Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

"Hoa Trinh Nữ” của Trần Thiện Thanh - DUY KHIÊM

DK Duy-Khiêm viết về bài hát “Hoa Trinh Nữ” của Trần Thiện Thanh.

Bài hát “Hoa Trinh Nữ” được Trần Thiện Thanh sáng tác khoảng năm 1965, cùng lúc với “Biển Mặn” và cũng ở thể điệu Boléro. Bài hát này mau chóng được nhiều người ưa thích cho đến tận ngày hôm nay ở khắp mọi nơi. Hoa Trinh Nữ cũng là một trong những bài hát tiêu biểu của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, nên ta sẽ thấy Mạnh Đình và Châu Tuấn cùng song ca trong chương trình Asia 50 “Tưởng niệm Nhật Trường”.

Nhìn vào bản nhạc này, ta thấy dưới tựa đề “Hoa Trinh Nữ” là những lời giới thiệu của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh như sau:

“Nếu ai hỏi tôi: “Hoa nào đẹp nhất?” tôi sẽ nhắc đến một loài hoa không hương vẫn thường sống trên vùng khô cằn sỏi đá: “Hoa Trinh Nữ” (Trần Thiện Thanh)

Sau đó tác giả bắt đầu viết những lời ca cho bài hát này:

“Qua một rừng hoang, gió núi theo sang giũ bụi đường trên vai.
Hái bông hoa dại lẻ loi bên đường gọi : “Hoa Trinh Nữ …”
Hoa Trinh Nữ không mặn mà bàng nàng Hồng kiêu sa,
Hoa đâu dám khoe màu cùng một nàng Cúc vàng tươi,
Hoa không bán hương thơm như nàng Dạ Lý trong vườn,
Nhưng hoa Trinh Nữ đẹp … tựa chuyện tình hai chúng ta .”

Trong số hàng ngàn bài hát của nền âm nhạc Việt nam, có rất nhiều nhạc sĩ đã viết về các loài hoa như hoa sim, hoa thiên lý, hoa mai, hoa đào, trúc đào, hoa pensée, hoa ti-gôn (Antigonon leptopus), hoa sứ, hoa mười giờ, hoa phượng, “hoa biển”… nhưng hình như chỉ có duy nhứt Trần Thiện Thanh là viết về hoa Trinh Nữ và ca tụng loài hoa rất tầm thường này. Như vậy hoa Trinh Nữ là loài hoa gì mà được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh soạn ra thành bài hát và ngợi ca như vậy?

Không biết ở hải ngoại có ai đã thường gặp và thấy hoa trinh nữ này hay chăng? Nhưng ở Việt Nam thì hầu như loài hoa này có mặt ở khắp mọi nơi từ Nam chí Bắc. Có nhiều tên gọi khác nhau cho hoa trinh nữ như là bông mắc cở, hoa thẹn, hàn tu thảo .v.v. Tên khoa học của loại hoa này là Mimosa pudica, thuộc dòng họ Trinh Nữ (Mimosaceae).

Đó là một loại cây nhỏ, mọc hoang dọc theo các lề đường có nhiều sỏi đá lẫn lộn với các loại cỏ dại khác, thấp lè tè, nên ít được ai để ý. Loại cây nhỏ này có những nét đặc biệt một cách lạ lùng. Lá của trinh nữ là loại lá kép hai lần như lông chim (hoặc như lá me chùm), cuống lá xếp lại như hình chân vịt. Gọi là “bông mắc cở” vì khi ta đụng nhẹ vào lá là tất cả các cặp lá đang xoè ra sẽ xếp ụp xuống liền, cả chục phút sau mới xoè trở ra. Đó là sự phản xạ tự nhiên của loài cây này.

Như người con gái đang tuổi biết yêu, lần đầu tiên trong đời chạm phải da thịt chàng trai, dù chỉ là sự va chạm tình cờ cũng khiến cho nàng đỏ mặt, tía tai. Thân và cuống lá trinh nữ cũng có gai, để tự vệ một cách yếu đuối, như là một thứ vũ khí thiên nhiên, mà trời đã tạo ra cho phù hợp với loại cây này.

Trần Thiện Thanh đã viết:
“Nâng nhẹ một cây, lá xếp trên tay, lá ngủ thật mê say,
Ngỡ đôi mi gầy, khép đêm trăng đầy, cài then cung ái.”

Ông đã so sánh thật ngộ nghĩnh giữa các cặp lá của trinh nữ với đôi mi mắt của người yêu khi dừng chân dọc đường và nâng một cành trinh nữ trên tay. Hoa trinh nữ thì lại không có hương thơm gì cả (hoa không bán hương thơm như nàng dạ lý trong vườn). Hoa trinh nữ có màu tím đỏ nhạt, tụ lại thành hình đầu trái xoan. Khi hoa già sẽ thành những quả nhỏ dài khoảng 2cm, rộng chừng 3mm và tụ lại thanh hình ngôi sao. Phần giữa của các hạt quả hẹp lại và có lông cứng. Cũng như hoa Trúc Đào, loại hoa mắc cở này rất độc, nếu ăn nhằm lá hoặc trái là có thể mất mạng dễ dàng. Ở Việt Nam, người ta thường đào rễ của cây này, xắt mõng, phơi khô dùng làm thuốc nam trị bịnh mất ngủ, và lá thì làm thuốc sắc uống cho êm dịu thần kinh. Vậy thôi, không ai chú ý nhiều đến loài hoa dại mọc ở ven đường này.

Nhưng khi chàng lính trẻ hành quân vùng xa xôi nào đó, tình cờ gặp loài hoa trinh nữ, chàng lại chợt nhớ về câu chuyện cổ tích ngày xưa được nghe mẹ kể trong một đêm mưa gió ở tuổi ấu thơ. Trần Thiện Thanh viết tiếp:

Xưa thật là xưa, nhớ mấy cho vừa nhớ Mẹ kể đêm mưa:
“…Có ông Vua trẻ xuất binh qua rừng dẹp quân xâm lấn,
Khi Vua kéo quân về tình cờ gặp một giai nhân,
Vua xao xuyến tâm hồn, vời nàng về chốn hoàng cung
Truyền cho khắp nhân gian đem lụa là đến cho nàng
Trên ngôi cao chín từng … Hoàng Hậu … đẹp … hơn ánh sao.”

Nhìn lại mình, chàng lính trẻ không mơ ước sẽ trở thành một đấng quân vương với vàng son rực rỡ. Anh chỉ ao ước là khi gặp lại người yêu đang chờ đợi, anh sẽ tặng nàng một cành hoa trinh nữ trổ hoa trên vùng đất khô cằn sỏi đá. Và người yêu bé nhỏ của anh ở quê nhà chắc cũng không mong được ngôi cao hoàng hậu, với nệm gấm cung son. Mà nàng chỉ đợi chờ ngày cả hai sớm sum họp và được kề cận bên nhau. Trần Thiện Thanh đã viết:

Tôi không phải là vua nên mộng ước thật bình thường 
Như yêu một loài hoa trên vùng đá sỏi buồn phiền 
Loài hoa không hương sắc màu nhưng loài hoa biết xếp lá ngây thơ 
Tôi không phải là vua nên nào biết đến xa hoa 
Không ngọc ngà kiệu hoa, không nệm gấm không cung son 
Tôi chỉ là người lính phong trần, thấy hoa nhớ người yêu rất xa

Rồi một buổi chiều nào đó, khi đi ngang qua vùng đất hoang vu, anh lính trẻ đã nhẹ tay ngắt cành trinh nữ. Những lá cây bé nhỏ nằm xếp gọn trong tay anh như êm đềm say ngủ, làm cho anh nhớ đến mi mắt của người yêu khép kín mộng đêm nào. Từ đó, anh liên tưởng đến câu chuyện cổ tích ngày xưa. Anh bổng ngỡ như mình đang trở thành một ông vua trẻ. Nhưng ông vua này không đem xe đến đây để rước nàng thiếu nữ về cung vàng điện ngọc, mà quân vương sẽ từ bỏ ngai vàng để tìm về chốn hoang vu sống trọn vẹn với tình yêu đôi lứa. Đêm đêm nơi túp lều tranh, chàng sẽ kể chuyện đời xưa ru nàng vào giấc ngủ. Đó là chuyện có một vì vua yêu người con gái, bỏ cả ngai vàng tìm đến chốn hoang vu. Không còn ở hoàng cung nên bây giờ nhà vua nghèo lắm, sính lễ trao nàng chỉ có cành trinh nữ mà thôi. Trần Thiện Thanh đã kết thúc bài hát “Hoa trinh nữ” như sau:

Tôi nghe thoáng qua hồn mình vừa thành một quân vương 
Quân vương giữa hoa rừng lòng bàng hoàng nhớ người thương 
Và mong ước mai sau khi tan giặc nước vua về 
Cho giai nhân ngóng đợi chỉ một cành... Trinh Nữ thôi...

Đọc đến đây, nếu bạn đã quên mất hình dáng hoặc chưa biết gì về loài hoa Trinh Nữ này thì xin bấm vào cái liên-kết (link) dưới đây sẽ thấy nhiều chi tiết hơn về loài hoa này:


Bài hát “Hoa Trinh Nữ” này gợi cho ta hình ảnh một chàng lính trẻ thật lãng mạn, yêu đời và trên đường hành quân anh luôn nhớ nhung về người yêu ở hậu phương. Cũng như các bài “Biển mặn, Tình thư của lính, Tâm sự người lính trẻ”, Trần Thiện Thanh đã làm cho đời lính chiến thơ mộng hơn, không còn thù hận, chết chóc, chia lìa, tang tóc như những ca khúc sau này của ông, khi chiến cuộc dâng cao.

Có nhiều người rất thích bài hát này nhưng cũng có người nghĩ rằng đây là loại “nhạc sến” pha âm điệu cải lương của Trần Thiện Thanh viết ra để chìu theo thị hiếu của quần chúng bình dân. Thực ra, với tài năng sẳn có của mình, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có thể sáng tác những ca khúc khác nhau về đủ mọi thể loại. Nhưng ông đã chọn đường lối sáng tác riêng biệt, để cho đến bây giờ các nhạc phẩm của ông vẫn còn được nhiều người ưa chuộng khắp mọi nơi.

Nếu tìm hiểu về “lý lịch” của ca nhạc sĩ Nhật Trường - Trần Thiện Thanh, ta sẽ thấy ông xuất thân từ một dòng họ “danh gia vọng tộc” ở miền Nam trước kia, chớ không phải tầm thường. Ông cố của nhạc sĩ là cụ ông Trần Thiện Chánh (1822-1874) là người ở huyện Bình Long, tỉnh Gia Định (nay là Hốc Môn, gần Sài Gòn). Ông thi đậu cử nhân năm 1842 (thời vua Thiệu Trị). Khi giặc Pháp xâm chiếm nước ta, có lúc ông đã bỏ tài sản ra cả ngàn lượng vàng để chiêu mộ hơn 5,000 nghĩa sĩ kéo về Sài-Gòn cản ngăn quân giặc. Ông từng được khen là “Mộ sĩ vạn kim”. Sau đó ông ra làm quan ở nhiều nơi như vùng Nha Trang, Long Xuyên…

Cho mãi đến năm 1867, ông về làm Tri Phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận. Tài kiêm văn võ, nên ông đã tạo nên nhiều chiến công hiển hách thời đó. Ông cũng sáng tác rất nhiều bài thơ chữ Hán trong các tác phẩm giá trị như Trừng Giang thi tập, Bắc chinh thi thảo. Năm 1874 khi đang làm Thị Lang, kiêm Tuần Phủ Ninh Bình thì ông qua đời sau một cơn bạo bịnh.

Con trai của ông (tức là ông nội của Nhật Trường) là ông Trần Thiện Cốc, làm Tri Huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Nên sau này con cháu họ Trần-Thiện chọn Phan Thiết làm quê hương là vì lý do đó. Thân phụ của Nhật Trường là ông Trần Thiện Hải tuy là một công chức kỳ cựu ở tỉnh Phan Thiết, nhưng rất nổi tiếng là một người tài hoa, lịch lãm và có khiếu về ca hát, soạn nhạc, đóng kịch. Ông sáng tác rất nhiều vở kịch như Trà Hoa Nữ, Bức Màn Yên Bái, Sức Mạnh của Lẽ Phải… và được trình diễn rất nhiều lần ngay trong tỉnh nhà.

Ông đã chết thảm trong trại tù cộng sản ở Lâm Đồng năm 1977. Thân mẫu của Nhật Trường là cụ bà Nguyễn Thị Xuân Minh thì vẫn còn sống ở Lâm Đồng với số tuổi 85. Chú ruột của Nhật Trường là thi sĩ khá nổi danh Trần Thiện Bang trong Liên Thành thi xã. Ông có người con là nhạc sĩ Trần Thiện Khải (tác giả bài hát Trăng Chiến Khu <Mặt Trận Hoàng Cơ Minh>). Như vậy chứng tỏ ca nhạc sĩ Nhật Trường đã thừa hưởng được cái gene di truyền từ nhiều đời trong máu thịt của ông.

Năm 13 tuổi ông đã bắt đầu viết nhạc, tuy chưa được vững vàng, nhưng đã cho thấy hướng đi của ông trong tương lai. Nên sau này trong dòng nhạc của ông đã pha nhiều âm hưởng ủy mị của chất giọng cải lương, khiến cho người nghe không thể nào quên được. (Nhứt là các bài hát sau này như “Chiếc áo bà bà, Áo thơm rơm, hay Vợ Thằng Đậu…). Điều này cũng là điều tự nhiên mà thôi do những ảnh hưởng từ tiềm thức xa xăm nào đó.

Trở lại với bài hát “Hoa Trinh Nữ” này, thì cho đến nay đã hơn bốn chục năm trôi qua. Tuy bài hát này đã bị cấm hát ở trong nước từ hơn ba mươi năm nay, nhưng vẫn còn có nhiều người hát lén và hát công khai ở mọi nơi mà không nêu tên tác giả.

Như trong một lần trả lời phỏng vấn, ca sĩ Y Phụng đã nói đại khái là “cô không ngờ là từ nhỏ, khi còn ở trong nước, cô đã nghe đã hát rất nhiều lần những bài hát của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh mà cô đâu có biết là ai sáng tác. Mãi cho đến khi ra hải ngoại, tham gia chương trình Asia 50 vinh danh cho cố ca nhạc sĩ Nhật Trường - Trần Thiện Thanh, Y Phụng mới biết những sáng tác mà cô yêu thích chính là của người nhạc sĩ tài hoa này”. Mong là một ngày nào đó trong tương lai, những dòng nhạc của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sẽ được ca hát khắp mọi nơi trong nước Việt Nam; để cho hơn 30 triệu thanh niên thiếu nữ được sinh ra và trưởng thành sau năm 1975 có dịp thưởng thức những ca khúc bất tử đã đi vào lòng của nhiều thế hệ cha anh ngày trước./.

Duy-Khiêm DK 02.04.2006

*Tài liệu tham khảo để viết bài này:

- CD nhạc “Những tình khúc Trần Thiện Thanh “Tình muộn…Tình buồn” (Nhật trường-Ngọc Huệ), Fame Productions, USA, 1997
- Tuyển tập 30 bài Nhạc Lính Trần Thiện Thanh, NT Productions, 1999
- Website tự đìển bách khoa http://en.wikipedia.org/wiki/Mimosa_pudica
- Cây cỏ miền Nam VN, Tiến Sỹ Phạm Hoàng Hộ, Saigon, 1972
- Qua những nẻo đường Bình Thuận, Mường Giang, USA, 2004




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét