Hoài đi chậm rãi trên con đường làng đầy bóng tre bóng trúc, không khí mát mẻ hiền lành ở đây đã nghe có chút gì mùi Tết. Hoài mới nhận được thư của ba má gửi ra, nhắc Hoài, Tết này nhớ về sớm hơn mọi năm, Hoài phân vân ghê!
Từ khi thôi học ở Quốc Gia Sư Phạm, Hoài chọn nhiệm sở nơi miền quê này, thấm thoát đã được ba năm. Ba năm trời làm cô giáo làng, Hoài thấy thương làm sao bọn học trò quê bé nhỏ. Ngày trước, Hoài vẫn hay mơ một ngày nào được đứng trên bục gỗ, nghiêm giọng đọc bài hoặc cầm viên phấn trắng viết đề chính tả. Hoài tưởng như chẳng bao giờ Hoài oai như cô giáo được. Thế mà ước mơ đã thành sự thật, đến nỗi Hoài phải ngạc nhiên khi hồi nhớ lại. Hoài nhõng nhẽo, Hoài dỗi hờn, Hoài mít ướt. Trời ơi, Hoài đủ tật xấu cả. Ngày thi ra trường, Hoài lo lắm, lo mình đậu cô giáo mà không thành cô giáo. Mà thật vậy, má đã phải chăm sóc cho Hoài nhiều và buồn rầu nói với Hoài, khi hay rằng nhiệm sở của Hoài quá xa xôi:
- Má tưởng tượng có một lúc cô giáo sẽ… nhớ nhà ngồi khóc để lũ học trò ngẩn ngơ. Rồi má cũng tưởng tượng lúc nào đó cô giáo bị bệnh trông thảm như con mèo đói.
Má đã làm Hoài khóc. Chưa kể lúc nhìn lại ba. Ba bình tĩnh đưa Hoài đi, ba cũng buồn, nhưng mà ba không nói. Ba âm thầm như từ xưa Hoài vẫn biết. Ba bảo:
- Chúc cô giáo thành công với nhiệm vụ của mình.
Chỉ có thế mà Hoài cũng lại khóc. Khóc bù lu bù loa trong tay má, lúc ấy sao Hoài trẻ con gì đâu. Xách va ly lên chiếc xe đò, Hoài đến nơi mà Hoài sẽ được gọi là cô giáo và sẽ được đón tiếp bằng mấy chục đôi mắt nhỏ thật đen, nghĩ thì cũng nôn nao mà buồn không cách gì che đậy nổi. Hoài vẫy tay với ba má trong khi đôi mắt ướt nhem những nước. Và Hoài còn khóc nhiều ở những ngày mới đến làm quen. Tất cả đều xa lạ. Hoài lúng túng với lũ học trò ngước mắt nhìn cô giáo chăm chăm. Hoài bối rối với trường tiểu học mới cất đơn sơ mộc mạc. Ngày đó, thư viết cho má, cho ba, Hoài toàn than thở, và thư ba má gửi về toàn an ủi, khuyên lơn.
- Mà lâu rồi thì cũng quen, Hoài ạ!
Câu nói dịu dàng của má, dần dần Hoài mới thấy đúng. Hoài bỗng quen và hết sức quen, miền quê nghèo khó này. Hàng ngày đi dạy, Hoài đi bộ vì đường từ nơi Hoài trọ đến trường học không xa. Hoài thương ghê con đường nhỏ râm mát đầy dấu chân học trò, có những dấu chân chậm rãi nhẹ nhàng mà cũng có những dấu chân hấp tấp bươn chải. Nhưng thường là dấu chân trần với mười ngón nhỏ hằn trên màu đất nâu. Đất ở đây hiền như người dân ở đây, tuy không mịn màng, mà không có đá sỏi. Thế cho nên chân em trần mà chân em không nứt nẻ xót đau, phải không học trò của cô?
Hoài còn có thói quen đến trường sớm nữa. Còn gì thích bằng khi được nhìn trên đường đất xinh xinh in dáng từng đứa học trò quê ngộ nghĩnh ôm tập đi học? Với Hoài, đó là một nỗi vui. Tóc con gái thì cắt bom bê hoặc để dài chấm vai nửa như suông sẻ nửa như rối bời bay bay trong gió, khiến con nhỏ đẹp như tranh. Tóc con trai thì cắt ngắn hoặc cũ kỹ hơn tỉa thành ba chỏm, tóc trái đào, làm Hoài liên tưởng đến bài thơ dễ thương của Bàng Bá Lân có tựa là “Tiền Lá” với hình ảnh cậu bé tóc trái đào hái lá làm tiền mà mua bánh cho cô bạn nhỏ. Học trò của Hoài, đôi khi cũng chơi nhà chòi, chơi bán hàng như vậy. Có những đứa, trước khi đi học phải vác hộ ba cái cuốc, phải dắt hộ ba một con trâu, lủi thủi ra đồng, rồi hối hả xắn quần chạy bay đến trường, hơi thở phì phò mệt nhọc, vẫn không tiếc với cô giáo một nụ cười. Hoài đón nhận nụ cười thật thà ấy mà nghe vô chừng xúc động. Cũng có đứa đi học mang theo một nắm xôi muối mè, một nắm cơm nếp đậu phọng, ngây thơ bẻ đôi mời cô giáo:
- Cô ăn hôn cô? Cô ăn với em nghen cô. Của má em nấu cho tía em đi cày đó. Cô ăn thử đi cô.
Sự khẩn khoản ngọt ngào cho Hoài cái nhìn thương mến. Hoài đưa tay đón lấy, ăn với học trò tự nhiên. Đôi mắt học trò rung lên sung sướng. Hoài thấy học trò muốn nói gì đó. Rồi thôi, môi bỗng nhoẻn một nụ cười. Hoài cũng cười, nụ cười hiền như nắm xôi trên tay.
Thời gian đong đưa, Hoài làm cô giáo đã lâu rồi. Chưa lần nào cô giáo Hoài giận dữ. Hoài hay kể chuyện thành phố Hoài ở cho học trò nghe để làm mẫu cho những bài luận văn : tả cảnh, tả người, tự thuật… Bọn nhỏ ngồi im thin thít, mấy chục đôi mắt ngây tròn, thỉnh thoảng Hoài bắt gặp một vài cái miệng há ra khoe đôi ba răng sún, Hoài suýt bật cười. Hoài cũng được nghe học trò kể chuyện và từ đó Hoài dễ nhớ học trò hơn. Con Bê có ba làm thợ mộc ưa uống rượu đế, con Tỵ khoái nghe hát vọng cổ vì má nó hay hát như vậy để dỗ chị em nó ngủ, thằng Bính nhà nghèo lắm phải nghỉ học một buổi để đi chăn trâu lấy tiền giúp má, ba nó chết vì một viên đạn lạc, thằng Thảnh thích làm thầy giáo vì nó ở với bà nội, bà nội học lớp bình dân cứ bắt nó dạy lại hoài… Còn nhiều nữa, mỗi một học trò là một câu chuyện, Hoài nghe liên miên không biết chán. Và đứa nào Hoài cũng thấy thương. Từ cái thằng học trò viết chữ cong queo dù hết sức gò gẫm, đến con bé viết chữ ngay hàng thẳng lối thật đẹp. Cũng như từ một đứa làm toán thật hay cho đến một đứa làm văn quen thói nhập đề, ngây ngô bảo rằng : “Nhà em có nuôi một ông nội…” Nhất nhất đều để lại trong Hoài một màu hồng thật tươi. Hoài nhớ lại mình ngày xưa, cũng là học trò tiểu học, không biết Hoài có buồn cười đến thế không? Nhiều khi Hoài bắt gặp chính mình thuở bé qua một hành động của đứa học trò nào đó, làm Hoài rưng nước mắt. Hoài không thấy tiếc khi đã chọn nghề dạy trẻ này. Những gì của thời xa xưa, phong kín trong màu tím buồn thương nhớ tiếc, như sống dậy quanh Hoài, từng lũ học trò khờ khạo, ngây thơm quay lại hộ Hoài cuộn phim đẹp nhất.
Lúc tan học ra về, đứa này đòi ôm giúp cô cái cặp, đứa kia đòi xách hộ cây dù. Hoài biết nếu mà Hoài bằng lòng cho đứa nào đó ôm cặp, xách dù thì nó sẽ mừng và hãnh diện lắm. Trước kia, Hoài đi học, đến sớm ra chờ cô ở cổng trường, chẳng để làm gì cả, ngoài chuyện ôm giúp cô một món và bước vào lớp với nét mặt hân hoan. Bao nhiêu đứa muốn làm như Hoài mà không được vì cô thương Hoài nhất, hơn nữa Hoài còn được theo chân cô về nhà, nắm tay cô nữa. Hoài không muốn học trò bận tâm vì Hoài nên Hoài vẫn ôm cặp lấy, vẫn che dù lấy. Đứa nào ở gần nhà Hoài thì tíu tít trò chuyện, còn không thì cũng theo Hoài cho đến ngã rẽ rồi mới về, những cái vòng tay lễ phép chắc không khi nào Hoài quên:
- Thưa cô, tới nhà em rồi, em về!
Những lần mùa hè, trời mưa lất phất, Hoài che dù nhỏ nhẹ, nhìn đám học trò lúp xúp dưới chân mà Hoài muốn cây dù rộng thêm, lớn thêm để đừng có đứa nào ướt tóc. Vào lớp, mưa to, mái lớp dột nhiều chỗ, học trò Hoài nhốn nháo tìm cách che, tìm chỗ ráo, rồi ngồi quanh nhau nhìn mưa bò dài ngoài trời. Học trò con gái le lưỡi:
- Lát cô về, áo dài cô lấm hết cho coi.
Học trò con trai cười tươi:
- Tối nay, em đi soi ếch, em đãi cô món ếch sào lăn, má em nấu ngon lắm. Trời mưa, ếch nhiều thiệt nhiều vậy á cô.
Học trò nhà quê có khác. Hoài nhận được nhiều quà, những món quà địa phương thành thật, khi thì học trò mang cho, khi thì chính phụ huynh đem biếu, ăn không hết nữa là… Hoài cũng thường kể cho ba nghe chuyện này. Lắm lúc thư của Hoài, quên cả hỏi thăm ba má, chỉ tíu tít mẩu chuyện của học trò. Có lần má đã trách yêu:
- Cái con nhỏ, bây giờ chẳng còn thiết đến ai!
Hoài đã khẽ cười. Khi soi gương nhìn bóng mình và biết rằng mình đẹp, có ai lại xoay đi chỗ khác bao giờ? Hoài cũng thế đó. Bọn học trò là mảnh gương trong suốt giúp Hoài nhìn về quá vãng một cách thú vị, ở đó có con nhỏ Hoài ngây ngô và đẹp như một câu chuyện cổ tích.
*
* *
- Cô ơi, em mà cô biểu làm con của trò Thảnh hả? mèn ơi, mắc cỡ quá đi, cô!
- Đóng kịch thôi, có gì đâu Bê?
- Thôi, em hát hà.
Thằng Thảnh quơ tay như người lớn:
- Ai thèm làm ba của trò. Tại vở kịch như vậy chứ bộ. Trò chấp nê làm chi.
Tụi học trò nhốn nháo bàn tán. Hoài nhịp thước lên bàn ra hiệu im lặng. Bầy trẻ dễ dạy lắm nên im thin thít nhìn cô. Hoài đứng dựa vào bàn vòng tay ngang ngực, chậm rãi nói, giọng hết sức trìu mến:
- Năm nay trường mình thi đua văn nghệ với trường tiểu học ở Quận. Trường mình có mấy lớp đâu, mà lớp các em là lớp lớn nhất ở đây, các em phải cố gắng chứ. Bên cạnh các em còn có cô mà. Các em muốn trường mình bị trường Quận chê không nè?
Tụi học trò la lên:
- Không cô, không cô!
Hoài cười:
- Vậy thì, các em gắng lên. Hát là đã đành rồi. Mình phải lo màn khác để thi đua cho chắc ăn chứ. Cô thấy Bê với Thảnh đóng kịch được nên cô mới chỉ định đó. Còn em nào muốn đóng kịch nữa?
Mấy ngón tay rụt rè đưa lên. Rồi lại thêm mấy ngón tay rụt rè khác! Hoài đếm trong nỗi vui nhẹ nhàng:
- Một, hai, ba, bốn, năm…
Đôi mắt của học trò lúc ấy thấp thoáng niềm hân hoan, thấp thoáng nỗi lo ngại…
Hoài thấy mà thương làm sao. Để học trò thêm hăng hái, Hoài nhắc:
- Có em nào thuộc bài “Hy vọng đã vươn lên” không? Bài hát cô dạy lần trước đó.
- Thuộc cô, em thuộc cô.
Cả lớp đồng thanh nói thật to. Hoài gật đầu:
- Các em giỏi ghê hà. Bây giờ cô với các em hát chung nha, chịu không?
- Thưa cô, chịu.
Hoài bắt giọng cho bầy trẻ nhỏ:
- Hy vọng đã vươn lên, hai… ba.
Thế là lớp vang vọng tiếng hát, nghe ngoan như tiếng chim se sẻ ríu rít trong vườn.
Hoài hát theo mà trí óc lan man nghĩ ngợi. Ông Hiệu Trưởng thích lắm, qua những bài hát Hoài dạy cho học trò. Bây giờ mà còn : kìa con bướm vàng, kia con bướm vàng… thì không khá nổi. Hoài dạy toàn những bài đã học được ở các cuộc sinh hoạt tập thể ngoài trời, bài hát mà trong đó vỡ lòng cho các em tình quê hương, tình đồng loại… không ai hát hay hơn chính đôi môi còn non của các em, cũng không nơi nào để lời thoát ra một cách ý nghĩa hơn nơi chính các em. Hoài đã ngẩn người nhiều lần chiêm ngưỡng con Bê cất tiếng : Ôi quê hương ta đẹp tươi đứng trong trời đất, ta yêu quê ta thì đâu có bao giờ mất… Yêu khiến lòng chẳng biết sao nguôi.
Ở học trò, cái gì cũng thánh thiện, ngay cả giọng miền Nam cố bắt chước hát giọng Bắc thành thử phải đả đớt, ngọng nghịu. Hoài chẳng ngờ, đi dạy lại cho Hoài một thế giới êm dịu, đẹp đẽ đến như thế.
Tết này Hoài lại về nhà trễ. Trễ hơn mọi năm. Má tưởng Hoài ở luôn nơi trường học, ba thì trách Hoài : con gái lớn rồi mà cứ hay làm cho ba má lo. Chiều có nhỏ Thương đến chơi, bây giờ nó là một nữ công chức, vừa đi làm vừa đi học. Nể con nhỏ thiệt. Có điều Thương làm Hoài ghét ghét là.
Bên hộp bánh mứt của má làm, hai đứa ngồi tâm sự gẫu. Thương bảo : tao tìm lại hồn mình thơ dại chiều nay. Con nhỏ nói chuyện như làm thơ. Mà nó đã chả từng làm thơ đăng báo đó sao? Nhớ hồi nhỏ, tất niên hai đứa nhón một mớ bánh mứt mang ra góc sân ăn một mình và ăn nhín nhín như chiều nay.
Thế mà Thương lại thành cô công chức ngày hai buổi đến sở làm, còn Hoài thành cô giáo miền quê. Đời ngộ quá. Thương hỏi thăm về đời cô giáo trẻ. Hoài sung sướng kể lại, hạt dưa cắn lách tách làm duyên câu nói. Sao mà nói về học trò, dù cho bất cứ ai nghe, Hoài cũng thấy chút hãnh diện. Hoài khoe cả chân tình học trò qua những tấm hình kim tuyến lóng lánh thô thiển. Vậy đó mà Hoài cất kỹ lắm. Bộ muốn có được tấm hình như vậy là dễ lắm sao? Học trò phải lặn lội ra tận chợ quận và để dành tiền mua tặng cô giáo, cũng tốn cỡ hai ba chục. Bằng giá một gói xôi bánh tằm ăn trước khi đi học. Nhịn ăn để làm quà biếu cô giáo, không là thương là mến thì là gì? Chưa kể những câu viết thật thà màu tím gò gẫm phía lưng tấm hình, đọc lên nghe ngọt ngào. Em chúc cô một mùa xuân như ý. Đó là của đứa học trò nhất lớp. Tặng cô tấm hình này để làm kỷ niệm. Đó là của đứa học trò hay hát. Em mua gởi cô, cô đem về Saigon nhớ em hoài nghe cô. Đó là của đứa học trò rụt rè đến tội nghiệp. Hôm nó lên tận bàn Hoài, trao tấm hình, tay nó run bần bật. Nó tên Thơm. Đứa học trò lạ thật. Cái gì mà Thơm biết thì Hoài nhận ra ngay. Khi Hoài hỏi:
- Ai biết, trả lời cho cô đi?
Thì Hoài sẽ thấy mấy ngón tay trỏ giơ lên cao khỏi đầu. Thơm thì không. Nó chẳng giơ tay đâu mà mặt nó xanh lại, môi nó tái ngắt. Hoài gọi trả bài thì dường như nó mừng lắm, nhưng có cái tật lớn : nhát như thỏ đế. Nghe Hoài kể miên man, chợt dưng Thương chép miệng:
- Không hiểu sao mày lại khoái cái lũ nhỏ ngờ nghệch ấy được. Chán ngắt!
- Còn mày, sao lại mang vào người hai chữ công chức thế kia?
Thương cắn miếng mứt me cười ruồi, mà mắt thì long lanh:
- Ừ, thế mới khốn nạn. Mỗi đứa có một đời riêng hở mày?
Thương biết mỗi đứa có một đời riêng mà lại chê học trò của Hoài là ngờ nghệch. Làm tài khôn. Hoài không nói gì hết, ngồi im ngắm mãi mấy tấm hình. Thương đòi về và dặn mùng hai Tết ghé nhà Thương để Thương chấm số tử vi cho. Hoài chun mũi : hết làm công chức lại sang nghề tử vi… sư, chịu mày!
Thế mà Hoài cũng chả ghét Thương được. ghét một thoáng rồi hết. Con Thương là bạn tâm đầu cơ mà. Ờ, lại nhớ bọn học trò. Nhất là cái hôm thi đua văn nghệ tất niên. Vở kịch mà chính Hoài soạn lấy, dựa theo một truyện ngắn của Thương trên báo, chẳng dè lại thành công. Lần đầu tiên lên sân khấu, bọn nhỏ bối rối ghê lắm. Hoài trấn an bao nhiêu lâu. Chính vì quá run, quá lo mà khi bị Thảnh trong vai ba, nạt mấy tiếng, con Bê vòng tay cúi đầu khóc ròng. Sự diễn tả xuất thần ngoài ý muốn. Ai cũng khen. Về bộ môn kịch và đồng ca, trường Hoài được chấm nhất. Hay tin này, lớp Hoài reo lên ầm ĩ, mừng quá chừng là mừng. Biết lấy gì để mà so sánh đây.
Tối hôm đó, bọn học trò kéo nhau đến nhà cô giáo ăn mừng. Cũng gần Tết, nên đứa thì đem bánh tét, đứa thì đem xôi vò… Hoài với tụi nó quây quần nhau chung vui. Mắt đứa nào cũng rộn ràng niềm vui, mắt đứa nào cũng chứa đầy vẻ Tết. Hoài khen Bê đóng tuồng hay, thì Bê bẽn lẽn:
- Cô ngạo em. Đáng lẽ em đâu có khóc, tại trò Thảnh làm ba cho em, dậm chân dọa nạt mà dậm… trúng chân em. Đau thấy mồ.
Thảnh lại phân trần:
- Cô coi, trỏ đứng gần em quá hà. Em đã run rồi nên em đâu nhìn dưới chân làm chi. Em dậm thí càn cho có vẻ giận dữ như cô nói, chừng trỏ khóc, em quýnh quá muốn… té, may sao em nhìn thấy cô, em vững bụng.
- Sao vậy?
- Tại cô đang chăm chú nhìn, môi cô cười nữa. Em biết không đến nỗi nào…
Tụi học trò cười rần lên. Một đứa nhỏ ngây thơ phê bình:
- Em thích nhất cái màn cuối cùng lúc mà trò Thảnh gắn lên tóc trò Bê cái nơ xanh làm quà Tết cho con mình, ngó sao đẹp ghê vậy cô. Mà hổng giống cha con gì hết trơn, giống như là anh em.
Tụi học trò lại cười nữa. Bằng môi lẫn bằng mắt. Hoài gửi đến học trò những cái nhìn đằm thắm thương yêu.
Sáng ngày ra, đường quê nhộn nhịp, làng nhỏ sắp có phiên chợ cuối năm, bán hàng cho người đi sắm Tết. Con đò ngang trên sông chợ Quận tấp nập người. Hoài bâng khuâng. Trường đã đóng cửa, học trò về nhà lo đón Tết cả. Hai mươi tám Tết rồi còn gì. Hoài bước trên con đường ngoằn ngoèo, trong sân nhà ai cũng thấp thoáng bóng cây nêu cao. Hoài nhớ ghê hai câu thơ:
Cu kêu ba tiếng cu kêu
Cho mau đến Tết dựng nêu ăn chè
Hoài nửa muốn ở lại, nửa muốn về nhà với ba má. Tết nhà quê làm Hoài thích thích, nhất là Tết ở những con mắt đen, ở những lời nói của học trò.
- Tết nay em không có áo mới đâu cô, tại vì má em hổng có tiền, nhưng mà nhà em năm nay hổng ai bệnh hoạn gì hết, má em vui, em cũng vui.
- Con heo nhà em bự xộn rồi cô. Tía em bán đặng tiền hết sức nói đi. Tía em nói Tết nay, nhà em ăn Tết lớn, cô ở lại nghen cô. Tía má em mời cô đó.
- Còn em, chị em biết may áo bà ba, nên Tết nào em cũng có cái áo bà ba mới. Em thích đi mừng tuổi bà con để được nhiều tiền lì xì. Nếu cô ở lại đây, chắc tụi em sẽ kéo tới mừng tuổi cô cho coi.
Có những câu nói an phận, có những câu nói tin tưởng, có những câu nói mừng vui, nhưng câu nói nào cũng tội nghiệp. Có điều, đôi con mắt thì hân hoan. Cái hân hoan thật thà, khiến Hoài xót dạ. Học trò nhà quê của Hoài bao giờ cũng đáng thương. Từ cách học hành hằng ngày, cho đến sự bộc lộ niềm vui ngày Tết, tất cả đều mộc mạc, giản dị và chân thành. Không có một mơ ước nào vượt khỏi lũy tre xanh, không có một cái nhìn nào bay khỏi cổng làng. Vì thế mà Hoài về nhà trễ. Hoài muốn ăn Tết với học trò, cái Tết không màu mè nhưng vô cùng ý nghĩa. Tết có nêu cao. Tết có hoành phi câu đối và Tết có bầy học trò đơn sơ hiền lành…
Má trách Hoài, ba phiền Hoài. Tại vì ba má không biết, không thấy học trò của Hoài. Làm sao nói để ba má thương bầy trẻ nhỏ kia như Hoài đã thương? Hoài nâng niu học trò như Hoài đã nâng niu tuổi thơ của mình, thứ tuổi thơ đã qua đi, chỉ còn trong hồn, chỉ được nhắc lại bằng học trò mà thôi.
Hoài cắn một hạt dưa nữa, tiếng tách vang lên. Hoài cũng đang vui, vì Hoài nhớ đến vẻ Tết trong mắt học trò hôm nay. Chẳng biết trong mắt Hoài có chứa cái Tết không, hay chỉ là một màu hoàng hôn của sự pha trộn niềm vui và nỗi xót xa?
LÊ NGUYỄN MAI TRẮNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Giáp Dần, 1974)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét