Sáng nay Thủy đến trường thật sớm. Vào lớp, Thủy đưa mắt tìm Vân ngay, nhưng chẳng thấy Vân đâu. Thủy nhìn ra sân chờ đợi. Thời gian qua mau. Sắp đến giờ học rồi. Thủy thất vọng. Bóng Vân mù mịt. Vân đã lỗi hẹn. Chiều qua, trước khi chia tay về nhà, Thủy dặn Vân sáng mai nhớ đi sớm, thật sớm hơn thường ngày để ra sau vườn hoa bắt bướm ép tập chơi. Vân gật đầu nói Thủy đừng có lo, Vân sẽ đi sớm, sớm nhất thế giới. Thủy bật cười vì câu nói khôi hài của bạn… Thế mà bây giờ, Vân đã quên, đã lỗi hẹn. Thủy nghe giận Vân vô cùng. Thủy tiếc rẻ một buổi sáng đẹp trời như hôm nay.
Tiếng chuông reo. Thủy bỏ bàn học, ra ngoài, xếp hàng. Vẫn chẳng thấy Vân. Bây giờ Thủy chợt nghe lo cho Vân nhiều hơn là giận Vân. Chắc Vân có điều gì bận rộn. Nhưng điều ấy có thiệt gì cho Vân không?
Khi đã ngồi vào bàn học rồi, Thủy vẫn ngó mông ra ngoài. Bầu trời xanh và trong. Khu vườn trước mặt dường như đẹp hơn thường ngày. Trong một góc vườn, vài cánh bướm bay chập chờn. Những cánh bướm mà Thủy ao ước được ép nhẹ nhàng, thật nhẹ nhàng trên những trang giấy nguyên trinh. Nhưng, hôm nay, Vân đã nghỉ học, những cánh bướm đẹp đó sẽ bay đi, và Thủy sẽ còn ao ước mãi.
Tiếng gõ thước của thầy Dương làm Thủy giật mình, ngó vội lên bảng đen. Vừa lúc Vân chợt xuất hiện trước cửa lớp, rụt rè, ngần ngại, phân vân. Và Vân bước vào lớp với những bước thật nhẹ, thật e dè, trước những cặp mắt soi mói của bạn bè. Vân đến ngồi bên Thủy, nhìn Thủy, nhưng Thủy quay đi. Tiếng thầy Dương vẫn trầm đều. Vân biết Thủy giận mình, nhưng cũng không biết nói gì.
Lát sau, có thông cáo của văn phòng Hiệu Trưởng đưa lên. Thông cáo nói về sự cứu giúp đối với nạn lụt miền Tây. Cả lớp yên lặng sau khi thông cáo đó được đọc lên. Mọi người như có vẻ suy nghĩ.
Thầy Dương không tiếp tục bài học, nói thêm về ý nghĩa của sự cứu giúp. Sau khi nói sơ qua những địa thế của những nơi bị lụt, cũng như mực nước cao nhất đến thấp nhất của những nơi ấy, thầy nhấn mạnh:
– Đây là một cuộc cứu trợ thật cấp thời đối với các nạn nhân thủy tai. Chúng ta, những người sống yên ổn, những người may mắn không bị thủy họa đe dọa mạng sống và tài sản, không có quyền khoanh tay ngồi nhìn người đồng loại bị nước lũ cuốn đi, cũng như không có quyền an vui trước cảnh màn trời chiếu nước của hàng vạn đồng bào ruột thịt chúng ta. Dù một bát gạo thừa, dù một chén cơm khô, dù một manh áo vải, chúng ta ít nhất cũng cần phải làm một cái gì có ý nghĩa trước tai nạn ghê gớm đó.
Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Chúng ta đã từng đi sâu vào chi tiết của câu tục ngữ đó, nhưng có lẽ chưa được thực hành cho đúng nghĩa. Vậy thì, bây giờ, hoàn cảnh bi thương của đồng bào miền Tây đã hiển hiện trước mắt, chúng ta còn đợi gì nữa, hãy hăng hái lên, làm một việc thiện giúp đỡ những người cùng tổ quốc thân yêu.
Tiếng thầy Dương cất cao lên, trầm dần xuống, loãng đi trong vùng im lặng, cả lớp bất động. Những cặp mắt nai tơ bắt đầu nhíu lại suy tư.
Lại tiếng thầy Dương:
– Bắt đầu từ giờ nầy, chúng ta hãy phát động một phong trào cứu lụt miền Tây. Chúng ta hãy đem hoặc tiền mặt hoặc quần áo vật dụng đến đây để góp phần giúp đỡ đồng bào nạn nhân. Đây là công cuộc từ thiện, không bắt buộc đóng ít hay nhiều, chỉ quý ở tấm lòng vàng của chúng ta mà thôi. Phong trào nầy được phát động trong hai ngày, quá hai ngày đó các trò hãy đem các vật dụng đến các tổ chức từ thiện xã hội khác, ngoài học đường.
Ở đây, tôi cũng cho các trò biết, vì thiếu thốn phương tiện, nên các cuộc lạc quyên không được thành hình. Do đó chỉ tổ chức lạc quyên trong phạm vi nhà trường mà thôi.
Thầy vừa dứt lời, trăm bàn tay giơ cao lên, giơ cao lên với những đồng bạc dùng tiêu quà sáng. Thầy Dương cảm động trước tấm lòng vàng của những cô học trò còn hồn nhiên bé bỏng. Thầy chớp mắt mấy cái, sung sướng với cái công trình dạy dỗ uốn nắn của mình từ bấy lâu nay.
Từ nãy giờ, Vân vẫn suy nghĩ nhiều về lời nói của thầy Dương. Hình ảnh những bể nước mênh mông trắng xóa, những gia đình nheo nhóc với cảnh chiếu nước màn sương càng hiện rõ trước mắt Vân. Vân thấy mình muốn khóc lên vì cảm động. Ôi! Những cặp mắt trẻ thơ trên những biển nước tàn bạo. Định mệnh tàn nhẫn quá, đã làm cho quê hương nầy tan nát vì chiến tranh, giờ lại càng tan nát hơn vì thủy họa.
Những bàn tay của các bạn cùng lớp đã vươn lên đóng góp cứu lụt, nhưng hãy còn thiếu bàn tay của Vân. Mắt Vân dán chặt xuống bàn, vẻ suy tư. Vân thấy mình lạc lõng giữa những tấm lòng nhân từ của các bạn. Vân thấy tủi thẹn lạ. Đâu phải Vân không có lòng hảo tâm nhưng nhà Vân nghèo quá, nghèo đến nỗi khi đi học, Vân chỉ ăn qua loa vài chén cơm nguội cho đỡ dạ, ngoài ra Vân không bao giờ có tiền để tiêu quà vặt. Cha Vân trước đây vì một tai nạn rủi ro, đã bị tàn phế thân thể. Do đó ông không còn làm gì được nữa. Gánh nặng gia đình đổ trút hết cho má Vân. Má Vân lo tất cả. Ngần ấy, đối với Vân là cả một ơn nghĩa cao nặng. Vì thế, Vân không muốn đòi hỏi thêm gì má nữa.
Một bàn tay đặt lên vai Vân. Vân quay lại.
– Vân đóng tiền chưa?
Vân khẽ lắc đầu:
– Chưa Tuyến à.
Tuyến trợn mắt:
– Sao vậy? Chắc Vân để quên tiền ở nhà hả. Vân lấy của Tuyến nè.
Vân cảm động:
– Cám ơn Tuyến. Nhưng Vân không nhận đâu.
– Có gì Vân phải ngại.
Mặc cho Tuyến nài ép, Vân vẫn cương quyết từ chối. Vì Vân nghĩ đây là một việc cứu giúp, một công cuộc từ thiện, phải do đồng tiền nhịn quà của chính mình mới đáng quý.
Hờn dỗi, Tuyến quay đi. Vân đưa tay ôm mặt…
*
Vừa vá xong chiếc áo cuối cùng, Vân nghe ngoài ngõ tiếng chó sủa, rồi tiếng xe thắng rít. Vân chồm ra ngoài:
– Ồ! Loan… vào đây!
Loan dựng xe vào gốc cây, theo Vân bước vào nhà.
– Sao Loan, việc xong rồi chứ?
Loan mỉm cười:
– Xong hay không cũng để yên đó. Bây giờ cô nương cho tôi ly nước uống đi. Khát muốn cháy cổ đây nè.
Đỡ ly nước trên tay Vân, Loan đưa lên miệng uống ừng ực. Vân nhìn Loan, lòng dâng niềm thương yêu vô vàn.
Loan móc trong túi ra một xấp giấy dầy cộm. Loan kéo Vân gồi bên. Tim Vân đập mạnh lên. Vân hồi hộp.
– Đây là giấy phép của bộ xã hội cấp cho trường Loan đó. Bản nầy là bản sao, nhưng cũng dùng tạm được, vì có chữ ký thị thực của chánh quyền. Đây là xấp giấy huy hiệu để mình gắn vào áo người hảo tâm. Đầy đủ chứ “nàng Mây”?
Vân siết mạnh tay Loan:
– Cám ơn Loan thật nhiều.
– Đó, cô lại khách sáo rồi. Thôi bỏ đi tám.
Cả hai cười to lên. Loan hỏi:
– Chừng nào Vân đi?
– Có lẽ ngay chiều nay.
– Mấy giờ?
– 3 giờ.
– Mình Vân thôi sao?
– Có lẽ Vân sẽ kéo thêm em Vân và vài bạn khác.
– Nhớ chờ Loan với nghen.
Vân nắm tay bạn:
– Loan cũng đi nữa sao? Thôi ở nhà dưỡng sức đi, đi nguyên hai ngày trời rồi không mệt sao? Đố khỏi bịnh đó nghen.
Loan lắc đầu:
– Ồ! Sức mấy mà Loan bịnh được. Loan nhứt định đi theo Vân đó.
*
Vân về nhà khi trời vừa chụp tối. Ngõ hẻm vắng tanh. Tiếng côn trùng bắt đầu vang vọng khắp nơi. Loan đã chia tay bọn Vân về nhà từ khi bạn cảm thấy choáng váng mặt mày. Có lẽ qua những ngày dốc toàn lực cho nhiệm vụ, những ngày đi giữa trời nắng chang chang, Loan đã bị cảm nặng. Vân muốn khóc khi thấy Loan đi bước xiêu bước vẹo. Vân muốn dìu bạn về nhà, nhưng Loan không chịu, vả lại Vân còn cả một gánh nặng đang chờ.
Đó là dìu dắt những người bạn đi lạc quyên suốt cả buổi chiều ở khu phố hạng trung.
Vân đã tỏ ra là một người lãnh đạo thật gương mẫu dù mệt mỏi lắm vẫn chẳng than phiền gì. Bọn Vân chia nhau vào từng nhà một, nói rõ ý nghĩa của cuộc lạc quyên và kêu gọi đóng góp. Bọn Vân được hưởng ứng nhiệt liệt. Chỉ ở khu phố nhỏ nầy, bọn Vân đã thu được một số tiền mặt kha khá và những vải vóc tương đối. Ngần ấy đã là những dòng nước ngọt mát xoa dịu cơn mệt mỏi đang vây quấn bọn Vân.
Sáng nay Vân đã nghỉ học, và có lẽ sáng mai cũng thế. Vân biết như vậy mình đã gây một hiểu lầm cho cả lớp kể cả thầy Dương. Họ sẽ nói gì về Vân? Nói Vân trốn nhiệm vụ chăng? Nhưng Vân đã yên tâm khi biết rồi đây hiểu lầm ấy sẽ bị phá tan bằng hành động của Vân đang làm.
Dùng qua loa vài chén cơm, không nghỉ ngơi, Vân sắp xếp gọn ghẽ những vật dụng thu được. Vân muốn ứa nước mắt trước những chiếc áo đủ cỡ, có chiếc vá víu chằng chịt, có chiếc còn nguyên lành thơm mùi long não. Rồi đây những chiếc áo đơn sơ nầy sẽ được khoác lên cho những gia đình bị con nước tàn phá nhà cửa. Họ sẽ nghe ấm lại giữa những cơn gió lạnh xé da. Họ sẽ thấy mình không bị bỏ rơi, rồi niềm hy vọng bắt đầu len dậy.
Có tiếng động phía sau vân. Vân quay lại. Ba Vân đang khập khễnh chống nạng đến bên Vân. Ông đi một cách khó nhọc dù có sự dìu đỡ của Nga, em Vân.
Tiếng ba Vân:
– Con đi lạc quyên được nhiều không Vân?
– Dạ cũng khá nhiều.
– Ngày mai có đi nữa không?
Vân gật đầu:
– Dạ, có.
Vân quay về phía Nga:
– Nga. Sao không đi ngủ cho đỡ mệt đi. Ngồi đó làm chi?
Nga phụng phịu:
– Em chưa buồn ngủ.
– Chưa buồn ngủ cũng phải đi nằm một chút cho đỡ mệt chứ em ngồi hoài vậy…
Ba Vân tiếp lời:
– Chị con nói phải đó Nga. Đi ngủ đi con. Ngày mai còn đi nữa.
Nga nghe lời, phóng lên giường nằm yên, lát sau đã ngủ khò.
Tiếng Vân:
– Con Nga thật khỏe ghê. Đi suốt ngày mà chẳng than mệt, than mỏi gì cả. Có thể nói nó là người hăng hái nhứt trong bọn đó ba.
Ba Vân đưa tách nước lên miệng uống, nhìn con với vẻ hài lòng…
*
– Chị Vân ơi! Chúng mình đi khu phố nầy rồi mà.
Đang đi trước, nghe em nói, Vân giật mình quay lại:
– Thật sao Nga?
Nga nói với vẻ chắc chắn:
– Thật mà, nè, chị coi căn nhà thuốc tây Tân-Lập đó. Hôm qua, khi mình vô, một con chó bẹc giê nhảy ra và chị…
Vân bịt miệng em lại, đôi má bắt đầu đỏ ửng:
– Thôi, đừng… nhắc nữa. chị nhớ ra rồi.
Kim nắm tay Vân:
– Thôi ta trở lại đi.
Vân đề nghị:
– Bây giờ tụi mình rẽ vào hẻm nầy đi. O.K không?
– O.K!
Cả bọn tiến sâu vào hẻm.
– Chị Vân. Em và Kim vào nhà nầy nghen.
– Ừ! Nhưng coi chừng chó đó.
Kim và Vân đồng nở nụ cười. Kim gõ cửa nhè nhẹ.
Lát sau, có tiếng guốc lẹp xẹp.
Tiếng một cụ già:
– Các cháu muốn hỏi ai?
– Dạ, thưa cụ, chúng cháu là học sinh trường VT, hôm nay chúng cháu đến với…
Như đã đọc thấy bảng tên trên ngực áo của Kim, cụ già ngắt lời Nga:
– A! Già biết rồi. Hôm nay các cháu đến để quyên tiền cứu lụt chớ gì? Các cháu vào đây, ngồi uống nước đi, chờ già một chút nghe.
– Dạ.
Không đầy phút sau, cụ già trở ra với một bọc gạo đựng trong bao ni- lông và một số quần áo trẻ em.
Cụ già nói:
– Vì già nghèo quá, nên không có gì ngoài những vật mọn nầy, các cháu đừng chê nghen.
– Dạ chúng cháu đâu dám thế. Trái lại, chúng cháu thay mặt những nạn nhân bị lụt, thành thật cám ơn cụ thật nhiều.
Kim và Vân kiếu từ lui ra. Cụ già nói vói theo:
– Trời ơi! Đi xa xuôi mà không cháu nào đem theo nón cả, đen da hết làm sao?
Kim quay lại cười thật tươi. Bỗng Kim la lên:
– Chị Vân đâu rồi Nga?
Nga cũng hoảng hốt:
– Hồi nãy chỉ nói chỉ đứng ở đây mà?
Kim đưa tay chỉ về xa:
– Đâu, mình lại đàng kia coi.
Hai người hì hục khuân gói đồ lên vai, điệu bộ thật khó nhọc.
– Ủa, chị Vân kìa Nga.
Nga nhìn theo tay Kim. Vân cùng hai người bạn đường nữa đang đứng cạnh hai bao gạo thật to. Nga há hốc mồm ngạc nhiên. Kim nói:
– Chị Vân đi đâu làm tụi em kiếm muốn hụt hơi. Tưởng chị bị ai bắt cóc rồi.
– Còn hai bao gạo nầy của ai chị?
Vân cười:
– Thì của mình quyên được chớ ai.
Kim la lên:
– Trời ơi! To quá làm sao khiêng nổi.
– Chị cũng đang phân vân quá đây. Không lẽ đứng canh chúng mãi.
Cả bọn bàn tán một hồi, nhưng không tìm được phương kế. Lúc đó bọn trẻ trong xóm tụ quanh bọn Vân thật đông, chúng cười nói ồn ào vô cùng. Có đứa hứng quá, bỗng hát lên:
– “Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè cứu lụt,
Từng giây từng phút
Hàng vạn người chờ… “
Bọn trẻ vỗ tay hoan hô nhiệt liệt câu hát đó. Bọn Vân cười trong nét thẹn.
Có tiếng hỏi:
– Sao mấy cô không đi nữa?
Vân ngước lên:
– Dạ vì hai bao gạo nầy nặng quá, tụi em lại không có xe.
Một thanh niên lực lưỡng rẽ đám đông bước vào:
– Tôi tình nguyện chở hai bao gạo nầy cho.
– Nhưng xe?
– Sẵn sàng đây.
Bọn trẻ vỗ tay ầm lên:
– Hoan nghinh anh Tư.
– Hoan nghinh “đại lực sĩ”.
Thật không còn gì diễn tả nỗi vui mừng của bọn Vân lúc ấy. Thế là nhờ chiếc xe ba bánh, bọn Vân được nhẹ người một lúc. Xong họ lại tiếp tục đoạn đường. Khu xóm lao động như chưa bao giờ vui như chiều nay. Bao nhiêu cặp mắt đều đổ dồn vào bọn Vân. Bọn Vân càng hăng hái lạ thường. Nhất là có bọn trẻ reo hò đàng sau.
Tới cuối xóm, Vân bảo:
– Bây giờ Vân vô nhà nầy nữa rồi chúng ta về nghe.
Cả bọn im lặng. Vân giải thích:
– Vì gần xế chiều rồi, chúng mình lại chưa có gì trong bụng cả. Vả lại Vân còn phải đem đồ đến trường ngay chiều nay. Sáng mai thì hết hạn rồi.
Tiếng vỗ tay đồng ý. Vân tiến vội vào căn nhà sơn trắng, cửa xanh. Một người đàn bà đứng tuổi hỏi Vân tìm ai. Vân nói rõ ý muốn. Người đàn bà mời Vân vào nhà chơi, rồi quay vào trong gọi:
– Thủy ơi! Ra tiếp chuyện với cô đi con.
Nghe tới tiếng Thủy, Vân giật mình. Có lẽ nào? Vân nhìn vào nhà trong. Một người con gái trạc bằng tuổi Vân bước ra. Mái tóc che khuất vầng trán. Vân hồi hộp.
– Ô kìa! Vân.
– Thủy…
Hai vòng tay siết lấy nhau. Thủy nói trong hơi thở:
-Thủy thật không ngờ.
Vân lảng sang chuyện khác:
– Lớp dạo này ra sao, Thủy?
– Vẫn vậy. Nhưng vắng Vân.
– Còn cuộc đóng góp cứu lụt?
– Không mấy khả quan, nhưng cũng gọi là tạm được.
Thủy hỏi lại:
– Sao Vân đi lạc quyên được?
– Nhờ một người bạn. Người bạn nầy đã xin trường giấy ủy quyền rồi đem chứng thực ở quận.
– Vậy mà Vân không nói cho Thủy biết với.
– Cũng muốn nói với Thủy nhưng hơi ngại.
Người đàn bà lúc nãy đã bước ra. Trên tay, một gói giấy gọn gàng và một bao gạo trĩu nặng. Tiếng người đàn bà hỏi:
– Bộ hai đứa quen nhau sao?
Thủy gật đầu:
– Dạ, quen. Vân đây là bạn học cùng lớp với con.
– Thế sao Vân đi lạc quyên mà con thì không?
Vân đỡ lời:
– Dạ, tại vì cháu đi cho một trường khác.
Ánh mắt Thủy lướt nhẹ về Vân tỏ ý cám ơn. Người đàn bà hối Thủy:
– Thôi! Thủy, phụ với má và Vân đem bao gạo nầy ra đi.
Tiếng Thủy:
– Ố là la! Nặng quá Vân ơi!
VŨ CHINH
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 60, ra ngày 1-1-1967)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét