Mẹ tôi không phải là người dễ tính. Động thấy chúng tôi ít ngăn nắp – xin bạn nhớ cho : ít ngăn nắp chứ không phải là không ngăn nắp – là người bố chúng tôi liền. Vậy mà đôi khi người lại tỏ ra rộng lượng với hai đứa út một cách quá lố, ấy, thiên vị thế đấy, mà mình đâu dám kêu ca? Phần nhiều (theo kinh nghiệm lịch sử thế giới mà tôi đã học) thì các xứ nhược tiểu bị đàn áp thẳng thừng, song trong cái tiểu vương nhỏ bé của chúng tôi, vị nữ hoàng chuyên chế lại nới tay đối với hai nhược tiểu, bạn coi có kỳ không?
Chả thế mà khi chúng tôi uống nước, có lỡ tay làm đổ một giọt xuống nền nhà là bị la liền, mà tuần lễ nay, thằng em tôi bày đặt mua cá nuôi lại được bà chấp thuận. Bà còn cung cấp cho nó một cái dụng cụ nuôi cá thật ra dáng : đó là một cái lọ không ra lọ, thẩu không hẳn thẩu mà cũng không phải là cái hồ con con, đường kính đúng 25 phân, chiều cao đúng 20 phân thẳng đứng từ đáy đến tận miệng, bằng thủy tinh… nhưng là thủy tinh thứ xấu. Tuy vậy, đổ nước, thả rong vào, hạ thủy mấy con cá xanh xanh, đỏ đỏ, tím tím vô đó, trông cũng khá hay hay con mắt.
Mẹ tôi lại mở tủ buýt phê ra, chọn một cái đĩa thật đẹp, xung quanh đĩa chạm lủng hình thoi, trông cái đĩa biết ngay không phải là thứ đồ cổ quí báu, song cũng thuộc vào thứ mà lò gốm sản xuất khi bọn chúng tôi chưa ra mắt chào đời.
Với giọng ưu ái đặc biệt như cốt làm tăng giá trị món cổ vật cầm trên tay lên, mẹ tôi bảo con trai:
- Đây, mẹ cho con, đặt dưới bồn cá cho đẹp, con thích không?
Bồn cá! Nghe chỉnh quá, mẹ tôi biết lựa cái tên thích hợp ghê đi, vì ngoài tiếng bồn, tôi thấy khó lựa tiếng nào cho thích hợp!
Xế hôm đó tôi đi học về, thấy bồn cá ngạo nghễ, chễm chệ ngự trên bàn xa lông, xung quanh quân thần đủ mặt : mẹ tôi này, hai đứa nhỏ này, chị tôi này. Tôi không lạ cái tính luôn luôn tỏ ra yêu thích thiên nhiên của mẹ tôi. Hôm Cu Minh mới tậu mấy con cá về, cu cậu bị ngay chị Thu và con Hà chỉnh trước:
- Bày đặt đi, nuôi cá, nuôi kiết rồi vọc nước làm đổ ra tràn nhà hành người ta đi! Liệu hồn…
Và bà chị cả với con em thứ hướng về phía mẹ tôi như hai đóa hướng dương quay về phía mặt trời, mong chờ một lời… tán đồng của mẹ. Nào ngờ đâu, mẹ tôi lại trịnh trọng tuyên bố một câu làm hai người rất đỗi buồn lòng:
- Thôi, tụi bay sao khó quá : để em nó nuôi con cá con kiết cho vui. Giam mình trong thành phố chật hẹp xa dần thiên nhiên… không tốt đâu. Đáng ra nhà mình phải có con gà, con chó, có chút vườn, chút đất… có tiếng chim hót, gà gáy. Như thế, con nít mới có cơ hội tiếp xúc… phát triển đầy đủ.
Hình như mẹ tôi còn giảng luôn một tràng đại luận khá dài, đại khái ca ngợi thiên nhiên và không quên kê khai nhiều thứ gia cầm, gia súc nữa, song tôi không có thì giờ để tai, vì tôi đang bận chăm chút con ngựa của tôi, nôn nả mong cho nó đá văng con ngựa của thằng H. – bạn tôi – và cũng nơm nớp sợ ngựa con em út tôi phía sau sải nhanh đến bắt kịp và đá văng ngựa tôi ra khỏi trường đua… giấy.
Song dù sao thì đại khái tôi cũng biết rõ đuôi đầu câu chuyện. Khi mẹ tôi đã tỏ ra công nhậnquyền nuôi cá là một quyền chính đáng, thì mấy lời phản đối của hai người con gái có nghĩa lý gì? Thằng em trai tôi cười tươi hết sức, phô hết hai hàm răng đều, thẳng… nhưng không được trắng mấy – vì nó khá lười đánh răng, mặc dù mỗi ngày mẹ tôi chăm chỉ nhắc nó có trên bốn lần là ít nhất.
Thỉnh thoảng, đi học về tôi trông thấy mẹ tôi và bá quan văn võ tụ tập tại xa lông, bên bồn cá, phẩm bình hình dáng, mầu sắc lũ cá bên trong. Than ơi! Tấm thân cá chậu chim lồng mà chúng nào ý thức được gì? Chúng nhởn nhơ bơi lượn vòng quanh trong đó, vênh váo, kênh kiệu như thể là các tiểu thư dạo phố vào sáng chúa nhật. Nhưng chỉ vài tuần là ai nấy lảng xa ra, chỉ còn lại hai người là chú ý đến bồn cá : mẹ tôi và thằng con trai út ; đồng thời một vấn đề cấp bách được nêu ra : vấn đề thực phẩm cho cá!
Và đây là cuộc đối thoại giữa hai bên, tôi cam đoan xin ghi trọn nguyên văn, tôi mà có thêm bớt chút gì, xin thề sẽ bị đi bộ từ giờ cho đến tết.
Con trai út:
- Mẹ phải cho con tiền chớ con lấy gì cho cá ăn? Mẹ không cho tiền mua đồ ăn cho nó thì thà mẹ đừng cho con nuôi…
Mẹ tôi:
- Nuôi chơi mà còn tốn nhiều tiền thì thôi, mẹ giàu lắm sao? Cho nó ăn cơm không được sao? Bắt rong thả vô cho nó… Mẹ thật nhức đầu với tụi bay : hết đứa này xin tiền, tới đứa kia xin tiền không ngớt.
- Mẹ biểu con làm gì bây giờ? Con bận đi học, chớ có rảnh đâu? Nếu con rảnh như mùa hè thì con đi bắt lăng quăng cho cá ăn, không thèm xin mẹ đâu. Cá nầy đâu chịu ăn cơm. Con nuôi, mẹ cũng vui được mà, mẹ ngồi ngắm… khỏi mất công vô sở thú…
Chị Thu nảy ra sáng kiến:
- Chị bầy Minh này : Minh nhổ tóc cho mẹ lấy tiền mua lăng quăng cho cá ăn, khỏi phải xin, mẹ khỏi la. Mấy bữa nay chị bận việc, không nhổ cho mẹ được, tóc bạc, tóc ngứa mọc đầy rồi đó nghe!
Bé vỗ tay phụ họa, nó vốn là tay văn chương, trau chuốt từng lời:
- Hay đó! Phải đó! Minh nhổ tóc gây quỹ mua thực phẩm cho cá đi, Minh! Bé phụ với!
- Được! Mẹ bằng lòng! Mỗi sợi tóc bạc hay tóc ngứa được trả công đàng hoàng, làm liền đi!
Thật là nhất cử lưỡng tiện : ham gây quỹ nuôi cá, thằng em trai tôi sẽ không lẻn ra dang nắng, vọc nước vào giấc trưa nữa. Mà có người nhổ tóc ngứa cho thì mẹ lại càng dễ ngủ.
Thế là mọi sự diễn tiến y như mẹ tôi muốn. Bé nhanh nhẩu đi tìm một cuốn sách đóng bìa đen đặng Minh nhổ tóc xong, đặt lên đó rồi Bé đếm hộ : cứ 10 sợi được mẹ trả công một đồng bạc chẵn.
Em tôi quá siêng năng trong dịch vụ này đến nỗi chỉ trong vòng hai tuần tóc ngứa, tóc bạc của mẹ tôi hết sạch, vì nó hăng hái, có khi còn nhổ tuốt cả sợi đen. May sao, tóc mẹ tôi vốn rất nhiều, rất dày – mẹ tôi vẫn tuyên bố bằng giọng chắc nịch rằng là chừng nào cây rừng hết lá thì tóc bà mới hết – nếu không mẹ dám sói lắm chứ không chơi. Tuy nhiên, sau lời cảnh cáo chí lý của chị Thu, mẹ tôi tốp ngay vụ nhổ tóc lại, mà rằng:
- Thôi! Bây giờ đừng nhổ nữa, gãi cho mẹ và xức dầu thôi.
- Xức dầu dơ tay lắm, con không xức đâu…
- Nói dễ nghe chưa? Muốn có tiền bỏ túi mà lại sợ khó nhọc thì làm sao có được.
Hà khuyến khích em trai:
- Không sao đâu, dầu của mẹ như nước vậy, không phải giống thứ keo hay bi-ăng-tin của ba đâu mà lo. Mấy bữa chị xức cho mẹ rồi, mát tay lắm, nó giống như rượu vậy, Minh à! Làm đi!
Thật vậy : thứ mẹ tôi xức đây là một thứ nước 40 độ, có mùi giông giống mùi chanh, không thơm mà cũng không nhờn, xức cốt cho tốt tóc. Tôi có lần ăn cắp xức thử một tị thấy man mát da đầu, chứ không có gì khó chịu cả.
Minh rất hài lòng. Dần dần, công việc này đều đặn mỗi trưa, nó khỏi phải dỗ mẹ ngủ nữa : nó chỉ gãi gãi mươi cái hay xách cổ chai Pétrol-Hahn và cầm cái ly cán lòng ra, mẹ xóc xóc cho đều chai thuốc, đổ ra đó độ non nửa ly, nó lấy bông gòn thấm nước đó, rẽ tóc mẹ ra, xát vào da đầu cho mẹ.
Bấy giờ, mẹ trả lương khoán, chứ không trả từng ngày : cứ mỗi tuần lễ là 50đ, tiền mới tinh cho nó.
Đàn cá tiếp tục nhởn nhơ bơi lội, lâu lâu lại thấy có thêm một đôi cá mới tung tăng trong bồn và mẹ tôi với hai đứa nhìn nhau cười ra dáng vui vẻ và đắc ý.
Thiên nhiên – ở đây ta phải hiểu thiên nhiên là biển cả và thủy tộc – được thu gọn trong cái bồn cá bằng thủy tinh, đường kính hai mươi lăm phân, chiều cao hai mươi phân, chễm chệ giữa xa lông, mặc nhiên thay thế hoa tươi và tất cả mọi thứ gì mà người thành phố trang hoàng trong phòng khách.
Theo kinh nghiệm, mẹ tôi long trọng tuyên bố là nuôi cá tiện lợi nhất : không giống như gà, tốn kém nhiều và dễ bị mất trộm, vấn đề vệ sinh rắc rối ; không như chó phiền phức về vụ chích ngừa ở Pasteur, tắm rửa, ăn uống nọ kia. Nuôi cá, mẹ tôi và em tôi giúp một phần lớn vào việc giết lăng quăng (sẽ thành muỗi, gây chứng sốt rét cho mọi người).
- … Và nuôi cá, mẹ được con trai hầu hạ, nhổ tóc, gãi đầu, (gãi đầu sẽ giúp tóc mau mọc và khỏi chứng nhức đầu, theo lời mẹ tôi) xức dầu, để mẹ dễ ngủ trưa và có cớ cầm chân cu Minh khỏi ra nắng, vọc nước…
Chị Thu tiếp lời mẹ, giọng tinh quái và chúng tôi cùng cười vang dội cả nhà. Ba tôi từ trên lầu hét chõ xuống:
- Mẹ con mấy người làm cái gì ồn ào, bất lịch sự vậy, hở? Có để cho người ta nghỉ giấc trưa không?
Để trả lời ba tôi, mẹ tôi vặn to đĩa nhạc “Cầu sông Kwai” và tất cả chúng tôi cùng cao giọng hòa theo trong lúc trong bồn nước, đàn cá bỗng như ngừng bơi, thưởng thức tài nghệ của mẹ con tôi.
Rồi sau đó, mẹ tôi giải thích:
- Tao xùng ba bay quá : gần ba giờ chiều mà còn nói là để ta nghỉ giấc trưa! Tao sẽ làm cho ba bay phải dậy, cho coi!
Quả nhiên, ba tôi kéo lê đôi dép lệch xệch từ cầu thang trở xuống, ông lầm bầm:
- Mẹ con tụi bay như đồ ăn cướp, nhạc gì mà ầm ỹ… y như người rừng!
- Nhạc hùng đó, ông ơi! Nhạc người ta vậy mà la ăn cướp, người rừng! Đừng giỡn chớ, ông!
Và chúng tôi được dịp phụ họa theo.
Ý chà! Vậy mà có ông văn sĩ cù lần nào dám nói “Gia đình là địa ngục!”
MINH QUÂN
(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Giáp Dần, 1974)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét