Ngày xưa, loài Voi chưa có cái vòi. Cũng giống như loài Trâu, loài Bò, loài Ngựa, Voi chỉ có cái mũi nhô ra, phía trước bằng, hai lỗ mũi trống hốc, tuy không mấy xinh đẹp nhưng khá dễ coi.
Thuở ấy, trên quả đất, tận một vùng rừng sâu, mới xuất hiện có một gia đình Voi độc nhất : Voi cha, Voi mẹ và Voi con. Như tất cả các cậu bé tinh nghịch, Voi con luôn luôn làm phiền lòng cha mẹ. Voi con lại còn có một tính khác : tò mò! Thấy bất cứ cái gì hay, lạ, kỳ quái là hỏi và bắt cha mẹ phải giải thích mới thôi. Cha mẹ Voi đã bực mình không ít. Thậm chí có những điều không thấy, chỉ nghe người ta đồn đãi chú ta cũng đặt câu hỏi làm rối trí song thân! Mà những điều ấy nào có quan hệ chi đến giòng họ nhà Voi cho cam? Voi cha vẫn bảo:
- Rồi một ngày kia mày sẽ phải trả giá đắt về thói tò mò, con ạ!
Một hôm, Voi con đặt câu hỏi:
- Này bố, con muốn biết Cá Sấu nó ăn gì?
- Á, à! Lại giở trò! Cá Sấu nó ăn gì thì can gì đến mày, kia chứ? Đi chỗ khác chơi, tao không có thì giờ.
Voi con không bằng lòng, nếu bố nó đã không chịu cắt nghĩa thì còn có mẹ, nó quyết định hỏi mẹ. Mẹ Voi vẫn dễ dãi đối với con. Nhưng câu trả lời của mẹ nó thế này:
- Cá Sấu ăn gì mặc xác nó, can hệ gì đến con không? Đi chỗ khác chơi, đừng vẽ chuyện.
Voi con phụng phịu:
- Con muốn tìm hiểu, tìm hiểu có chi là xấu xa? Nếu mẹ cũng khắt khe như bố thì rồi đây con đến phải từ biệt mẹ mà đi, đi rõ xa…
- Ái chà! Mày lại giở trò dọa tao đấy phỏng? Muốn bỏ nhà đi phiêu lưu hẳn? Này con ơi! Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư. Loài người, người ta khôn ngoan lắm, người ta ví đâu đúng đấy, con mà cãi lời cha mẹ thì rồi chẳng ra gì. Phải lo học hành, trau dồi đức hạnh, không hay ho chi cái thói lang bạt kỳ hồ… Nói không nghe, tao mách bố mày, ông ấy nổi nóng lên, ông phết cho một trận bây giờ đấy, con ạ!
Voi con vẫn bướng bỉnh:
- Con có làm gì tội lỗi đâu? Bây giờ nhằm mùa hè, phải cho con nghỉ ngơi chứ? Lúc nào mẹ với bố cũng muốn thấy con cặm cụi học hành, chả mấy chốc mà mụ người đi! Loài người, người ta cũng có tục lệ nghỉ hè đấy, mẹ ạ!
Nghe con trai nói có lý quá, mẹ Voi đành chịu thua. Song bà vẫn ngại con mình trẻ người, non dạ, đi vớ vẩn, kết bạn với lũ hư thân mất nết. Bà dặn:
- Nhưng mà này, con tính đi những đâu? Kết bạn với những ai? Phải nói rõ, mẹ mới bằng lòng cho mày đi…
- Con có đi đâu bậy mà mẹ lo? Này nhé, trước tiên, con tìm gặp cô Đà Điểu, thứ đến con tìm cậu Sơn Dương, sau cùng con gặp dì Bói Cá. Mẹ thấy thế nào?
- Được! Được! Những kẻ mày định gặp toàn là hạng tốt, đáng tin cậy cả, chỉ duy có cô Đà Điểu hơi nóng tính một tị, song không sao, mẹ bằng lòng cho con đi gặp họ, nhưng nhớ phiên phiến mà về, nghe chửa? Đừng có la cà ở dọc đường đấy!
Voi con hý ha, hý hửng cúi đầu chào mẹ, hai vành tai quạt phần phật nom như hai cái lá sen gặp gió, ra đi.
Độ hai dặm đường, Voi con gặp ngay cô Đà Điểu. Sau khi cúi đầu thi lễ, Voi con vào đề ngay:
- Thưa cô, con muốn biết Cá Sấu nó ăn gì? Con đã hỏi mẹ con, con cũng đã hỏi bố con, song hai vị đều không biết, nên không ngại đường xa, lặn lội đến đây, xin cô cho biết.
Không may cho Voi con, Đà Điểu đang cơn nóng giận : Số là con trai bà cũng tinh nghịch không thua chi Voi con, nó vừa đặt câu hỏi : “Cá Thu ăn thứ gì?” Đà Điểu vốn tự trọng, cái gì biết thì nói biết, cái gì không biết thì nói không, xưa nay cô ta đã đặt chân xuống biển bao giờ đâu mà biết con cá Thu nó ăn gì? Thế nên, cô không thể làm hài lòng con trai, và cũng như Voi con, cậu bé cương quyết đi tìm hiểu một mình. Cô đang tức giận con trai, mà Voi con lại đến làm phiền, cũng bằng cách đặt câu hỏi, làm sao không cáu thêm? Ấy, thế là cô Đà Điểu nhà ta gắt nhặng lên:
- Nhãi con! Cá Sấu nó ăn gì mặc xác nó, can chi đến mày mà tìm hiểu. Cút xéo, không có, ta nổi giận lên ta đá cho mấy chiếc bây giờ!
- Cô như thế không tốt, thà cô cứ nói cô không biết, chứ cô nổi giận cái gì? Cháu có làm phiền, làm nhục cô đâu?
Đà Điểu đùng đùng cơn giận thêm lên:
- À! Oắt con lại lên mặt dạy ta cách cư xử ở đời phỏng? Này, ta phải cho mi biết thân, biết phận, oắt con!
Vừa nói, cô vừa đá vào mông Voi con dăm cái liên tiếp, làm cậu bé đau ê cả mông. Cậu kêu lên:
- Ái ui! Đau quá! Cô chơi xấu cháu về mách bố cho xem! Việc gì đến cô mà đánh người ta? Chả thèm cô cháu với nhà cô nữa!
Và Voi con co giò chạy biến. Sau đó, Voi con tìm đến Sơn Dương. Nó tin rằng cậu Sơn Dương với nó là chỗ đàn ông với nhau, cậu không có nổi nóng, nổi giận bất thường như phụ nữ. Nào ngờ đâu, cậu lại còn giận dữ hơn cả cô Đà Điểu. Mà nguyên do cũng lại bởi chú con trai : Chú muốn biết loài Mèo ăn thứ gì để sống? Chú hỏi cha, cha chú làm sao biết được tính nết loài Mèo? Ấy thế là chú bỏ nhà ra đi, không thèm xin phép chi cả.
Thoạt nghe Voi con hỏi, tức thì cậu Sơn Dương chĩa cái sừng nhọn hoắt, cong vòng ra mà dọa:
- Này, mày có muốn lủng ruột thì cứ lại đây! Ông thì cứ…
- Ơ hay! Ơ hay…
Voi con kinh ngạc, lùi lại giữ thế thủ và kêu lên như thế. Cậu Sơn Dương hét to bằng cái giọng ồm ồm:
- Chả hay dở gì tất, ta bảo mày có muốn lủng ruột thì cứ xông đến, còn khôn hồn thì xéo! Ta đang tức con ta, ta không muốn thấy mặt đứa ngu nào cả! Nghe chưa?
Voi hoảng hồn, chuồn gấp. Chạy một quãng xa, nó ngừng lại thở phì phò, vừa thở vừa rủa thầm bọn người lớn sao tai ác, bất công.
- Chú Voi con xinh đẹp kia, ai đuổi chú mà vội vã thế?
Voi con hấp him mắt ngẩng nhìn lên, thì ra dì Bói Cá đang đứng trên một cái cành thấp, cất giọng chào hỏi mình. Quên cả mệt, quên cả tức, Voi trình bày ngay điều muốn biết.
- Tưởng gì! Này, chú mày có thấy dòng nước ngầu đục kia không? Chú muốn biết Cá Sấu ăn gì thì hãy đến đó, cứ nhìn chăm chăm vào tảng đá sù sì mấp mé bên mé nước một lát là có thể biết Cá Sấu ăn gì ngay. Nhưng nhớ : đừng sai lời ta, chớ dại mà bước lên tảng đá, nguy hiểm lắm, nghe chưa?
- Cảm ơn dì, cảm ơn dì lắm! Con không làm sai lời dì đâu, con xin nghe!
Thế là phe phẩy đôi vành tai như hai cái lá sen, hấp him đôi mắt, Voi ta lò dò tiến lại bờ sông, mắt không rời tảng đá sù sì mấp mô bên mé nước.
Voi ta nhìn, nhìn mãi, nhìn mãi mà không thấy gì cả. Toan hỏi lại Bói Cá xem hình dáng Cá Sấu ra sao thì Bói Cá đã bay mất dạng rồi. Mình ngu thật – Voi con tự trách thầm – ít nhất cũng phải biết hình dáng Cá Sấu cái đã rồi mới tìm biết nó ăn gì chứ? Trong lúc còn đang phân vân, hối tiếc về sự vô ý của mình thì bỗng Voi nghe có tiếng huýt gió trên một cành cây gần đó và tiếp một giọng ngâm lanh lảnh:
- Muốn biết Cá Sấu ăn chi,
Bước lên tảng đá kia thì biết ngay!
Ấy là giọng con Rắn Lục. Loài rắn vốn điêu ngoa, tinh quái, mẹ Voi vẫn từng nhắc đi nhắc lại điều ấy dễ có trăm lần. Nhưng mà Voi con thì không thể nào chống lại sự cám dỗ của một sinh vật luôn luôn khoác áo mầu xanh biếc, lại có giọng véo von đến như thế. Với Voi con, trừ Bói Cá ra, Rắn Lục là con vật xinh nhất, đáng yêu nhất, rất nên kết bạn. Ôi chao ơi! Có sinh vật nào sẵn lòng chỉ dẫn cho Voi như Rắn Lục đâu? Mà lại chỉ dẫn trước khi nghe hỏi, mà lại chỉ dẫn bằng giọng thánh thót đến như thế. Tức thì, Voi ta bước ngay lên tảng đá mấp mé bên mé nước đục lờ kia, cốt để trông thấy Cá Sấu ăn gì cho thỏa nguyện. Nhưng Voi chỉ vừa đặt có một chân trước lên tảng đá thì ghê rợn làm sao, tảng đá như sụp xuống mềm nhũn dưới chân Voi. Vô cùng kinh hãi (vì sợ chết đuối) Voi vội rụt chân lại nhưng chưa kịp thì nghe “tóc, tóc” hai tiếng tiếp, nước bắn tung tóe vào cả mắt Voi và liền ngay đó Voi ta nghe thêm một tiếng “phập” nữa, rồi như có hai hàng que thật nhọn, thật cứng cắm lên mũi mình.
Hồn bất phụ thể, Voi không kịp suy tính gì khác, cố sức bình sinh giật mạnh. Song vô ích, càng lúc những chiếc que nhọn càng như cắm sâu vào xương sụn mũi Voi, Voi ta đau nhói, vừa đau vừa sợ!
Trên cành cao, Rắn Lục cười khà khà:
- Mở mắt to ra con ạ! Cá Sấu đấy! Cá Sấu hôn con đấy!
Nghe ngần ấy lời, Voi càng khiếp đảm. Thôi, chết ta rồi, ta gặp Cá Sấu rồi! Chắc là chính Cá Sấu nó ngoạm mũi ta chứ không sai… Nhưng mà, ta sẽ cố… ta sẽ… Voi thầm nghĩ và cố sức giật, giật, giật mãi… Cũng là phúc lớn cho nhà Voi : Voi vác xác đến nhằm lúc Cá Sấu đang no kềnh, Sấu chỉ cần giải trí một tị. Với lại nghe mãi lời đồn đại rằng Voi có sức mạnh phi thường, Sấu cáu lắm – Đã có bận Sấu trông thấy gia đình Voi đi nghễu nghện ngay trước mũi mình mà không dám thở mạnh. Chúng to lớn quá! Vẫy vùng giữa đầm sâu nước đục quá nửa cuộc đời quả tình Sấu chưa từng thấy một con vật to lớn đến mức ấy bao giờ. Đây là dịp tốt, thử sức xem sao. Sau này bố mẹ Voi có hay được hoặc rủi ro chú bé có sầy da, sứt mũi Sấu sẽ chống chế rằng tại nó trêu mình trước, chắc bố mẹ Voi chẳng có thể bắt bẻ được nào. Về phần Voi con ngờ nghệch, không bao giờ có thể tưởng tượng được một sinh vật nguy hiểm đến cái mức phơi lưng lên cạn, giấu mặt và đuôi dưới nước đục để dễ bề lừa phỉnh kẻ ngu.
Hai bên giằng qua, kéo lại như thể người ta kéo co không biết đến bao lâu, mũi Voi cứ càng lúc càng dài ra.
Thình lình Bói Cá quay lại – nó muốn biết Voi đã thấy Cá Sấu ăn gì chưa? – Trông thấy tình cảnh tượng buồn cười và bi đát của Voi, Bói Cá xót xa quá đỗi. Nhất là khi nó nghĩ đến tâm trạng của mẹ Voi, nó không đành tâm để Voi con sa vào miệng Sấu. Bói Cá nghĩ nhanh : “Ừ, thì bây giờ Sấu còn no, nhưng rồi chả mấy chốc là nó lại đói meo, đến lúc ấy thì có họa là trời cứu được Voi con, ta phải lập mưu cứu Voi ngay mới được”.
Tức thì, lấy giọng ngọt ngào, Bói Cá bảo Sấu:
- Bác Sấu ơi! Bác còn muốn xem tôi múa nữa không?
Cá Sấu vẫn khư khư ngoạm cứng mũi Voi, chỉ hơi nơi nới ra một tị để tiếng nói có thể phát ra mà không vuột con mồi:
- Ể úc ác, ây ờ a ang ận, a ông ần oi úa át ì ả, út i!
(Để lúc khác, bây giờ ta đang bận, ta không cần coi múa hát gì cả, cút đi!)
Vì không dám há mồm to, nên tiếng nói Cá Sấu như là tiếng người ngọng. Bói Cá mừng lắm, trêu:
- Kìa! Bác vẫn tự phụ là dầu mưa dãi nắng bao nhiêu cũng không hề hấn gì, nay mùa mưa chưa đến sao đã khan giọng, nghẹt mũi rồi, hở bác?
Sấu nổi nóng lên : tự ái Sấu bị đụng một cái quá mạnh! Sấu quên rằng mình cần giữ chặt Mũi Voi để đo lường sức khỏe loài này, nó chỉ nghĩ đến lúc tin nó bị ốm lan khắp trên rừng, dưới nước, danh dự nó sẽ tiêu ma trong một nhoáng! Ấy thế là, Sấu há miệng to, quát lên:
- Sao mày ngu thế? Tao có váng đầu nghẹt mũi chi đâu! Tao đang…
Thừa dịp Sấu quên, mải cải chính với Bói Cá, không chậm trễ một giây, Voi giật mạnh cái mũi dài lê thê và co giò chạy biến.
*
Hơn một tháng ròng thuốc men chạy chữa, Mũi Voi con vẫn không trở lại hình dáng buổi đầu. Suốt ngày, Voi con nằm mọp trên bờ suối, cái mũi dài lê thê thì ngâm dưới nước cho đỡ đau ; vừa thở phì phò, vừa rên hừ hừ làm mẹ Voi vô cùng lo lắng. Mật loài trùn, máu loài đỉa, mủ cao su thảy đều đã được mẹ Voi lặn lội tìm kiếm mang về xức cho con, song cái hy vọng mũi con co lại chỉ là cái hy vọng hão!
Trời thương làm sao : đến ngày thứ ba mươi chín thì Voi con thấy đỡ đau và đến ngày thứ năm mươi mốt, Voi con hoàn toàn bình phục (tuy mũi vẫn dài ngoằng).
Voi con nghĩ rằng nếu đã không thay đổi được tình thế, thì đành chấp nhận còn hơn là ngồi mà kêu van vô ích. Vốn là một loài can đảm, Voi con không sợ xung quanh dị nghị về cái mũi kỳ dị của mình. Voi ta cứ dửng dưng vác mũi đi rong khắp trong ngoài trên dưới. Đôi khi, vô tình, cái mũi dài ngoằng dị dạng bỗng trở thành hữu ích : Voi con dùng nó mà gãi lưng, xua ruồi hoặc giơ ra đỡ đòn mỗi lần bị bố mẹ quất cho!
Thích thú nhất là Voi con đã có sáng kiến dùng nó mà hút nước, mà bẻ quày chuối trên cao hay cây mía dưới thấp. Chao! Công dụng của cái mũi dài lê thê mới đặc biệt làm sao : nó dần dà trở thành hữu ích như bàn tay của loài người!
Voi con biểu diễn ngay trước mặt cha mẹ và không ngừng thuyết phục song thân tìm cách kéo mũi dài ra như mình. Bố mẹ Voi ban đầu lắc đầu quầy quậy, song sau cùng công nhận lời con là đúng. Thế là họ thực hành ngay ý định : vợ kéo mũi cho chồng và chồng giúp vợ trong công tác ấy.
Không bao lâu, mũi hai vị dài ra trông thấy và cũng như con: họ đau ghê gớm. Tuy nhiên, nghĩ đến ích lợi về lâu, về dài, nghĩ đến thế hệ con cháu mình sẽ vô cùng tiện dụng nhờ cái mũi dài ấy, họ không nản lòng và đủ can đảm chịu đau cho đến lúc mũi hai người đúng theo tỉ lệ mũi con.
Các loài khác mà rỗi hơi dị nghị nọ kia là bị gia đình Voi trừng phạt tức khắc : cả ba dùng ngay cái mũi dài đó mà quất, quất bọn rỗi hơi liên hồi kỳ trận cho đến lúc bọn chúng phải van lạy mới thôi.
Sự can đảm của thủy tổ loài Voi quả đáng khen : cho đến ngày nay không một Voi nào sinh ra mà mang cái mũi ngắn, gọn như thuở ban đầu. Họ hàng nhà Voi hãnh diện về điều đó lắm. Tổ tiên đã khôn ngoan chịu đau đớn một lần để con cháu sau này được hưởng mà không phải khổ công trì kéo cùng là ngâm mũi dưới nước hàng tháng trời ròng rã.
Mà được thế, lại chỉ nhờ công lao của một chú bé con?
Về phần sấu, hay tin này, đau khổ và tức giận cho đến nỗi nước mắt tuôn không ngớt. Tận đến ngày nay, người ta thường thấy Sấu khóc, đó là kết quả của một hành động vô tình làm cho loài Voi đã mạnh lại mạnh thêm, và nỗi ân hận đó Sấu mang trong tim lưu truyền mãi mãi cho con cháu về sau.
MINH QUÂN
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 121, ra ngày 1-1-1970)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét