Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Cánh gió (Chương I) - KIM HÀI

CHƯƠNG I

Những chiếc hoa kiền kiền nhỏ bé xoay tít lên như chong chóng bay bay mỗi khi cơn gió đến. Màu hoa vàng ngà, nhạt trắng đi trong nắng chiều hôm. Gió trở lạnh vào những ngày cuối năm. Từ trên ban-công của ngôi biệt thự màu hồng, quang cảnh giữa lừng, từ chỗ Mây đứng nhìn ra đằng trước trông hiu hắt lạ. Chỉ có hoa kiền kiền lảo đảo và những chiếc lá vàng cuối mùa rơi rụng. Một chiếc bong bóng màu xanh vật vờ ở xa, xa lần rồi cuối cùng chỉ còn là một chấm nhỏ. Mây nhoài người theo, nhưng vẫn không thấy gì cả. Chiếc ghế gỗ bọc nệm nhún nhẩy nhè nhẹ dưới mông. Mây nghe nóng bức, bực bội mặc dù hai cánh tay trần đã gai gai vì lạnh. Mây lại thu mình trong góc ngồi nghe ngóng buổi chiều dần xuống.

Căn nhà vắng lặng. Không có một ai ở nhà hết trừ Mây. Những người làm gồm có hai chị giúp việc và chú tài xế thì rút cả ra đằng sau bếp cách xa ngôi biệt thự một khoảng vườn rộng. Họ đang sửa soạn cho thau mứt mãng cầu, loại mứt mà cậu Văn, con bà chủ ưa thích nhất. Mỗi người có công việc riêng của mình. Mây không được phép chạy ào xuống bếp để tẩn mẩn mấy trái mãng cầu chín, tán chuyện với chị bếp, anh Tài. Mây có công việc riêng của Mây. Cái công việc đã đưa Mây đi từ một thế giới này sang một thế giới khác. Thế giới mà trí óc đơn sơ của Mây không phân biệt được buồn hay là vui.

Cho đến hôm nay, Mây nhìn mọi vật mọi cảnh thật trước mắt mình mà vẫn thấy mơ hồ như chiêm bao. Ăn, ngủ, sống, đi lại. Bao nhiêu chuyện, bao nhiêu diễn biến, tất cả lẫn lộn, quấn quýt trong trí tưởng như óc đang được bao bọc bởi một làn sương mù buổi sáng. Mây không có thì giờ nghĩ đến quá khứ. Mây không có chỗ trống để nhớ lại những ngày qua. Mây như đi trong mộng du.

Chiều nay, cơn gió lạnh, ngôi nhà im. Mây không phải bận bịu bối rối vì một ai. Lòng Mây lắng xuống. Mây nhìn quanh. Đây đâu phải là chỗ hằng ngày. Chiếc ghế bọc nệm lại nhún nhẩy dưới mông. Mây trụt xuống, ngồi lên nền gạch hoa lạnh. Hơi buốt làm Mây nhớ đến những ngọn gió lùa mùa mưa qua những kẽ giấy rách ở một căn nhà tồi tàn cạnh chợ cá Trần Quốc Toản. Nhà của Mây…

Đó là một căn nhà… Phải nói là một căn lều mới đúng, trần mái và vách đều làm bằng hai thứ nguyên liệu chính là các-tông lấy từ các thùng giấy và loại thiếc mỏng có in hình quảng cáo coca cola, pepsi cola… Mây sống ở đó với một người chú họ xa mù lòa. Mây không còn nhớ là đã được người chú lòa nuôi nấng từ khi nào. Trí nhớ của Mây chỉ dừng lại ở những ngày rách rưới, đói khổ lang thang. Căn lều được thuê với giá 200 đồng một tháng. Đó là giá cũ còn lại. Tương đối là rẻ. Nhưng với tiền thuê nhà và tiền nuôi hai miệng ăn, Mây và chú phải làm việc vất vả. Nói là việc, nhưng chú Mây chả biết làm gì hơn là xin xỏ lòng bố thí của những khách từ tâm.

Từ sáng sớm đến chiều tối, Mây tay dắt chú, tay cầm cái ca nhôm, quần áo rách rưới bẩn thỉu. Lòng từ tâm của con người bao giờ cũng nhỏ hơn cái bao tử đói. Do đó, hai chú cháu bữa đói bữa no. Được cái là Mây có khuôn mặt ngây thơ, dễ thương, chớ không láu lỉnh, xấc xược như những đứa trẻ khác nên có hôm hai chú cháu được bữa no dư.

Rồi đến lúc Mây cũng lớn lên theo thời gian. Cái tuổi mười ba, mười bốn đã biết tủi nhục khi xòe tay xin tiền khách và bị hất hủi. Mây biết thèm thuồng ước ao khi nhìn những đứa trẻ cùng trang lứa áo quần phẳng phiu cắp sách đi học. Mây nhìn những tờ báo, những tranh ảnh, những giòng chữ chi chít mà tò mò, bứt rứt. Người chú biết rõ điều đó. Ông ta cũng thấy ân hận vì mình mà Mây phải bị thất học, nghèo khổ. Từ đó, buổi sáng, ông cho Mây đi học ở trường tư kế đó, còn ông ra ngồi ở đầu chợ Cá. Khi tan học, hai chú cháu dắt díu nhau về nhà. Cuộc sống vì vậy càng nghèo túng hơn. Những đứa trẻ đánh giày quen thỉnh thoảng ghé lại tá túc một đêm để nấu cơm, đánh bạc cũng giúp đỡ chú cháu Mây khi thì ít gạo, khi thì ít cá khô, cá ươn chúng thó được ngoài chợ Cá. Nhưng cũng họa hoằn, không đủ thiếu chi. Một lần hai chú cháu dắt nhau đi xin ăn ở một tiệm mì Tàu đường Nguyễn Tri Phương. Một người khách đã nặng lời với Mây. Mây còn nhớ rõ câu nói bực bội đó phát ra từ một cặp mắt khinh bỉ:

- Nè, con nhỏ, lớn đầu rồi kiếm việc làm ăn chớ. Ai mà cung cấp hoài cho tụi bây. Lười biếng quá mà…

Câu nói làm đầu óc nhỏ xíu của Mây như vỡ tung vì ức, vì tủi thân. Người chú già chớp chớp đôi tròng mắt trắng cố ngăn giòng lệ. Đêm hôm đó hai chú cháu trầm tư không ngủ và hôm sau chẳng ai buồn ra khỏi nhà. Tình cờ, ông Tư xích lô máy ở bên cạnh biết chuyện, ông gợi ý:

- Sao bác không làm như hai cái thằng gì đó ở mấy quán ăn khu ca-di-nô đó. Hai đứa nó vừa đờn vừa hát một bài, rồi cứ đi đến từng bàn, không hỏi han xin xỏ chi cả. Nhưng khách họ tự biết móc túi có khi cho cả trăm hoặc năm chục đó.

Chú Mây chớp nhanh đôi mắt đục:

- Nhưng như vậy cũng là ăn xin…

Ông Tư cười nhỏ:

- Ăn xin mà được à. Mình hát mình bỏ hơi của mình, ai thích thì cho ai không thích thì thôi. Cái đó là mình đánh mạnh vô tâm lý của họ mà. Thời buổi khó khăn, cho vài chục thì tiếc lắm… mẹ… thế mà chúng nó trút cả ngàn cho mấy cái quán ăn thì không tiếc đâu… Mình làm vậy có vẻ sòng phẳng hơn… Bác cứ nghe tui, thử rồi xem…

Chú Mây ngẫm nghĩ một hồi. Chú chừng cũng xiêu lòng. Nhưng chú chợt nhớ ra kêu lên:

- Trời, tui không biết đành đờn. Không biết hát. Vậy thì ai hát đây.

Ông Tư cũng bối rối, ông đưa mắt nhìn chú Mây rồi quơ quất nhìn Mây. Mây kêu lên:

- Tui hỏng biết hát đâu nghen. Kỳ quá trời…

Ông Tư vỗ đùi cái đốp, ông nói:

- Khó chi bác, con Mây đó. No ca ra gì lắm chớ. Tui nghe nó ca tân nhạc cải cách hoài. Bác ráng tốn vài chục cho nó ngồi lê ở mấy cái quán nước đầu kia kìa. Nó thuộc bài hát dễ như chơi.

- Chú, con hổng chịu vậy đâu chú…

Ông Tư nạt đùa:

- Bộ mày thích ăn xin cho họ chửi lắm hả. Nhứt nghệ tinh nhứt thân vinh chớ.

- Nhưng cháu đâu có nghề hát…

- Hổng cũng phải ráng chớ…. Được đó bác Sáu à. Bác không biết đờn thì gõ nhịp cũng được như gõ hai khúc cây đó mà. Đói thì đầu gối phải lết. Làm đại đi. Cũng được ít tiền rồi kiếm nghề khác sinh nhai.

Chú Mây thở dài:

- Mù lòa như tui thì còn nghề ngỗng gì nữa. Thôi cũng liều một phen thử xem con tạo nó xoay vần đến đâu.

Mây gục đầu vào gối yên lặng.

Ấy thế mà Mây cũng có một giọng hát ra gì. Chiếc phách gỗ gõ nhịp rối loạn, nhưng tiếng hát của Mây mang âm hưởng một tâm tình u uất, nghẹn ngào. Bản đầu tiên Mây ca là bản Làng Tôi. Có những câu: Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung…

Khách ăn có người cũng dừng tay gắp lắng nghe vài đoạn. Ban đầu Mây sợ và thẹn lắm nhưng riết rồi cũng quen coi như một nghề sinh nhai. Nhất là từ khi xin xỏ thiên hạ cách này, chú cháu Mây no ấm hơn. Mây có dư tiền để mua một cái lược màu chải tóc, mua cái mũ cói đội đỡ nắng và đôi dép nhựa thay vì đôi dép cao-su hay đứt.

Cho đến một hôm. Cái hôm, Mây nhớ rõ như in, Mây mặc cái áo mới may bằng vải hoa. Hai chú cháu lần lữa xuống tận Sàigòn. Chú Mây nói với cháu:

- Rán kiếm bộn bộn tiền mà ăn Tết.

Với ý tưởng giống như chú, Mây rán hết sức mình để hát những bản nhạc đầy tình thương yêu. Mây hát tất cả bốn bản, bản ruột của Mây là bản Làng Tôi, tiếp đó là bản Lòng Mẹ, Quê Nghèo, Tình Quê Hương.

Hát xong Mây đem mũ cùng chú đi một vòng. Động tác này đối với Mây quen thuộc và Mây thường ít chú ý đến khách. Nhưng hôm nay, lần đầu tiên Mây hát ở một tiệm ăn tương đối lớn ở Sàigòn nên thái độ của Mây nghiêm chỉnh lắm. Từng bàn, từng bàn. Đến trước một bàn Mây lại cúi đầu cám ơn người cho tiền. Dáng điệu của Mây làm cho một người đàn bà sang trọng chú ý. Khác với những người khách khác, bà đi một mình, không cho tiền vào cái mũ của Mây đang cầm ở tay mà lại chỉ hai cái ghế trống trước mặt, nói giọng chậm rãi từ tốn và nhẹ nhàng:

- Mời ông và cháu ngồi xuống đây một lát. Chắc ông và cháu không bận gì?

Mây ngước đầu nhìn sững người đàn bà. Chú Mây tưởng mình nghe lầm, ông bấm tay vào vai Mây giục giặc, đôi lòng mắt đảo lộn liên miên.

- Tôi mời thật mà, tôi có chuyện cần hỏi ông một lát. Ông vui lòng. Cháu ngồi đây. Ăn bánh ngọt nhé.

Giọng nói êm ái đó như thôi miên Mây. Mây ngồi nhẹ lên chiếc ghế êm như nhung. Chú Mây ngồi lên mép chiếc ghế cạnh Mây ý hẳn chú không tin những gì đang xảy ra ở trước mặt mình. Bàn tay chú lần sờ lên nền nệm ghế, rồi sờ lên tấm áo vá của mình.

- Ông và cháu là cha con?

Người đàn bà gợi chuyện.

- Không, tôi là chú.

Người đàn bà cầm muỗng khuấy đường trong ly nước cam mà người bồi vừa mang đến đẩy lại trước mặt chú Mây ân cần:

- Mời ông uống tí nước. Cháu chờ kem nhé. Trẻ con thường thích ăn kem. À, tôi hỏi chuyện hơi đường đột một chút, xin ông thứ lỗi cho.

Từ lâu, lâu lắm rồi chú Mây không được nghe những giọng nói lịch sự đó, bây giờ nghe được trong một hoàn cảnh bất ngờ như hôm nay, chú cháu Mây ngẩn ngơ ngạc nhiên. Chú Mây lo âu và hơi khó chịu vì mặc cảm sự nghèo hèn rách rưới của mình. Ông có cảm tưởng như cả tiệm nước đang trố mắt nhìn hai chú cháu. Ông nói, giọng hơi chát:

- Cám ơn bà, nhưng… chúng tôi đâu có quen biết gì với bà…

Mây đưa mắt nhìn người đàn bà trước mặt. Đôi mắt kẻ đen khéo léo ánh một chút buồn lòng và ngập ngừng. Vầng trán được che phủ bởi những lọn tóc đen nhánh khẽ nhíu lại ở đường chân mày, giữa hai mắt.

- Vâng, tôi biết lỗi, nhưng quả thật tôi có chuyện cần nhớ đến ông (bà thấp giọng). Nhưng trước hết xin ông và cháu đây nghe tôi kể hoàn cảnh của tôi bây giờ. Gia đình tôi gồm tất cả ba người, tôi và hai đứa con, đứa con trai lớn năm nay được 18 tuổi nội trú ở Đà-lạt, đứa con gái nhỏ trạc bằng cháu này đây. Chồng tôi chết trận khi cháu bé mới được 6 tuổi. Nhưng nhờ trời gia đình tôi khá giả nên tôi nuôi nấng được con cái đàng hoàng. Tôi cứ tưởng đời tôi sẽ không có những lo lắng nào nữa, thế mà không ngờ, trời còn bắt tội, hồi Tết Mậu Thân vừa qua, một viên đạn lạc làm bị thương cháu nhỏ. Rủi ro, vết thương động đến tủy sống ở lưng, cháu bị tê liệt không đi được. Nhà đơn chiếc, cháu nó buồn vì đang tuổi chạy nhảy mà phải mang tật. Tôi…

Chú Mây ngắt lời:

- Chắc bà muốn thuê con cháu tôi đây về ở với bà phải không?

Bác khách lắc đầu:

- Ông nói vậy hơi quá… Tôi thấy cháu nhỏ đây thông minh, hiền hậu, nên mong ông cho cháu về làm bạn với đứa con gái của tôi. Tôi sẽ cho cháu học hành đàng hoàng. Ông nghĩ lại đi, ông làm ơn cho chúng tôi mà cháu ông cũng có lợi.

Chú Mây lắc đầu:

- Tui mù lòa, chỉ có nó đỡ đần. Vả lại, hồi ba má nó gửi nó cho tui, đâu có nghĩ là tui cho nó đi ở đợ…

- Không phải vậy đâu…

- Thôi dù sao, chú cháu tui cũng cám ơn bà lắm. Chắc bây giờ cũng trễ lắm rồi, chúng tôi còn phải đi kiếm cơm…

Chú Mây ngần ngừ một giây, ông dịu giọng:

- Bề gì bà cũng giàu có, bà kiếm ai lại không được…

Chú cháu Mây đứng dậy. Người đàn bà vội vã hỏi:

- Vâng, ông suy nghĩ lại. Ông có thể cho tôi biết địa chỉ…

Mây đưa mắt nhìn chú, ông im lặng nửa muốn nửa không. Sau cùng ý chừng ông thấy mình cũng bất lịch sự nên chép miệng trả lời:

- Bà cứ đến chợ cá Trần Quốc Toản, hỏi nhà ông Sáu Đẩy ở đâu là họ chỉ liền. Chỗ chúng tôi ở không có số nhà.

Rồi ông đưa tay cho Mây, bảo cháu:

- Thôi mình đi tiệm khác đi cháu…

Năm ngày, một tuần, rồi nửa tháng, câu chuyện kỳ lạ giữa thiếu phụ và chú cháu Mây chìm trong quên lãng. Một đôi khi cực nhọc quá, thoáng qua trí nhớ của Mây một niềm ao ước vu vơ, rồi thôi. Nhưng một buổi chiều đẹp trời cách đây gần một tháng, trong lúc hai chú cháu Mây đang dở bữa cơm chiều thì có khách. Khách là thiếu phụ hôm nào. Bà ta đến một mình với nhiều lời năn nỉ. Nhưng chú Mây nhất định không chịu. Ông không muốn cho đứa cháu mà mình trông cậy phải đi nơi khác. Ông lý luận:

- Tui mù lòa, cần con Mây để đỡ đần công chuyện. Bà thiếu gì người mà phải bận bịu với cháu tôi. Bà không có con Mây đây, không sao. Nhưng nếu tôi không có cháu thì tôi còn biết kiếm ăn vào đâu.

Bà khách cúi đầu suy nghĩ một lúc lâu. Đoạn đề nghị:

- Thì như tôi đã trình bày với ông tôi mượn cháu đây không phải là mượn người giúp việc mà mượn một người bầu bạn với con gái tôi. Cháu đây sạch sẽ, thông minh, biết hát, chắc con bé nhà tôi sẽ mến lắm. Tôi đề nghị sẽ giúp ông bỏ nghề hiện tại và tìm một cách sinh nhai khác. Tôi có quen với một người chuyên lãnh vé số bán. Tôi giúp ông món tiền làm vốn và tôi nhờ họ hằng tuần cung cấp vé số cho ông. Ông không cần phải lang thang xa xôi, cứ ngồi một chỗ cũng có thể bán lấy tiền huê hồng sống sung túc. Tôi hứa với ông như vậy. Còn cháu Mây đây, tôi sẽ giúp cho ăn học đàng hoàng. Hằng tháng, hằng tuần, cháu Mây sẽ về thăm ông. Tôi nghĩ cái đó lợi cho cả đôi bên, nhất là cho tương lai của Mây. Ông bình tâm nghĩ lại đi, đó cũng là một cách làm ơn cho tôi. Một mai, con gái tôi nhờ cháu Mây đây mà yêu đời trở lại tôi không bao giờ quên ơn.

Câu nói cuối cùng đó làm chú Mây nghĩ ngợi nhiều. Đây là một dịp để ông bỏ nghề xin xỏ thiên hạ, và cũng để cho tương lai của Mây trong sáng hơn. Ông nghĩ đi nghĩ lại rồi dịu giọng:

- Thôi bà để tôi hỏi ý kiến của cháu Mây. Bề gì cũng tự quyền của cháu một phần.

Ông kêu Mây lại rồi nói:

- Chuyện đó, cháu nghĩ làm sao? Chắc cháu nghe rõ hết?

Người đàn bà cầm lấy tay Mây nói:

- Cháu đừng lo gì hết, bác sẽ lo lắng cho chú của cháu khỏi phải vất vả như bây giờ. Miễn là cháu chịu về bầu bạn với con Mai của bác. Bác thương nó vô cùng. Nhứt là nó bị tật nguyền. Cháu ráng giúp bác vài năm. Bác kiếm cách chữa bệnh cho cháu Mai, khi kha khá rồi, cháu có muốn về với chú cũng được, hoặc đi ra làm việc thì bác kiếm chỗ làm cho, bác bảo đảm mà. Cháu giúp bác đi. Bác gặp cháu, bác ưng ý lắm… Nghe...

Mây nghe xao động, nửa muốn nửa không. Mây không biết cái gì sẽ xảy đến cho mình khi Mây nhận lời người đàn bà xa lạ này. Mặc dù xuyên qua câu chuyện Mây thấy cũng có cảm tình. Mây ấp úng:

- Thôi bác để ngày mai rồi cháu hỏi chú cháu cái đã…

Người đàn bà vui vẻ nhận lời. Bà ra về sau khi căn dặn mời gọi nhiều lần.

Đêm hôm đó, chú cháu Mây cùng mấy người hàng xóm bàn luận hơn thiệt suốt đêm. Cuối cùng mọi người đồng ý để Mây đến nhà người đàn bà đó với điều kiện là phải bác Tư xích lô đưa tới để còn xem nhà cửa thế nào…

Ngay hôm đầu tiên, Mây đã được đưa đến phòng của Mai con bà Tuyết Hoa chủ nhà. Cô bé chỉ trạc bằng Mây. Gương mặt giống mẹ như khuôn đúc. Từ chiếc mũi, cái miệng, duy chỉ có đôi mắt man mác một nỗi buồn rầu khó tả. Thấy Mây vào, cô bé kéo vội chiếc khăn che kín đôi chân tê liệt. Bà Tuyết Hoa ngồi xuống mép chăn ấu yếm vuốt tóc con, nói:

- Con đang xem truyện hở? Xem ít thôi kẻo mỏi mắt nghe.

Mai đưa mắt nhìn Mây. Bà Tuyết Hoa hiểu ý, nói với con.

- Mẹ hứa với con là sẽ kiếm cho con một người bạn gái thật dễ thương, biết hát, hiền hậu để chơi với con, ở luôn đây với con. Mây đó, con làm quen đi.

Mai ngước mắt nhìn Mây chăm chú, mắt cô bé ánh lên một chút vui mừng. Cô nói, giọng yếu ớt:

- Chị Mây hả? Lại đây với Mai đi. Mai không đứng lên được.

Nghe Mai nói, lòng Mây bỗng dưng dậy lên một mối xúc động nhẹ nhàng. Mây rón rén từng bước lại gần. Nhưng vẫn còn bỡ ngỡ làm sao, Mây không thốt được tiếng nào.

- Chị ngủ ở phòng Mai nghe. Phòng Mai có đủ truyện hết. Tụi mình chơi với nhau nghe. Từ hồi Mai đau đến giờ, tụi bạn của Mai đứa nào cũng bỏ Mai hết. Chắc chị không giống như bạn của Mai đâu há.

Bà Tuyết Hoa ngắt lời con:

- Con đừng lo, Mây sẽ là bạn tốt của con, nhưng con phải ngoan và đừng khóc nhiều như trước nữa.

- Tối nay chị Mây ngủ với con chứ?

Bà Tuyết Hoa cười:

- Tất nhiên là vậy.

Những ngày đầu tiên bỡ ngỡ đã qua. Mây đã làm quen với cuộc sống mới, dù là chưa hoàn toàn lắm. Mây đã nói chuyện với Mai một cách cởi mở. Đồng tuổi với nhau và nhất là lòng khao khát bạn hữu, Mây tránh được những cử chỉ đố kỵ ban đầu. Người bạn đầu tiên của Mây khác với tất cả những người bạn cùng xóm, cùng nghề.

- Chị bếp ơi, mở cửa cho tôi vào đi.

Tiếng bà Tuyết Hoa vang vang ngoài cổng. Mây chồm qua lan can nhìn xuống. Mai ngồi cạnh mẹ trên chiếc xích lô. Chiếc mền mỏng thêu hoa hồng cố hữu trên chân, che giấu đôi chân tàn tật. Hai mẹ con đi bác sĩ về. Chiều nào cũng vậy, cũng chiếc xích lô với ông phu già và hai mẹ con. Bà Tuyết Hoa cho biết là họ đã chữa trị như vậy từ Tết Mậu Thân đến nay, thế mà vẫn chưa thấy khả quan chút nào. Mây rời chỗ ngồi đến cạnh cầu thang để giúp chị bếp đưa Mai lên phòng. Vừa thấy mặt Mây, Mai kể chuyện ngay.

- Mây à, cái ông bác sĩ này dở chết luôn. Chữa hoài hổng lành mà mẹ cứ bắt đi chữa hoài.

Mắt cô bé rơm rớm nước. Mây làm thinh, trước mặt mọi người, Mây vẫn thấy khớp khi nói chuyện hoặc tỏ vẻ thân mật với Mai. Hình như đó là tự ái. Mây cũng không biết nữa. Mây đỡ Mai lên giường, đắp chăn lại. Và khi cánh cửa phòng đóng kín sau lưng hai người, Mây mới nói:

- Mây chẳng đi bác sĩ bao giờ nên chẳng biết chi hết.

Một giọt nước mắt ứa ra trên đôi má xanh xao của Mai. Cô bé nức nở nhè nhẹ:

- Ai đời… Mai không thích đi ra ngoài. Ai cũng ngó Mai. Mai không thích như vậy. Mai ghét ai ngó Mai lắm.

Mây an ủi vụng về:

- Tại Mai xinh nên ai cũng thích cũng mến hết chớ…

Mai ngẩng lên, giọng giận dỗi:

- Mây đừng có dối Mai. Mai què quặt nên ai cũng thích nhìn. Họ thương hại Mai, họ chế giễu Mai…

Mây lắc đầu. Mây muốn an ủi Mai, muốn đánh tan những ý nghĩ không tốt đẹp trong đầu óc Mai để Mai vui sống, nhưng đầu óc giản dị của Mây không tìm ra được lời nào. Mãi khi Mai hết khóc, nằm xuống, Mây mới rụt rè hỏi:

- Để Mây hát cho Mai nghe nhé. Mai thích bài gì…

Mai hơi vui vui gật đầu.

- Dữ hông. Hôm qua, hôm kia năn nỉ muốn chết mà Mây chẳng chịu hát, đợi má vô yêu cầu Mây mới hát… Mây hát cho Mai nghe đi… Bài gì cũng được… À… Bài Con thuyền không bến đi.

Mây bỡ ngỡ:

- Mây không biết hát bài đó….

- Thôi Mây thích bài gì Mây hát bài đó đi…

Mây ngẫm nghĩ một hồi rồi hát: Đời ta vui như hoa hồng thắm sao ta không đón Xuân tươi đang về trong nắng hương…

Bài hát dứt. Mai nhìn Mây hỏi:

- Sao lúc nào Mây cũng vui vẻ hết. Chắc Mây luôn luôn vui, chẳng khi nào buồn hết á…

Mây nhìn Mai cười, không biết phải nói như thế nào.

Mai lại hỏi:

- Hồi nãy, đi khám bệnh, mẹ nói là Mây trước đó hát dạo phải không? Mai biểu mẹ kể, mẹ nói không biết rành. Bây giờ Mây kể cho Mai nghe đi. Mai hứa giữ kín hổng đưa chuyện với ai hết á… Hát như vậy như chuyện "Vô Gia Đình" phải không Mây… Ngộ quá hén.

Mây cúi đầu thở dài. Nàng nhớ đến ông chú mù lòa và thấy mình bất nhẫn bỏ đã bỏ đi. Nhưng Mây còn được chút an ủi là bà Tuyết Hoa đã giữ lời hứa và chú Mây không phải lê lết đi xin của bố thí của người ta.

- Mây à, ba má Mây ở đâu há?

Mây nhìn Mai, cô bé chúm chiếc miệng nhỏ nhắn ra dáng hỏi han tò mò. Mây bâng khuâng nhìn ra cửa sổ. Trong trí nhớ mịt mùng không có một gợi ý nào về hai tiếng nói thân yêu đó. Mây lắc đầu:

- Mây không biết. Chú nói ba má chết hết rồi, hồi Mây còn nhỏ.

Mai nhìn Mây ngạc nhiên:

- Mây hỏng biết… Còn ba Mai chết lâu rồi, hồi Mai học lớp ba lận. Ba Mai hiền mà trẻ lắm. Để Mai lấy tập ảnh Mây coi nghe. Mây lấy giúp Mai đi, cái quyển bìa màu nâu đó ở trên đầu tủ chỗ mấy quyển sách hình…

Mây đứng dậy.

- Đó… bên cạnh Mây, quyển nâu nâu… đúng rồi.

Mây và Mai chụm đầu vào nhau xem hình. Những trang hình lật qua kèm với lời giải thích của Mai.

- Đó ba mình đó, thấy hông… hồi đó ba làm ở Bộ Thông Tin đó, ba hiền và hay cười lắm. Chuyên môn dẫn Mai đi chơi hoài à… Cái này là hồi ba với má dẫn Mai đi Sở thú đó…

Mây chỉ vào hình một cậu bé miệng méo xệch vì khóc, hỏi:

- Ai đây vậy Mai?

Mai cười khúc khích:

- Anh Văn đó, để bữa mô Tết ảnh về cho biết. Hồi đó ảnh chuyên môn đánh dọa Mai hoài. Tham ăn một cây.

- Bây giờ ảnh lớn chừng nào rồi?

Mai ríu rít lật nhanh tập ảnh:

- Đằng sau này nè. Bây giờ ảnh học gần lên đại học lận chớ ít chi. Ảnh lớn quá trời mà cưng Mai lắm.

Mai chỉ vào hình ảnh một thanh niên đứng tươi cười dưới gốc thông trên ngọn đồi.

- Mỗi lần Noel đó, ở Đà Lạt về, khi nào ảnh cũng đem theo một cành thông xanh ngắt hà về làm cây Noel, với lại nhiều trái lắm. Tết này ảnh về ảnh mua mứt mận cho Mai đó. Mai có viết thư kể chuyện Mây đó. Để coi, thế nào khi về ảnh cũng có quà cho tụi mình…

*

Bà Tuyết Hoa đẩy chén sang một bên, uống một ngụm nước rồi nói với con:

- Anh Văn Tết nay không về được. Bác Hải đi ngoại quốc nhờ nó ở nhà trông chừng nhà giúp…

Mai bỏ muỗng xuống kêu lên:

- Con không chịu đâu. Anh Văn hứa mua quà cho con mà, ảnh hứa mua quà cho Mây nữa… Mẹ nói ảnh về đi mẹ. Kệ bác Hải. Bác xấu quá.

Bà Tuyết Hoa cười với con:

- Bác Hải viết thư năn nỉ mẹ đây này. Văn nó cũng viết thư cho mẹ, quà thì nó đã gửi đi rồi nhưng chưa tới.

Nước mắt Mai trào ra. Cô khóc thút thít. Bà Tuyết Hoa kêu lên:

- Ơ không biết xấu hổ. Có Mây ngồi đó mà không xấu hổ. Lớn rồi cứ tưởng nhỏ nhít gì.

Bữa cơm xong, vào phòng rồi mà Mai vẫn còn khóc. Cô bé cứ kêu lên là anh Văn ghét không muốn về nhà vì cô bị què quặt xấu xí. Ai làm điều gì không vừa ý, Mai đều đổ cho tội ấy. Bà Tuyết Hoa dỗ mãi không được, cuối cùng bà kêu Mây vào với Mai. Và bà hứa chiều nay sẽ đi bưu điện lãnh quà cho Mai. Mây phải an ủi, vỗ về một lúc lâu Mai mới nguôi ngoai.

Buổi trưa của những ngày cuối năm hâm hấp nóng. Mặc dù có quạt trần nhưng không khí vẫn không loãng ra được chút nào. Mai đã thiêm thiếp ngủ. Chỉ còn Mây trăn trở trên chiếc nệm nóng. Sự thay đổi đột ngột của cuộc sống, của sự giao thiệp tạo trong Mây những cảm giác, những ý tưởng hỗn loạn. Trừ những khi ngồi một mình nói chuyện với Mai, Mây quên đi, Mây chỉ nhớ Mai là một người đáng thương, Mai gần và giống với những đứa bạn học và Mây quên bẵng Mai là con của chủ. Chỉ khi nào đối diện với bà Tuyết Hoa là Mây thấy ngại ngùng. Mỗi lời nói thốt ra phải cân nhắc, thế mà vẫn ấp úng. Mây không biết là mình sẽ chịu được cuộc sống như thế này trong bao lâu nữa. Tâm hồn mộc mạc chơn chất của Mây có thích hợp được với căn biệt thự tráng lệ này chăng?

Mây đăm đăm nhìn tàn cây trứng cá qua cửa sổ. Những hạt chín đỏ mọng tươi trong nắng vàng buổi trưa. Mây nhìn vậy mãi cho đến lúc màu nắng trở nên chói chang, mắt xốn xang, rồi nhắm lại. Trong giấc ngủ chập chờn, Mây mơ thấy mình đang hát trong một tiệm ăn và trước mặt là những món ăn ê hề ngon ngọt.

Khi Mây thức dậy thì bà Tuyết Hoa đã đi ra bưu điện để nhận bưu kiện. Mây đánh thức Mai dây, dìu Mai lên chiếc xe lăn. Cả hai đứa ra ngồi ngóng đợi ở lan can. Chỉ chừng mút xong một viên kẹo chanh, bà Tuyết Hoa đã về nhà. Trên tay bà có mấy cái thơ và một gói quà lớn. Mai vỗ tay như đứa trẻ. Mây cũng vui lên khi nghĩ đến phần quà của mình. Lúc tiếng dép bà Tuyết Hoa động ở cầu thang. Mai đã la lên:

- Anh Văn gởi cho con cái gì đó me…

Bà Tuyết Hoa tươi cười giơ cao cái gói:

- Cái thằng gởi cái gì hổng biết, sao nhiều quá trời, để mẹ mở ra xem.

Mai la lên:

- Không, để con mở, mẹ để con mở..

Bà Tuyết Hoa chìu con, mỉm cười nói với Mây:

- Cháu phụ em mở quà đi. Gớm mười bốn, mười lăm tuổi đầu mà cứ làm như nhỏ lắm đó.

Mây và Mai lúi húi tháo tung những sợi chỉ buộc. Gói quà được gói kỹ lưỡng, ba bốn lần giấy dày. Mai cứ nói liền miệng.

- Cái gì mà gói kỹ lưỡng quá không biết.

Khi tấm giấy hoa lộ ra rực rỡ. Mai cười thật tươi:

- Con cá với mẹ là có mứt mận nè. Món đệ nhất khoái của Mai đó.

Và có mứt mận thật. Mứt mận đỏ tím ngọt ngào trong cái thau nhỏ trong vắt. Bên cạnh một bao ni lông đầy mận tươi. Mấy con chim, nhà sàn làm bằng hoa thông và gỗ thông đánh vẹc-ni bóng láng. Một gói hoa bất tử trắng vàng đỏ tía. Mai mở ngay lọ mứt mời mẹ, mời Mây rồi tự bỏ vào miệng mình một trái. Bà Tuyết Hoa đi xuống nhà dưới. Mai và Mây chúi mũi đọc cái thư. Mai xé bì thư lôi ra đọc.

- Anh Văn có gửi thư riêng cho Mây nè.

Mây ngạc nhiên. Nàng run run cầm tờ giấy mềm trắng. Nét chữ xanh bay bướm. Bức thư đầu tiên trong đời đến với Mây giữa môi trường và hoàn cảnh không ngờ. Mây lẩm nhẩm đọc:

Cô Mây,

Tôi được thư của em Mai cho biết cô đang là người bạn mới của em tôi và sẽ giúp đỡ em tôi trong suốt thời gian nó trị bệnh. Tâm trạng của những cô bé, tuổi thích chạy nhảy mà phải ngồi một chỗ chắc sẽ u sầu lắm. Nhờ cô mang lại cho em tôi chút tin sống và niềm vui. Cô đừng nghĩ ngợi gì cả. Mẹ tôi rất vui mừng khi cô bằng lòng đến nhà tôi. Mai khen cô lắm, nhất là nói cô có giọng hát thật hay. Rất tiếc, Tết này tôi không về thăm nhà được. Gửi biếu cô chút quà mọn Đà Lạt. Chúc cô vui khỏe. Tuấn Văn. 

Mây xếp bức thư lại, rồi mở ra, rồi đọc lại. Lời lẽ lễ phép lịch sự Mây chưa bao giờ nghe. Mây ngơ ngẩn không tin đó là chuyện thực. Mây cố tìm trong mấy giòng chữ lời nào mỉa mai Mây, mỉa mai cái chức vụ, nói đúng ra như một kẻ giúp việc may mắn. Nhưng không, lời thư thân tình như người thân thiết. Mây rơm rớm nước mắt. Mai ấn vào tay Mây một cái nhà sàn bằng gỗ thông. Dưới sàn nhà có ghi câu "Thân tặng cô Mây". Tiếng cô êm đềm quá. Từ trước đến giờ Mây chỉ nghe kêu con Mây, con nhỏ và cùng lắm bạn bè kêu tên hoặc tớ hoặc mầy, chứ không ai gọi Mây bằng một danh từ lịch sự như vậy, người lớn như vậy. Tấm gương soi trên tường hắt bóng Mây với mớ tóc dài. Mây đưa tay vuốt nhè nhẹ mái nhà sàn. Món quà thật đẹp thật sang.

- Anh Văn viết gì vậy Mây. Cha, thơ viết cho Mai ảnh ngạo quá trời. Được để nghỉ hè về rồi biết tay ta.

*

Những ngày Tết qua mau chóng. Thời tiết đã bắt đầu nóng bức trở lại. Bà Tuyết Hoa mướn thầy về nhà dạy kèm cho con gái, luôn thể kèm Mây. Bà cũng mướn luôn một cô giáo dạy nhạc và đờn dương cầm. Mặc dù giờ học nào cũng có mặt Mây, nhưng Mây cũng biết giới hạn quyền lợi mà mình được hưởng. Mây không dám đụng đậy tới cây đàn đẹp đẽ luôn luôn phủ khăn nhung đỏ khi đóng kín và để lộ ra những phím trắng hình chữ nhật nõn nà sang cả. Những giờ học chữ, bà Tuyết Hoa ép Mây vào ngồi học với Mai bởi vì Mai hay nản. Gặp bài tính khó, hoặc bài luận hắc búa, Mai rơm rớm nước mắt bỏ cuộc ngay. Có Mây, Mai rán sức hơn, cố gắng hơn. Riêng những giờ dạy đàn, dạy học, Mây trở nên một người thừa. Khi thì Mây ra ngồi một góc ở ban công, khi thì ngồi một góc nhà. Người dạy nhạc chỉ dạy cho một người và bà Tuyết Hoa cũng không muốn Mây học vì ít ra Mây cũng không phải là Mai hoặc Văn. Nhưng tận trong thâm tâm Mây, những tiếng đàn êm ái kia có sức quyến rũ Mây ghê gớm. Mây ước ao được một lần nhấn mấy ngón tay cứng nhắc của mình lên mấy phím đàn mát lạnh đó. Một lần thôi. Nhưng Mây cũng không dám ngay cả khi tất cả đều vắng nhà hoặc đôi khi Mai kêu Mây tới đàn thử. Lòng ham muốn vẫn không che giấu được khoảng cách giữa Mây và chiếc đàn sang trọng. Ngồi ở góc nhà, nghe tiếng đàn vọng ra, Mây tủi thân hết sức. Cho mình ở địa vị của Mai nhỉ. Được đàn được hát theo tiếng đàn. Ôi biết bao sung sướng.

Hôm nay, cũng như mọi ngày, Mai được đưa đi trị bệnh. Căn nhà vắng lặng. Chị bếp rút xuống dưới làm bữa cơm chiều. Mây lén đem những bài học về nhạc lý của Mai ra học. Mây chép lại vào tập vở nhỏ của mình những nốt nhạc, những định nghĩa, cung bậc. Đáng lẽ Mây không làm chuyện xấu xí này nếu Mây không nghe được câu chuyện của cô giáo dạy nhạc và Mai. Hôm đó, Mai lười học nhạc lý, bài trả không thuộc, bài làm cũng không. Cô giáo hỏi tại sao Mai trả lời không thích học vì khó và không thích thú. Cô giáo trả lời:

- Em phải biết, nếu em chỉ học đàn hoặc học hát mà không am tường nhạc lý thì cũng xem như bỏ đi.

Mai cãi lại:

- Sao chị Mây không học chi hết mà hát hay quá trời.

Cô giáo cười bảo:

- Chị Mây hát, có nghĩa là Mây biết hát, chớ Mây hát mà không trúng nhịp, không trúng giọng thì làm sao thành tài được. Có một giọng tốt chưa đủ, còn phải trau dồi nhạc lý nữa. Chị Mây hát với em nghe chớ làm sao hát cho mọi người nghe được. Còn giỏi lắm là hát đúng, nhưng đó là nhờ bắt chước ở máy phát thanh, có khác nào con két biết nói tiếng người.

Con két biết nói tiếng người. Mình hát như một con vẹt, Mây công nhận mặc dù hơi tức tức. Mây nhớ đến những lần nghe hát ở máy phát thanh rồi nhái theo, hoặc mua một bản hát về nhờ mấy đứa bạn hát để bắt chước. Những bài hát đã nghe qua nhiều lần thì khi tập rất dễ dàng, chả khó khăn gì. Tại sao mình không lắng nghe cô dạy nhạc giảng bài cho Mai nhỉ. Cứ xem như là đang học vậy. Biết đâu rồi mình giỏi, mình có công ăn việc làm, mình không còn phải đi giúp việc cho ai nữa.

Mai nhớ đế những bài đọc Việt văn kể chuyện có những người học trò nghèo quá đến độ không có tiền mua dầu đốt đèn phải quét lá khô đốt lên học hoặc bắt con đom đóm bỏ vào chai lấy ánh sáng, có người khoét thủng vách đón ánh đèn nhà bên hắt qua. Sống khổ cực như thế mà họ cũng có chí học hành cho đến lúc nên người. Mây lại nhớ câu chuyện cổ tích Thoại Khanh-Châu Tuấn. Chàng Châu Tuấn nhà nghèo không có tiền trả tiền học, hàng ngày thường đến ngồi ở hiên trường để lắng nghe tiếng giảng bài từ bên trong vọng ra. Về sau thi đậu đến trạng nguyên.

Người ta có chí thì nên. Mây cả quyết với lòng. Cứ học đại, biết đâu mình chẳng là ca sĩ. Những lúc mơ mộng một mình Mây thấy lòng phấn khởi vô cùng. Biết bao ca sĩ tài tử nổi danh bây giờ trước kia chả là thợ sửa xe, người ở đợ, hoặc gánh nước mướn. Nghĩ thì nghĩ, mơ thì mơ nhưng sao Mây thấy khó quá. Nhiều bữa khi hát hỏng suốt đêm với Mai trong phòng, Mai thường kêu đùa Mây là ca sĩ của gia đình Tuyết Mai. Ca sĩ tại gia. Nói xong hai đứa lại lăn ra cười rũ rượi.

Thấm thoát thế mà Mây đã sống với gia đình bà Tuyết Hoa được hơn nửa năm trời, 9 tháng. 9 tháng so với nhịp sống bình thường thì chả có gì thay đổi. Nhưng đối với Mây, 9 tháng thời gian đó đã trùm phủ, đã lột xác Mây khỏi cái vỏ ngớ ngẩn quê mùa. Mây lớn hẳn lên và cao nhanh. Giá đứng so với bà Tuyết Hoa, Mây cao gần bằng bà rồi. Mái tóc dài lõa xõa ngang lưng tạo Mây một dáng dấp thiếu nữ. Nước da hồng hào hơn, cử chỉ khoan thai hơn. Mây đúng là một cô gái đến tuổi dậy thì. Bà Tuyết Hoa trong một bữa cơm đã hỏi đùa Mây:

- Bác nghi cháu không phải 15 tuổi quá, ít nhất là 16 tuổi. Trông cháu lớn tợn, khác hẳn hôm gặp cháu.

- Tháng trước cháu về thăm nhà, chú cháu cũng bảo vậy. Chắc tại cháu mau cao quá.

Mai cười khúc khích:

- Như cò ấy.

Bà Tuyết Hoa nhìn con thoáng một chút buồn qua ánh mắt. Lẽ ra Mai cũng lớn và trở nên một thiếu nữ như Mây vậy, nhưng đôi chân tê liệt đã khiến Mai không lớn nổi. Đôi chân như cuốn mất sinh lực của Mai. Chữa trị đã lâu, nhưng đôi chân ấy vẫn bất động. Từ một tuần nay, bà đã đem Mai đi châm cứu với một y sĩ Nhật Bản. Không biết là lối chữa mới này có giúp đỡ được con bà chút nào không? Mai nhìn bà Tuyết Hoa cười:

- Mẹ chả ăn gì cả.

Bà Tuyết Hoa bưng bát cơm lên nói với con âu yếm:

- Rồi con sẽ lớn như chị Mây, vì con nhỏ tuổi hơn. Khi đó, mẹ mừng lắm.

Mai nháy mắt với Mây nhìn mẹ:

- Mẹ mừng, nhưng thế mẹ có biết cái gì sắp xảy ra không?

Bà Tuyết Hoa ngơ ngác:

- Cái gì?

Mây đỡ lời:

- Sắp đến sinh nhật của Mai đó bác.

- Trời ơi, tưởng cái gì, mẹ sửa soạn hết tất cả rồi đó. Chỉ sợ như năm ngoái, tiệc tùng xong, con chả chịu ra dự gì cả. Nhân vật chính nằm khóc trong phòng. Năm nay thì sao? Có làm mẹ buồn nữa không.

Mai cười nhẹ:

- Có chị Mây, con nhứt định ra. Nhưng mẹ hứa với con là không mời nhiều người như năm rồi nữa. Con ghét đông người lắm. 

Bà Tuyết Hoa đứng lên ra tủ áo lấy ra mấy xấp vải. Bà lại bàn đưa cho Mai hai xấp và Mây một xấp.

- Để hai đứa may áo bận hôm sinh nhựt Mai đó.

Mây nhìn xấp vải mịn màng, cảm động thốt lời cảm ơn. Lần vải màu ngọc thạch sáng rỡ.

Mai tíu tít:

- Má kêu chị Lan tới may áo cho tụi con đi. Chị Lan hay tới lãnh áo may ở đây lắm Mây. May mi-ni nghe Mây.

Mây đỏ mặt ngồi im. Từ nhỏ đến giờ Mây chưa bao giờ được xỏ tay vào một cái áo dài. Tiếng Mai tíu tít vui mừng:

- Mẹ mua cho con màu vàng đẹp ghê.

Bà Tuyết Hoa cười:

- Con bé khéo nịnh

- Thiệt mà mẹ… nhưng…

Mai xịu mặt xuống, cô bé nhìn đôi chân mình và ý thức được tấm áo dù đẹp vẫn không thể khoe được tà áo tha thướt. Bà Tuyết Hoa biết ý ngồi xuống bên con nói sang chuyện khác:

- Không biết thằng Văn có về không? Thế nào nó cũng gởi hoa xuống kịp ngày. Con viết thư cho anh chưa?

Mai gật đầu:

- Con viết thư cho anh Văn rồi. Thôi con đi ngủ một chút. 

Bà Tuyết Hoa đẩy xe vào phòng Mai. Mây bấm chuông kêu chị bếp và hai người im lặng dọn dẹp bát đũa. Từ trong phòng vẳng ra tiếng khóc nhè nhẹ. Chị bếp nhìn Mây lắc đầu.

Nhưng rồi ngày sinh nhật Mai vẫn đến. Năm nay, theo lời chị bếp sinh nhật Mai không rầm rộ như những năm trước. Chắc tại cô Mai không thích vậy. Mây tò mò:

- Tại sao vậy chị bếp?

Chị bếp vừa thụt kem làm mặt cho chiếc bánh sinh nhật vừa trả lời:

- Cô ấy không thích mấy bà bạn của bà chủ nhà. Ai đời tới chơi mà cứ hỏi thăm chân cẳng của con người ta hoài. Lại bày đặt nhảy nhót nữa.

Mây ngạc nhiên:

- Bà chủ chịu à?

Chị bếp cong cớn:

- Chịu gì mà chịu. Đầu tiên thì họ còn nhớ là sinh nhựt của cô Mai. Đến khi bánh sinh nhựt hạ xuống rồi, họ quên mất. Cô ấy không thèm dự, cứ khóc lóc vì tủi thân hoài.

- Sinh nhựt năm nay mời ít hả chị bếp?

- Ừa, chỉ độ mười người bạn thân và đứng đắn của bà Tuyết Hoa, mấy người đã chữa bệnh cho cô Mai. Họ đàng hoàng dễ thương lắm. Cô Mai cũng mến họ ghê.

Có bước chân vội của anh Tài. Anh ấy vừa ở ngoài phố về. Giọng anh oang oang:

- Cậu Văn gởi hoa hồng về cắm bình sinh nhựt cô Mai nè. Có mứt mận cho cô Mai nữa. Có quà cho cô Mây nữa nè. Thích không?

Mây ngạc nhiên chớp mắt:

- Thiệt hông chú, tui… có quà…

Anh Tài đưa cao gói quà lên phân bua:

- Thiệt chớ chơi hả… Cậu Văn tốt lắm. Tui với chị bếp lâu lâu cũng có quà đó chớ. Đây phần cô đây, mở ra thử coi.

Mây run run gỡ quà của mình. Một lọ mứt mận trong veo ngon lành. Trên miệng lọ đề: “Biếu cô Mây để cám ơn giùm em tôi”.

Mây nhìn lọ mận cảm động vô cùng. Thoáng mơ hồ, Mây nhận thấy lòng mình có cái gì êm đềm quá, êm nhẹ như tơ trời.

Mây mời chị bếp và anh Tài mỗi người một ít mứt, xong Mây đem hoa và quà lên cho Mai đang nằm trong phòng. Thấy Mây vào Mai kêu lên:

- Có áo mới rồi Mây. Mặc thử đi.

Mây giơ cao bó hoa và quà:

- Có quà sinh nhựt của anh Văn nè Mai. Hoa hồng và mứt mận.

Mai cười thật tươi.

- Năm nào ảnh cũng cho có chừng đó, hỏi ảnh, ảnh nói ai bảo sinh nhựt nhằm cuối tháng làm chi, hết tiền rồi, để dành vay bạn mãi mới đủ tiền mua mứt đó…

Mai chỉ vào một gói lớn đặt cạnh giường trên cái tủ đệm:

- Mây lấy ra mặc thử có vừa không?

Mây ngập ngừng:

- Mai mặc chưa?

- Chưa, bồ mặc trước đi, để tui ngắm cho.

Mây lôi từ gói giấy ra những tấm vải đã trau chuốt thành áo. Mây ra sau màn mặc thử. Chiếc áo dài đầu tiên bó nhẹ nhàng thân thể. Mây thấy ngượng nghịu làm sao. Tiếng Mai giục giã:

- Xong chưa ra cho người ta ngắm mí.

Mây thập thò bước ra. Hai tà áo quấn quít đôi chân. Mai kêu lên:

- Cha, đẹp ghê… Ngó lạ quá. Bồ ngắm trong gương coi.

Mây ngước nhìn. Trong gương không phải Mây mà là một cô gái xa lạ nào. Tóc dài đen. Má ứng hồng. Thân thể tròn trịa gọn gàng. Không phải Mây. Mây thấy mình ngẩn người ra.

- Đẹp lắm. Bữa nay lần đầu tiên thấy bồ mặc áo dài. Trông lạ quá… Mẹ thấy chắc khen lắm.

Qua cơn ngượng nghịu. Mây cởi vội áo ra và nói với Mai:

- Bây giờ đến phiên Mai mặc đi. Sinh nhựt Mai chớ bộ.

Mai gật đầu. Mây đưa cho Mai chiếc áo mầu vàng, kéo tấm màn che, khép cửa bước ra ngoài.

- Rồi, vô đi.

Mây đẩy cửa.

- Mây đẩy giúp Mai đến soi gương đi.

Trước tấm gương, hai tà áo dài bất động làu nhàu trên đôi chân bệnh. Mai cúi mặt không nhìn mà quay ra sau buồn rầu bảo Mây:

- Xấu quá phải không Mây? Mai mặc cái gì cũng xấu hết.

Mây thốt lời an ủi:

- Tại Mai chưa sửa áo cho ngay ngắn chớ. Này nhé tà trước bỏ thõng che đôi chân. Mai ngồi yên trên ghế có khác chi cô gái đang ngồi đâu. Đó Mai nhìn xem. Đâu có gì.

Mai nhìn vào gương:

- Cũng được. May mà chị Lan may cho Mai tà dài đủ che chớ không mấy bà nội tới cứ nhìn trừng trừng vô chân Mai đến khiếp.

Mây cười:

- Ai mà nhìn?... Mai rán chữa bệnh, châm cứu như mẹ nói đó có thể lành được đó.

Mai thất vọng:

- Mấy năm rồi chớ phải mấy tháng đâu Mây. Mai chẳng hy vọng chút nào hết.

- Bộ Mai không đọc báo thấy mấy người bại cả mấy chục năm trời mà còn chữa lành đó sao?

- Từ bữa châm cứu tới giờ Mai chẳng thấy chi hết…

- Thì cũng từ từ chớ thuốc tiên sao mà mau vậy.

Mây đổi giọng an ủi:

- Kỳ này, Mây thấy Mai khỏe ra đó. Rán đi, biết đâu Mai khỏi bịnh hai đứa mình đi chơi ngoài phố phải vui không.

Mai nghe an ủi cũng đỡ buồn, lảng qua chuyện khác:

- Hôm qua bồ hứa sẽ hát. Rồi bồ tập bài nào chưa? Mẹ có mượn ban nhạc của bác Mai đó. Bác ấy có phòng trà…

Mây la lên:

- Trời ơi, Mây có biết hát với nhạc nhiếc chi đâu. Rồi… chắc Mây hổng dám ra quá…

Mai cười:

- Nhạc thì nhạc chớ sợ gì. Mây hát hay thấy mồ.

Mây rên rỉ:

- Chó cắn mèo kêu chớ hay cái nỗi gì. Mây tưởng không có ai nên hát cho Mai nghe thôi chớ ai dè…

- Mai hổng biết, Mây hứa rồi… Mà Mây định hát bài gì đó… Có phải bài Lòng Mẹ không?

Mây thiểu não lắc đầu:

- Không phải, cái bài bữa nọ ở radio mình chép vô vở đó… Cái gì… à …Bông hồng cài áo đó… Mà… Mây không hát đâu… Mây lạy Mai đó…

Mai hất hàm, chụm môi:

- Để hồi sau phân giải. Bây giờ tụi mình sửa soạn đi. Chắc khách sắp tới rồi đó…

- Mây, Mai sửa soạn đi… Gần đến giờ rồi.

Tiếng bà Tuyết Hoa gấp gáp ngoài cửa phòng. Mây quýnh lên. Ngực đánh lô tô liên hồi. Mây không biết là mình thành cái gì trong bữa tiệc đây. Chắc thành một kẻ để mua vui cho mọi người chớ gì. Ý nghĩ làm Mây tủi thân. Mây nhìn xuống tà áo thẳng nếp, đôi guốc quai nhung mới ngượng nghịu dưới chân. Cái gì cũng mới mẻ, cái gì cũng không quen. Tất cả làm Mây như cứng người trong lớp vỏ sang trọng. Mây không dám nhận diện mình trong gương nữa. Mây bước tới sửa nếp áo cho Mai rồi mở cửa phòng đẩy xe ra.

Tiếng nhạc bập bùng nhè nhẹ vọng lên lẫn tiếng xôn xao. Chợt Mai dùng tay thắng xe lại. Mai ngước nhìn Mây:

- Mây ơi…

Đôi mắt Mai buồn bã. Mai nhìn đôi chân, nhìn cái cầu thang dốc. Mai đưa tay như muốn trở về căn phòng quen thuộc của mình. Mây hiểu tất cả. Mây nói thật nhỏ bên tai Mai:

- Cố gắng lên Mai. Hôm nay là ngày sinh nhựt của Mai mà. Chẳng có gì phải để ý hết. Chút nữa tui sẽ hát cho bồ nghe. Chắc tui hát nhà quê lắm, nhưng tui cố, cố…

Mai níu lấy tay Mây. Mây bấm chuông, chị bếp giúp Mây chuyển chiếc xe xuống lầu.

Mắt Mây hoa lên vì những ngọn đèn sáng choang, bởi những tấm áo đắt tiền đủ mầu sắc, bởi hàng trăm tiếng nói xôn xao. Nhiều bóng người hoa lên đằng trước, đằng sau, chung quanh.

- Mừng sinh nhật cháu.!

- Mừng sinh nhật cháu Mai!

- Chúc cháu mau khỏe. Khi nào khỏe chú bao đi ăn…

- Nào… Mai khai mạc đi nhé…

Chiếc xe bị đẩy về phía trước. Mây đứng lạc lõng giữa mọi người, ở một góc nhà. Tất cả xa lạ. Cả Mai, cả bà Tuyết Hoa. Ban nhạc cử một bản nhạc êm dịu.

- Mây, Mây ơi ra giúp Mai một chút đi.

Mây vẫn đứng nguyên một chỗ. Nhiều người tiến lại. Chiếc bánh được cắt xong. Bà Tuyết Hoa hân hoan nâng ly. Chị bếp dúi vào tay Mây một ly nước lạnh ngắt.

Mai nói gì nhỏ nhỏ với mẹ. Bà Tuyết Hoa gật đầu, tiến lên micro nhấc đầu máy đưa cho Mai. Gian phòng chợt yên lặng. Tiếng Mai run run:

- Dạ thưa các bác, các chú, các dì, anh chị. Hôm nay là ngày sinh nhật của cháu…

Mai ấp úng đưa mắt nhìn mẹ. Bà Tuyết Hoa đến gần. Mai tiếp tục:

- Hôm nay, cháu chẳng mời một người bạn nào hết. Chỉ trừ một người bạn rất thân là chị Mây. Chị Mây có một món quà quý tặng cháu, nhưng cháu muốn các bác cùng thưởng thức với cháu cơ… Mây.. Mây…

Tim Mây như muốn đập vỡ toang cả lồng ngực. Chưa gì Mây đã thấy hai đầu gối run run, đi không muốn nổi. Chiếc xe lăn tiến lại gần. Mai nắm tay Mây.

- Mây hát tặng Mai sinh nhật đi.

Hàng chục cặp mắt đổ dồn vào Mây. Mây xấu hổ chỉ muốn độn thổ hoặc chạy biến lên lầu. Bà Tuyết Hoa dịu dàng:

- Cháu hát đi, cho Mai vui..

Thoáng chốc Mây nhớ lại nhiệm vụ của mình. Ở cạnh Mai và làm cho Mai vui. Mây nhìn bộ quần áo mình đang mặc. Một chút tủi thân trào lên mắt. Mây nhìn Mai. Đôi mắt Mai mở lớn chờ đợi thân ái. Gương mặt, đôi chân của Mai làm Mây quên tất cả. Mây ngập ngừng đón lấy micro. Vật sắt lạnh lạ lùng trong tay làm Mây lúng túng. Mai kéo Mây ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh:

- Mây ngồi đây nè, đưa Mai cầm máy cho..

Mây hít vào một hơi dài để lấy can đảm. Dàn nhạc dạo những nốt nhạc đơn sơ. Mây cất tiếng:

- Một bông hồng cho anh. Một bông hồng cho em. Cho những ai đang còn mẹ, để lòng vui sướng hơn. Nếu mai này mẹ hiền có mất đi… 


Mây quên tất cả. Quên mọi người đang đứng trước mặt. Quên cả Mai, bà Tuyết Hoa, cả dàn nhạc đang luống cuống vì không hòa theo được. Mây hát theo ý Mây, theo điệu mà Mây học được. Tiếng hát cao vút…

Trong bầu không khí im lặng, tiếng hát Mây dứt xuống một nốt nhạc trầm rồi đưa lên cao, cao và nhẹ như hơi gió thoảng.

Cả khách đến dự đều vỗ tay tán thưởng. Những tiếng vỗ tay khác hẳn với những tiếng vỗ tay rời rạc, ơ thờ trong tiệm ăn. Trong phút chốc, Mây thấy rõ ràng sự khác biệt giữa việc hát để mua vui và hát để cho mọi người thưởng thức. Mây sung sướng cảm động đến nỗi ngồi im ra như phỗng đá. Mai nắm tay Mây giựt giựt cám ơn. Bầu không khí lại trở lại ồn ào. Rượu, nước ngọt được trao qua trao lại liên tiếp. Chiếc bánh được chia ra. Mây ngồi một góc thưởng thức chiếc bánh, công của chị bếp, cạnh anh Tài.

- Mây ơi, ra đây Mây…

Tiếng Mai gọi. Mây nhớn nhạc nhìn. Chị bếp chỉ:

- Cô Mai ngồi ở đằng sau chậu hoa hồng đó.

Mây rụt rè đi đến. Thấy Mây, Mai nói với người đàn ông đứng tuổi ngồi cạnh mình:

- Mây đó bác.

Mây cúi đầu chào ông ta. Người đàn ông vui vẻ kéo chiếc ghế cạnh chỉ cho Mây ra dáng bảo ngồi. Mai kéo Mây ngồi xuống.

- Đây là Bác Tân Phong, giám đốc trường ca nhạc Tân Phong và là chủ nhà hàng ca nhạc Thiên Nga. Mai kêu Mây lại để bác Phong nhận xét về tiếng hát của Mây đó.

Mây bẽn lẽn cúi đầu ấp úng:

- Trời ơi… Mây... Mây… hát đâu có ra cái hồn gì…

Ông Tân Phong mỉm cười nói:

- Cháu khiêm nhường quá cũng không được. Bác phê bình thẳng thắn lắm, không thiên vị, tâng bốc ai đâu. Cháu có giọng lắm...

Mây ngẩng đầu lên nhìn thẳng:

- Thưa bác, cháu chỉ hát được thôi...

Ông Tân Phong gật gù:

- Cháu có thể theo đuổi ngành ca nhạc được nếu cháu được trau luyện kỹ càng và được hướng dẫn đàng hoàng. Hồi nãy, nghe cháu hát, bác có nhận xét là cháu hát được, có giọng, nhưng nhạc lý không vững, lối ngân không đều, hay đứt hơi và không bền hơi…

Ông Tân Phong lôi ra một hơi những khuyết điểm. Mặc dù Mây không chờ đợi ở ông Tân Phong những lời khen tốt đẹp, nhưng những lời phê bình của ông làm Mây thất vọng vô cùng.

Tiếng Mai đỡ lời:

- Bác ơi, chị Mây chỉ thích ca nhạc lắm. Cháu mong về sau chỉ sẽ là ca sĩ nổi tiếng..

Ông Tân Phong gật gù:

- Có gì là khó, biết bao ca sĩ nổi tiếng trên thế giới hoặc là ở nước ta đã có một dĩ vãng khổ cực. Có người làm nghề lái xe hàng, tài xế xe vận tải, hoặc là cô bé gánh nước mướn, hay là một cô gái quê ở làng. Họ cũng nhờ thiên tài một phần nhưng lớn theo bác nhận thấy là do sự cố gắng nhẫn nại của họ. Riêng với cháu, bác thấy cháu cần tập luyện thật nhiều...

Mây nhẹ thở dài. Câu an ủi suông không làm Mây quên được những trở ngại khó khăn của cuộc sống. Mây thấy mình ao ước vu vơ quá. Đó chỉ là ao ước. Mà ao ước thì mấy khi thành sự thật.

- Cháu có thật tình thích theo đuổi ngành ca nhạc không?

Ông Tân Phong hỏi Mây. Mây ngẩng đầu lên nhìn ông rồi lại cúi xuống. Hình như trong Mây có một giòng máu nào chảy rần rật qua thái dương, kẽ chân kẽ tay. Mây nghe người nóng lên một ước ao mãnh liệt.

- Cháu có thích không? Cháu cứ nói thật đi rồi bác biết được điều gì bác sẽ chỉ dạy cho. Dù sao nghề làm chủ phòng ca nhạc và rèn luyện ca sỹ cũng đủ để bác giúp cháu vài ý kiến.

Mai nói thêm:

- Bồ thích thiệt không cứ nói đi. May ra…

Mây vân vê tà áo dài. Mây cố gắng diễn tả hết ý mình:

- Dạ… cháu hổng biết tại sao cháu lại thích hát. Thiệt tình cháu có thể đi buôn đi bán khi cháu có vốn, nhưng hình như cháu thấy thích thú khi được hát, được ca bác à. Cháu nghèo quá, lại dốt nát nên không dám nghĩ với cái gì nó rực rỡ quá, nó đẹp quá..

Ông Tân Phong hỏi thêm:

- Cháu học tới đâu rồi?

- Dạ dạ... biết đọc biết viết biết làm toán.

Mai nói hớt:

- Mây học chung với con đó bác. Chỉ học hết lớp nhứt rồi… Mẹ cháu thuê thầy về dạy chung hai đứa đó.

Ông Tân Phong trầm ngâm một lúc rồi nói:

- Bác nói thiệt, nhưng cháu cũng đừng xem đó mà thất vọng. Muốn thành một nghệ sĩ ca nhạc đúng nghĩa, biết hát không chưa đủ, còn phải có một trình độ học vấn vừa phải nữa. Cháu còn trẻ, bây giờ cháu cứ cố gắng học đi, vừa mở mang văn hóa, vừa trau dồi ca nhạc. Nếu cháu cố gắng, với giọng hát của cháu, cháu có thể thành công được.

Ông Tân Phong nói vậy, nhưng Mây nghe không khác gì câu nói là cháu còn dốt lắm, cháu không đủ tiêu chuẩn để ôm mộng ca nhạc đâu. Lòng Mây thất vọng tràn trề. Mắt rưng rưng Mây chỉ muốn đứng dậy tìm chỗ vắng để giấu bớt nỗi hờn tủi và xấu hổ. Tiếng Mai xa vời:

- Bác có cách nào giúp Mây trau dồi ca nhạc không bác?

Ông Tân Phong ngập ngừng. Mây kêu lên:

- Mai… đừng… Mây…

Ông Tân Phong gạt ngang.

- Bác sẵn sàng lắm. Lớp dạy ca nhạc của bác mỗi năm đều có mở kỳ thi để tuyển học viên. Cháu Mây ráng trau dồi nhạc lý, văn hóa, nếu thi vào đậu, bác sẽ giúp cho một học bổng.

Mai ngạc nhiên:

- Phải thi vào hở bác? Trường của bác, thì bác cứ cho chị Mây vào có sao. Bác có quyền mà.

Ông Tân Phong lắc đầu:

- Quen biết không có nghĩa là cái gì bác cũng giúp được hết. Cháu Mây muốn được thu nhận vào trường trước hết phải chứng tỏ là mình có khả năng và năng khiếu cho các giáo sư biết. Bởi vì đâu phải Mây chỉ vào rồi thôi. Mây còn phải học thêm hai năm nữa với nhiều người…

Cảm thấy tự ái bị va chạm mạnh. Mây đứng bật dậy, cố kềm lòng cúi đầu chào ông Tân Phong và nói với Mai:

- Thôi Mai ạ, chớ nên làm phiền Bác Phong. Vả lại, Mây chẳng có tài cán gì cả... Mây thích là thích vậy thôi chớ làm sao mà... Thôi để Mây lên lầu dọn dẹp phòng.

Không đợi Mai trả lời, Mây đi nhanh lên cầu thang. Một mình trong gian phòng yên lặng, Mây gục đầu lên thành cửa sổ gậm nhấm nỗi thất vọng của mình. Nổi mơ ước sâu kín nhất trong lòng cô gái nghèo nàn bị vỡ tung. Lần bộc lộ là lần mở ngỏ để thấy trước mắt vô số chông gai.

Nước mắt nhỏ giọt xuống tay lạnh ngắt. Mây nhìn lên trời xa, những ngôi sao chiều lấp lánh vời vợi như những mơ ước của mình. Từ ngày được bà Tuyết Hoa chú ý đến giọng hát đưa về nhà bầu bạn với con gái. Mây có cảm tưởng như mình sẽ khá hơn nhờ cái giọng hát trời cho. Những ngày đầu, ý nghĩ đó chỉ đến bằng những nét đan thanh nhất, thấp thoáng qua tiềm thức. Nhưng dần dà, ngày tiếp nối, qua những lời khen tặng rối rít của cô bạn nhỏ, Mây đã vẽ vời ra tương lai của một tiếng hát, cái tương lai rực rỡ thoát khỏi cái vỏ cực khổ hiện tại và niềm hy vọng của Mây được cấu thành trong ngôi biệt thự màu hồng này. Bây giờ, ngôi biệt thự đã mở cửa, ánh sáng soi tận cùng hang hốc, Mây thấy mình tầm thường như mọi người, không những tầm thường như mọi người mà còn rơi hẫng xuống thấp hơn vì thực chất cuộc sống của Mây cũng đã ở tầng cấp thấp nhất đời người.

Ông Tân Phong đã xé mở cái bọc. Mây thấy mình trong gương với một bề ngoài thật khác lạ, xinh đẹp, tóc dài, trung lưu, nhưng đâu đó vẫn có con bé Mây hát dạo xin ăn ngày nào.

Tiếng còi xe, tiếng bánh xe nghiến lạo xạo trên nền sỏi. Khách dự tiệc đã về. Mây lau vội nước mắt, thay áo cánh xuống nhà dưới phụ dọn dẹp với chị bếp. Mai cũng đang lăng xăng với những món quà gói giấy hoa bày chật một góc bàn. Chị bếp tới cạnh Mây tươi cười:

- Cha, hồi nãy em hát hay đó chớ. Bài hát nghe cảm động ghê, làm chị nhớ bà già của chị quá. Bả ở dưới quê riết cả năm mới về thăm nhà được một lần.

Mây cười buồn:

- Chị có mẹ để về, chớ em chẳng có ai hết.

- Mây, Mây đâu rồi?… Mây… Mây…

Tiếng kêu gấp rút của bà Tuyết Hoa vang ở ngoài cổng. Mai lăn chiếc xe nhanh về phía Mây. Mây ngỡ ngàng một phút. Linh tính như báo có điều gì xảy đến.

- Mây Mây… mau ra đây..

Mây chạy bổ ra ngoài sân. Đôi guốc vấp tuột một bên. Mây quẳng cả chiếc kia chạy chân không ra ngoài.

- Mây có bác Tư xích lô…

Không kịp cho Mây đến gần, bác Tư la lên:

- Chú Sáu chết rồi Mây à. Mây lên xe mau tao chở về.

Mây la lên một tiếng rụng rời. Người chú độc nhất đã chết. Nước mắt ở đâu lăn ra thật nhanh. Mây vịn tay vào bờ cổng.

- Để tôi nói anh Tài đưa xe cho Mây về…

Ông Tư kêu:

- Thôi bà à… Có xe của tui đây, tui chở nó về luôn. Lẹ lên Mây, bộ đứng đó khóc hả…

Bà Tuyết Hoa dìu Mây lên xe. Bà dúi vào tay Mây một ít bạc. Chiếc xe rồ máy đưa Mây đi về phía Phú Thọ...
________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG II

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét