Hôm nay thứ mấy? Ngày mấy? Chừng nào đến ngày lễ? Nhìn lên tấm lịch, ta đã tìm thấy câu trả lời. Tấm lịch thật giản dị, vậy mà người ta phải tốn hằng thế kỷ mới đem đến công trình nầy.
Thật vậy, muốn tìm hiểu gốc tích của lịch, ta phải ngược lại thời gian, lâu lắm, có lẽ vào thời con người vừa sáng chế chữ viết.
Thuở xa xưa ấy, người ta bắt đầu đếm từng ngày hoặc đếm từng đêm, chứ chưa quan niệm ngày và đêm là một như chúng ta ngày nay.
Nhưng chừng người đời trước căn cứ vào đêm nhiều hơn. Đêm đến, họ nhìn lên bầu trời, và điều làm họ chú ý nhất là sự thay đổi của mặt trăng. Trăng tròn, rồi khuyết dần từng đêm cho đến khi biến mất, rồi nó lại xuất hiện theo hiện tượng trở ngược như trên. Từ ngày trăng tròn này đến trăng tròn kia quả là một đơn vị đo thời gian khá chính xác nhất. Người ta mới đặt tên đơn vị ấy là tháng. Chữ Hán là “nguyệt”, cũng có nghĩa là mặt trăng. Trong tiếng Anh, “month” (tháng) cũng phát xuất từ chữ “moon” (mặt trăng).
Nhưng chừng người đời trước căn cứ vào đêm nhiều hơn. Đêm đến, họ nhìn lên bầu trời, và điều làm họ chú ý nhất là sự thay đổi của mặt trăng. Trăng tròn, rồi khuyết dần từng đêm cho đến khi biến mất, rồi nó lại xuất hiện theo hiện tượng trở ngược như trên. Từ ngày trăng tròn này đến trăng tròn kia quả là một đơn vị đo thời gian khá chính xác nhất. Người ta mới đặt tên đơn vị ấy là tháng. Chữ Hán là “nguyệt”, cũng có nghĩa là mặt trăng. Trong tiếng Anh, “month” (tháng) cũng phát xuất từ chữ “moon” (mặt trăng).
Sự chuyển vận của trái đất và mặt trăng trong thái dương hệ đã tạo ra lịch. Thật thế, trái đất xoay quanh chính trục của nó cho ta cái cảm tưởng mặt trời mọc và lặn, ngày và đêm từ ấy phát sinh. Việc mặt trăng xoay quanh trái đất tạo ra tháng và việc trái đất xoay quanh mặt trời tạo nên 4 mùa và thành một năm.
Tổ tiên chúng ta chưa biết sự chuyển vận ấy, họ chỉ nhận xét theo sự thay đổi thời tiết, nhiệt độ ánh sáng tại cùng một nơi rồi đặt tên như thế, cốt để ghi dấu thời gian. Vào lúc nầy, chưa ai có ý tưởng xếp đặt ngày, tháng, năm vào một hệ thống hẳn hoi ; dù biết rằng chu trình của trái đất quanh mặt trời khoảng 365 ngày. (Người ta biết được là nhờ óc nhận xét cứ 365 ngày thì thời tiết giống nhau một lần). Sự so le, không vừa vặn giữa ngày, tháng, năm làm cho người ta rối trí.
Rồi “đùng” một cái, các tay “thái sư” Babylone thực hiện một tấm lịch đầu tiên. Trong lịch này có tháng 29 ngày, có tháng 30 ngày và một năm 12 tháng. Nhưng chẳng bao lâu, tháng ghi trong lịch đã trượt ra khỏi mùa. (Chẳng hạn như tháng 12 là mùa đông thì chỉ vài mươi năm sau nó rơi vào mùa xuân hay mùa thu, có khi cả… mùa hạ nữa!)
Lúc ấy người Hy Lạp và La Mã cũng dùng lịch Babylone. Nhưng sau đó, một vài sự kiện chính trị tại La Mã đã biến đổi lịch sang một giai đoạn mới.
Thật thế, khi các nhà soạn lịch không ưa người cầm quyền, họ rút ngắn nhiệm kỳ các “đấng” này bằng cách không đặt thêm tháng nhuận vào năm thiếu. Mặt khác, nếu gặp người họ thích, các ông soạn lịch đặt thêm nhiều tháng nhuận nữa, mặc dù năm ấy đủ!
Khi Julius Caesar (César) lên lãnh đạo đế quốc La Mã thì tấm lịch đã đi đến chỗ quá tệ hại. Caesar quyết định bỏ âm lịch và yêu cầu các nhà thiên văn soạn một loại lịch mới. Lịch nầy căn cứ theo lịch người Ai Cập.
Người Ai Cập lấy sao Sirius làm chuẩn. Năm mới bắt đầu khi ngôi sao này xuất hiện ở chân trời phía Đông vào lúc bình minh.
Do tính ra một năm có 365 ngày một phần tư, các nhà thiên văn quyết định trong 3 năm liên tiếp có 365 ngày còn năm thứ tư có 366 ngày gọi là năm nhuần.
Vì lịch mới không cần căn cứ theo con trăng, các ông chia năm sao tùy ý. Cuối cùng họ đồng ý chia năm thành 12 tháng dài tương đương với nhau (giống lịch cũ).
Lúc đầu có 5 tháng 31 ngày (tháng lẻ) và 7 tháng 30 ngày (tháng chẵn). Nhưng người La Mã tin rằng số lẻ đem lại may mắn, họ lấy một ngày của tháng 2 (tháng chẵn) thêm vào một tháng x chẵn khác. Như thế có thêm 2 tháng lẻ nữa!
Sau khi tấm lịch hoàn thành, Julius Caesar chọn tháng bảy lấy tên ông. Do đó các ngôn ngữ bắt nguồn từ gốc Latin đều lấy chữ Julius cho tháng 7 như July (Anh), Juillet (Pháp).
Mấy năm sau, Augustus Caesar lên ngôi, tên ông này được đặt vào tháng kế tiếp (tháng tám) : August (Anh), Août (Pháp). Nhưng tháng của hoàng đế có 30 ngày, không được! Nhà soạn lịch lại lỉnh kỉnh rút một ngày của tháng hai thêm vào trong tháng tám. Cho đến ngày nay, tháng bảy và tháng tám đều lẻ cả. Lịch ni được gọi là lịch Caesar hay dương lịch cũng rứa.
Còn một ngày của năm nhuận được thêm vào tháng hai, 4 năm một lần.
Người ta dùng lịch này suốt 1.500 năm mới có ông Gregory phát giác một sự sai lầm trong lịch Caesar: âm thầm, từ tốn, các ngày lại trượt ra khỏi mùa!
Nhờ sự giúp đỡ của một nhà thiên văn người Ý, ông tìm thấy một năm không hoàn toàn đúng 365 ngày và một phần tư. Sau cuộc tìm tòi, ông đi đến kết luận năm chia chẵn cho 100 (số bội giác của 4) không phải là năm nhuần, mà năm chia chẵn cho 100 ấy nếu chia chẵn cho 400 thì cũng là năm nhuần.
Để sửa cho phù hợp với mùa, Gregory kéo dương lịch lên 10 ngày. Ngày 5 tháng 10 năm ấy được sửa lại thành ngày 15 (1582).
Tại các xứ nói tiếng Anh, mãi đến năm 1752 mới chấp nhận sự sửa đổi. Lúc ấy số ngày trượt lên đến 11 ngày. Nhiều người cho rằng họ “giảm thọ” hết 11 ngày. Thế là thiên hạ ào ào xuống đường, rất sôi động và vĩ đại với khẩu hiệu: “Trả lại 11 ngày sống của chúng tôi”!
Cùng lúc, năm mới của lịch Caesar được chọn là ngày 1 tháng giêng thay vì ngày 25 tháng ba như lúc trước.
Với sự bành trướng kỹ nghệ bên Âu Châu thế kỷ XVIII, XIX, các nước nầy đi chiếm đất làm thuộc địa ở Á cũng như Phi, làm dương lịch càng ngày càng trở nên quan trọng.
Hiện nay phần lớn các nước trên thế giới đều dùng dương lịch một cách chính thức để có thể liên lạc dễ dàng với nhau.
Ngoài dương lịch còn có Phật lịch (căn cứ theo âm lịch) thường chỉ dùng trong việc tế tự, lịch Do thái, lịch đạo Hồi… Các năm theo các lịch nầy cũng dài tương đương với dương lịch. Như năm nay:
- Theo dương lịch (Căn cứ năm Thiên Chúa giáng sinh) là năm 1970.
- Theo Phật lịch (căn cứ năm Phật đản sinh) là năm 2514
- Theo Hồi lịch là năm 1389.
- Theo Do thái lịch là năm 5731.
Mới đây, một số quốc gia đã dùng Thế giới lịch, hình thức cũng tương tự như dương lịch, nhưng có vài điểm khác biệt như tháng hai có 30 ngày (thay vì 28 ngày), năm nhuần thêm một ngày vào cuối tháng sáu v.v…
Và dẫu thế nào chăng nữa, công trình của những người đi trước đã đem lại cho chúng ta một bảng thời biểu để ghi dấu thời gian. Công trình ấy, kết quả ấy – nếu nhận xét cho kỹ – đã giúp ta rất nhiều trong những công việc hằng ngày, ngay những lúc nhìn lại quá khứ hay nghĩ đến tương lai…
ĐÌNH sưu tầm
(Theo Encyclopeda Golden Press)
(Theo Encyclopeda Golden Press)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 137, ra ngày 15-9-1970)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét