Phương Nga con,
Hôm kia thấy bố sửa soạn áo quần để đi ra, con hòi bố đi đâu, bố đáp là bố đi điếu một ông thầy học. Con tỏ ý ngạc nhiên hỏi tiếp: "Bố mà cũng còn thầy nữa à?".
Vâng, con ạ. Bố đã dạy học nhiều năm, và còn dạy nhiều nữa, nhưng suốt đời bố, mãi về sau này nữa, lúc nào bố cũng có những bậc thầy để bố học hỏi, học hỏi cho đến hơi thở cuối cùng của bố. Lúc bố trẻ dại như con bây giờ, bố cũng đã được nhiều thầy săn sóc dạy dỗ; những vị thầy đó đã lo lắng cho bố cách đây gần ba mươi năm, và cho đến bây giờ, những vị thầy đó không còn lo cho bố nữa, nhưng lúc nào bố cũng tưởng nhớ đến những vị đó, và những lời giáo huấn của những vị đó vẫn còn ghi những nét đậm đà trong cuộc đời bố. Con hỏi tại sao chữ t bố viết thế này; chữ x bố viết thế nọ; bố trả lời rằng chữ t viết như vậy là chịu ảnh hưởng của thầy Bửu Tháp đã dạy bố năm lớp tư, khoảng 1940, chữ x bố viết kiểu kia là bố bắt chước lối viết của thầy Lê Khắc Tố dạy chữ Pháp cho bố cách đây hơn hai mươi năm.
Trời, hai ba mươi năm, lâu dài đến thế mà ảnh hưởng của mọi thầy trên đời bố còn đậm đà đến thế sao? Đúng, con ạ. Còn đậm đà lắm. Mỗi cuối năm âm lịch, những anh em bạn ở Huế khoảng bốn mươi người góp tiền nhau tổ chức một bữa ăn, và trong bữa ăn đó, anh em chia nhau làm việc, và những người lớn tuổi nhất được đề cử đi cung thỉnh những vị thầy cũ đã có công giáo huấn họ từ 25 đến 35 năm trước. Nhóm anh em này gọi cho văn hoa là hội ái hữu cựu học sinh tiểu học Paul Bert (Thượng Tứ bây giờ). Bố nhớ năm kia, sau Mậu Thân, anh em bạn của bố tổ chức thật chu đáo, để xem trong anh em bạn, ai còn ai mất sau biến cố tang tóc đó. Trong số những vị thầy cũ, bạn bè mới được 8 vị, mà vị nào bây giờ cũng về hưu đã lâu cả, có vị ốm yếu quá anh em phải dìu vào phòng. Trước khi ăn, thiếu tá y sĩ Đương được anh em chỉ định thay mặt anh em tỏ bày ý kiến với những vị thầy cũ; và bố được anh em đề cử đứng ra "nói gì thì nói". Bố xúc động quá, bởi lẽ trong số 40 anh em, trẻ nhất cũng 32 tuổi và lớn nhất cũng đã gần 45, và tất cả những người có mặt hôm đó, trước sự hiện diện của những vị thầy cũ (gần ba mươi năm về trước) đều tỏ ra ngoan ngoãn khép nép đúng như không khí của một lớp học ngày xưa. Trước cảnh đó, bố không nhớ đã nói những gì, chỉ nhớ có nói một câu đại khái... "sau tết Mậu Thân, mọi cái ở đây đều đổ vỡ, thay đổi, và mọi người sau cơn ác mộng hãi hùng này, đều mất hết cả tin tưởng. Không tin được cái gì ở trên đời này nữa. Nhưng bữa nay được còn sống để hầu hạ quí thầy trong một bữa ăn cuối năm, chúng con được phấn khởi: bởi vì trong chúng con, niềm tin chưa hẳn đã mất hết, mà cỏn, còn một niềm tin vững bền, và vững bền mãi mãi, đó là tình người với nhau, chúng con muốn nói đến tình thầy trò. Chúng con còn yêu kính và biết ơn quí thầy, là chúng con còn duy trì được niềm tin đối với mọi lẽ khác trên đời,"
Phương Nga con, con có biết không? Người thay mặt những vị thầy cũ, nói chuyện với anh em bạn của bố hôm đó, lại là thầy Lê văn Trinh, ngày xưa đã từng làm hiệu trưởng. Thầy ngồi mà nói, và nói với cái giọng sang sảng dõng dạc của ba mươi năm trước... Không còn ai nhớ thầy đã nói gì, nhưng nhìn cái dáng điệu thầy ngồi, cái bàn tay thầy xòe ra khi nói, cái kính tuổi trễ trên sóng mũi, và giọng nói rổn rảng sang sảng... Tự nhiên cả 40 anh em đồng loạt vỗ tay và la ó lên, làm thầy phải ngừng nói, ngạc nhiên nhìn anh em. Thấy anh em ai cũng vui vẻ hân hoan, thầy hiểu ngay đó là một lối bày tỏ niềm vui sảng khoái của một tập thể. Chính bác Lư đã đứng ra giải thích: "xin thầy tha lỗi cho anh em ch1ung con, chúng con vỗ tay và làm ồn, vì nhìn thầy ngồi, nhìn cử chỉ của thầy và nghe thầy nói chúng con thấy rõ đúng là hình ảnh của thầy từ ba mươi năm về trước. Hình ảnh này tiềm ẩn trong ký ức từ thuở ấu thơ, nên hôm nay thấy hiện ra quá sống động, chúng con sàng khoái quá nên không ngăn nổi cảm xúc..."
Sau đó trong anh em, người thì xin phép đứng ra bắt chước cái lối nhịp thước kẻ trên bàn của thầy Phan văn Hạnh, người thì bỏ tay vào túi quần đi quanh trong phòng bắt chước dáng điệu của thầy Phi, người thì lên bảng bắt chước chữ ký của từng thầy... Các thầy cảm động ra mặt, không ai ngờ học trò nhớ kỹ mình đến thế. Có ông trung tá Minh đứng lên kẹp điếu thuốc giữa hai ngón tay, đưa miệng vào hút, ngẩng mặt lên khói ra ở mũi... Không một lời giải thích, mà ai nấy đều thấy rõ đó là lối hút thuốc của thầy Bửu Tháp.
Mỗi năm có một bữa ăn như vậy thật vui vô cùng. Vui nhất là quí vị thầy cũ của bố. Học trò của những vị này tản mác khắp bốn phương trời, người còn cũng nhiều mà người mất cũng nhiều, không sao kiểm điểm cho hết. Trong số 40 anh em họp mỗi cuối năm, đầy đủ các thành phần và nghề nghiệp địa vị trong xã hội. Từ một anh chủ lò mì, một anh tài xế, một ông công chức, một bác sĩ, một thợ máy, một cầu thủ bóng tròn, một nghị sĩ, một người từng làm tỉnh trưởng, tổng trưởng... tất cả đều quây quần với nhau, cởi mở và thân ái như thuở nào. Có thể ngoài đời, những người này là hạng du đãng, hạng mô phạm hay là thứ hét ra lửa, nhưng khi họp nhau trước các vị thầy cũ, già yếu, họ khép nép ngoan ngoãn, lễ độ như thuở nào họ còn nhỏ dại đang được các thầy chăm sóc... Chính thầy Lê văn Trinh đã nói: "Thầy không biết ở xã hội các anh làm việc gì, nhưng bây giờ trước mặt thầy, các anh chỉ là học trò của thầy."
Quả thế. Trước mặt các thầy, cũng như hình ảnh dĩ vãng của các thầy, bố vẫn là người học trò... Mỗi lời răn dạy khuyên bảo của thầy mãi mãi vẫn là những lời hữu ích, bố phải ghi tạc vào lòng. Bố nghĩ rằng những kẻ quay lại phỉ báng một vị thầy cũ, cũng chẳng khác nào một đứa con bất hiếu. Một chữ cũng là công ơn của thầy, mà nửa chữ cũng là công ơn của thầy. Người xưa đã nói thế con ạ.
Con ơi, bố phải đi điếu thầy cũ của bố. Suốt cuộc đời thầy, thầy đã góp công đào tạo biết bao nhiêu kẻ thành người. Thầy bao giờ cũng muốn cho học trò mình được thành công ở đời. Bố thất bại nhiều là lỗi ở bố không chịu nghe lời răn dạy của các thầy, là tại hoàn cảnh không cho phép bố thành công, còn thầy lúc nào cũng hãnh diện thấy học trò của mình làm nên, mong muốn cho học trò mình thành đạt vẻ vang... Còn thầy ba mươi năm dạy dỗ, trở về già thầy vẫn ra vào trong gian nhà tranh cố hữu ở đường Lê Huân...
Bố phải đến lạy vong hồn thầy, tiễn đưa thầy qua bên kia cuộc sống. Phương Nga con, con nhớ nghe lời bố mà vâng lời chỉ dạy của thầy và cô của con, nghe con...
NGUYỄN KHẮC TRIỆU
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 158, ra ngày 1-8-1971)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét