Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

LỜI NÓI ĐẦU_CÂY ĐÀN HUYỀN DIỆU


Lời nói đầu
____ 

Đây là câu chuyện của một cậu bé đã sớm trở thành thiên tài về nhạc, một bậc thiên tài kỳ diệu của đàn vĩ cầm, mà nhiều tài danh lỗi lạc ở trên thế giới đã xem như một hiện tượng có một không hai ở trong lịch sử nghệ thuật âm thanh.

Đó là Pa- ga-ni-ni, ra đời vào ngày 18 tháng 2 năm 1784 ở Ý, một người ốm o và xấu xí, xanh xao và lạnh lùng, một người trình diễn nghệ thuật ở trên sân khấu với những dáng điệu vụng về khó tả nhưng là một bậc kỳ tài đã khám phá ra được bí mật của nhạc khí mình để tiến tới mức tuyệt đối của sự diễn tả.

Nhưng Pa-ga-ni-ni còn là người có một nghị lực phi thường trong sự học tập nghệ thuật, và những bí quyết của chàng phần lớn là những kết quả của sự làm việc gian lao, liên tục, dù trong những ngày đau ốm cũng dành cho sự tập dượt suốt mười hai tiếng đồng hồ.

Chính cái tài năng cao cả, siêu phàm của chàng đã bị nhiều kẻ đương thời ghen ghét và chàng bị gán cho những danh hiệu “Con quỉ Sa-tăng”, “Tên phù thủy Ý”, “Thần của địa ngục”… Đến khi từ giã cõi đời vào ngày 27 tháng 5 của năm 1840 vì bệnh ung thư ăn đứt cuống họng sau gần năm mươi sáu năm yêu mê nghệ thuật, thi hài của chàng lại chịu lênh đênh suốt năm mười sáu năm trường vì sự hất hủi, phũ phàng, cuối cùng mới được yên nghỉ ở tại nghĩa địa quê hương.

Bởi vì sau khi nhạc sĩ qua đời, những kẻ ghen ghét tài nghệ tuyệt vời của chàng vẫn đang còn sống. Họ cho rằng chàng chính là con cháu yêu ma mới có bản lĩnh lạ lùng như thế và cấm chôn chàng ở trong nghĩa địa. Quan tài của chàng được người con trai duy nhất di chuyển khắp nơi, nhưng ở nơi nào cũng bị xua đuổi. Khi nằm trong một thành phố ồn ào, khi đưa đến một hải đảo hoang vu, cuối cùng quan tài lại được bí mật chở lên tàu nhỏ chạy về quê hương. Nhưng các thành kiến do lòng mê tín và sự ghen ghét gây nên đã khiến người ta sợ hãi xác chết của chàng. Quan tài lại được di chuyển đến lần thứ năm và sau bao nhiêu thế tình biến đổi, mới được chôn cất vĩnh viễn trong xứ sở chàng, sau đúng năm mươi sáu năm lưu lạc.

V.H. 

_______________________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN I 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét