Đỗ văn nói:
- Vậy thì đúng là một trường hợp hi hữu thật : Kẻ trộm biết rằng người bị mất cắp thấy mình đã lấy trộm.
Ông cảnh sát trưởng đáp:
- Đúng vậy, và từ mấy tháng qua, nắm được bức thư trong tay hắn đã làm áp lực đối với người kia rất nhiều về phương diện chính trị, đến một độ thật là nguy hiểm. Người bị mất trộm càng ngày càng cảm thấy cần thiết phải lấy được lá thư đó về. Nhưng dĩ nhiên là người đó không dám làm lớn chuyện. Sau cùng, vì quá tuyệt vọng, người đó mới phải nhờ đến tôi.
Đỗ Văn vừa nhả khói thuốc, vừa nói:
- Tôi nghĩ là khó có thể chọn được người nào khác tài giỏi hơn ông.
Ông cảnh sát trưởng G trả lời:
- Ông quá khen đấy thôi, nhưng rất có thể là người ta đã nghĩ về tôi như vậy.
Tôi nói:
- Đúng như ông đã nói lúc nãy, bức thư hẳn vẫn còn nằm trong tay tên bộ trưởng D, vì nhờ có nó mà hắn ta mới còn giữ được uy thế với người kia, chứ nếu hắn xài đi thì uy thế sẽ mất đi ngay.
G nói:
- Thật vậy, và vì tin tưởng thế mà tôi đã nhận lời. Công việc đầu tiên của tôi là tìm kiếm thật kỹ lưỡng ở nhà tư của tên D và tôi đã kiếm cách làm công việc đó trong lúc vắng mặt hắn ta. Tôi cũng cẩn thận không để lộ tí gì cho hắn nghi ngờ cả.
Tôi nói:
- Nhưng, ông thì quen công việc đó quá rồi còn gì? Cảnh sát Ba Lê đã làm thế nhiều lần rồi mà.
- Ồ, có lẽ thế, vì vậy tôi đã hy vọng nhiều lắm. Với lại thói quen của tên D lại rất có lợi cho chúng tôi nữa : Thường thường hắn hay đi khỏi nhà cả đêm. Người làm của hắn cũng ít ; họ ngủ khá xa tòa nhà của chủ, và vì phần đông là người Ý nên họ hay say sưa chè chén lắm. Còn tôi thì các ông biết là tôi có những cái chìa khóa có thể mở được tất cả các nhà riêng cũng như công sở ở Ba Lê. Trong ba tháng qua, đêm nào tôi cũng đích thân chỉ huy cuộc tìm kiếm ở nhà tư của D. Danh dự tôi đặt trong vụ này, và cũng để tiết lộ với ông một điều rất bí mật: Phần thưởng lớn ghê lắm. Vì vậy mà tôi chỉ bỏ cuộc khi cảm thấy kẻ cắp đã khôn lanh hơn tôi nhiều. Tôi tin là đã kiếm khắp các góc kẹt trong nhà, những nới mà có thể giấu được một tờ giấy rồi.
Tôi hỏi:
- Nhưng có thể là dầu đã có bức thư trong tay, hắn ta đã giấu nó ở một nơi nào khác hơn là căn nhà của hắn ta thì sao?
Ông cảnh sát trưởng nói:
- Khó có thể xẩy ra chuyện đó. Tình hình trong triều bây giờ, nhất là ở cái vụ mà D đang nhúng tay vào, đã đi đến một độ mà D cần phải có ngay bức thư đó bất cứ lúc nào cần trưng ra, và điều này cũng quan trọng ngang với điều hắn có được bức thư đó.
Tôi nói:
- Nếu vậy thì chắc hắn phải cất giữ bức thư trong nhà tư của hắn thật. Còn về vấn đề hắn có mang trên người hắn hay không thì chắc hẳn là không cần đặt ra.
Ông cảnh sát trưởng nói:
- Nhất định là không rồi. Đã hai lần, tôi cho nhân viên giả làm kẻ cướp, chận hắn ta lại và lục soát hết trong người hắn, ngay trước mắt tôi mà không tìm thấy gì hết.
Đỗ Văn nói:
- Đáng lẽ ông không cần phải mất công làm như thế làm gì. D không phải là kẻ hoàn toàn điên rồ, theo tôi nghĩ, hắn đã phải đoán trước sẽ có những cuộc chận xét như là điều tất nhiên phải xảy ra vậy.
G nói:
- Hắn không hoàn toàn điên, đúng vậy ; nhưng dù sao hắn ta cũng là một thi sĩ, và tôi nghĩ là không xa với sự điên loạn bao nhiêu.
Đỗ Văn vừa suy nghĩ, vừa nhả khói thuốc thật lâu, rồi nói:
- Đúng vậy, tuy rằng đôi lúc tôi cũng có làm thơ.
Tôi nói:
- Coi nào, ông hãy kể cho chúng tôi nghe từng chi tiết của cuộc tìm kiếm của các ông đi.
- Chúng tôi đã dùng rất nhiều thời giờ và đã kiếm khắp mọi nơi. Tôi đã có kinh nghiệm về công việc này. Chúng tôi xem xét căn nhà từng phòng một ; mỗi tuần, chúng tôi dùng tất cả mọi đêm để khám một căn phòng thôi. Chúng tôi đã mở tất cả các ngăn kéo, và tôi chắc ông cũng biết là đối với một nhân viên cảnh sát đã được huấn luyện cẩn thận, thì không bao giờ có ngăn kéo nào được gọi là ngăn kéo bí mật cả. Trong một cuộc khám xét loại đó mà kẻ nào để sơ hở không tìm ra một ngăn kéo bí mật thì chỉ là kẻ ngu. Công việc thật là dễ dàng! Trong mỗi phòng có rất nhiều chỗ giấu mà người ta không thể ngờ được. Chúng tôi đã biết những chỗ đó. Không nơi nào lọt khỏi mắt chúng tôi.
Sau các căn phòng là các đồ đạc. Chúng tôi dùng những cây kim nhỏ và dài để đâm vào các nệm ghế xem sao. Chúng tôi cũng lột cả những mặt bàn ra.
- Tại sao lại làm vậy?
- Đôi khi người ta dùng mặt bàn hay bất cứ đồ gỗ nào khác để giấu một vật nào đó. Họ đục thủng chân bàn ra, đặt món đồ vào đó rồi đặt cái mặt bàn lên trên. Thành giường cũng có thể được làm như vậy.
Tôi hỏi:
- Nhưng mình có thể đoán được lỗ hổng trong ấy bằng cách gõ vào đấy được không?
- Không được, vì nếu lúc bỏ vật cần giấu vào đấy, người ta đã lót bông xung quanh. Với lại, lần này, chúng tôi không được làm ồn ào.
- Nhưng làm sao các ông có thể tháo gỡ hết các bàn ghế ra được. Người ta có thể quấn một bức thư lại thành nhỏ và dài như một cây kim đan và nhét vào một thành ghế chẳng hạn. Ông đã tháo hết các ghế ra xem chưa?
- Chắc chắn là chưa, nhưng chúng tôi đã làm hơn thế nữa. Chúng tôi đã khám xét kỹ tất cả các thành ghế bằng kính lúp rất mạnh. Nếu có một tí dấu vết nào có vẻ như mới gây ra, chúng tôi sẽ thấy ngay lập tức. Giả tỉ như có một hạt bụi do lỗ khoan gây ra, thì chúng tôi sẽ thấy rõ ngay liền như là trông thấy một quả táo vậy. Dấu keo mà bong ra, hay những chỗ nối chỉ cần hở ra có tí thôi là cũng để lộ chỗ giấu ngay.
- Chắc ông cũng xem phía sau các tấm gương, và đã tìm trong các gầm giường, vải trải giường, màn cửa và thảm rồi chứ?
Xem tiếp PHẦN III
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 104, ra ngày 24-8-1973)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét