Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

Mẹ Tôi - NGHIÊM TÂM TÂM


Nếu có ai hỏi tôi trên đời này tôi thương gì nhất, chắc chắn tôi sẽ trả lời: Tôi thương mẹ. Tôi thương mẹ nhất trên đời. Mẹ là bóng mát thương yêu, tình mẹ là chất liệu ngọt ngào êm ái nhất. Mẹ đã sinh ra chúng tôi, nuôi dạy chúng tôi nên người, mẹ lận đận, khó nhọc vì chồng con thế mà lúc nào mẹ cũng cười vui, mẹ không hề kêu ca than vãn.

Theo lời mẹ tôi kể, nhà ngoại tôi rất nghèo, nhà chỉ có vài thửa ruộng và dăm ba con trâu nuôi cho mướn. Ngoại có ba người con: người con trai đầu, mẹ tôi và dì tôi. Cậu hai được ông bà ngoại cho đi học chữ Nho, rồi chữ Pháp. Ngoại cưng yêu cậu lắm vì cậu là con một nối giòng nhưng chẳng may cậu lại chết sớm. Trong nhà một tay mẹ cáng đáng, hồi còn nhỏ mẹ tôi đã phải đi chăn trâu, cấy lúa… đêm về mẹ phải thức khuya làm thêm hàng mã, để sáng dậy sớm lên chợ Quận bán. Tuy vất vả, khó nhọc mẹ vẫn nổi tiếng xinh đẹp nhất vùng, cho đến bây giờ tuy mẹ tôi đã già, trán mẹ đã nhăn, da mẹ đã hóp vì trải bao năm khổ sở với chồng con tôi thấy mẹ vẫn có nhiều đường nét. Năm mẹ tôi mười sáu tuổi, ba tôi ở Đàlạt về nhờ mai mối dạm mẹ. Ba là con một, gia đình ba không giàu nhưng bà nội hiền lành, phúc hậu, hơn nữa giòng họ ba lớn, lại có danh vọng. Lúc đầu mẹ tôi không chịu nhưng sau họ hàng khuyên nhủ quá nên mẹ bằng lòng… Ngày đám cưới ba mẹ tôi được người nhắc nhở hoài. Nhiều lúc trong bữa cơm thân mật gia đình ba thường mỉm cười kể lể: Ngày xưa ba đâu tính lấy mẹ mày, vậy mà nội cứ bắt lấy cho bằng được. Ba kể cho chúng tôi nghe hôm nhận được thư
nội kêu về hỏi vợ. Nội nhờ người viết thư kêu ba về “Con về mẹ hỏi con bà Nghiêm ở ngõ Hoàn Kiếm cho”. Ba đoán miết vẫn không tìm ra ai. Bộ không lẽ nội ra mãi Hà Nội hỏi vợ cho ba sao? Từ Hà Tĩnh ra đến Hà Nội xa biết bao nhiêu mà kể… Ngày ở Đàlạt ba có quen một người con gái khá dễ thương, ba tính về nhà xin nội cưới, thế nhưng về nhà nội bắt phải hỏi mẹ. Ai ngờ con bà Nghiêm ở ngõ Hoàn Kiếm lại là mẹ (mẹ ở gần ngõ bà hàng Hiên mà người ta biên là ngõ Hoàn Kiếm) Ba nói chả biết ai biên cái thơ trật bậy thế, hại ba thiệt suy nghĩ cả tháng luôn. Ba nói ngày xưa mẹ tụi bây nhỏ xíu, chả xinh tị nào vậy mà lớn lên “ngó” cũng được. Thêm nữa nội thích mẹ, ba cũng phải vâng lời nội…
Đám hỏi xong ba tôi trở vô Đàlạt làm ăn, còn mẹ vẫn ở nhà giúp ngoại chăm sóc gia đình. Ba năm sau ba về cưới mẹ…, ba bảo ngày xưa cưới xin khó lắm chứ đâu như bây giờ. Những lần ba về làm rể ba khớp luôn, đôi lúc muốn ở luôn Đàlạt không về. Còn mẹ, những lúc bị ba tôi “kê” mẹ sùng lắm, mẹ bảo mẹ cũng chả thèm ba, thiếu gì người xin hỏi mẹ, họ còn giàu có đẹp trai gấp mấy ba chớ bộ. Lúc ấy ba cười xòa “chả thèm mà có chín mười con”… Mẹ nguýt ba có đuôi nhưng chả làm gì được.

Nghe ba mẹ tôi nhắc lại chuyện xưa, chúng tôi thấy ba mẹ như nhỏ bé lại và dễ thương ghê quá. Tôi nghĩ không hiểu sao ba mẹ tôi không thương yêu nhau trước thế mà gia đình vẫn hạnh phúc… có lẽ tại mẹ thương yêu ba và khéo chiều chuộng. Năm mẹ tôi vô Đàlạt với ba tôi nhằm lúc VM kháng chiến, mẹ tôi phải tản cư xuống Phan Rang. Ba tôi đi trước với gia đình bác, còn mẹ tôi vì phải thu xếp nhà cửa lo bán heo gà nên xuống sau. Ba tôi về tận Ma-Nương, đến đất lạ lại trong hoàn cảnh chiến tranh, mẹ phải vượt qua bao nhiêu khó nhọc mới tìm gặp ba. Ma-Nương là vùng ma thiêng nước độc nên dân tản cư bị sốt rét ngã nước chết thật nhiều, có gia đình mười mấy người sau lúc tản cư chỉ còn hai ba người. Ba tôi cũng bị sốt rét và bị đạp đinh nên chân sưng vù lên không làm chi được cả. Xuống Ma-Nương thấy cảnh chết chóc bệnh hoạn, mẹ lo lắng đưa ba về Phan Rang. Ba mẹ tản cư xuống Gò Đền Hội Diêm. Ở đây mẹ tôi có thai người anh cả. Mẹ tôi phải mót lúa làm thuê cho người ta để lấy tiền nuôi ba, chạy chữa thuốc men cho ba. Những ngày tháng gần sinh mẹ còn phải lội bùn hái rau muống đem ra chợ bán. Anh tôi sinh ra đời trong sự đau ốm bệnh hoạn của ba, sự cơ cực của mẹ nhưng nhờ trời anh tôi rất mau lớn. Ba tôi lại lành bệnh và được đi làm cai lục lộ. Cuộc sống gia đình ba mẹ tôi có vẻ sung túc hơn, ba mẹ mua được cái nhà nho nhỏ giá 30đ… Ở đâu được mấy tháng tình hình tạm yên, mẹ tôi đòi về xứ, ba bằng lòng để mẹ về. Buổi sáng ba đưa mẹ ra ga thì có lệnh không cho xe chạy, mẹ đành ở lại Phan Rang, mẹ bảo nếu lần đó mẹ về chắc không có chúng tôi ngày nay. Ở lại Phan Rang ít lâu gia đình tôi hồi cư. Lúc trở về Đàlạt gia đình tôi thật thảm hại, ngôi nhà bỏ hoang bị mọi người không đi tản cư đến ở. Có mấy bao gạo để dành, mấy hũ cá mẹ làm mắm, ngay đến cả than củi cũng bị họ dùng hết sạch, vườn rau cây cỏ mọc tiêu điều. Còn một ít tiền dành dụm mẹ tôi làm vốn bán xôi chè, những giờ rảnh rỗi mẹ cuốc rẫy làm lại vườn. Buôn bán qua loa, với rau lại trúng mùa gia đình tôi khá giả dần dần. Tôi và anh kế tôi được sinh ra trong lúc này… Chúng tôi sung sướng chưa được bao lâu thì ba tôi bị tình nghi và bị bắt giam ở Nha Trang, lúc ấy tôi vừa mười bốn tháng… Tuy vật chất không thiếu nhưng tôi lại đau yếu liên miên. Phần lo lắng cho ba tôi, phần lo lắng cho con cái mẹ tôi gầy tọp hẳn đi, mẹ đau buồn phát bệnh… may nhờ có một bà, cùng tuổi với ngoại tôi giúp đỡ trong nhà (giờ này bà vẫn sống và chúng tôi thương kính như nội ngoại). Bà chăm sóc cho mẹ con tôi, tình thương bà dành cho gia đình thật sâu đậm. Mãi đến năm mười tám tháng tôi mới chập chững biết đi và đến lúc tôi bắt đầu bước những bước vững chãi thì ba tôi được thả ra. Được thả về nhưng vì ở tù khổ nhọc, bị tra tấn, ba ốm yếu liên miên, ba không đi làm nữa, ở nhà chăm sóc vườn tược.

Mười mấy năm qua rồi, người anh cả tôi đã qua hết bảy năm đại học và đứa em út tôi đã sáu tuổi… Mẹ tôi tảo tần trong suốt cả đời mẹ, mẹ chịu khó dãi dầu nhưng không than van. Những lúc nghỉ học chúng tôi ở nhà giúp mẹ nhưng những sự giúp đỡ ấy đâu thấm với công lao nuôi dưỡng của mẹ. Mẹ hãnh diện với bầy con ngoan ngoãn dễ yêu. Chúng tôi thương mẹ, và ít khi làm mẹ buồn lòng. Mẹ thương chúng tôi và hy sinh tất cả, mẹ săn sóc chúng tôi từ miếng ăn giấc ngủ. Tôi nghĩ rằng chưa bao giờ mẹ được nghỉ ngơi, thong thả: ngày nhỏ mẹ khổ với gia đình, lớn lên mẹ khổ vì chồng con. Chúng tôi không bao giờ muốn mẹ buồn khổ nhưng hình như trời không muốn. Những tháng năm dài mẹ tôi đã khóc nhiều lần vì lũ con. Năm tôi mười hai tuổi, anh tôi bị đau thương hàn suốt hai tháng liền, anh vừa bớt đến phiên tôi, bệnh tôi lại nặng hơn gấp bội… ba tôi đã sắp xếp áo quần riêng cho tôi và tính mua hòm. Chỉ chờ giờ nhắm mắt, hơn nửa tháng liền tôi mê man trên giường bệnh… nhiệt độ có khi lên đến hơn 40˚, có lần tôi đã lịm đi tim tôi hầu như ngừng đập, mẹ tôi khóc vang cả nhà thương… Vậy mà cuối cùng không hiểu do phép mầu nào làm tôi sống lại. Phải chăng do tình thương bao la của mẹ làm tôi không nỡ bỏ đi? Mẹ tôi thức suốt đêm bên tôi, quạt cho tôi bớt nóng và nhận chịu những cơn mê sảng, điên loạn của tôi trong cơn bệnh. Hai mươi ngày sau tôi mới tỉnh, mới nhận ra được tờ bạc 5đ do mẹ đố, biết được tôi đang nằm ở nhà thương. Mẹ tôi đã mừng đến chảy nước mắt. Mắt mẹ tôi thâm quầng, sâu thẳm đến nỗi bạn bè lúc thăm tôi họ tưởng mẹ tôi cũng đau như tôi. Hai tháng ở nhà thương, trở về nhà tôi như người chết đi sống lại, mẹ phải tập tôi đi, dìu tôi từng bước nhỏ – về sau này lúc tập cho các em tôi đi tôi nghĩ và thương mẹ tôi lạ lùng – mẹ vừa rời tôi một tí là tôi khóc, không bao giờ tôi nghĩ rằng mình có thể rời xa mẹ trong lúc này. Tôi đau chưa mạnh hẳn, ba tôi lại bị tông xe nằm nhà thương. Mẹ tôi bàng hoàng ngơ ngẩn… kết quả của sự lao tâm lao lực là mẹ lâm bệnh, mẹ phải nằm nhà thương… rồi thêm mẹ làm băng. Chưa bao giờ nhà tôi lâm vào tình trạng bi đát như lúc đó. Nhiều lúc buồn bực quá ba tôi đòi nổi lửa đốt nhà cho khỏi phải nhìn thấy cảnh khổ đau của gia đình… Thế nhưng lúc mẹ tôi lành bệnh, nguồn vui gia đình trở lại, mẹ tôi lại làm việc, lại lo lắng, khổ sở cho gia đình trong những năm sau đó: nào là em tôi bị mổ, tôi bị tông xe, những yếu đau bệnh hoạn kéo dài mãi trong gia đình. Tôi tưởng nếu thiếu kiên nhẫn, thiếu nghị lực làm sao mẹ tôi có thể cố gắng cười vui trong những nỗi đau khổ. Mẹ tôi lo lắng hy sinh cho chúng tôi quá nhiều, mẹ tôi thương chúng tôi vô hạn. Những lúc chúng tôi có dịp đi xa hay những lần thi cử, thương mẹ quá với những lời cầu khẩn chân thành của mẹ: tay mẹ run run, môi mẹ mấp máy, khói nhang quyện tròn trong không khí… mắt mẹ ngời sáng. Mẹ khẩn cầu, mong ước cho chồng cho con mẹ, mẹ không nghĩ đến bản thân mẹ. Thương làm sao những hôm đang ngủ chợt bừng tỉnh với tiếng đuổi muỗi của mẹ, mẹ kéo mền che ấm thân con, sửa lại những sợi tóc lòa xòa trên trán, nhét lại mùng màn rồi mới nhẹ nhàng lui gót. Những lúc ấy tôi chỉ muốn ngồi bật dậy ôm mẹ thật chặt để nghe thương yêu lan nhẹ, để thủ thỉ cùng mẹ: Con thương mẹ quá mẹ ơi… nhưng không hiểu sao tôi vẫn nằm im đón đợi, nhận hưởng những thương yêu mẹ dành cho lũ con. Mẹ có biết rằng những lúc ấy con chỉ muốn khóc trong tay mẹ không?

Thương mẹ ghê những lần mẹ ngồi bên cửa sổ chờ chúng con đi học về… Về hơi trễ một tí là mẹ lo cuống cả lên, lo sợ không biết con ra sao. Dù có ham chơi đến đâu đi nữa, mấy con mẹ cũng phải đi học về đúng giờ, không dám làm mẹ trông chờ lo lắng.

Sống trong gia đình, mẹ hiền thục, mẹ dịu dàng, bao dung quá. Ở ngoài gia đình mẹ cũng chiếm được những thương yêu của mọi người dành cho mẹ, chưa bao giờ mẹ làm mất lòng ai. Những lúc anh em tôi có điều xích mích với mấy nhỏ hàng xóm mẹ chỉ dịu dàng khuyên bảo, mẹ nói mẹ ghét nhất là đánh chửi nhau. Mẹ không chấp nhận nổi một đứa con nào như vậy, vì thế mỗi lần có gây nhau với mấy trẻ hàng xóm chúng tôi lại nhớ đến mẹ, nhớ đến ngọn roi của mẹ. Mẹ tôi ít khi đánh chúng tôi nhưng mỗi lần đã cầm roi là chúng tôi nhừ đòn, mẹ chỉ đánh khi chúng tôi có lỗi nặng ghê lắm.

Mẹ tôi năm nay đã bốn mươi tám tuổi. Với số tuổi của mẹ, theo như những người sung sướng mẹ tôi phải còn trẻ lắm, thế nhưng vì lận đận, khổ nhọc với chồng con mẹ già trước tuổi. Những lúc ngồi ngắm mẹ, thấy má mẹ đã nhăn, mắt đã bắt đầu sâu hơn, bàn tay mẹ đen đi và chai sạn, tôi thương mẹ quá. Tôi thường cầm tay mẹ vuốt khẽ: Sao tay mẹ nhỏ xíu hà, chả bù với tay con. Mẹ cười thương yêu: Tại mấy con ăn hết chất bổ của mẹ rồi – mẹ đáp thế nhưng ra chiều mẹ cảm động lắm. Ông anh tôi tuy đã lớn tính tình vẫn y như con nít, anh nhấc bổng mẹ lên cao rồi đặt xuống: Mẹ chỉ bằng nửa con Tâm là cùng chứ mấy. Tôi nhăn mặt cười: Thế anh cũng ốm bằng mẹ chớ hơn ai đâu. Anh hay chọc tôi mập, mập và lùn, thế nhưng tôi vui vì được anh chọc thế, ngày xưa mẹ tôi cũng mập chứ bộ… Con giống mẹ là nhất rồi.

Mẹ tôi tuy thương tụi tôi nhưng chúng tôi ít khi nào tin mẹ công bằng trong sự ban phát tình yêu ấy, hình như mẹ tôi thương con đầu và con út hơn (cái lệ mà). Những khi vòi vĩnh tiền mẹ sắm sửa mẹ không cho, chúng tôi khóc bù lu bù loa phân bì: Mẹ thương anh Tuấn, anh Tuấn chả làm gì hết mẹ cũng thương, còn tụi con… Các con chỉ nói bậy, ai mẹ chả thương như nhau, nhưng anh con lớn hơn, nó có nhiều thứ cần tiêu hơn, mẹ phải cho nhiều chứ… Tuy ấm ức chúng tôi vẫn phải lặng thinh vì nghĩ là mẹ có lý. Mẹ tôi phải lo lắng đủ thứ mà, vườn tược, ăn tiêu tốn kém… còn chúng tôi chỉ việc ăn và phá hại không thôi, thế mà còn làm mẹ buồn. Thiệt chúng tôi có lỗi nhiều quá. “Mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp mật như đường mía lau”. Riêng tôi, tôi thấy mẹ còn hơn thế nữa. Tình mẹ ngọt hơn chuối ba hương, thơm hơn xôi nếp mật… mẹ là tất cả… tất cả những gì cao đẹp trên đời này. Niềm ước mong tha thiết nhất của tôi là thấy mẹ sống mãi trên đời này. Ngày nào đó lưng mẹ còng, tóc mẹ bạc, mẹ vẫn còn sống yên vui trong hạnh phúc gia đình con cháu. Lạy trời cho tôi tròn ước nguyện, cho mẹ sống mãi bên chúng con. Mẹ ơi con thương mẹ!

NGHIÊM TÂM TÂM 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 142, ra ngày 1-12-1970)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét