bị Hổ đến tận chuồng cõng đi. Có lần phát giác kịp, người ta đập cồng cầu cứu ầm ĩ cả buôn. Con Hổ thoát một cách tài tình. Thợ săn quả quyết đây là con Hổ già. Những dấu chân nó chứng tỏ móng đã mòn, không phải nó biết thu vuốt như mèo. Thêm một lẽ nó không còn sung sức và
nhanh nhẹn để bắt giết thú rừng. Nó phải mò về buôn vồ gia súc chậm chạp, hiền lành nếu không muốn chết đói. Lỡ gặp loài người, trong tình thế chẳng đặng đừng nó dám tấn công dù no hay đói. Chưa có gì mà Hổ đã gieo bao kinh hoàng cho khắp dân trong buôn vốn sống an lành từ 2 năm qua. Họ không chịu được sự đe dọa thường trực, khiến tinh thần căng thẳng mỗi khi đi rừng nữa. Họ hô hào làm hàng rào cọc nhọn xung quanh buôn, rồi đào hầm chông, đặt bẫy sụp, bẫy cần, bẫy giựt… rải rác mọi nơi. Cha mẹ cấm trẻ con vào rừng lượm nấm, củi, ăn ong… (xưa giờ vẫn là dịp tốt cho chúng đùa nghịch, tắm suối, bắn chim với hái trái…) Cha mẹ lo sợ con cái sa bẫy của chính họ. Điều đó cũng ảnh hưởng lây đến gia súc. Trẻ con và gia súc mất cả tự do. Heo Mọi thèm thuồng nhìn qua kẽ hở của hàng rào tre tầm vông. Ngoài kia là khoảng rừng rộng đầy quyến rũ. Chim vẫn hót líu lo, thanh thoát. Bất chợt Heo Mọi gặp một chỗ đất bùn. Một tên Cày Hương ra dáng đạo tặc đang đào, khuân đất, làm một đường hầm thông thương trong và ngoài hàng rào. Tên Cày Hương có thể luồn lội qua hàng rào với thân hình nhỏ bé. Nhưng nó muốn phá phách và tạo một lối đi thư thả hơn. Có lẽ nó sợ người ta thấy đang tha vật thực trộm được nên phòng xa, bề gì nó quẳng đó, thoát thân cũng dễ. Tên Heo Mọi lân la làm quen, định dụ tên Cày Hương nới rộng địa đạo. Tên Cày Hương nghi ngờ ý kiến của Heo Mọi bèn rút vào rừng. Heo Mọi chẳng thất vọng, trái lại còn tiếp tục moi lấy. Heo Mọi sử dụng mỏ, chân triệt để. Lâu lắm, nó chui lọt ra ngoài và thở một hơi dài khoan khoái. Khí trời nào khác bên trong, nhưng sao ở ngoài hàng rào Heo Mọi cảm thấy thay đổi rất nhiều. Heo Mọi quên mất lời Heo Mẹ, nhắm hướng bìa rừng thẳng tiến. Tiếng chim vang lời chào anh bạn vừa gặp lại. Heo Mọi vui chân đi xa lắm, tận nguồn con suối trong vắt. Gia đình Rùa lười biếng nằm phơi mai, dưới ánh nắng chênh chếch qua lá rừng giao khít ngọn cây. Oắt Rùa chộ tên Heo Mọi:

- Mày coi chừng Cá Sấu táp giò.

Heo Mọi e dè ngó quanh quất chỉ thấy mấy dấu chân Nai, Hoẵng thôi. Nó chợt nhớ đến lão Hổ. Ngẫm nghĩ một hồi, nó tìm lối quay về. Oắt Rùa nhướng mắt cười nhạo rồi thụt đầu, chân vào cái mai nứt nẻ ngủ tiếp. Heo Mọi cố lắng nghe tiếng chuông leng keng nơi cổ tụi Trâu Be để biết phương hướng. Cùng lắm nó sẽ dọc dòng suối mà không sợ lạc lối. Heo Mọi dừng bước để moi sắn dây. Loại củ này cũng khá hấp dẫn. Heo Mọi chợt nghe tiếng khịt mũi gần bụi sim. Đôi mắt hấp háy của nó nhận ra đôi sừng cong bén của lão Trâu. Nó không chọc ghẹo ai, nhưng sao đôi mắt ngầu đỏ của lão Trâu đầy vẻ gây sự.

- Ê, làm gì đó?

- Đào sắn.

Lão Trâu lúc lắc cái đầu tiến tới:

- Mày không ngán tao?

- Còn lâu, tôi đi về nhà ăn cám đây.

Lão Trâu Núi cộc cằn, không như Trâu Be được người nuôi thuần thục, giận dữ lao mình nhắm bụng tên Heo Mọi để lụi đôi sừng vào. Heo Mọi đâu dám đương đầu. Nó chạy ngoằn ngoèo. Nó không khôn lanh làm giảm tốc độ lão Trâu Núi, mà bởi nó còn phải nhìn nghiêng xem lão Trâu Núi rượt tới đâu. Chạy một hồi, Heo Mọi có cảm giác bất ổn. Lão Trâu Núi trốn chăng? Hay lão rình ở gốc thông nào? Một cái bóng vằn vện vút ngang làm hoa mắt Heo Mọi. Mùi tử khí như lảng vảng. Heo Mọi điếng hồn và nhũn cả 4 chân. Thôi chết rồi, sát tinh Hổ Vằn xuất hiện. Nhưng lão Hổ vẫn chưa thấy con mồi bé nhỏ. Đối tượng của lão Hổ là lão Trâu Núi to sầm sầm. Heo Mọi cố gắng mở to cặp mắt hí để quan sát. Lão Hổ bình tĩnh rạp người, bước khoan thai và nhích lần thân hình uyển chuyển. Những lằn đen vàng chuyển động lẫn với đám cỏ tranh như gió đùa cỏ làm dợn sóng. Trái lại lão Trâu Núi đang tức tối giậm chân, hoác mồm ra mà rống. Khí thế của lão theo đám bụi đất bắn hung hăng. Lão Hổ rình nhảy lên lưng lão trâu. Lão Trâu chờ lão Hổ ló ra sẽ chém tét bụng địch thủ. Thình lình lão Trâu Núi tấn công. Tên Heo Mọi nhắm tịt mắt, tưởng chừng mình sắp là nạn nhân. Lão Trâu Núi lao mình nhanh không kém gã lực sĩ Tê Giác lúc nổi cơn. 


Chiêu đầu tiên bị hụt vì Hổ Vằn đã kịp thời né sang bên. Cái đuôi lão Hổ không ngớt đập, vừa lấy đà vừa đếm nhịp con tim. Đôi bên ghìm nhau từng cử động. Rồi lão Hổ xông lên. Lão Trâu nào kém, giơ sừng hứng đòn. Trận quần thảo loạn đả và chấm dứt cũng nhanh. Lão Hổ bất tài không đủ sức hạ địch thủ tuy kém mình mà dám liều mạng. Hổ Vằn xước một bên mông và bỏ cuộc. Lão Trâu Núi chưa lãnh dấu răng nào nhưng trầy trụa cùng mình. Lão Trâu ngơ ngác tìm bóng lão Hổ. Lão chẳng thấy gì ngoài cái bóng đen của tên Heo Mọi vừa tỉnh táo, ù té chạy. Nhớ chuyện hồi nãy, lão rượt ngay. Tên Heo Mọi chạy bán sống bán chết. Ghê thay cho lão Trâu, lão Hổ còn phải nhịn nữa là Heo Mọi. Gì chứ chạy thì Heo Mọi thừa sức. Thấp thoáng mấy nếp nhà sàn hiện ra khiến Heo Mọi vững tâm. Cũng là lúc Heo Mọi nghe lão Trâu Núi rống lên kinh hoàng. Mặc lão, Heo Mọi quên tuốt ngõ địa đạo. Nó đến cổng rào “ột ệt” cầu cứu vang rân. Mấy đứa nhỏ kéo nó vô trong khi người lớn tay ná, tay mác ào đến chỗ Trâu bị nạn. Lão Trâu Núi rớt xuống hầm chông thủng ruột, chết thê thảm. Người ta còn khiêng theo hai con heo nữa về. Đó là Heo Mẹ và Heo Chị của Heo Mọi, vì đi tìm Heo Mọi nên bị sụp bẫy. May thay, ở đó không có chông nhọn như chỗ lão Trâu Núi rớt. Heo Chị từ đấy què 1 chân và đi khập khiễng. Heo Mọi tắt hẳn ý định lẻn vào rừng một mình. Tin lão Hổ càng ngày càng lộng. Lão đã khỏi phải đối phó với Trâu Núi đáng ngại thì sợ gì ai : “… lão chụp tét lưng một thợ săn. Vết thương hành ông ta nằm mất ba bữa. lão cắn cụt tay ông già đi hái thuốc. Đêm đêm lão Hổ thơ thẩn quanh vòng rào. Gia súc nghe động nhốn nháo từng chặp. Lão ám ảnh đàn bà, trẻ con yếu bóng vía. Họ nhìn cái gì cũng hoa lên và tưởng là Hổ. Ôi! Cái oai của con Hổ về già…” Dân trong buôn quyết mời cho được một tay thiện xạ dưới đồng bằng. Họ cần ông diệt trừ Hổ với bất cứ giá nào. Ông này theo đuổi Hổ cả mấy tuần liền. Hễ ông lùng khu Đông, Hổ kiếm ăn khu Tây. Ông đi cuối con suối, Hổ men lên ngọn suối. Luôn luôn Hổ tránh mặt nhà thiện xạ. Dĩ nhiên Hổ đói lả. Nhà thiện xạ cũng hơi nản chí. Ông thực hiện một mưu kế mới. Ông tìm một con vật hy sinh. Tên Heo Mọi được lựa chọn trong đám bạn ốm yếu hơn nó. Ông ta biết lựa khúc suối Hổ Vằn hay ra thấm giọng. Con mồi Heo Mọi vùng vẫy. Cái dây choại bện chắc quá. Heo Mọi đâm tuyệt vọng nhưng không ngừng than khóc. Nó có dám lén vào rừng nữa đâu, sao người ta lại cột nó nhử Hổ. Heo Mọi gào lên gọi mẹ, gọi anh em… Càng tốt, nhà thiện xạ mong lão Hổ đánh hơi mò đến, heo kêu hoài Hổ sẽ chú ý không khó. Ông ta tin chắc con Hổ sẽ ngã lăn ra với 1 phát đạn mà thôi. Ông ta kiên nhẫn ngồi thu hình trên chảng ba của cây chai gần đó. Đêm xuống dần. Khí rừng lạnh căm căm. Hơi đất ẩm bốc lên, khí núi bay về, sương xuống… sẽ hợp lực chiến thắng sự chống chọi dù là một đống lửa. Nhà thiện xạ không thể đốt lửa. Ông ta chỉ nhờ vào cảnh tranh sáng tranh tối của vầng trăng lưỡi liềm. Trong cái thảm đạm có tiếng heo kêu đứt quãng và tiếng vượn hú xa xăm gây bao hồi hộp cho người chờ đợi. Rồi lão Hổ cũng đến. Lão đến đêm sau. Khi nhà thiện xạ mòn mỏi vừa chợp mắt. Vào cái lúc mà ông ta không chờ không đợi. Như một cái máy, nhà thiện xạ nâng súng lên vai. “Đoành, đoành” ông ta bắn hai phát cho chắc ăn. Nhưng lạ kìa, con Hổ biến mất. Còn Heo Mọi thì nằm thẳng cẳng. Nhà thiện xạ tuột xuống đất, dụi mắt và đến nơi buộc mồi xem xét. Heo Con còn sống, không xây xát chi. Những đốm đo đỏ chảy dài một vệt. À, có thế chứ! Con Hổ đã bị thương và thoát đi. Ông ta phải đuổi theo hạ sát nó cho kỳ được. Bây giờ mới bắt đầu một trận đấu chính thức và cam go. Con Hổ có thể trả thù, rình rập nhà thiện xạ bất cứ lúc nào. Ông ta săn đuổi nó, hay ngược lại?

Heo Mọi ngồi bật dậy. Nó chưa sao cả, nó còn vướng sợi dây quanh mình, nhưng sợi dây đứt vừa khéo với phát súng của nhà thiện xạ. Còn chờ gì mà không đào tẩu. Heo Mọi không muốn trở về buôn nữa. Nó lang thang. Bề nào chủ nuôi cũng không săn sóc nó chu đáo cho lắm. Mọi khi nó vẫn no nê nhờ khoai, cám, bắp… thừa của chủ nuôi kia mà. Heo Mọi cố gắng tránh mùi người quái ác, vì sợ bị bắt nhử Hổ lần nữa. Nó tự hào vượt thoát nanh vuốt Hổ Vằn. Nó cần tận hưởng cái thú tự do, không quan tâm đến thời gian. Cứ lẩn lút Heo Mọi đói ăn, khát uống, ngủ bờ ngủ bụi. Cho đến một hôm, Heo Mọi gặp đồng loại. Một chú Heo Rừng. Thật ra phải gọi là chú Heo Lăn Chai. Heo Mọi và chú ta đều cô độc. Trái với Heo Mọi, chú dữ dằn và không phân biệt được bạn. Đối với chú ai cũng là đối tượng thù hằn. Chú cần thử thách bộ da dày và răng nanh. Thường thường chú ta tắm đặc biệt bằng cách nhào xuống vũng nước sền sệt đất bùn hay đất sét. Sau đó, chú ta cà lưng vào cây chai hay cây dầu trong rừng. Nhựa cây chảy dài từ chỗ vỏ cây mòn, bể ra, quện với bùn dính lông, đóng thành 1 lớp cứng che chở cho vai, ức và ngực của chú ta hiệu quả như một người lính mặc áo giáp. 4 răng nanh của chú ta thì 2 cái hàm dưới đâm ra ngoài miệng và uốn cong lên. Hiện giờ chú đang thịnh nộ. Chú đập mạnh 2 hàm răng nghe cồm cộp và chuẩn bị tấn công. Heo Mọi hoảng hốt chạy liền, không kịp phân trần. Chú Heo Lăn Chai vừa chúi đầu xuống sửa soạn đâm người tới trước, húc từ phía dưới lên trên, nhưng khi trông lên mục tiêu đã biến mất. Chú ta vểnh cặp tai nhọn lông màu sậm hơn lông xám trên thân để nghe ngóng. Độ chừng “kẻ thù” đã rời khỏi khu vực hạn định mà chú ta chọn sẵn, chú ta dừng lại để ẩn núp. Có lẽ chú ta lại ngủ, chờ tối mới đi tìm lương thực như thói quen.

Heo Mọi vấp một thân cây khô và khựng lại. Nó tiếc mình không có nanh để chống cự với chú Heo Lăn Chai. Heo Mọi chợt nhớ buôn xưa có mẹ, có chị, có bạn bè… Heo Mọi chấm dứt chuyến phiêu lưu. Nó tìm lối quay về chốn cũ để tìm lại sự che chở với thương yêu. Ròng rã 1 ngày hơn, Heo Mọi đã thấy dạng ngọn đồi mòn. Khung cảnh tang thương hiện ra trước mắt nó. Không còn gì sót lại, họa chăng chỉ là đám tàn tro ngun ngút khói. Họ đi trốn Hổ? Đâu có ai giải đáp nghi vấn cho heo Mọi. Dân trong buôn đã đến lúc tìm nơi trú ngụ mới cho hợp với đời du canh. Đất đai nơi đây đã cằn cỗi và cạn dưỡng chất. Nhà thiện xạ vẫn chưa kéo xác Hổ Vằn về. Họ bỏ đi là phải. Đi nơi khác sẽ yên tâm, khỏi phập phồng sợ Hổ về. Họ cũng không hay biết lão Hổ Vằn bị thương nặng, khi lẩn trốn đã đụng độ một trận dữ dội với chú Heo Lăn Chai lì lợm. Lần thứ ba lão Hổ thất bại. Lão Hổ Vằn ôm hận đào tẩu. Lão thề sẽ trả thù với bất cứ giá nào. Vô tình lão lần về phía một buôn khác. Chưa biết nơi đó người ta sẽ đón tiếp lão bằng phương thức nào.

Tên Heo Mọi thờ thẫn trong đám tro tàn. Nó chảy đôi dòng lệ bơ vơ. Từ nay Heo Mọi thực sự cô độc. Heo Mọi nhìn bao quát từ trên đỉnh đồi mòn, cố thu hết kỷ niệm lần cuối. Rồi nó băng mình vào rừng rậm. Mấy nương rẫy trơ dấu vết canh tác đìu hiu cỏ mọc. Hình như cạnh những dây dưa gang khô lá chết còn mờ mờ dấu chân lão Hổ. 1 con Hổ về già vẫn đủ sức gây lắm tai họa cho muông thú lẫn loài người.

PHAN KHƯƠNG THÁI 

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Giáp Dần, 1974)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét