Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

Tản mạn về bìa báo Xuân ngày xưa - TRẦN VIẾT NGẠC

Báo Xuân xưa nay luôn là số báo đẹp nhất, phong phú nhất trong một năm. Bài vở số Xuân được tòa soạn đặt bài trước cho các cây bút thân quen, nổi tiếng từ mấy tháng trước.



Bìa báo số Xuân phải đẹp, ý nghĩa, hấp dẫn độc giả, phải nổi bật giữa các tờ báo Xuân khác.

Báo Xuân còn được xem là quà tặng trang nhã, lịch sự để mua tặng bạn bè, người thân.

Vào thời chúng tôi còn đi học, hơn nửa thế kỷ trước đây, học sinh trung học thường mua những tờ báo Xuân đẹp nhất, bọc giấy kiếng để tặng thầy cô cùng với một bình hoa chưng Tết vào những giờ cuối năm trước khi nghỉ Tết. Phòng khách của nhà giáo ở Huế đầy ắp những tờ báo Xuân màu sắc tươi đẹp cùng với những bình hoa do học sinh tặng.

Bìa báo Xuân thường do các họa sĩ nổi tiếng vẽ.

Tôi còn thấy những bìa báo tuyệt đẹp như số Mùa Xuân Ngày Nay (1937) do hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí sáng tác, số Tết Ngày Nay (1940) do danh họa Tô Ngọc Vân.

Bìa tờ Phong Hóa do hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường (Lemur). Họ đều xuất thân từ trường Mỹ Thuật Đông Dương.



Nói đến bìa báo Xuân ngày xưa mà không đề cập đền bìa báo Xuân Canh Tý (1960) của nhật báo Tự Do xuất bản ở Sài Gòn là một thiếu sót khó được tha thứ, bởi lẽ đó là một sự kiện quan trọng trong lịch sử báo chí.

Canh Tý, đề tài Chuột là thích hợp hơn cả. Không phải một con chuột mà đến năm con chuột. Kích cỡ lớn nhỏ, màu sắc đậm nhạt khác nhau, năm con chuột đang đục khoét tan hoang một quả dưa hấu đỏ, vỏ dưa màu vàng! Cẩn thận, tác giả còn ghi chữ Canh Tý bằng Hán văn lên góc trái bức tranh. Có điều khác thường là không có tên tác giả, vừa có vẻ đẹp của một bức họa dân gian vừa trông như một bức tranh sơn mài truyền thống, có thể cắt ra để treo ở phòng khách.
Bìa báo tết Ngày Nay 1937 Bìa báo xuân Canh Tý của báo “Tự Do”. 1960

Và thế là có nhiều độc giả cắt bìa báo Xuân Canh Tý để treo làm Tranh Tết dân gian trong phòng khách. Họ lại có sáng kiến treo ngược bức tranh: Vỏ quả dưa màu vàng nổi bật trên nền màu đỏ. Chẳng ai biết hoạ sĩ muốn gửi gắm điều gì. Muốn hiểu chỉ có cách suy đoán, suy diễn.

Dưa hấu đỏ là trái cây không thể thiếu trên bàn thờ ngày Tết của Miền Nam. Chưng trong phòng khách, rồi hết ba ngày Tết, quả dưa được bổ ra để đoán vận mệnh của gia chủ. Ruột đỏ, không xốp và ngọt là điềm gia chủ sẽ hạnh phúc phát tài, phát lộc… trong năm mới!

Nhưng có ai đó đã suy diễn theo chiều bất lợi cho tòa soạn và tác giả bức họa. “Họ” đem suy diễn đó mách lẻo với Dinh Độc Lập. Rằng năm con chuột là ám chỉ năm anh em gia tộc họ Ngô và quả dưa đỏ bị đục khoét tan hoang là có hình thể bản đồ đất nước.

Hậu quả là cơn giận dữ của chính quyền bùng lên. Bức tranh bìa không ký tên thì lấy ai mà “bắt bỏ bót”! Thế là vào ngày mồng năm Tết Canh Tý, một đội cảnh sát đến đập tan hoang tòa soạn báo Tự Do và hốt hết các tờ báo Xuân chưa phát hành hết ở tòa soạn.

Thế thì vô tình, ý nghĩa của bìa tờ báo đã được chính quyền xác nhận, năm con chuột tự nhiên có tên tuổi và quả dưa đỏ tan nát là hình ảnh đất nước!

Nhưng phải tìm cho ra ai là tác giả của tranh bìa báo. Phải chăng là Phạm Tăng (?), họa sĩ đã chuyên vẽ hý hoạ và biếm hoạ cho tờ báo lâu nay. Ông cũng đã từng bị bắt bỏ bót Catinat 3 tuần vào năm 1958.

Có thể tòa soạn đã khai cho Phạm Tăng vì Phạm Tăng đã đi du học ở Ý năm 1959. Thế là dư luận cũng cho Phạm Tăng là tác giả, ngoài ông ra ai mà dám “giỡn mặt” nếu không ở ngoài vòng cương tỏa.

Nhà văn Bửu Ý cũng tin như thế cho nên khi có dịp gặp Phạm Tăng ở Paris, ông cũng không tìm hiểu thêm.

Vậy mà cách đây năm năm (2012), tình cờ tôi được đọc một bài báo trên mạng. Tôi chú ý vì cái tên người bạn cũ, Xuân Đài.

Bạn tôi đã công phu tìm hiểu ai là tác giả đích thực. Ông liên lạc với thư viện Đại học Cornell (Mỹ) để có được phóng ảnh của bìa tờ báo Tự Do Xuân Canh Tý. Đại học Cornell là nơi lưu giữ tất cả những ấn phẩm sách báo của miền Nam từ năm 1954 đến 1975. Có ảnh bìa báo Xuân rồi, ông tìm cách tiếp cận những thông tin từ nhiều nguồn để xác minh. Nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con trai nhà văn Nhất Linh cho biết: “Vào năm 1960, trên bìa báo Tự Do xuân Canh Tý, xuất hiện bức tranh năm con chuột đang đục khoét một quả dưa đỏ.

… Người ta đoán mò họa sĩ Phạm Tăng là tác giả. Nhưng cha tôi cho chúng tôi biết tác giả là một người rất thân cận với ông: họa sĩ Nguyễn Gia Trí”. (Nguyễn Tường Thiết, Sự thật về cái chết của Nhất Linh).


Bìa báo Xuân Tự Do Canh Tý 1960 của HS Nguyễn Gia Trí - Ảnh: internet

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí chính là người gần gũi với Nhất Linh, đã vẽ bìa cho các sách của nhà xuất bản Phượng Giang do Nhất Linh chủ trương.

Xuân Đài lại nhờ một người bạn ở Paris và nhờ liên lạc với Phạm Tăng để xác minh… Phạm Tăng cho biết ông không phải là tác giả bìa báo Xuân Canh Tý của Tự Do. Tác giả chính là Nguyễn Gia Trí.

Con cháu Nguyễn Gia Trí hiện còn cũng xác nhận như vậy. Tôi mượn lời bạn tôi để kết thúc bài báo này: “Nguyễn Gia Trí là họa sĩ lớn của Việt Nam. Một nhân cách lớn. Trong sự nghiệp hội họa của ông, các nhà nghiên cứu ít khi nhắc đến bức tranh chuột này… nhưng bức tranh ấy đã có một vị trí đặc biệt trong lịch sử chính trị cũng như báo chí Việt Nam”.

T.V.N 
(TC Sông Hương 336/02-2017)

Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

Tủ sách "Tuổi Hoa" trở lại sau 50 năm - N.Huy

Sau hơn 50 năm, lần đầu tiên bộ sách "Tuổi Hoa" được Nhà Xuất bản Phương Nam và Công ty Sách Phương Nam chọn lọc, giới thiệu trở lại, giữ nguyên trình bày bìa sách cũ.

Theo đó, Hoa Đỏ gồm các cuốn: "Ngục thất giữa rừng già", "Tiếng chuông dưới đáy biển", "Pho tượng rồng vàng", "Mật lệnh U Đỏ"; Hoa Tím gồm: "Con đường lá me", "Ngày tháng nào"; Hoa Xanh gồm: "Chiếc lá thuộc bài", "Lòng mẹ".

Sách in mới của bộ sách “Tuổi Hoa”

"Là người đọc sách "Tuổi Hoa" từ khi còn đi học ở một vùng quê miền Trung, tôi có thể tự tin mà nói với các bạn rằng những cuốn sách này là một phần kỷ niệm thời niên thiếu của tôi, khiến bây giờ gặp lại lòng thấy hân hoan như gặp những người thân yêu thời thơ dại mà mình từng sẻ chia, tin cậy.Đời người như cây, trước khi cho quả là lúc kết nụ, nở hoa, tỏa hương khoe sắc. Muốn lưu giữ những kỷ niệm đẹp một thời không quay lại, bạn hãy làm quen với tủ sách này để có thể cảm nhận những bông hoa thời niên thiếu đang nở giữa lòng mình" - nhà văn Huỳnh Như Phương, giảng viên Trường Đại học KHXH&NV TP HCM, chia sẻ với bạn đọc về bộ sách.
N.Huy

Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

Kỷ Vật Cho Em - PHẠM DUY - LINH PHƯƠNG

KỶ VẬT CHO EM...
THƠ CỦA AI ?

Bài thơ liên-quan bản nhạc Kỷ-Vật Cho Em của Phạm-Duy

Hơn 40 năm dài, từ năm 1969. Tình cờ qua trang của lính, tôi đọc được một bài viết của anh Tr/Tá Bùi Đức-Lạc PB ND liên-quan đến người bạn ND quá-cố của tôi xin chia-xẻ cùng anh em.

Bài nhạc nổi danh của nhạc-sỹ Phạm-Duy đã được nhiều ca-sỹ hát đi hát lại, nói lên nổi lòng của anh em trẻ đi vào cuộc chiến thuở bấy giờ thật xúc-động và ngậm-ngùi !

Sự thật tác-giả không phải của Phương-Linh mà của Chuẩn-Nghị !

Chuẩn-Nghị tên thật là Nguyễn Đức-Nghị người Phan-Rang. Đi khóa 26 Thủ-Đức, anh ta viết nhiều thơ đăng trên báo Văn-Nghệ Tiền-Phong trong trang thơ của Lý Thụy-Ý phụ trách.

Năm 1969, tôi bị thương mới hồi-phục, Nghị đóng quân ở Bình-Điền khi lại thăm Nghị và các anh em trong đơn-vị cũ trong đó có Nguyễn-Trọng-Nhi, Trần Chí Mỹ, và các anh em khác.

Khi tâm-sự riêng với nhau, Nghị rất bực-tức về bài thơ mà anh làm gởi đăng báo Tiền-Phong lại được Phạm-Duy phổ-nhạc với tên tác-giả khác ! Người sĩ-quan trẻ trong đơn-vị Nghị nhờ đưa bài thơ này cho Lý Thụy-Ý lại giao cho nhạc-sỹ Phạm-Duy, thấy hay nên ông này làm bài nhạc luôn !

Trong bài thơ của Nghị là lời nhắn lại cho Nga người tình mà khi hữu-sự Nghị biên thư cho tôi trao cho cô ấy. Hoàn-cảnh đang bị bế-tắc vì mẹ cô Nga không thích Nghị người miền Bắc ! Sau đó khi đi hành-quân ở Tây-Ninh Nghị tử trận.

Chuyện khiếu-nại với Phạm-Duy kể như im luôn và bài nhạc được phổ – biến với lời thơ của Phương Linh mãi cho đến nay chỉ có một bài viết của anh cựu Tr/Tá Nhảy Dù Bùi Đức-Lạc đưa ra trở lại.

Bài thơ này Nghị viết bằng mực đỏ, cho tôi xem, nhưng vì lời thơ quá chán đời, tôi không chịu lấy, chỉ đọc qua thôi ! Trước khi tôi bị thương ở Vên Vên Đá Hàn, Nghị có tặng cho tôi bốn câu thơ cũng giọng thơ chán đời chết chóc, Nghị viết trong một miếng giấy khổ lớn cũng bằng mực đỏ và trao cho tôi trong phòng ngủ của đơn-vị, tôi cho là điềm xấu xé đi sau khi đọc nó.

Nghị nói : “Tao cho mày bốn câu thơ này làm kỷ-niệm ! Nếu tao có chết mày lấy ra đọc để nhớ tao !“

Tôi còn nhớ nó như sau :

“Ngày mai gục chết đau thương,

Thây ma vất-vưõng nơi phương trời nào .

Người yêu ai có nguyện cầu ?

Cỏ hoang xanh mọc lên màu lãng-quên ! “

(Chuẩn-Nghị)

Khi Nghi mất, đem xác về nghĩa-trang Quân-Đội Biên-Hoà, tôi và Nga có lên tiễn linh-cửu lần cuối-cùng để đưa về chôn ở PhanRang. Sau đây là bài thơ chánh mà Chuẩn Nghị viết lúc ấy gởi báo Tiền-Phong nhưng không đến. Xin gởi các bạn xem :

KỶ VẬT

Em hỏi anh bao giờ trở lại ?

Xin trả lời mai mốt anh về.

Anh trở về không bằng Mũ Đỏ Áo Hoa,

Anh trở về không bằng huy- chương chiến-thắng.

Anh trở về trong chiều hoang chiếu nắng,

Trong hòm gỗ hoặc trên chiếc băng -ca.

Anh trở về nằm giữa vòng hoa,

Những vòng hoa tang chan-hòa nước mắt.

Anh gởi về cho em vài kỷ-vật,

Đây chiếc nón sắt xuyên mấy lỗ đạn thù.

Nó đã từng che nắng che mưa,

Đã từng hứng cho anh giọt nước.

Chiều dừng quân nơi địa-đầu lạnh buốt,

Nấu vội-vàng trong đó nắm cơm khô.

Anh gởi cho em một tấm poncho,

Đã rách nát theo hình-hài năm tháng.

Lều dã-chiến trên đồi hoang cháy nắng,

Che cơn mưa gió lạnh buổi giao mùa.

Làm chiếc võng nằm nhìn đời lính đong-đưa,

Và….khi anh chết cũng poncho tẫn-liệm.

Nay anh gửi cho em làm kỷ-niệm,

Nhận không em chút tình lính này đây ?

Tình lính đơn-sơ vì chinh-chiến kéo dài,

Nhưng tình lính chỉ lạt phai

Khi hình-hài và con tim biến-thể.

Chuẩn-Nghị 1969.

Gởi các bạn một chút gì để nhớ lại thời son trẻ, mong những lời mọn này giải-tõa được u-uẫn của linh-hồn bạn tôi… Thân
Kỷ Vật Cho Em Nhạc Phạm Duy Thơ Linh Phương Trình bày Elvis Phương




Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

Con Tàu Định Mệnh - LAM PHƯƠNG

Mời mọi người xem bản nhạc "Con Tàu Định Mệnh" sáng tác trên tàu Trường Xuân 1975 với thủ bút và chữ ký của NS Lam Phương.
Nghe Con Tàu Định Mệnh - Mạnh Đình & Diệp Thanh Thanh (2001): https://soundcloud.com/chuongthien/con-tau-dinh-menh 


Một mình thôi-Anh Việt Thu-Thanh Tâm

Ngày xửa ngày xưa, xưa thật là xưa, nhớ mấy cho vừa, nhớ người ta kể chuyện xưa:
Có một ông thầy, từ miền tây xa xôi, vùng đất có cây lành trái ngọt, vượt qua bao nhiêu đò ngang, phà bắc, thầy đến với vùng đất Tây Ninh để dạy nhạc.
Có một cô học trò, cứ sau buổi học lại len lén trao thư cho thầy dạy nhạc. Ban đầu, thầy luôn khéo léo tìm cách từ chối đáp lại tình cảm cô học trò…
Hơn 5 năm sau gặp lại, tưởng rằng cô học trò ấy sẽ quên mình… “Một mình thôi” ra đời nhằm nhắc khéo cô học trò mình: xin đừng yêu thầy, khổ lắm, yêu chẳng được gì, cuối cùng thì cũng chỉ “Một mình thôi” em ơi.
Hồi xưa, tỏ tình người ta thường VIẾT THƯ. Nay, VIẾT THƯ tỏ tình chỉ là dĩ vãng.
*****
MỘT MÌNH THÔI
(Tác giả: Anh Việt Thu, Thanh Tâm)
Trang thư xanh EM lén trao ANH-
viết bằng mực tím- tím bông hoa cà,
mà hồi xưa, ANH thường hằng mơ ước:
ngày hợp hôn, ANH kết hoa để tặng EM.

Đêm năm xưa, có gió heo may,
gió đùa trên tóc, ngủ say bên lưng đèo;
Trả lại ANH con đường tình năm cũ,
đường tình ơi: ta với ta- MỘT MÌNH THÔI.

Nếu năm xưa, năm xưa ANH lỗi hẹn,
và mình đừng quen nhau.
Những ân tình ngày đó có bao nhiêu
thì dang dở- dở dang có đâu nhiều.
Kỷ niệm xưa, kỷ niệm buồn biết mấy;
thà quên đi như chúng ta chưa làm quen.
(Lời bài hát được trích chính xác tờ nhạc xuất bản ngày 16-10-1971)
*****




Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

Bến Xuân - VĂN CAO

♪♬´¯` BẾN XUÂN ´¯`♬♪
***************************************
@ Link nghe nhạc:
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

🎶 Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước. 
Em đến tôi một lần.
Bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân.
Từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ú ù u ú.
Cành đào hoen nắng chan hòa! 
Chim ca thương mến, chim ngân xa u ú ù u ú.
Hồn mùa ngây ngất trầm vương.
Dìu nhau theo dốc suối nơi ven đồi.
Còn thấy chim ghen lời âu yếm.
Tới đây chân bước cùng ngập ngừng.
Mắt em như dáng thuyền soi nước.
Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân.

Sương mênh mông che lấp kín non xanh.
Ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân.
Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca.
Cánh nhạn vào mây thiết tha.
Lưu luyến tình vừa qua…

🎶 Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác.
Em vắng tôi một chiều.
Bến nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu.
Từng đôi chim trong nắng khe khẽ ru u ú ù u ú.
Lệ mùa rơi lá chan hòa!
Chim reo thương nhớ, chim ngân xa u ú ù u ú.
Hồn mùa ngây ngất về đâu?
Người đi theo mưa gió xa muôn trùng.
Lần bước phiêu du về bến cũ.
Tới đây mây núi đồi chập chùng.
Liễu dương hơ tóc vàng trong nắng.
Gột áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn bến xuân

Sương mênh mông che lấp kín non xanh.
Ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân.
Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca.
Cánh nhạn vào mây thiết tha.
Lưu luyến tình vừa qua…




Lời mới của ca khúc Bến Xuân là ĐÀN CHIM VIỆT do nhạc sĩ Văn Cao viết vào năm 1944 khi ông theo Việt Minh. 
Phần lời này thoát khỏi tình cảm lãng mạn của đôi lứa ở bài BẾN XUÂN mà nó mang hình ảnh tượng trưng và gợi những tâm trạng của đoàn quân kháng chiến.

Về đây khi gió mùa thơm ngát.
Ôi lũ chim giang hồ.
Bao cánh đang cùng dật dờ trên khắp cố đô.
Từng đôi trên đất Bắc ríu rít ca u ú ù u ú.
Mờ mờ trong nắng ven trời. 
Chim reo thương nhớ, chim ngân xa u ú ù u ú.
Hồn còn vương vấn về xưa. 
Về nơi hoàng hôn Thái Nguyên tung hoành.
Từ Bắc Sơn kia thời tung cánh. 
Tới đây chim thấy lòng ngập ngừng. 
Nhớ ai trên mấy đồi Yên Thế. 
Kìa nước xa xa sông Gấm còn mịt mùng ngoài bến xuân. 

Chim đang bay qua Bắc sang Trung. 
Người Nam còn nghe lời chim nhắn lúc xa. 
Ai tha hương nghe réo rắt oanh ca. 
Cánh nhạn vào mây thiết tha. 
Lưu luyến một trời xa.


Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

Anh Còn Nợ Em: Cố Thi Sỹ Phạm Thành Tài & Nhạc Sỹ Anh Bằng

“Anh còn nợ em” là một trong những sáng tác cuối cùng của nhạc sỹ Anh Bằng. Bản này lần đầu tiên được giới thiệu ở hải ngoại vài năm trước và đã tạo ra một tiếng vang lớn. Sau đó hầu hết các ca sỹ theo đuổi dòng nhạc xưa đều ít nhất một lần thử giọng và giới thiệu “Anh còn nợ em” đến với rộng rãi công chúng yêu nhạc.

Phạm Thành Tài (1932-1997), quê hương ông, Quận Ninh Hòa thuộc miền Trung Việt, thùy dương cát trắng, xứ Trầm Hương (tỉnh Khánh Hòa). Ông từng là giảng sư đại học tại Đalat. Định cư tại Hoa kỳ 1991. Tốt nghiệp Bác sĩ Đông y/Hoa kỳ OMD 1995.
Làm thơ viết văn từ 1955.